06/11/2024 lúc 06:47 (GMT+7)
Breaking News

Văn Yên (Yên Bái): Đánh thức tiềm năng, nâng tầm du lịch

Vùng đất “Cao sơn ngọc quế Văn Yên” được nhiều khách du lịch lựa chọn bởi không khí trong lành, cảnh sắc tuyệt đẹp với nhiều hoạt động, sự kiện đa dạng, hấp dẫn tại các khu, điểm du lịch cùng sự thân thiện, mến khách của người dân. Du lịch Văn Yên đang vượt qua những "nốt trầm”, từng bước khẳng định vị thế của "ngành công nghiệp không khói” trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời cũng sẽ là đòn bẩy quan trọng và cơ hội cho ngành du lịch huyện Văn Yên phục hồi, tăng tốc, bứt
Lãnh đạo huyện Văn Yên tham quan các gian hàng và món ăn của xã Nà Hẩu.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Yên có 28 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Cùng với đó Văn Yên còn có nhiều cảnh đẹp, núi non kỳ vĩ, nhiều hang động, suối ngàn, thác nước, rừng nguyên sinh, những địa danh đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. …Đặc biệt, với nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, Văn Yên đang lưu giữ nhiều sắc màu văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số… Với những lợi thế riêng có đó, mỗi năm Văn Yên có khoảng 432.000 du khách đến thăm quan, trải nghiệm, trong đó khách lưu trú đạt khoảng 147.000 người, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 185,5 tỷ đồng, đã tạo việc làm mới cho 1.900 lao động địa phương. Trong giai đoạn hiện tại, huyện Văn Yên đã tập trung phát triển du lịch trên tất cả các phương  diện.

Nhắc đến Văn Yên, không ai không biết đến 2 di tích lịch sử câp quốc gia Đền Đông Cuông và Đền Nhược Sơn.  Những ngôi đền cổ kính, nổi tiếng linh thiêng với nhiều nghi thức truyền thống, mang đậm nét văn hóa dân tộc như lễ mổ trâu khao quân và cùng tham gia các trò chơi dân gian như đánh đu, ném còn, kéo co, được nghe, xem các làn điệu dân ca, dân vũ, thưởng thức các món ẩm thực đặc sắc chế biến từ những sản vật của làng quê. Du khách thập phương về huyện Văn Yên không chỉ để tận hưởng cảnh đẹp hùng vĩ của mùa xuân ở vùng Tây Bắc mà còn để tham dự các lễ hội, vãn cảnh, chiêm bái, dâng hương cầu lộc, cầu tài. Cùng với 2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, Văn Yên còn có nhiều di tích được tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, như:  Đình Lắc Mường, Đình Chạng, đền Đôi cô, đền Trái Đó, đền Trạng, đình Mường A, đền Phúc Linh, đình Yên Phú, đền Đại An, đền Gò Chùa….. Đây là những điểm sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng các dân tộc các địa phương, thể hiện mong ước, khát vọng vươn tới chân - thiện - mỹ của mỗi con người, đồng thời tôn vinh những người có công khai phá lập bản lập mường, đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước.

Hang động, thác nước, cảnh đẹp núi rừng Nà Hấu.

Văn Yên được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh đẹp với núi non kỳ vĩ, nhiều hang động, suối ngàn, thác nước, rừng nguyên sinh có hệ sinh thái đa dạng. Từ thế mạnh đó, huyện đã từng bước khơi dậy tiềm năng để phát triển du lịch, hướng tới mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.

Khu bao tồn thiên nhiên Nà Hẩu với diện tích rừng nguyên sinh rộng gần 16.000 ha. Được thiên nhiên ban tặng cho một địa thế độc đáo, Nà Hẩu như một kho báu giữa trời gắn liền với những truyền thuyết, lịch sử, những giống loài động thực vật quý hiếm cùng đời sống văn hoá đặc sắc của cộng đồng dân tộc Mông. Qua thời gian, quá trình kiến tạo địa chất phong hóa, thủy hóa tạo nên nhiều hang động trong vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, tập trung các hang đá với thạch nhũ đẹp, đa dạng với muôn hình vạn trạng. Tất cả đều tiềm ẩn vẻ đẹp quyến rũ và hấp dẫn, hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn những du khách ưa khám phá bởi hệ thống các ngóc ngách trong hang vô cùng hiểm trở và những hình thù kỳ lạ nhưng lại vô cùng hấp dẫn. Đặc biệt Nà Hẩu vẫn giữ gìn được nét đẹp truyền thông của đồng bào đó là Lễ hội tết rừng đầu năm với các nghi thức độc đáo, lâu đời, mang tính giáo dục cao, các điệu múa của đồng cao dân tộc Mông như múa khèn, múa sinh tiền cùng nhiều món ăn mang đậm bản sắc vùng cao. Ở Nà Hẩu hiện nay đã xây dựng được điểm du lịch cộng đồng Bản Tát đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, trữ tình, hội tụ sắc màu văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng của đồng bào dân tộc Mông, cùng những món ăn dân dã mang đậm bản sắc dân tộc được chế biến bởi bàn tay khéo léo của những người Mông bình dị và mến khách.

