28/12/2024 lúc 05:42 (GMT+7)
Breaking News

Văn Yên (Yên Bái): Bứt phá để phát triển hội nhập

Văn Yên là một huyện vùng núi phía Bắc của tỉnh Yên Bái, được thành lập trên cơ sở sáp nhập 19 xã của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái với 6 xã của huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai vào ngày 16/12/1964. Văn Yên nổi tiếng với cả nước về du lịch tâm linh, những rừng quê bạt ngàn hay văn hóa của các dân tộc còn được giữ nguyên bản sắc.
Toàn cảnh huyện Văn Yên. (Yên Bái)

Hiện tại huyện Văn Yên có hệ thống giao thông vận tải thuận tiện về đường bộ, đường sắt và đường thủy với tuyến đường đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua 8 xã của huyện với chiều dài trên 50km, là trung tâm kết nối các tuyến giao thông dọc đi Hà Giang, Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải sang Sơn La, Lai Châu, cùng hệ thống giao thông đường thuỷ dọc tuyến sông Hồng, giao thông đường sắt Hà Nội – Lao Cai đã và đang gắn kết các vùng, các trung tâm thị tứ, trung tâm xã với trung tâm huyện Văn Yên với các tỉnh bạn. Phát huy những điều kiện về vị trí địa lý, tự nhiên trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Văn Yên đã không ngừng khắc phục khó khăn, tận dụng những thế mạnh, bằng khát vọng, ý chí, lòng quyết tâm và tinh thần đoàn kết, thống nhất, Văn Yên đã từng bước khẳng định là điểm đến cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Văn Yên hôm nay đã khoác trên mình tấm áo mới đầy sức sống, trở thành huyện phát triển khá toàn diện của tỉnh Yên Bái.

 Mặc dù là huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Yên Bái với địa hình phức tạp, khí hậu diễn biến thất thường, thiên tai mưa lũ thường xuyên. Nhưng Văn Yên đã biết phát huy ý trí kiên cường, bất khuất của Nhân dân ta từ thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vận dụng sáng tạo thành quả cách mạng, chủ động tạo thời cơ và nắm bắt thời cơ, phát huy trí tuệ tập thể, năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình hành động thực hiện phù hợp với thực tế. Đồng thời xác định rõ tiềm năng, thế mạnh địa phương; Chỉ động phát huy nội lực, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, các thành phần kinh tế và của các tổ chức xã hội để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng các cấp.  Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, huyện Văn Yên đã đạt và vượt nhiều  thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Đồng chí Luyện Hữu Chung - Bí thư huyện ủy Văn Yên tham gia phần hội cùng bà con nhân dân thôn Quyết Tiến trong ngày hội đại đoàn kết các dân tộc.

 Đồng chí Luyện Hữu Chung - Bí thư huyện ủy Văn Yên: “Nhận thức được chặng phát triển của huyện không phải là con đường bằng phẳng nên bắt đầu mỗi nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện,toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Văn Yên  đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy tiềm năng, lợi thế, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy mà cơ cấu kinh tế huyện chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người năm 2023  đạt trên 62 triệu đồng/ người/ năm . Nổi bật là, đã phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất hàng hóa hiệu quả và bền vững, hình thành các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp bình quân đạt 11,8%/năm. Đến hết năm 2023, huyện Văn Yên  có 20/24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 03 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 06 xã đạt tiêu chuẩn NTM nâng cao, 79 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 34 nông thôn mới. Đặc biệt huyện Văn Yên đã chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, nhất là xây dựng các sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn huyện đã có 48 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP; trong đó, có 45 sản phẩm 3 sao và 3 sản phẩm 4 sao. Đồng thời 100% các sản phẩm OCOP của huyện đều được đưa lên các sàn thương mại điên tử. …”

Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra chiến dịch phát triển công dân số tại xã Xuân Ái.

