29/03/2024 lúc 12:18 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật tại Hàn Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam

Hàn Quốc là một trong những quốc gia đứng đầu trên thế giới về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số hiện nay. Hàn Quốc đã trải qua giai đoạn hơn 50 năm xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kể từ năm 1967. Gần đây, Việt Nam cũng đang tập trung nguồn lực thúc đẩy xây dựng, hình thành và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Trong bài viết này, tác giả trình bày khái quát lịch sử phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và quá trình chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật tại Hàn Quốc và rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.

1. Con đường xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại Hàn Quốc
Hàn Quốc đã trải qua sự phát triển kinh tế nhanh chóng, thường gọi là “Kỳ tích sông Hàn” khi quốc gia này phát triển từ một trong những quốc gia nghèo đói nhất sau Thế chiến thứ II thành nền kinh tế lớn thứ 12 của thế giới[1]. Góp phần tạo nên sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc, không thể không nhắc đến công cuộc thông tin hóa và phát triển ngành công nghệ thông tin và truyền thông ở quốc gia này. Hàn Quốc là một trong những quốc gia đứng đầu về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số trên thế giới hiện nay[2]. Để đạt được thành công đó, Hàn Quốc đã bắt đầu đặt nền móng cho việc xây dựng Chính phủ số từ hơn 50 năm trước[3]. Với dấu mốc đầu tiên vào năm 1967, lần đầu tiên Chính phủ Hàn Quốc sử dụng máy tính để phân tích dữ liệu[4]. Kể từ đó đến nay, Hàn Quốc đã trải qua các giai đoạn khác nhau để xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Các giai đoạn đó có thể được phân chia như sau:
-Giai đoạn sơ khai - Tin học hóa Chính phủ (1967-1986)[5]
Năm 1967, lần đầu tiên Hàn Quốc sử dụng máy tính IBM 1401 cho cuộc khảo sát dân số. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, mức độ Chính phủ điện tử ở Hàn Quốc còn rất thấp. Phải đến những năm 1978, với sự ra đời của Kế hoạch 5 năm tin học hóa cơ quan hành chính lần thứ nhất thì chính sách chính phủ điện tử mới thực sự bắt đầu tại Hàn Quốc[6]. Giai đoạn này kéo dài từ năm 1978 cho đến năm 1986. Tính năng chính của giai đoạn đầu tiên là tin học hóa công tác quản lý của các cơ quan nhà nước. Ở giai đoạn này, mức độ công nghệ vẫn còn ở cấp độ thấp, trọng tâm của Chính phủ điện tử là nâng cao hiệu quả công việc thông qua tin học hóa quá trình thực hiện công vụ của từng cơ quan (nội bộ) thay vì thực hiện các nhiệm vụ liên bộ. Chính phủ không thể trực tiếp cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân do nền tảng mạng và cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Ngoài ra, lúc này, tỷ lệ máy tính được sử dụng bởi người dân còn thấp[7]. Một số dấu mốc quan trọng trong giai đoạn này là:
+ Năm 1967, lần đầu tiên máy tính được sử dụng trong cơ quan nhà nước;
+ Năm 1975: Kế hoạch tổng thể về tin học hóa hành chính được công bố bởi Bộ Hành chính Nhà nước;
+ Năm 1975: Xây dựng Ủy ban thúc đẩy Tin học hóa hành chính;
+ Năm 1978: Thiết lập Kế hoạch 5 năm tin học hóa hành chính lần thứ nhất;
+ Những năm 1980: Thiết lập hệ thống máy tính phục vụ các hoạt động quản lý hành chính nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước;
+ Năm 1982: Thiết lập Kế hoạch 5 năm tin học hóa hành chính lần thứ hai;
+ Năm 1984: Bắt đầu xây dựng hệ thống kết nối thông tin quốc gia (NBIS);
+ Năm 1986: Ban hành đạo luật thúc đẩy sử dụng mạng thông tin và truyền thông.
