VNHN - Kinh tế nền tảng số đang góp phần quan trọng trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là các nền tảng trong cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin...
Ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, UPGen Việt Nam trao đổi tại tọa đàm: (Ảnh: Vietnam+)
“So với các quốc gia trong khu vực, mặt bằng về công nghệ thông tin của Việt Nam rất tốt và có thể cạnh tranh. Đây là thời điểm để Việt Nam xây dựng Kinh tế nền tảng số và không nên bỏ lỡ cơ hội này. Tôi hoàn toàn tin Việt Nam có thể làm được”.
Ông Trần Thanh Hải, nguyên Giám đốc điều hành Be Group và Đồng sáng lập VNG Corporation lạc quan chia sẻ quan điểm của mình tại Tọa đàm Chính sách “Ứng dụng Kinh tế Nền tảng Số tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam” do Công ty UP Gen phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức.
Trên thế giới, các tên tuổi lớn như Facebook, Google, Amazon, Alibaba… đang “làm mưa, làm gió” trở thành những nền tảng kinh tế số toàn cầu, song bên cạnh đó nó cũng tạo ra những nền tảng nhỏ hơn phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong một hệ sinh thái chung.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Kinh tế nền tảng số là một bộ phận của nền kinh tế quốc gia. Các nền tảng số này đang góp phần quan trọng trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là các nền tảng trong cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, như các ứng dụng về bản đồ, các nền tảng thiết kế website,...
“Tuy nhiên, để tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam, trước hết tự thân các nền tảng số trong nước phải trở nên cạnh tranh hơn. Đây cũng là chiến lược mà nhiều quốc gia đang sử dụng nhằm tạo dựng hệ sinh thái nền tảng, mà ở đó sự hợp tác và đồng sáng tạo kết nối với nhau. Xa hơn nữa, các Chính phủ cũng có thể trở thành một nền tảng số để tạo ra một thể chế thuận lợi và ưu việt hơn,” ông Thành cho hay.
(Nguồn: VEPR tổng hợp)
Theo khung đánh giá "Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0" của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các trụ cột quyết định khả năng cạnh tranh, bao gồm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thị trường, nguồn nhân lực, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể được cải thiện sức cạnh tranh như thế nào dưới tác động và sự vận dụng Kinh tế Nền tảng số?
Về điều này, ông Hải cho rằng vai trò quản lý của Nhà nước trong việc định hướng các chính sách là cực kỳ quan trọng. Để giúp các doanh nghiệp nội địa phát huy thế mạnh, đầu tư đúng hướng, Chính phủ cần tạo ra sân chơi công bằng nhằm khuyến khích nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp phát huy nội lực và sự sáng tạo…
Ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, UPGen Việt Nam tin tưởng: "Việt Nam với thị trường lớn 100 triệu dân hoàn toàn có thể xây dựng các công ty có giá trị hàng tỷ đô phục vụ thị trường nội địa. Theo đó, Kinh tế nền tảng số không chỉ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nội địa mà còn tham gia vào các nền kinh tế khác trên toàn thế giới"./.