08/01/2025 lúc 11:29 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng niềm tin cho người Việt tin dùng hàng Việt

VNHN - Sau ngót chục năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Cuộc vận động), đến nay phần lớn các doanh nghiệp (DN) đã ý thức được đây là cơ hội để đem đến cho thị trường những sản phẩm có chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao, từ đó giúp DN nâng cao uy tín thương hiệu với người tiêu dùng (NTD).

VNHN - Sau ngót chục năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Cuộc vận động), đến nay phần lớn các doanh nghiệp (DN) đã ý thức được đây là cơ hội để đem đến cho thị trường những sản phẩm có chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao, từ đó giúp DN nâng cao uy tín thương hiệu với người tiêu dùng (NTD).

Song để người Việt có niềm tin thật sự khi sử dụng hàng Việt, chúng ta cần có nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân.

Thời cơ vàng cho hàng Việt

Sau thời gian thực hiện Cuộc vận động, đến nay hệ thống phân phối hàng Việt đã từng bước được tạo lập ở các địa phương, khi hình thành nhiều kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ đến tận tay với NTD ở thị trường nội địa, nhất là khu vực nông thôn. Từ đó, làm thay đổi diện mạo hệ thống phân phối hàng Việt Nam trong nền kinh tế và tác động mạnh mẽ đến thói quen mua sắm của NTD trong xây dựng nền thương mại văn minh hiện đại. Khi chúng ta đã có một hệ thống phân phối tốt thì đây đang là thời điểm vàng cho các DN Việt Nam tung ra các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã cải tiến đẹp để tiếp tục chinh phục niềm tin của NTD. Theo đánh giá của các địa phương, thị phần hàng Việt Nam ở thị trường trong nước tiếp tục tăng, nhất là nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh ở nông thôn. Trong hệ thống siêu thị hàng hóa trong nước vẫn chiếm tỷ trọng từ 80 đến 90%.

Không phủ nhận thực tế, từ lâu trong nếp nghĩ của nhiều NTD Việt Nam, đã hình thành một quan niệm hàng nội không tốt bằng hàng ngoại. Đây là hậu quả trong một thời gian dài trước đây, hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng kém, mẫu mã nghèo nàn nhưng giá lại khá cao. Nguyên nhân do nhiều DN sản xuất có tư duy làm gia công, nếu cung ứng sản phẩm cho DN nước ngoài, đòi hỏi chất lượng cao thì làm rất tốt, nhưng sản xuất cho người Việt Nam sử dụng lại đã coi nhẹ chất lượng, chủ yếu cạnh tranh về giá. Bởi họ có quan điểm, hàng sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước chỉ cần chất lượng vừa phải, không cần cao như hàng ngoại. Thế nhưng, từ khi Cuộc vận động đi vào thực tế đã khiến nhiều DN thay đổi suy nghĩ, chú trọng hơn tới xu hướng và thói quen mua sắm của NTD Việt Nam. Đến nay, nhiều NTD không còn tâm lý sính ngoại như trước, ngày càng tinh tế hơn trong việc lựa chọn sản phẩm, mang thương hiệu Việt. Bởi sản phẩm nào tốt, mẫu mã đẹp mà giá cả phù hợp sẽ luôn được NTD ưa chuộng và tín nhiệm sử dụng. Điều đó đã giúp nhiều DN trong nước tạo được chỗ đứng trên thị trường nội địa bằng chính uy tín và chất lượng của mình.

Thời gian qua, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của NTD, các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã mở rộng đầu tư, phát triển và quảng bá các thương hiệu mới như Grusz (May 10-CTCP), Merriman (Dệt may Hòa Thọ), Mattana (May Nhà Bè),... Vinatex. Nhiều DN dệt may trong nước đã và đang khẳng định vị thế của sản phẩm may mặc Việt trên thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao uy tín những sản phẩm dán nhãn "Made in Vietnam".

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Hàng hóa sản xuất trong nước những năm gần đây đã từng bước khẳng định được chất lượng, mẫu mã cũng như thương hiệu, từ đó đưa Cuộc vận động đi vào thực chất khi phát huy được mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc; xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt. Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động đánh giá: Cuộc vận động hiện nay không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, mà rất nhiều hàng hóa của Việt Nam đã thật sự chinh phục được NTD. Để Cuộc vận động có hiệu quả như hiện nay, khởi nguồn từ chính nỗ lực rất lớn của các DN sản xuất trong nước qua việc chú trọng hơn đến chất lượng, mẫu mã, giá thành sản phẩm và quan trọng nhất là nắm bắt được nhu cầu của NTD, đưa ra những sản phẩm phù hợp thị hiếu. DN Việt đã khẳng định hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt, không kém hàng hóa nhập ngoại. Cùng với đó, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu đô thị, các chương trình giới thiệu sản phẩm, khuyến mại, hội chợ, triển lãm,... cũng đạt được nhiều kết quả tốt, giúp NTD trên cả nước được tiếp cận trực tiếp các thương hiệu Việt Nam, có đủ thông tin so sánh, đánh giá về chất lượng hàng Việt.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Công thương cũng thẳng thắn nhìn nhận, các sản phẩm sản xuất trong nước vẫn còn một số hạn chế. Hàng hóa nhập khẩu thường có chất lượng khá tốt, được hậu thuẫn về quảng bá chuyên nghiệp từ các công ty nước ngoài, nhất là hàng hóa ASEAN khi Cộng đồng kinh tế ASEAN đã thành lập cuối năm 2015. Hơn nữa, sự phối hợp giữa DN sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa chặt chẽ. Nhiều DN chưa tích cực và chủ động tham gia Cuộc vận động. Vì vậy, để Cuộc vận động phát huy hiệu quả trong thời gian tới, DN cần chuyển dần các hoạt động đi vào chiều sâu, không dừng lại ở phong trào, bề nổi, phải có các giải pháp bền vững, lâu dài. Để cạnh tranh, DN phải nhanh chóng cắt giảm các khoản chi phí bất hợp lý, giảm giá thành để hạ giá bán hàng hóa sản xuất trong nước bằng hoặc thấp hơn hàng nhập khẩu nhưng vẫn bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, một yếu tố DN không thể bỏ qua là cải thiện mẫu mã bao bì, nhạy bén nắm bắt nhu cầu của NTD để đưa ra sản phẩm đáp ứng về chất lượng, thuyết phục khách hàng bằng chính ưu thế sản phẩm của mình.

Để NTD Việt tiếp tục tin và sử dụng hàng Việt, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường nội địa, thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, đưa hàng Việt đến với NTD tốt hơn, nhất là những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, nơi tập trung đông dân cư. Mặt khác, Bộ Công thương cũng cần đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi NTD và hàng hóa sản xuất trong nước. Trong công tác tuyên truyền, cần lồng ghép nội dung Cuộc vận động vào các hội nghị, sinh hoạt của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, gắn kết quả thực hiện Cuộc vận động với bình xét các danh hiệu thi đua của các tập thể, cá nhân ở địa phương, đơn vị. Đồng thời, đề cao trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt/.