-Giai đoạn hình thành nền tảng (1987-1996)
Đặc điểm nổi bật của giai đoạn này là việc thiết lập một mạng hành chính ở từng bộ, ngành trung ương trên cơ sở kết quả tin học hóa các công việc hành chính trước đó. Trong giai đoạn này, tốc độ khuếch tán và việc sử dụng máy tính trong Chính phủ đã được mở rộng. Cơ sở hạ tầng mạng đã được thiết lập và bắt đầu truyền dữ liệu và chia sẻ giữa liệu giữa các bộ sử dụng mạng. Tuy nhiên, tác động của công nghệ thông tin vẫn bị giới hạn trong việc cải thiện hiệu quả công việc nội bộ vì việc chia sẻ, sử dụng thông tin vẫn chưa thể thực hiện ở toàn bộ các cơ quan thuộc Chính phủ. Ngoài ra, trao đổi thông tin giữa Chính phủ và công dân vẫn hạn chế vì mạng được thiết lập chỉ tập trung ở cơ quan nhà nước, trường đại học và các cơ sở nghiên cứu. Mặc dù mức độ phổ biến của máy tính trong dân chúng đã phần nào tăng lên. Một số dấu mốc quan trọng trong thời kỳ này đó là:
+ Những năm 1990: Trong khoảng thời gian này, hệ thống kết nối thông tin quốc gia bao gồm 5 mạng thông tin cơ bản trong 5 lĩnh vực: mạng thông tin hành chính (bao gồm các cơ quan hành chính nhà nước), mạng thông tin tài chính (bao gồm các ngân hàng, cơ quan bảo hiểm…), mạng thông tin giáo dục và nghiên cứu (bao gồm các trường đại học và cơ sở nghiên cứu), mạng thông tin quốc phòng và mạng thông tin an ninh quốc gia được hoàn thiện. Giai đoạn này, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống mạng truyền thông tốc độ cao và lưu trữ các thông tin liên quan đến đăng ký dân cư, bất động sản… làm nền tảng cho việc xây dựng chính phủ điện tử ở giai đoạn sau.
   + Năm 1994, Bộ Thông tin và truyền thông được thành lập;
   + Năm 1995, ban hành Luật thúc đẩy Thông tin hóa;
   + Năm 1996: Thiết lập kế hoạch tổng thể thúc đẩy thông tin hóa.
- Giai đoạn hoàn thiện Chính phủ điện tử (1997-2010)
Giai đoạn này, mạng quản lý hành chính tích hợp giữa các cơ quan nhà nước đã hoàn thành và hiệu quả quản lý hành chính được nâng lên nhanh chóng nhờ siêu xa lộ thông tin. Cơ sở hạ tầng mạng được cải thiện về mặt công nghệ và phạm vi phủ sóng của siêu xa lộ thông tin không còn chỉ giới hạn trong Chính phủ mà bắt đầu phủ sóng đến người dân. Hệ thống kết nối và chia sẻ thông tin giữa toàn bộ các cơ quan chính phủ đi vào hoạt động. Kết nối giữa Chính phủ và người dân được tăng cường, khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng được hình thành nhờ mức độ bao phủ của máy tính và mạng internet tốc độ cao. Cơ sở hạ tầng chính phủ điện tử được xây dựng trong giai đoạn trước đã hoàn thành và ổn định. Điều này khiến cho khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ trở nên khả thi. Bên cạnh đó, hầu hết người dân có thể sử dụng tốt các thiết bị công nghệ thông tin (CNTT), ví dụ như: máy tính, máy tính xách tay và điện thoại thông minh, và sử dụng siêu xa lộ thông tin. Do đó, một số dịch vụ của chính phủ có thể được cung cấp cho người dân và doanh nghiệp trực tuyến, trong thời gian thực, không hạn chế về thời gian và không gian[8]. Một số dấu mốc trong giai đoạn này như sau:
   + Năm 1998, xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai phê duyệt điện tử và trao đổi tài liệu điện tử giữa các cơ quan;
   + Năm 1999, ban hành đạo luật về chữ ký số và Đạo luật về tài liệu và giao dịch điện tử;
   + Năm 2000, bắt đầu chia sẻ tài liệu trực tuyến nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước;
   + Năm 2001, thành lập Ủy ban đặc biệt về Chính phủ điện tử; ban hành Luật về Chính phủ điện tử;
   + Năm 2001, triển khai dự án thúc đẩy Chính phủ điện tử (từ 2001 đến nay);
   + Năm 2002, ra mắt cổng chính phủ phục vụ người dân (G4C);
   + Năm 2005, thành lập Ủy ban thúc đẩy chia sẻ thông tin quản trị giữa các cơ quan;
   + Năm 2005, thành lập Trung tâm dữ liệu điện tử quốc gia tích hợp tại Deajeon;
   + Năm 2008, triển khai dự án thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến (từ năm 2008 đến nay);
   + Năm 2009, công bố khung chuẩn về Chính phủ điện tử; thông báo kế hoạch sử dụng hiệu quả công cụ điện toán đám mây;
   + Năm 2010, theo khảo sát của Liên hợp quốc, Hàn Quốc đứng đầu chỉ số Chính phủ điện tử trên thế giới.
