22/12/2024 lúc 15:09 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển tại tỉnh Lào Cai

Biên giới không chỉ là ranh giới lãnh thổ mà còn là nơi giao thoa văn hóa, kinh tế và an ninh. Tại Lào Cai, việc xây dựng biên giới hòa bình và phát triển là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng. Những chính sách và hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy hợp tác, bảo vệ an ninh và phát triển kinh tế là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của vùng biên cương phía Bắc Tổ quốc.

Ở tầm vĩ mô, sau 25 năm ký hiệp ước về biên giới đất liền (1999) và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc (2009), chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự trên toàn tuyến biên giới đất liền giữa hai nước cơ bản ổn định, trong đó hợp tác phát triển đã trở thành xu thế chủ đạo. Việc ký kết hiệp ước biên giới, hoàn thành công tác phân giới cắm mốc và ký kết ba văn kiện pháp lý về biên giới có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử xây dựng đường biên giới Việt Nam và Trung Quốc, góp phần tạo dựng và duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Là một trong những tỉnh biên giới quan trọng của Việt Nam, Lào Cai sở hữu đường biên giới dài 182,086 km giáp Trung Quốc, bao gồm 127 mốc quốc giới và hệ thống cửa khẩu thiết yếu. Đặc biệt, cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu đóng vai trò chủ chốt, với hai cửa khẩu đường bộ và một cửa khẩu đường sắt, tạo cầu nối quan trọng giữa hai quốc gia. Ngoài ra, tỉnh còn có hai cặp cửa khẩu phụ và ba lối mở, tạo thuận lợi cho giao thương và hợp tác quốc tế. Khu vực biên giới của Lào Cai bao gồm 26 xã, phường, thị trấn thuộc bốn huyện và một thành phố, là những địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng hợp tác thương mại quốc tế, đặc biệt là với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Qua đó, Lào Cai được xem là một đầu mối quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, kết nối hai nền kinh tế, tạo cơ hội phát triển cho cả địa phương và khu vực.

Sông Nậm Thi – Dòng sông biên giới Việt – Trung

Cơ sở quan trọng để tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện, cả chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, đối ngoại Nhân dân, khoa học, quốc phòng và an ninh là Hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, thuộc hành lang kinh tế của Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) viện trợ về tài chính và kỹ thuật. Đây là việc cụ thể hóa sáng kiến của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt – Trung về hợp tác xây dựng “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt – Trung”, trong đó tỉnh Lào Cai đóng vai trò cầu nối của hành lang giữa hai quốc gia.

Trên cơ sở chung đó và với điều kiện cụ thể của địa phương, tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu rõ ràng đến năm 2030, trở thành một địa phương phát triển nhanh, bền vững, đồng thời đảm bảo sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Tỉnh luôn chú trọng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển kinh tế cửa khẩu, công nghiệp chế biến, du lịch, và nông nghiệp hàng hóa sẽ là động lực chủ yếu cho sự phát triển của Lào Cai. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò là cực tăng trưởng, là cầu nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với khu vực Tây Nam - Trung Quốc.

Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã không ngừng nỗ lực xây dựng và củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các thôn bản, xã, huyện và các lực lượng quản lý biên giới trên tuyến biên giới đất liền tại Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc). Trong đó, tỉnh đã triển khai nhiều mô hình hợp tác sáng tạo và hiệu quả như tuần tra song phương, tuần tra liên hợp, và các diễn tập chống khủng bố. Các chương trình kết nghĩa giữa các Đồn Biên phòng hai bên, cùng các cụm dân cư biên giới, góp phần thúc đẩy giao lưu, hợp tác trong bảo vệ biên giới và phát triển cộng đồng. Lào Cai còn triển khai đường dây nóng giữa các cơ quan chức năng, tạo kênh thông tin trực tiếp giữa lực lượng biên phòng hai bên để xử lý nhanh chóng các vấn đề phát sinh. Trong năm 2023, tỉnh đã thực hiện 118 lần liên lạc qua đường dây nóng để kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm biên giới. Các lực lượng chức năng của tỉnh đã chủ động phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới của Trung Quốc để giải quyết các vấn đề an ninh. Cũng nhờ các biện pháp phòng ngừa, tỉnh Lào Cai đã kiểm soát hiệu quả tình hình an ninh, giảm thiểu các vi phạm biên giới và tội phạm xuyên quốc gia.

Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai xuất cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai sang thăm tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) - 24/01/2024

Nhiều năm qua, tỉnh Lào Cai thường xuyên tổ chức một loạt các hoạt động đối ngoại sôi động và hiệu quả. Đặc biệt, đã có 5 cuộc hội đàm cấp tỉnh với sự tham gia của 55 đại biểu, cùng với 8 đợt tuần tra liên hợp và song phương với tổng cộng 840 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Các hoạt động giao lưu biên giới cũng được diễn ra sôi nổi, với 34 đoàn và 250 lượt cán bộ, chiến sĩ hai bên tham gia gặp gỡ tại khu vực biên giới. Ngoài ra, công tác thư từ đối ngoại cũng được triển khai mạnh mẽ, với 91 thư đối ngoại cấp tỉnh và 171 thư đối ngoại cấp Đồn Biên phòng. Công tác trao trả đối tượng vi phạm biên giới cũng đạt được kết quả tích cực với 87 vụ/548 đối tượng được bàn giao. Những hoạt động này đã góp phần tăng cường sự hiểu biết và củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Lãnh đạo Châu Hồng Hà đón Bí thư tỉnh Lào Cai và đoàn công tác tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu (24/01/2024)

Thông qua các hoạt động đối ngoại, tỉnh Lào Cai đã góp phần quan trọng giúp nhân dân, lực lượng quản lý biên giới, cửa khẩu và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là trong các vấn đề mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Các hoạt động này không chỉ giúp nâng cao nhận thức, mà còn tạo sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo vệ an ninh biên giới.

