27/12/2024 lúc 09:34 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng Nông thôn mới ở Thanh Hóa: Thành công từ trách nhiệm và đồng thuận

VNHn - Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm cụ thể hóa Nghị quyết T.Ư 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, các cấp ủy, tổ chức đảng ở tỉnh Thanh Hóa đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và cộng đồng trong chương trình xây dựng NTM.

VNHN- Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm cụ thể hóa Nghị quyết T.Ư 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, các cấp ủy, tổ chức đảng ở tỉnh Thanh Hóa đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và cộng đồng trong chương trình xây dựng NTM.

Mô hình NTM huyện Nga Sơn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với cả nước, công tác xây dựng nông thôn mới  ở Thanh Hóa đã thực sự trở thành sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, được cả hệ thống chính trị đồng lòng, chung sức vào cuộc. Kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa đã tạo ra bộ mặt mới cho vùng nông thôn và thành thị.

Triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trong điều kiện công việc mới, còn gặp những khó khăn nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa đã đạt được số lượng xã nhiều nhất cả nước 573 xã, chiếm 6,4% số xã xây dựng NTM toàn quốc.

Ngay sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia XDTNM được ban hành, tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện chương trình từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, bản. Cùng với đó, hệ thống văn phòng điều phối NTM cấp tỉnh, cấp huyện đã được thành lập, kiện toàn, tăng cường tính chuyên trách, chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ hướng dẫn của Trung ương và căn cứ tình hình thực tế, UBND tỉnh đã ban hành các bộ tiêu chí thôn, bản NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2019-2020 và sửa đổi một số nội dung bộ tiêu chí xã NTM nâng cao. Thành lập, kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2019-2020.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được triển khai toàn diện, rộng khắp và bằng nhiều hình thức từ tỉnh đến cơ sở với nhiều nội dung phong phú, đa dạng. Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh đã chủ động thực hiện các nội dung chức năng nhiệm vụ được giao, đôn đốc, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện xây dựng mô hình thôn, bản NTM kiểu mẫu; tham mưu tổ chức thành công Hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình xây dựng NMT 2018; triển khai kế hoạch 2019 đề án Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 -2020; tổ chức thẩm định đạt các tiêu chí xã NTM cho 71 xã thẩm tra, đánh giá kết quả thực hiện NTM của các huyện Đông Sơn, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc và thành phố Thanh Hóa, trình Trung ương thẩm định, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận; phối hợp tổ chức lễ công bố 05 đơn vị cấp huyện và 86 xã đạt chuẩn NTM. Phát hành bộ tài liệu hướng dẫn hồ sơ hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao; tham dự diễn đàn kết nối mạng lưới OCOP toàn cầu và hội chợ quốc tế OCOP năm 2019 tại thành phố Hồ Chí Minh…

Mô hình trồng rau công nghệ cao

Công tác tuyên truyền, tập huấn tham quan học tập kinh nghiệm được Văn phòng điều phối NTM triển khai, phối hợp các ngành, địa phương trong tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng NTM qua các Hội nghị từ tỉnh đến cơ sở và các thôn, bản; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như xây dựng các cụm pano, khẩu hiệu, băng rôn tuyên truyền về xây dựng NTM.

Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh đã biên tập, phát hành 12.000 cuốn/12 số bản tin NTM, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng và tham quan thực tế tại các địa phương trong và ngoài tỉnh cho 942 cán bộ xây dựng NTM các cấp; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức 02 lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về xây dựng NTM cho 577 người là chỉ huy trưởng, Ban chỉ huy Quân sự xã; các huyện đã tổ chức 22 lớp tập huấn kiến thức xây dựng NTM cho 1.980 cán bộ cấp xã, thôn, bản kiến thức xây dựng NTM.

Tổ chức 06 đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm xây dựng NTM và triển khai, thực hiện Chương trình OCOP tại các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Bắc Cạn, Thái Nguyên… Tổ chức 27 hội nghị OCOP cấp huyện tại 27 huyện, thị xã, thành phố và 03 Hội nghị OCOP cấp tỉnh với 4.845 lượt người tham dự. Tổ chức 06 lớp tập huấn, đào tạo kiến thức cho cán bộ quản lý điều hành Chương trình OCOP các cấp và đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình OCOP với số lượng 746 người. Năm 2019 UBND tỉnh phân bổ 25.390 triệu đồng vốn sự nghiệp Trung ương hỗ trợ các địa phương và đơn vị cấp tỉnh triển khai thực hiện các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đã có 222 mô hình phát triển sản xuất được các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện, trong đó có 117 mô hình trồng trọt, 60 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình nuôi trồng chế biến thủy sản, 9 mô hình cơ giới hóa sản xuất và 29 mô hình tổng hợp.