-Giai đoạn nâng cấp, hướng tới Chính phủ số (2010-đến nay)
Giai đoạn này, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào Chính phủ điện tử, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử thông minh, với mục tiêu lấy người dân là trung tâm.
   + Năm 2011, Thiết lập Kế hoạch thúc đẩy Chính phủ điện tử thông minh giai đoạn (2011-2015), ban hành đạo luật về bảo vệ thông tin cá nhân 2011;
   + Năm 2012, lần thứ hai liên tiếp Chính phủ Hàn Quốc đứng đầu trong danh sách chính phủ điện tử theo khảo sát của Liên hợp quốc;
   + Năm 2013, thiết lập kế hoạch tổng thể Chính phủ 3.0; ban hành đạo luật về thúc đẩy cung cấp và sử dụng dữ liệu công cộng;
   + Năm 2014, thiếp lập kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử 3.0; tiếp tục đứng đầu danh sách Chính phủ điện tử theo khảo sát của Liên hợp quốc;
   + Năm 2015: Ban hành đạo luật phát triển đám mây máy tính và bảo vệ người dùng; thiết lập Kế hoạch tổng thể phát triển đám mây máy tính (2016-2018);
   + Năm 2016: Thiết lập kế hoạch tổng thể Chính phủ điện tử đến năm 2020;
   + Năm 2021: Thiết lập kế hoạch tổng thể Chính phủ số giai đoạn 2021-2025.
Một số kết quả đạt được của Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại Hàn Quốc theo thống kê[9]
+ Hàn Quốc hiện có 16.000 hệ thống thông tin khu vực công; hàng năm ngân sách dành cho công nghệ thông tin và truyền thông là 4.7 tỷ Đô la;
+ 37 triệu người dân Korea; 89% dân số sử dụng Chính phủ số;
+ 98% người dùng hài lòng với dịch vụ cung cấp bởi Chính phủ số;
+ Đứng thứ nhất Chỉ số Chính phủ số theo báo cáo của OECD năm 2019;
+ Đứng thứ nhất chỉ số dữ liệu mở-hữu dụng-tái sử dụng của OECD năm 2019;
+ Đứng thứ hai khảo sát Chính phủ điện tử theo báo cáo của Liên hợp quốc năm 2020.
2. Chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật của Chính phủ Hàn Quốc
Cũng tương tự như các nước theo truyền thống dân luật, nguồn chủ yếu của hệ thống pháp luật Hàn Quốc là các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do cơ quan nhà nước ban hành[10]. Hệ thống pháp luật (hệ thống văn bản quy phạm pháp luật) của Hàn Quốc được chia thành các cấp văn bản khác nhau. Trong đó, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Hiến pháp. Dưới Hiến pháp là các văn bản có giá trị pháp lý theo thứ tự như sau: Luật (do Quốc hội ban hành); Sắc lệnh của Tổng thống; Sắc lệnh của Thủ tướng Chính phủ, Sắc lệnh của Bộ trưởng; văn bản quy phạm của các chính quyền địa phương tự quản (Sắc lệnh của Thành phố; các quy định khác của chính quyền địa phương)[11].
Cùng với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, kể từ năm 2001, Chính phủ Hàn Quốc chủ trương xây dựng Trung tâm thông tin pháp luật quốc gia và hệ thống hỗ trợ công tác lập pháp. Mục tiêu của quá trình chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật ở Hàn Quốc để bảo đảm cho mọi người dân có thể tiếp cận dễ dàng hệ thống thông tin pháp luật, bảo đảm quyền được biết của mọi người, cho phép người dân xử lý trực tuyến các thông tin liên quan đến pháp luật một cách thuận tiện, thuận lợi hóa quy trình lập pháp của Chính phủ và mở rộng sự tham gia của công chúng vào quá trình này[12].