Để thu hút đầu tư, Văn Yên luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm bảo đảm sự thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp với phương châm “đồng hành thiết thực cùng doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các thành phần kinh tế kinh doanh thành công ở Văn Yên. Với quan điểm :  Quyết tâm đổi mới nhằm trở nên cạnh tranh hơn, Văn Yên đã quan tâm phát triển đô thị trên cơ sở tính tới các yếu tố thuận lợi về kết nối giao thông, dân số và các yếu tố chính trị, kinh tế - xã hội khác có liên quan, Văn Yên cũng đang ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng khu đô thị hạt nhân tại thị trấn Mậu A. Trong đó chú trọng quy hoạch và xây dựng 4 khu đô thị chính gồm khu đô thị Ever Green tại tổ dân phố số 7 và tổ dân phố số 10; Khu đô thị Tổ dân phố số 2 và tổ dân phố số 3; Khu đô thị Tổ dân phố số 8 và Khu đô thị tổ dân phố số 3. Từ năm 2015 – 2020 Văn Yên đã thu hút được 63 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 4 nghìn tỷ đồng; thành lập mới 119 doanh nghiệp, 49 hợp tác xã, nâng số doanh nghiệp toàn huyện lên 209 doanh nghiệp, tăng gấp 2 lần so với năm 2015 và 79 hợp tác xã, 462 tổ hợp tác, trên 2.700 hộ kinh doanh cá thể.

Người dân khu dân cư Lạc Hông thôn Tân Thịnh, xã An Thịnh dịch rào hiến đất mở rộng đường giao thông nội thôn.

Riêng trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, với quan điểm thu hút đầu tư phải gắn với triết lý phát triển của tỉnh nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa bản sắc và hạnh phúc”, Huyện đã chỉ đạo tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch, chú trọng đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp và hiện có 3 cụm công nghiệp với 4 dự án đang hoạt động. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, huyện Văn Yên đã thu hút được 14 dự án với tổng vốn đầu tư là 3.743 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đang triển khai thực hiện trên địa bàn huyện lên 76 dự án, với tổng vốn đầu tư 9.235 tỷ đồng. Phải kể đến là tại cụm công nghiệp Đông An đã khởi công xây dựng Nhà máy gia công và đóng gói thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất phân bón do Công ty Cổ phần BMC Yên Bái làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng; Tại cụm công nghiệp Bắc Văn Yên, đã động thổ Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Yên Bái do Công ty cổ phần Erex (Nhật Bản) và công ty Năng lượng xanh Sakura làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư là 20 triệu USD. Việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn huyện bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.. Năm 2023, Văn Yên đã hoàn thành 21 quy hoạch chung xây dựng xã, 09 quy hoạch chi tiết; Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án công nhận thị trấn Mậu A đạt đô thị loại V; đồ án Quy hoạch chung thị trấn Mậu A và vùng phụ cận đến năm 2035; Hội đồng nhân dân huyện đã thông qua Quy chế quản lý kiến trúc đối với xã Đại Phác và xã Tân Hợp. Các đều bán sát và dựa trên Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra mô hình sản xuất rau an toàn của xã Yên Phú.

Dựa trên tiềm năng diện tích đất nông nghiệp với trên 25.941 ha, huyện đã quan tâm đầu tư phát triển nông lâm nghiệp và hình thành 3 vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa rõ nét gồm vùng thâm canh lúa với diện tích 3.000 ha; vùng trồng màu và cây ăn quả và vùng trồng cây Quế với diện tích gần 60.000 ha mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện. Sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện trở thành địa phương có thế mạnh của tỉnh. Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các sản phẩm từ quế của huyện không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, trong nước mà xuất khẩu đi 18 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Băng - la - đét, Ai cập, Dubai, Singapore, Mỹ, Anh, Hà Lan, Nga... và đã có 16 sản phẩm từ quế được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đang tiếp tục xây dựng sản phẩm quế hữu cơ đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Hiện nay Quế Văn Yên đã có trên 9.000 ha được cấp chứng chỉ hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và Mỹ; Có trên 50 sản phẩm từ Quế có mặt trên thi trường, trong đó có 16 sản phẩm quế được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Thực tế, quế Văn Yên đã có mặt trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ông Hà Đức Anh – Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết : “ Với vùng quế lớn thứ nhất trong cả nước, giống quế được coi là tốt nhất và là sản phẩm thứ 16 trên toàn quốc được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm năm 2010, được cấp nhãn hiệu chứng nhận năm 2020, được Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan công nhận năm 2014.  Đặc biệt tại lễ hội Quế Văn Yên lần thứ IV Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao Quyết định và Giấy chứng nhận về đăng ký nhãn hiệu chứng nhận hình cho sản phẩm chế biến từ quế của huyện Văn Yên đã cho thấy Quế Văn Yên đã và đang khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.”