Về thực hiện đề án chương trình OCOP năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai mạnh mẽ và rộng khắp đến tất cả các Sở, ngành cấp tỉnh, các huyện, xã, doanh nghiệp, HTX và các hộ dân; đã đạt được kết quả trong năm 2019, có 57 sản phẩm tham gia chương trình OCOP; Chủ tịch UBND tỉnh đã công nhận 06 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 24 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh; Triển khai 03 dự án theo Chương trình OCOP Trống Đồng Đông Sơn và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ đồng tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa; Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại bản Kho Mường, xã Thành Sơn và Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại bản Hiêu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước.

Văn hóa truyền thống của dân tộc Mường - Thanh Hóa

Về kết quả thực hiện theo các tiêu chí huyện, xã, thôn bản  NTM  năm 2019 tỉnh Thanh Hóa đã có 05 đơn vị cấp huyện được thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (Quảng Xương, Đông Sơn, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, thành phố Thanh Hóa), đưa tổng số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM là 06 đơn vị; 02 đơn vị gồm Thị xã Bỉm Sơn, thành phố Sầm Sơn có 100% số xã đạt chuẩn NTM.

Trong năm 2019, toàn tỉnh có thêm 71 xã đạt chuẩn NTM (chỉ tiêu giao là 41 xã), nâng tổng số đạt chuẩn NMT trên địa bàn tỉnh đến nay 367 xã; bình quân đạt 16,7 tiêu chí/xã tăng 0,7 tiêu chí/xã so với năm 2018; có 02 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đối với thôn, bản năm 2019 có 154 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM (có 150 thôn, bản miền núi); nâng tổng số thôn, bản đạt chuẩn NTM đến nay 917 thôn, bản trong đó có 710 thôn, bản miền núi. Có 05 thôn, bản được các huyện quyết định công nhận thôn, bản NTM kiểu mẫu gồm: Thôn Xuân Lập, thôn Hòa Lâm (xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân); thôn Yên Thịnh (xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành) ; thôn Bái Sơn (xã Hà Tiến, huyện Hà Trung); thôn giáng (xã Quang Hiến huyện Lang Chánh). Tổng vốn huy động nguồn lực trong Chương trình xây dựng NTM năm 2019 đạt 10.493,145 tỷ đồng; Trong đó vốn trực tiếp cho Chương trình 3.502,68 tỷ đồng, chiếm 33,4% gồm: Ngân sách Trung ương 876,6 tỷ đồng; Ngân sách tỉnh 140 tỷ đồng; Ngân sách huyện 985,4 tỷ đồng; Ngân sách xã 1.500,680 tỷ đồng; vốn lồng ghép 2.650,8 tỷ đồng, chiếm 25,3%; Vốn tín dụng 2.200,5 tỷ đồng chiếm 20,97%; Vốn doanh nghiệp, HTX 581,45 tỷ đồng chiếm 5,5%. Vốn huy động từ cộng đồng dân cư: 1.557,715 tỷ đồng, chiếm 14,83%; Trong đó tiền mặt 390,658 tỷ đồng; ngày công , vật liệu, hiến đất, chính trang nhà ở 1.167,057 tỷ đồng.

Phòng điều phối XDNTM đi thực tế mô hình mây tre đan

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, tỉnh đã rút ra những bài học kinh nghiệm, đó là: Phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể; trong đó, vai trò của người đứng đầu là nhân tố quyết định. Xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai thực hiện sát với thực tiễn của từng địa phương, cơ sở; ban hành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích XDNTM. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, các thành viên BCĐ các cấp trong chỉ đạo hướng dẫn thực hiện các nội dung XDNTM. Coi trọng công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là huy động nguồn lực trong nhân dân; lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình, dự án đang thực hiện trên địa bàn phục vụ XDNTM…. Trong XDNTM phải thực sự phát huy dân chủ, bảo đảm công khai minh bạch từ công tác quy hoạch, kế hoạch, xác định lộ trình, huy động nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện từng nội dung trong XDNTM.

Phòng điều phối XDNTM đi thực tế mô hình trồng dưa công nghệ cao

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt quan điểm: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; XDNTM là cơ bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt; người dân là chủ thể”. XDNTM gắn với quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua để XDNTM, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất. Bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống; nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân; đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường. XDNTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch. Xây dựng xã hội nông thôn có kinh tế phát triển, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh phát  huy được bản sắc văn hóa dân tộc, gắn bó nghĩa tình; cư dân nông thôn có thu nhập cao; chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn; quốc phòng an ninh trật tự được giữ vững. Phấn đấu năm 2020 có 02 huyện đạt chuẩn NTM Hoằng Hóa, Nga Sơn; có 70 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM, bình quân toàn tỉnh đạt 17,5 tiêu chí/xã. Phấn đấu có 16 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 02 xã, 03 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP theo đề án phê duyệt, phấn đấu năm 2020 có 40 sản phẩm xếp hạng OCOP cấp tỉnh và đề xuất 01 sản phẩm xếp hạng cấp quốc gia.

Hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân, tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với phát triển công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, tạo mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ làm tiền đề cho tập trung, tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hành hóa quy mô lớn. Các địa phương trong tỉnh tiến hành tổ chức lại sản xuất nông nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ nông dân, các chủ trang trại thành lập hợp tác xã kiểu mới; xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực./.