Hệ thống hỗ trợ công tác lập pháp của Chính phủ Hàn Quốc là một hệ thống thống nhất bao gồm 3 thành tố chính: (i) Hệ thống lập pháp quốc gia; (ii) Trung tâm lập pháp có sự tham gia của người dân; và (iii) Phần mềm biên tập dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống hỗ trợ công tác lập pháp được thể hiện dưới dạng một cổng thông tin pháp lý tích hợp toàn bộ vòng đời của luật vào một hệ thống phần mềm duy nhất, hỗ trợ soạn thảo, thẩm định dự án luật trước khi công bố và ban hành luật[13]. Bên cạnh đó, để 3 thành tố này hoạt động thuận lợi, cần sự hỗ trợ cung cấp dữ liệu từ Trung tâm thông tin pháp luật Hàn Quốc. Trung tâm thông tin pháp luật và hệ thống hỗ trợ công tác lập pháp đều được vận hành và quản lý bởi Bộ Lập pháp Hàn Quốc. Phần viết sau đây sẽ giới thiệu chi tiết về hệ thống hỗ trợ công tác lập pháp và Trung tâm thông tin pháp luật Hàn Quốc.
1) Về hệ thống hỗ trợ công tác lập pháp
Hệ thống hỗ trợ công tác lập phápbao gồm 3 thành tố, cụ thể:
(i) Hệ thống lập pháp quốc gia
Chức năng chính của hệ thống là cung cấp các dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi số trong quy trình xây dựng pháp luật, ví dụ như: hỗ trợ soạn thảo, kiểm tra dự thảo, ban hành, giải thích pháp luật và hỗ trợ quản lý văn bản QPPL. Đồng thời, phần mềm này cũng cung cấp các thông tin khác liên quan đến quá trình lập pháp ví dụ như: kế hoạch lập pháp của Chính phủ, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong quá trình xây dựng pháp luật…[14]. Phần mềm này cung cấp các tiện ích như:
- Các công cụ nhằm hạn chế tối đa sai sót khi dự thảo luật và hỗ trợ quá trình chuyển hóa chính sách thành các quy phạm pháp luật. Công cụ hỗ trợ theo dõi, xử lý trực tuyến một số công đoạn của quá trình lập pháp như: theo dõi quá trình biên tập dự thảo luật, thẩm tra dự thảo nhằm đẩy mạnh sự phối hợp giữa các bộ ngành trong quá trình lập pháp của Chính phủ cũng như tăng cường tiếp nhận ý kiến của người dân trong quá trình lập pháp.
- Công cụ quản lý việc lấy ý kiến người dân đảm bảo ý kiến do người dân đóng góp xây dựng dự thảo luật được kiểm tra và phản ánh trong quá trình soạn thảo dự luật;
- Công cụ tìm kiếm tích hợp hỗ trợ tìm kiếm các loại tài liệu liên quan trong quá trình soạn thảo dự luật, ví dụ: các sự luật, các báo cáo thẩm định; các báo cáo đánh giá tác động…).
- Công cụ hỗ trợ tra cứu thống kê, tổng hợp, hỗ trợ đánh giá công tác lập pháp nhằm đánh giá thành tích của các bộ, ngành trong công tác thực hiện kế hoạch lập pháp của Chính phủ[15].
(ii) Phần mềm biên tập luật (Law editor)
Phần mềm biên tập luật là phần mềm ứng dụng được xây dựng trên nền tảng phần mềm Hancom Office của Hàn Quốc. Phần mềm được cài đặt và chạy trên hệ điều hành Windows, trên máy tính cá nhân của người được giao soạn thảo. Trong quá trình hoạt động, phần mềm có kết nối, khai thác dữ liệu từ Trung tâm thông tin pháp luật quốc gia và đồng bộ dữ liệu với Phần mềm hỗ trợ công tác lập pháp.
Chức năng của Phần mềm biên tập luật hỗ trợ người sử dụng chuẩn bị các tài liệu khác nhau liên quan đến dự thảo luật thông qua cung cấp công cụ chỉnh sửa dự thảo, kiểm tra văn bản và tính chuẩn xác của các thuật ngữ pháp lý, soạn thảo dự thảo công bố luật… Cụ thể, một số công cụ người soạn thảo có thể sử dụng trong quá trình soạn thảo luật bao gồm:
- Công cụ tạo lập văn bản tự động có tác dụng cung cấp các biểu mẫu cần thiết để soạn thảo văn bản và tự động tạo các văn bản sửa đổi và bảng đối chiếu giữa các điều khoản cũ – mới liên quan.
- Công cụ kiểm tra lỗi trích dẫn phục vụ kiểm tra tự động các lỗi trong tên của luật hoặc các điều khoản được trích dẫn, ví dụ: phát hiện ra lỗi giãn cách trong tên của luật được trích dẫn hoặc lỗi trích dẫn các điều khoản đã hết hiệu lực.