Với quan điểm "Kết cấu hạ tầng phải đi trước”, huyện Văn Yên đã huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng xây dựng nông thôn mới. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, toàn huyện đã kiên cố hóa gần 400 km đường giao thông nông thôn. Đồng thời các cấp ủy từ huyện đến cơ sở đã phát động phong trào "Dịch rào hiến đất”, huy động 3.499 hộ gia đình tham gia hiến 780.179 mét vuông đất, tự nguyện chặt bỏ, thu hoạch sớm 347.061 cây trồng các loại, phá dỡ 14.955 mét vuông tường rào với tổng giá trị quy đổi 87,1 tỉ đồng để mở rộng, nâng cấp và kiên cố hóa đường giao thông nông thôn. Từ đó hình thành nên những con đường khang trang, sạch đẹp, thể hiện "Ý Đảng - lòng dân”, góp phần đưa Văn Yên trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2024 theo đúng tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Riêng năm 2023, Văn Yên đã phát động và thực hiện phong trào “Mỗi người - Mỗi ngày một việc, góp phần làm sạch môi trường” tại 25/25 xã, thị trấn. Từ phong trào này đã có 72.646 lượt người tham gia; hiến 224.284 (m2) đất, phá bỏ 2.999 (m2) công trình xây dựng, chặt bỏ 49.429 cây trồng các loại tổng giá trị ước tính trên 21 tỷ đồng để mở rộng được 71,276 (km) đường giao thông . Đồng thời phát dọn vệ sinh 679,3 lượt km đường làng, ngõ xóm; đào và xây 1.342 chố rác gia đình, liên gia đình; nạo vét được 180,8 lượt km cống, rãnh; vệ sinh nhà văn hóa, sân thể thao, sân cơ quan với trên 105.925 lượt m2; xây dựng mới 10,95 km đường điện thắp sáng đường quê, trồng mới 14,4 km đường hoa và 17.500 cây hoa, cây cảnh các loại…; chăm sóc 151,7 lượt km đường hoa. Đắp lề đường 30 km đường bê tông, tham gia đổ mới được 48,56 km đường bê tông; hướng dẫn nhân dân phân loại và xử lý rác thải trong sinh hoạt theo quy định, chung tay làm sạch môi trường. Điều này đã góp phần xây dựng thành công 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 33 thôn nông thôn mới kiểu mẫu và 4 thôn nông thôn mới. Bà Ngô Thị Điểm -  thôn Cao Sơn, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên nói: “ Cùng với sự giúp đỡ của chính quyền, hôm nay tôi cũng nhừ anh em trong gia đình đi thu hoạch quế để Nhà nước khởi công tuyến đường. Có đường to, đẹp thì quế của chúng tôi càng có giá trị, đời sống của chúng tôi càng được nâng cao. Dù chưa được nhận tiền đền bù nhưng tôi cũng sẵn lòng hạ cây, giao đất, dịch rào để đường sớm khởi công. ”

Toàn cảnh rước Canavan Mùa vàng dâng Mẫu.

Văn Yên được biết đến là huyện có nhiều di tích nhất toàn tỉnh với 28 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, cùng với đó là những cảnh đẹp, núi non kỳ vĩ,  hang động, suối ngàn, thác nước, rừng nguyên sinh và sắc màu văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số… Trên cơ sở Nghị quyết số 28, ngày 24/02/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Văn Yên và đang  triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di sản, đẩy mạnh khai thác các điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Quan tâm phát triển thế mạnh về du lịch tâm linh gắn với các di tích lịch sử văn hóa như Đền Đông Cuông, Đền Nhược Sơn... Đồng thời củng cố chất lượng, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mang  đậm bản sắc văn hóa của huyện, như Du lịch trải nghiệm hệ sinh thái, trải nghiệm các giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan gắn với Các sản phẩm du lịch khác như Du lịch thể thao, Du lịch nông nghiệp, Du lịch MICE và du lịch kết hợp với làm việc, Du lịch giáo dục, Các sản phẩm quà tặng du lịch…trên địa bàn. Năm 2023, Văn Yên đã đón 415.000 lượt du khách tham quan, trải nghiệm lễ hội ẩm thực, lễ hội Tết rừng của người Mông Nà Hẩu, Lễ hội Đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn…, các hoạt động du lịch trong dịp hè, dịp nghỉ lễ 2/9.  Trong đó số khách lưu trú 185.000  người, bằng 102,8% kế hoạch. Doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt 208, bằng 104% kế hoạch và tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022.