Lòng hồ thủy điện Ngòi Hút Phong Dụ Thượng.

Cách trung tâm huyện 60 km về phía Tây Bắc, xã Phong Dụ Thượng huyện Văn Yên đang là địa phương sở hữu nhiều tiềm năng, địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hệ sinh thái phong phú, đa dạng với quần thể ruộng bậc thanh Khe Táu rộng khoảng gần 50 ha, đỉnh cao nhất nhất so với mặt nước biển khoảng 1.100 mét. Trong quần thể ruộng bậc thang hiện có các đồi mâm xôi rất độc đáo, xen lẫn vào đó là các đồi hoa mua rất đẹp. Khí hậu nơi đây mát mẻ quanh năm, vào thời điểm bình minh và hoàng hôn trong ngày, đặc biệt là vào mùa lúa chín, cảnh quan ruộng bậc thang Khe Táu thực sự là một bức tranh kỳ vĩ và hấp dẫn. Ẩm thực nơi đây cũng đặc trưng với các món: gà leo đồi, lợn đen bản địa, măng vầu, lúa nếp nương, ngô, sắn ta, khoai sọ, thảo quả, sa nhân…;lễ hội lồng tồng, múa gậy sênh tiền, múa khèn, hát giao duyên, kén lá, múa xòe truyền thống đặc trưng cũng đã trở thành điểm nhấn thu hút du khách. Ngoài khu vực ruộng bậc thang thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng còn có khu vực suối nước nóng thuộc thôn Cao Sơn phục vụ nhu cầu tắm suối khoáng nóng, ẩm thực, dân ca dân vũ, lưu trú; Thác nước Khe Ban thuộc thôn Bản Lùng, thác nước Khe Mạng thuộc thôn Khe Mạng với dòng nước trong xanh, mát lạnh.

Nhằm tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có gắn với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của từng vùng, từng địa phương, để lại ấn tượng sâu đậm khi du khách đến thăm quan, trải nghiệm tại Văn Yên, huyện đã và đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp, HTX, THT. Đến nay, đã vận động thành lập mới được 02 tổ hợp tác du lịch đó là Tổ hợp tác sản xuất và cung ứng đồ mã thôn Bến Đền, xã Đông Cuông; Tổ hợp tác du lịch sinh thái - cộng đồng thôn Minh Khai, xã Quang Minh; Xây dựng được sản phẩm du lịch “Điểm du lịch cộng đồng Bản Tát, xã Nà Hẩu” đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao; Tư vấn, hỗ trợ Công ty Nam Dược Đại Phú An xây dựng mô hình du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe gắn với hội nghị hội thảo - đã được tỉnh công nhận là Resort đạt tiêu chuẩn 3 sao; Hỗ trợ HTX Nông nghiệp hữu cơ Trung Thành xây dựng và đưa vào khai thác mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn - Farmstay Yên Hợp; “Xây dựng điểm du lịch sinh thái - cộng đồng ruộng bậc thang thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng”; quan tâm khai thác, phát huy các danh lam, thắng cảnh, di tích trên địa bàn huyện (cảnh đẹp, ruộng bậc thang, thác nước, hang động, suối nước nóng,...) phục vụ phát triển du lịch. Bên cạnh đó, các địa phương có điểm du lịch đã chú trọng phát triển các món ẩm thực đặc trưng của địa phương phục vụ du lịch như Cá Tầm , Cá mịt, Gạo Chiêm Hương , Gà đen, lợn cắp nách, Vịt cổ xanh , Cá suối, Ốc suối, thịt lợn muối, Rượu men ViS,  Bánh tẻ, Bánh lẳng ...