- Công cụ kiểm tra thuật ngữ pháp lý và chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo được sử dụng để trích xuất ra những thuật ngữ trong điều khoản, những thuật ngữ nào cần hoàn thiện để hiểu rõ hơn, đồng thời cung cấp các gợi ý về những thuật ngữ liên quan có thể dùng để thay thế.
- Công cụ cung cấp thông tin pháp luật liên quan đến dự thảo được dùng để cung cấp nội dung các luật liên quan đến dự thảo để phòng tránh các trường hợp mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lặp trong quá trình soạn thảo.
(iii) Trung tâm lập pháp có sự tham gia của người dân
Chức năng của trung tâm là cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người dân tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, bao gồm: dịch vụ công bố tình trạng soạn thảo dự luật và tích hợp công bố dự thảo luật, dịch vụ thu thập ý kiến lập pháp, xác nhận/tiếp nhận sáng kiến lập pháp, thông báo kết quả phản ánh ý kiến góp ý của người dân vào dự thảo luật, và dịch vụ gửi thư liên quan đến thông tin pháp luật. Cụ thể như sau:
Dịch vụ công bố dự thảo luật được sử dụng để hỏi ý kiến người dân về dự thảo luật của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương thông qua một hệ thống duy nhất và hỗ trợ người dân gửi ý kiến về các dự luật và kiểm tra các ý kiến của người dân.
Dịch vụ thu thập ý kiến liên quan đến lập pháp được sử dụng để thu thập ý kiến phản ánh của dư luận trong việc cải thiện pháp luật hiện hành, các điều khoản pháp lý gây bất tiện cho công chúng và bảo đảm công chúng không cần tư cách thành viên cũng có thể dùng tài khoản mạng xã hội như: Naver, Kakaotalk, Facebook để liên kết truy cập và sử dụng cổng thông tin.
Dịch vụ cung cấp thông tin về hiện trạng soạn thảo dự án luật được sử dụng để bảo đảm người sử dụng có thể kiểm tra tình trạng xây dựng luật của từng Bộ và của các Nghị sỹ Quốc hội theo khoảng thời gian thực và đăng ký các dự luật quan tâm; tạo thuận lợi cho việc theo dõi tiến trình ban hành.
Dịch vụ cung cấp thông tin pháp luật theo nhu cầu được sử dụng để cung cấp thông tin chi tiết qua tin nhắn liên quan đến luật mà người dùng đăng ký quan tâm và cung cấp dịch vụ để người dùng hỏi thông tin chi tiết và gửi ý kiến ​​lập pháp ngay lập tức qua tin nhắn.
Quá trình xây dựng hệ thống hỗ trợ công tác lập pháp bắt đầu với việc xây dựng phần mềm biên tập luật hỗ trợ cho hoạt động xây dựng dự thảo luật kể từ năm 2002 (đến nay đã được 20 năm). Giai đoạn 2007 đến năm 2012 là giai đoạn thiết lập các hệ thống riêng lẻ cho từng cơ quan, đơn vị tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật. Năm 2010, thiết lập Trung tâm lập pháp có sự tham gia của người dân. Năm 2013 đến năm 2016, thiết lập Hệ thống lập pháp quốc gia. Năm 2017, xây dựng chức năng cập nhật các văn bản pháp luật đã ban hành vào hệ thống hỗ trợ công tác lập pháp. Năm 2018, hoàn thiện phần mềm biên tập luật. Năm 2021, xây dựng chức năng kiểm tra, rà soát dự thảo luật.
2) Về Trung tâm thông tin pháp luật Hàn Quốc (KLIC)[16]
Trước khi có Trung tâm thông tin pháp luật Hàn Quốc, dữ liệu pháp luật của Hàn Quốc được tồn tại và lưu trữ chủ yếu ở dạng giấy như văn bản, tập san… Thêm vào đó, các cơ quan (nhất là Quốc hội, Tòa án tối cao) đều có cơ sở dữ liệu pháp luật riêng. Do những bất tiện của sự tồn tại các hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật mang tính phân tán, Bộ Lập pháp Hàn Quốc đã đề xuất xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ quản lý văn bản tập trung, thống nhất. Dữ liệu trong Trung tâm thông tin pháp luật quốc gia được tích hợp thành một hệ thống bao gồm: văn bản luật, các dự thảo văn bản, án lệ, các giải thích pháp luật…
Các dịch vụ chính được cung cấp của Trung tâm thông tin là: (1) Dịch vụ tra cứu thông tin pháp luật thống nhất về toàn bộ hệ thống pháp luật, bao gồm: luật, án lệ, giải thích pháp luật… đều có thể được tra cứu từ cùng một nơi; (2) Dịch vụ liên kết thông tin pháp luật, từ nội dung của điều luật, hệ thống có thể liên kết tới các điều khoản khác liên quan, đưa ra bảng so sánh ba cấp độ, các điều khoản và án lệ trước đó,…; (3) Dịch vụ cung cấp các thông tin liên quan, ví dụ như: các án lệ, bảng so sánh, sơ đồ hệ thống pháp luật, thuật ngữ pháp lý, sách luật điện tử…; (4) Dịch vụ điện thoại di động, hệ thống cho phép cung cấp dịch vụ trên điện thoại di động thông minh hỗ trợ tra cứu pháp luật mọi lúc, mọi nơi thông qua một ứng dụng trên điện thoại[17].