Chương trình rước sản vật đất mẫu.

Mạnh dạn chuyển đổi số, đây được  xem là “bước đi đột phá” mang lại lợi ích cho người dân tạo sự thu hút, sức lan tỏa về ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất, xây dựng NTM. Đến nay, 25/25 xã, thị trấn đã thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, với 321 thành viên; 172/172 thôn, tổ dân phố đạt 100% thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp thôn, với 1.322 thành viên. 100% Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, cấp thôn trên địa bàn huyện đã tạo nhóm Zalo để trao đổi thông tin, triển khai nhiệm vụ được giao; Chính quyền cơ sở triển khai có hiệu quả các ứng dụng, nền tảng số đến người dân như: Dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, các ứng dụng về y tế, giáo dục, YenBai-S, Sổ tay đảng viên điện tử...Toàn huyện Cài đặt, kích hoạt định danh điện tử cho 70.904 người, đạt 114,65% chỉ tiêu kế hoạch giao, Cài đặt ứng dụng YenBai-S được 55.652 người, đạt 118,33% so với Kế hoạch giao. 100% cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện đã thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản mô hình “Cơ quan chuyển đổi số”; 100% TTHC có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, 4; giải quyết các TTHC phát sinh theo mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích; 100% cán bộ, công chức được cấp và sử dụng hộp thư điện tử công vụ trao đổi thông tin giải quyết việc công. Văn Yên là một trong những địa phương nhiều năm liên tục giữ vững vị trí tốp đầu của tỉnh về Chỉ số cải cách hành chính (Par Index); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI). Nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), giải quyết tốt các thủ tục hành chính tại Bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Người dân trồng hoa hai bên đường.

Trong những năm qua, nền kinh tế phát triển đã thực sự là động lực, là đòn bẩy cho các hoạt động văn hóa, xã hội ở Văn Yên đạt kết quả ngày càng cao hơn. Giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, quy mô mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được sắp xếp phù hợp, đảm bảo sự bình đẳng về quyền lợi học tập của học sinh ở tất cả các cấp học; chất lượng giáo dục được chú trọng, Văn Yên luôn là điểm sáng về chất lượng giáo dục của tỉnh nhà. Huyện đã triển khai và thực hiện hiệu quả các chương trình Quốc gia về y tế, dân số, bảo vệ chăm sóc sức khỏe trẻ em.Trung tâm Y tế huyện tiếp tục duy trì tiêu chuẩn là bệnh viện hạng 2 và ngày càng được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu trong công tác khám chữa bệnh, phục vụ nhân dân. Các chương trình an sinh xã hội, người có công, lao động việc làm, xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực. Riêng trong năm 2023,  Văn Yên đã chú trọng thực hiện đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao đời sống. Đồng thời có nhiều giải pháp trợ lực để người nghèo thoát nghèo bền vững. Đến nay, toàn huyện đã có trên 300 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà và sửa chữa nhà ở, 150 hộ nghèo được các đồng chí trong BTV, BCH và các cơ quan ban ngành, đoàn thể hỗ trợ cây, con giống, tư liệu sản xuất trị giá trên 360 triệu đồng. Văn Yên đã chỉ đạo ngân hang chính sách xã hội huyện Văn Yên giải ngân 179 tỷ đồng cho 3.020 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn theo các chương trình tín dụng. Hết năm 2023 trên địa bàn huyện giảm được 1.454 hộ nghèo, giảm 4,07 %, vượt  0,02% so với kế hoạch đề ra , giảm 638 hộ cận nghèo, đạt 1,77%, vượt 0,27% so với kế hoạch giao.  Số hộ nghèo trong toàn huyên hiện  còn 2.489 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 6,93%; 1.167 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 3,25% .Quan trọng hơn cả, người dân đã thay đổi tư duy, nhận thức, không còn trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước mà chủ động, tự giác vươn lên để thoát nghèo. Anh Tráng A Sùng  - Thôn Trung Tâm,  xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên tâm sự : “ Mình là hộ nghèo của thôn, khó khăn lắm, trước đây cả nhà mình sông trong ngôi nhà cũ, dột nát, gió to thì sợ đổ. Vừa rồi được nhà nước cho 50 triệu đồng, mình bóc thêm quế, vay thêm anh em làm được ngôi nhà trị giá 100 triệu đồng. Được sống trong nghôi nhà mới mình rất vui. Mình cảm ơn Đảng, Nhà nước, địa phương đã giúp mình làm nhà. Có nhà mình sẽ cố gắng làm ăn, nuôi dạy con thật tốt và nhanh thoát nghèo.”