Mâm lễ dâng Mẫu tại lễ hội Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn và Lễ hội cơm mới đền Đông Cuông năm 2023

Ngoài ra, các địa phương còn làm tốt công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy, khai thác bản sắc văn hóa truyền thống của đồng báo các dân tộc thiểu số, các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dẫn vũ, trò chơi dân gian truyền thống để phục vụ phát triển du lịch như Hát chầu văn, hát then, múa then, múa xòe cổ, hát khắp và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Tày (các xã: Đông Cuông, Tân Hợp, Phong Dụ Thượng, Ngòi A,...). Hát páo dung, múa rùa, múa gông, múa chuông, múa cầu mùa, nhảy lửa, lễ cấp sắc và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Dao (các xã: Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Xuân Tầm, Phong Dụ Thượng, Ngòi A, Quang Minh, ...). Múa xòe, sáo cúc kẹ và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Phù Lá (xã Châu Quế Thượng). Múa khèn, múa Mông, múa gậy sênh tiền và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Mông (xã Nà Hẩu).

Trên cơ sở Nghị quyết số 28 ngày 24/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030,  huyện Văn Yên  đã  xác định phát triển du lịch xanh, bền vững  gắn bảo tồn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, đồng khai thác có hiệu quả, sử dụng tiết kiệm các tiềm năng, thế mạnh của huyện theo hướng  phát triển du lịch xanh, đưa du lịch Văn Yên trở thành ngành công nghiệp không khói, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển. Huyện Văn Yên đang và đang  triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di sản, đẩy mạnh khai thác các điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Quan tâm phát triển thế mạnh về du lịch tâm linh gắn với các di tích lịch sử văn hóa như Đền Đông Cuông, Đền Nhược Sơn... và phát triển du lịch cộng đồng, chất lượng các dịch vụ du lịch ngày càng nâng cao. Tiếp tục khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn; quy hoạch các các khu vực mà huyện có tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư phát triển khu du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về đất và người Văn Yên; kết hợp chặt chẽ du lịch tâm linh với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng; phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo của huyện. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin và mạng xã hội để vùng đất quế trở thành điểm đến đến tham quan, trải nghiệm của du khách trong mùa du lịch. Ông Hà Đức Anh – Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết : “Để có thể phát huy được tiềm năng,  lợi thế cũng như khai thác tối đa các điểm du lịch trên địa bàn. Huyện Văn Yên đã phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch phát triển du lịch huyện Văn Yên phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Yên Bái. Đồng thời tiến hành rà soát, đề xuất bổ sung quy hoạch sử dụng đất phục vụ du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trọng tâm là Củng cố chất lượng, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mang  đậm bản sắc văn hóa của huyện, Sản phẩm du lịch lễ hội, du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa kết hợp xây dựng các tour du lịch tâm linh với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng, Du lịch ẩm thực các dân tộc. Bên cạnh đó, huyện  Văn Yên Xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn của huyện  như Du lịch trải nghiệm hệ sinh thái, trải nghiệm các giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan gắn với Các sản phẩm du lịch khác như Du lịch thể thao, Du lịch nông nghiệp, Du lịch MICE và du lịch kết hợp với làm việc, Du lịch giáo dục, Các sản phẩm quà tặng du lịch…”

Ðón đầu sự thay đổi về thói quen, nhu cầu du lịch của du khách sau đại dịch, tại nhiều địa phương, khu nghỉ dưỡng, các homestay, các HTX du lịch  trên địa bàn huyện Văn Yên đã làm mới các sản phẩm du lịch với nhiều hoạt động hấp dẫn, hướng du khách tới hoạt động trải nghiệm. Bên cạnh đó là các địa phương đã chủ động nắm bắt cơ hội, sẵn sàng mở đầu chuỗi các hoạt động du lịch hè năm 2023 với nhiều hoạt động, sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách du lịch, đồng thời xây dựng địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, tạo ấn tượng với du khách. Năm 2022, huyện Văn Yên đã đón được trên 400.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm, doanh thu du lịch đạt 174 tỷ đồng. Năm 2023, khách du lịch đến với Văn Yên đạt 460.000 lượt người, trong đó, khách lưu trú tại các điểm du lịch là 198.000  người, khách quốc tế là 10.970 người. Doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 224 tỷ đồng./.

Đoàn Tuấn - Thu Nhài