Dữ liệu pháp luật tại Trung tâm thông tin pháp luật Hàn Quốc được cập nhật hàng ngày. Ngoài cung cấp văn bản một cách chính thống, Bộ Lập pháp Hàn Quốc còn phát triển cung cấp các dịch vụ khác như:
+ Easy law là một hệ thống để giúp cho người dân Hàn Quốc, cũng như người dân nước ngoài có thể hiểu rõ hơn nội dung pháp luật Hàn Quốc, hỗ trợ người dùng có thể thuận tiện giải quyết các vấn đề pháp lý phổ biến xảy ra trong cuộc sống hàng ngày mà không cần phải nhờ đến các chuyên gia pháp lý[18]. Hệ thống phân chia pháp luật thành nhiều lĩnh vực tương ứng với các lĩnh vực trong đời sống hàng ngày như: bất động sản, việc làm và lao động, thương mại quốc tế/xuất nhập cảnh, giao thông, lái xe; quyền lợi người tiêu dùng; tài chính, tiền tệ… Những thông tin này đã được dịch sang 12 thứ tiếng khác nhau[19].
+ World law là hệ thống cung cấp thông tin pháp luật của nước ngoài, thông tin pháp luật quốc tế bao gồm: những luật quốc tế, luật của các quốc gia trên thế giới được biên dịch sang tiếng Hàn và để cung cấp cho người dân Hàn Quốc.
Quá trình xây dựng trung tâm thông tin pháp luật được chia thành các giai đoạn như[20]:
+ Từ năm 1954 đến 1998: Đây là giai đoạn thông tin pháp luật được chia sẻ dưới dạng văn bản giấy và thông qua hệ thống chia sẻ dữ liệu nội bộ giữa các máy tính (1992).
+ Từ năm 1999 đến 2011: Đây là giai đoạn bắt đầu chia sẻ thông tin pháp luật thông qua hệ thống kết nối internet và hình thành cũng như đưa vào vận hành Trung tâm thông tin pháp luật Hàn Quốc, cho phép tìm kiếm văn bản QPPL tập trung, đồng thời cho phép tìm kiếm các văn bản liên quan khác.
+ Từ năm 2012 đến nay: Đây là giai đoạn phát triển ứng dụng trên điện thoại di động (hỗ trợ IOS và Android); đồng thời, tiếp tục mở rộng tiện ích trên hệ thống, ví dụ: bảng so sánh pháp luật giữa luật và các văn bản dưới luật, giữa luật cũ và luật mới…; từ điển pháp luật; sách luật điện tử…
3. Một số kinh nghiệm cho Việt Nam
Thứ nhất, mục tiêu xây dựng mục tiêu chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật nói riêng không chỉ là tăng cường tự động hóa các hoạt động chuyên môn của cơ quan nhà nước hay thuận lợi hóa quá trình xây dựng pháp luật để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực công mà mục tiêu cuối cùng là lấy người dân là trung tâm, hướng tới kết nối tốt hơn với người dân, tăng cường minh bạch, thúc đẩy sự tham gia của người dân, cộng đồng vào quá trình quản lý nhà nước cũng như xây dựng pháp luật. Đây cũng là mục tiêu được xác định trong nhiều Nghị quyết của Đảng liên quan đến xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian qua[21].
Thứ haixây dựng Chính phủ số và chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật là một quá trình lâu dài, cần nhiều thời gian và công sức cũng như cần có chiến lược cho từng giai đoạn cũng như kế hoạch cụ thể cho từng nhiệm vụ. Để đạt được thành quả như hiện nay, Hàn Quốc đã trải qua hơn 50 năm kể từ khi xác định định hướng xây dựng Chính phủ điện tử với từng bước đi rất cụ thể, chi tiết ở từng giai đoạn. Quá trình xây dựng hệ thống hỗ trợ công tác lập pháp hay Trung tâm thông tin pháp luật Hàn Quốc cũng đều được thực hiện trong giai đoạn này. Để xây dựng và đi vào vận hành hai hệ thống phục vụ chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật nêu trên, cho đến nay, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã mất khoảng thời gian trên dưới 20 năm. Hiện tại, các hệ thống này vẫn đang tiếp tục được nâng cấp, phát triển.