Bên cạnh đó, huyện  Văn Yên đã triển khia thực hiện tốt Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”, "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…Xây dựng và phát động  hiệu quả các phong trào riêng có của huyện như "Ngày thứ Bảy cùng dân”, "Thắp sáng đường quê”; phong trào “ Lắng nghe dân nói, xây dựng văn hóa và giữ gìn vệ sinh môi trường sống”; “ 5 không 5 sạch”, "Dịch rào, hiến đất mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn", phong trào “ Mỗi ngày, mỗi người một việc – góp phần làm sạch môi trường sống”  cùng các phong trào thi đua yêu nước khác đã thực sự đi vào chiều sâu, thiết thực để phục vụ người dân, vì hạnh phúc của nhân dân. Điều dễ dàng cảm nhận ở vùng đất quế đó là chỉ số hạnh phúc của người dân được nâng cao cả về sự hài lòng về cuộc sống, sự hài lòng về môi trường sống và tăng tuổi thọ trung bình. Hết năm 2023, huyện Văn Yên được đánh giá là huyện có Chỉ số hạnh phúc đạt 69,04%, đạt mức 2 – mức khá hạnh phúc. Tuổi thọ trung bình của người dân 74,4 tuổi, trong đó số năm sống khỏe 67 tuổi,

Kể từ khi được thành lập đến nay, nhiệm vụ them chốt xuyên suốt mà Đảng bộ huyện Văn Yên tập trung thực hiện là nhiệm vụ xây dựng Đảng, Đảng bộ huyện đã quan tâm tới công tác xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, thường xuyên chăm lo củng cố hệ thống chính trị, xây dựng Chính quyền nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Từ kết quả đạt được của việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đã tạo nên sự chuyển biến rõ nét trong cả trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang trong huyện, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Số lượng, chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng được nâng lên, từ 25 tổ chức cơ sở đảng với 673 đảng viên của ngày đầu mới thành lập thì đến hết năm 2022, Đảng bộ huyện Văn Yên đã có 7.643 đảng viên với 48 chi đảng bộ cơ sở.  100%  chi bộ tổ chức cho trên 7.500 đảng viên ký cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của cá nhân, tinh thần tự phê bình, phê bình và trách nhiệm nêu gương đươc nâng lên rõ rệt. Trách nhiệm nêu gương của cán bộ Đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đao chủ chốt các cấp được phát huy hiệu quả. Ghi nhận những đóng góp của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện nhà trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước đã trao tặng huyện danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2002, danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” vào năm 2005 cho huyện Văn Yên.

Một chặng đường không hẳn là dài nhưng được ví như “viên đá thử vàng” kiểm chứng bản lĩnh quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên vượt lên chính mình để đạt được những thành tựu to lớn. Văn Yên hôm nay đã có nhiều đổi thay - đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong toàn huyện. Vẫn biết phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng thành quả của một nhiệm kỳ qua là động lực để Văn Yên tiếp tục có những bước phát triển mới, nhanh hơn, mạnh mẽ hơn./.

Đoàn Tuấn - Thu Nhài