20/04/2024 lúc 17:17 (GMT+7)
Breaking News

TTT ngược dòng “ngậm ngải tìm trầm”

Việt Nam - nơi có những điều kiện tự nhiên ưu ái và những chính sách rộng mở của Đảng và nhà nước để phát triển kinh tế ngành nông lâm nghiệp. Mô hình hoạt động dựa trên chính những tài nguyên sẵn có của TTT đang thu hút được sự ủng hộ rất lớn của đông đảo người dân và chính quyền địa phương.

Tiên phong “gỡ nút thắt” cho ngành Trầm hương Việt

Chúng tôi gặp anh Phú vào một buổi trưa nắng ở Đồng Xoài, Bình Phước khi đi cùng anh vào thăm vườn Dó Bầu đang được cấy tạo bằng công nghệ vi sinh độc quyền để chủ động sinh trầm. Đi trong vườn cây thoang thoảng mùi đặc trưng của gỗ trầm, tìm chút bóng râm dưới những tán cây Dó Bầu và nghe câu chuyện của anh Phú, nếu không giới thiệu hẳn chúng tôi sẽ không thể biết người đàn ông giản dị chất phác này là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Giám Đốc Kĩ Thuật của Công ty Cổ phần Trầm Hương Sinh Học TTT, là người trực tiếp đảm bảo, hướng dẫn từng công đoạn từ khoan hộc đến pha men, đắp men vi sinh nhằm kích thích tạo trầm trên những vườn Dó Bầu mà công ty đang cấy tạo. Anh Phú kể về việc biết đến công nghệ vi sinh cấy tạo trầm, coi đó là một cơ duyên hạnh ngộ khi được truyền thụ bởi các sư thầy sư cô vùng Đồng Nai đã nhiều năm dày công nghiên cứu với mục đích giúp đời, giúp người dân xoá đói giảm nghèo bằng loài cây này.

Anh Nguyễn Công Phú - Phó CT HĐQT kiêm Giám đốc kỹ thuật bên cây Dó Bầu

Anh Phú chia sẻ, đến với Trầm phải đặt cái thiện Tâm trong sáng lên đầu. Ngày xưa, phu trầm "ngậm ngải tìm trầm" không có việc làm, đời sống ổn định từ nghề phu trầm hay thậm chí phải đánh đổi cả mạng sống trên con đường tìm trầm đầy gian nan hiểm nguy ấy. Hàng ngàn hecta Dó Bầu bị phá bỏ, khai thác bừa bãi chỉ để thu được một sản lượng trầm rất ít ỏi. Do đó, khi có cơ duyên hạnh ngộ với các sư thầy, sư cô để biết về công nghệ cấy tạo chủ động kích thích cây Dó Bầu sinh trầm, anh Nguyễn Công Phú và anh Lê Văn Giang - Ban lãnh đạo Công ty CP Trầm Hương Sinh Học TTT đã thống nhất chiến lược phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn nhằm bảo tồn những rừng cây Dó Bầu, mở rộng vùng nguyên liệu, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường và ổn định an sinh xã hội địa phương bằng cách tạo công ăn việc làm cho người dân lao động tại các vườn ươm cấy tạo.

Đây là hướng đi thực sự mang tính "lội ngược dòng" trong ngành khai thác Trầm hương ở Việt Nam từ trước đến nay, chính vì thế, doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn trong giai đoạn đầu hoạt động. Trong đó, khó khăn lớn nhất phải kể đến là việc thuyết phục người dân giữ vườn, không đốn bỏ Dó Bầu mà hợp tác cùng Công ty để cấy tạo trầm. Cũng dễ hiểu, bởi cách đây vài chục năm, phong trào trồng Dó Bầu nổi lên ở nhiều tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Phước, Buôn Mê Thuột,… với hi vọng đổi đời cho người dân. Tuy nhiên, do không có công nghệ cấy tạo, cây Dó bầu sẽ không thể sản sinh ra trầm, công sức chăm sóc bỏ ra phải tầm chục năm mới có thể khai thác được nhưng giá trị khai thác rất thấp và gần như không có đầu ra. Những vườn Dó Bầu mang hi vọng đổi đời giờ đây trở thành củi khi chỉ được trả giá tầm 2 đến 3 triệu mỗi cây sau gần chục năm chăm sóc. Hoặc cũng có một số nơi người dân được hướng dẫn cách tạo trầm bằng các phương pháp như lột vỏ cây hay khoan lỗ lên cây rồi quét, bơm hoá chất. Tuy nhiên, những phương pháp này thường gây chết cây và để lại những hệ luỵ lâu dài cho môi trường và sức khoẻ người dân. Chính vì đã mất niềm tin trong thời gian khá lâu như vậy về giá trị của cây Dó Bầu, mà công tác mở rộng vùng nguyên liệu, hợp tác với người dân ban đầu rất khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng với hiệu quả cấy tạo được chứng minh chỉ sau 3 tháng, từ những hộc cây được đắp men vi sinh đã hình thành phần gỗ nhiễm tinh dầu - hay chính là Trầm hương, doanh nghiệp đã dần tháo gỡ những khó khăn, tạo niềm tin với người dân địa phương và có cơ sở để thực hiện chiến lược phát triển bền vững, lâu dài của mình.