Thứ ba, xây dựng chính phủ số và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng pháp luật cần có sự đầu tư nguồn lực thường xuyên và dài hạn. Vấn đề quản lý, bảo trì, vận hành cơ sở hạ tầng cũng tốn kém tương tự như quá trình đầu tư xây dựng. Đây là vấn đề rất quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả vấn đề xây dựng hệ thống. Bởi vì, khi xây dựng một hệ thống rất tốt, nhưng quản lý, vận hành, sử dụng không tốt thì cũng không có tác dụng. Kinh nghiệm Hàn Quốc cho thấy, ngân sách hàng năm cho công nghệ thông tin và truyền thông là rất lớn (khoảng 4.7 tỷ Đô la).
Thứ tưchuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật về lâu dài cần được thực hiện đồng bộ, ở tất cả các cơ quan trung ương cũng như địa phương với quyết tâm lớn của lãnh đạo cũng như thay đổi tư duy, phương thức làm việc của mỗi cán bộ, công chức. Đây là lĩnh vực có sự tham gia của rất nhiều bộ, ngành, cơ quan từ trung ương đến địa phương. Bởi vậy, sự kết nối liên thông, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trung ương và địa phương là rất quan trọng. Ở Việt Nam hiện nay, phát triển Chính phủ số đang được thực hiện tích cực ở trung ương và địa phương. Tuy nhiên, các kế hoạch, chương trình xây dựng Chính phủ số, chuyển đổi số đang diễn ra khá phân tán, độc lập và cục bộ. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn cho quá trình tích hợp thông tin, liên kết giữa các cơ quan trong thời gian tới. Kinh nghiệm Hàn Quốc cho thấy, trước Kế hoạch 5 năm tin học hóa hành chính lần thứ nhất (năm 1978), Hàn Quốc cũng đã trải qua quá trình tin học hóa được thực hiện riêng biệt ở từng cơ quan hành chính. Sự thành lập Ủy ban thúc đẩy tin học hóa hành chính (năm 1975) và ban hành Kế hoạch tin học hóa hành chính (năm 1978) đã tạo động lực để quá trình xây dựng Chính phủ điện tử được vận hành hiệu quả[22].
Thứ nămquá trình chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật ở các cơ quan nhà nước cần được song hành với quá trình xây dựng xã hội số. Như đã trình bày ở trên, mục tiêu quan trọng của quá trình xây dựng Chính phủ số là tăng cường minh bạch, khả năng kết nối, tham gia của người dân vào quá trình quản lý nhà nước. Bởi vậy, nếu chỉ tiến hành chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật của nội bộ các cơ quan nhà nước thì khó có thể đạt được hiệu quả cao nhất. Tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động xây dựng pháp luật là giải pháp để nâng cao chất lượng của hoạt động này. Để thực hiện được yêu cầu này, quá trình chuyển đổi số không nên chỉ được diễn ra trong khu vực công với việc tin học hóa các hoạt động xây dựng pháp luật của các cơ quan nhà nước mà cần mở rộng ở phạm vi tổng thể quốc gia, tin học hóa và thông tin hóa hướng tới mọi người dân, tổ chức. Hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ thông tin. Tích cực vận động, khuyến khích người dân (đặc biệt là người dân khu vực thành thị, nơi tỷ lệ bao phủ máy tính, thiết bị điện thoại di động thông minh và khả năng kết nối mạng ở mức độ cao) hình thành thói quen sử dụng và tương tác với cơ quan nhà nước trong quá trình xây dựng pháp luật thông qua môi trường điện tử.
Thứ sáubên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Kinh nghiệm chuyển đổi số lĩnh vực xây dựng pháp luật của Hàn Quốc cho thấy, Trung tâm thông tin pháp luật Hàn Quốc có vai trò quan trọng tạo tiền đề cho hoạt động của hệ thống hỗ trợ công tác lập pháp. Do vậy, để chuyển đổi số lĩnh vực xây dựng pháp luật diễn ra thuận lợi thì một trong những yếu tố đầu tiên cần quan tâm nhanh chóng hoàn thiện đó là Cơ sở dữ liệu quốc gia văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản quy phạm pháp luật cần được cập nhật đầy đủ, thống nhất, chuẩn hóa về định dạng, phù hợp với thông lệ quốc tế về lưu trữ, phân tích, kết nối, lưu chuyển, tiếp cận và khai thác sử dụng thông tin, từ đó tạo cơ sở triển khai các giai đoạn tiếp theo./.