Bên cạnh đó, Lào Cai đã thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự, tội phạm ma túy, buôn lậu và gian lận thương mại. Các biện pháp này góp phần duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời củng cố mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam.

Lào Cai đã chỉ đạo và đầu tư mạnh mẽ vào các công trình hạ tầng chiến lược, nhằm phục vụ cả mục tiêu phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng. Khoảng 300 tỷ đồng vốn đầu tư công đã được bố trí cho các công trình, dự án quốc phòng - an ninh, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Các công trình trọng điểm như cầu đường bộ qua sông Hồng tại xã Bản Vược, và kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) đã và đang được triển khai, góp phần tạo ra mạng lưới giao thông hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời bảo vệ an ninh biên giới.

Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối các trung tâm kinh tế, du lịch của tỉnh, làm nền tảng cho việc phát triển thương mại và thu hút đầu tư. Các dự án này không chỉ phục vụ nhu cầu giao thương, mà còn đảm bảo an ninh, quốc phòng, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia trong khu vực biên giới.

Sáng kiến ngoại giao gần đây nhất mà tỉnh Lào Cai tham gia là hội đàm giữa Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) với 4 tỉnh biên giới của Việt Nam, gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Hà Giang. Năm 2023 lãnh đạo 5 tỉnh tổ chức hội đàm lần thứ 3, hội đàm trực tiếp (sau 2 lần hội đàm trực tuyến do Covid – 19) tại tỉnh Hà Giang (Việt Nam). Hợp tác về chính trị đã mở đường cho đẩy mạnh hợp tác về thương mại, xuất – nhập khẩu hàng hóa giữa tỉnh Lào Cai với Vân Nam (Trung Quốc). Kim ngạch xuất – nhập hàng hóa (không kể những năm Covid – 19) giữa hai tỉnh liên tục tăng trưởng, có thời điềm mức tăng duy trì trung bình 20%/năm.

Ngoài đẩy mạnh xuất – nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, từ năm 2001 đến nay, tỉnh Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc) đã duy trì luân phiên các kỳ hội chợ thương mại biên giới, qua đó góp phần thúc đẩy thương mại 2 chiều, thu hút các doanh nghiệp, mở rộng quy mô thị trường hàng hóa. Đối với hợp tác đầu tư, môi trường thông thoáng, hấp dẫn của tỉnh Lào Cai đã thu hút trên 10 dự án FDI vốn từ Trung Quốc (chủ yếu là tỉnh Vân Nam) với tổng nguồn vốn khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Điển hình là Dự án khai thác, chế biến quặng sắt Quý Sa, Nhà máy gang thép Việt Trung và dự án Nhà máy Thủy điện Séo Choong Hô…

Về kinh tế, tỉnh Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc) còn đẩy mạnh hợp tác, kết nối giao thông, hợp tác về sản xuất nông nghiệp, du lịch và mở rộng giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. Ngoài ra còn là sự hợp tác trong công tác quản lý biên giới, quản lý cửa khẩu, phòng chống tội phạm giữa các lực lượng chuyên trách của hai tỉnh.

Cửa khẩu Mường Khương

Trong các kết nối cụ thể giữa hai bên nhằm tăng cường xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, mới đây, ngày 18/10/2024 tại TP Lào Cai, 4 đồn biên phòng, Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Bát Xát, Mường Khương và Pha Long (Lào Cai, Việt Nam) đã có buổi hội đàm với Trạm kiểm tra Biên phòng xuất nhập cảnh Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) nhằm tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác trong xây dựng và quản lý biên giới. Qua trao đổi, hai bên nhận thấy, gian qua lực lượng 2 bên đã phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm qua biên giới; thường xuyên thông báo cho nhau những vấn đề phát sinh tại cửa khẩu, trên biên giới, qua đó đã phối hợp giải quyết xử lý ổn thỏa các vấn đề nảy sinh ngay từ cấp cơ sở. Hai bên cũng đã nhất trí và đi đến thống nhất, trong thời gian tới tiếp tục duy trì và củng cố các cơ chế hợp tác đã được ký kết như: hội đàm, trao đổi thông tin, sĩ quan liên lạc; điện thoại đường dây nóng, xử lý các tình huống khẩn cấp trên biên giới, cửa khẩu; bàn giao, trao trả; giao lưu hữu nghị; bình chọn sứ giả hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc, phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành 3 văn kiện pháp lý về biên giới, cửa khẩu… Hai bên nhất trí cùng báo cáo cấp trên cho phép tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi, quan sát, cách phân biệt, nhận biết giấy tờ giả, tích cực triển khai hoạt động giao lưu, bồi dưỡng nghiệp vụ biên phòng, cùng chung sức, chung tay xây dựng cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) và Hà Khẩu (Trung Quốc) thành mô hình điểm về hợp tác cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc…

Chuẩn hóa và hiện đại hóa hệ thống cửa khẩu theo hướng xanh, sạch

Với những nỗ lực trong việc tăng cường quan hệ đối ngoại, đảm bảo an ninh biên giới và phát triển hạ tầng, tỉnh Lào Cai đã và đang trở thành một trong những tỉnh điển hình trong việc kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc gia. Các hoạt động đối ngoại, các chính sách an ninh quốc phòng, cùng với sự quan tâm đặc biệt đến phát triển các vùng khó khăn, đều đóng góp vào sự ổn định, phát triển toàn diện của tỉnh và củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị, bền vững với Trung Quốc, đặc biệt là tỉnh Vân Nam chung biên giới với Lào Cai./.

Đoàn Mạnh Hiếu

...