Vườn Dó Bầu bị lột vỏ cây để cấy tạo trầm bằng hoá chất

“Hành lộ nan” đưa Trầm hương ra thế giới

Để có được sự đồng lòng, ủng hộ của người dân cũng như chính quyền địa phương và các đối tác, doanh nghiệp đã có sự nghiên cứu thị trường một cách đầy đủ trước khi hoạt động và đặc biệt chủ động tìm đầu ra với giá trị thương mại cao cho thành phẩm trầm ngay từ giai đoạn đầu cây vẫn đang trong quá trình cấy tạo.

Chia sẻ với phóng viên vào một ngày tháng 05/2022 sau khi trở về từ chuyến công tác ở khu vực Trung Đông - nơi tiêu thụ Trầm hương lớn nhất thế giới, anh Lê Văn Giang - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Trầm Hương Sinh Học TTT cho biết: “Trầm hương được bán với giá rất cao ở thị trường này, tuy nhiên mục tiêu của doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là cấy tạo để rồi khai thác, bán giá cao mà khát khao lớn hơn của TTT là xây dựng và khẳng định được thương hiệu Trầm hương Việt Nam trên thị trường thế giới”. Anh Giang tâm sự về niềm chạnh lòng khi đi rất nhiều cửa hàng, khu phố bán trầm lớn nhỏ ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), không hề có sản phẩm Trầm hương Việt Nam được bày bán, cũng không ai biết đến Trầm hương Việt Nam dù chúng ta có sản lượng trầm không thua kém Ấn Độ, Malaysia, Campuchia,…Anh cũng chia sẻ thêm: “Chúng tôi không xem đây là thách thức, mà trái lại là cơ hội để doanh nghiệp của mình vươn ra thế giới, xây dựng thương hiệu quốc gia về Trầm hương, đưa Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng Trầm hương toàn cầu”.

Vườn Dó Bầu 4 hecta cấy tạo Trầm hương theo công nghệ độc quyền của TTT tại Bình Phước

Đưa văn hóa Trầm hương về đúng giá trị

Nói về định hướng phát triển của TTT, anh Giang một lần nữa nhắc đến tinh thần “lội ngược dòng” dù khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn đang kiên định thực hiện. Nếu như cách đây tầm vài chục năm, Trầm hương chỉ được biết đến bởi giới tinh hoa, siêu giàu, thì nay doanh nghiệp lại đang nỗ lực để phổ cập hiểu biết, nâng cao nhận thức về giá trị Trầm hương đến nhiều tầng lớp người dân hơn, bởi phải được nhiều người biết đến mới có cơ sở vững chắc để giải những bài toán khó khi xây dựng thương hiệu Trầm hương Việt mang tầm quốc gia, quốc tế. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp không ưu tiên gọi vốn từ những quỹ đầu tư lớn, mà thay vào đó tăng cường hợp tác đầu tư dự án với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn thấp. Đây không chỉ là quá trình chia sẻ giá trị về kinh tế, mà còn giúp lan toả những hiểu biết về giá trị của Trầm hương - Quốc bảo của Việt Nam trên các phương diện về văn hoá, tâm linh, gìn giữ những gì đáng quý nhất của Trầm hương cho nhiều thế hệ mai sau.

Anh Lê Văn Giang ký hợp đồng hợp tác bao tiêu, phân phối sản phẩm Trầm hương với đối tác ở UAE

Việt Nam - nơi có những điều kiện tự nhiên ưu ái và những chính sách rộng mở của Đảng và nhà nước để phát triển kinh tế ngành nông lâm nghiệp. Mô hình hoạt động dựa trên chính những tài nguyên sẵn có của TTT đang thu hút được sự ủng hộ rất lớn của đông đảo người dân và chính quyền địa phương. Hi vọng rằng trong tương lai sẽ có nhiều doanh nghiệp hơn nữa dám chấp nhận khó khăn, thách thức để tận dụng được những lợi thế này và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, đất nước, lan toả nhiều hơn những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Thùy Dương 

...