Thạc sỹ Dương Thu Hương 

Nghiên cứu viên, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp


[1] Theo khảo sát của World Bank năm 2018, Hàn Quốc đứng thứ 12 trên thế giới về chỉ số GDP; theo đó, GDP Hàn Quốc năm 2018 là 1.619.424 triệu Đô la, The World Bank (2020), World development indicators [Data set], https://databank.worldbank.org/source/world-development-indicators, truy cập ngày 21/12/2022.
[2] Choong-Sik Chung, Hanbyul Choi, Youngmin Cho, Analysis of Digital governance transition in South Korea: Focusing on the Leadership of the President for Government innovation, Journal of Open Innovation: Technology, Market, and Complexity, 2022.
[3] Như trên.
[4] Ministry of Interior and Safety, 50 - year Footprints of Korean e-Government The Greatest Leap in Korean History, T10, 2017.
[5] Như trên.
[6] Bộ Hành chính và An toàn, Hiệp hội nghiên cứu chính sách Hàn Quốc, 2011 Mô đun hóa kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc: Sự ra đời của Chính phủ điện tử Hàn Quốc, 2012.
[7] Như trên.
[8] Như trên.
[9] Son Sungjoo, Giám đốc bộ phận hợp tác chính phủ số, Bộ Hành chính và An toàn, Chính phủ số Hàn Quốc, https://www.youtube.com/watch?v=JZlDqTUplKc.
[10] Hệ thống pháp luật Hàn Quốc, https://www.law.go.kr/eng/engAbout.do?menuId=3, truy cập ngày 26/12/2022.
[11] Như trên.
[12] Tài liệu tại Hội nghị chuyên đề chuyên gia lập pháp châu Á lần thứ 10 với chủ đề: “Kỷ nguyên số - Hệ thống thông tin pháp luật của mỗi quốc gia châu Á và các giải pháp phát triển”, https://www.ales.co.kr/overview.php, truy cập ngày 26/12/2022.  
[13] Như trên.
[14] Tài liệu tại Hội nghị chuyên đề chuyên gia lập pháp châu Á lần thứ 10 với chủ đề: “Kỷ nguyên số - Hệ thống thông tin pháp luật của mỗi quốc gia châu Á và các giải pháp phát triển”, https://www.ales.co.kr/overview.php, truy cập ngày 26/12/2022.
[15] Tài liệu tại Hội nghị chuyên đề chuyên gia lập pháp châu Á lần thứ 10 với chủ đề: “Kỷ nguyên số - Hệ thống thông tin pháp luật của mỗi quốc gia châu Á và các giải pháp phát triển”, https://www.ales.co.kr/overview.php, truy cập ngày 26/12/2022.
[16] Nguyên văn tiếng Anh “Korean Legal Information Center”.
[17] Tài liệu tại Hội nghị chuyên đề chuyên gia lập pháp châu Á lần thứ 10 với chủ đề: “Kỷ nguyên số - Hệ thống thông tin pháp luật của mỗi quốc gia Châu Á và các giải pháp phát triển”, https://www.ales.co.kr/overview.php, truy cập ngày 26/12/2022.
[18] Giới thiệu tính năng Easy law, https://www.easylaw.go.kr/CSM/CsmIntroduction.laf, truy cập ngày 26/12/2022.
[19] Như trên.
[20] Tài liệu tại Hội nghị chuyên đề chuyên gia lập pháp châu Á lần thứ 10 với chủ đề: “Kỷ nguyên số - Hệ thống thông tin pháp luật của mỗi quốc gia châu Á và các giải pháp phát triển”, https://www.ales.co.kr/overview.php, truy cập ngày 26/12/2022.
[21] Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã khẳng định mục tiêu “bảo đảm để nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật”; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cũng khẳng định giải pháp trong thời gian tới là: “Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng pháp luật. Hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”.
[22] Bộ Hành chính và An toàn, Hiệp hội nghiên cứu chính sách Hàn Quốc, 2011 Mô đun hóa kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc: Sự ra đời của Chính phủ điện tử Hàn Quốc, 2012.