VNHN – Mới đây, tại hội thảo quốc tế đầu tiên nhằm tham vấn xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương diễn, đại diện tổ chức quốc tế, Đại sứ Canada tại Việt Nam khẳng định sẽ phối hợp, hỗ trợ Việt Nam xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương.
Ảnh minh họa
Theo một thống kê mới nhất của Liên Hợp quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 8 triệu tấn rác nhựa đổ ra các đại dương.
Bên cạnh đó, con người và các cơ sở sản xuất thải ra khoảng 100 -150 tỷ USD trị giá bao bì đóng gói bằng nhựa/nilon mỗi năm, trong đó, có tới khoảng 90% các sản phẩm nhựa được làm từ nguyên liệu hóa thạch.
Ô nhiễm rác thải biển là thách thức toàn cầu. Vấn nạn này không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và hệ sinh thái biển mà còn tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh tế và cộng đồng dân cư ven biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng, các chuyên gia khẳng định.
Liên quan tới vấn đề trên, ông Đặng Huy Đông - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, tại Việt Nam, hơn 90% lượng rác ở Việt Nam được xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt.
Phương pháp này vô cùng độc hại và nguy hiểm. Rác chôn lấp khiến ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất còn rác đốt thì sinh ra chất dioxin, trong khi đó, các nhà máy rác ở Việt Nam gần như không có phương án nào khác để xử lý rác hiệu quả.
Từ cở sở đã nêu, các chuyên gia cho rằng, để có giải pháp giải quyết rác thải nhựa đại dương trên phạm vi toàn cầu, khu vực cũng như ở Việt Nam, cần phải xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa.
Đồng thời có cơ chế tài chính khuyến khích chuyển dịch mô hình tăng trưởng trên cơ sở nền kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc giảm tiêu thụ, gia tăng việc tái chế và tái sử dụng nhựa.
Mặt khác các giải pháp về thông tin dữ liệu quản lý rác thải nhựa trên biển, giải pháp khoa học công nghệ, đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp thay đổi hành vi và tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác khu vực nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa...
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: Bảo vệ môi trường biển, phục hồi hệ sinh thái biển đã được xác định là một trong những mục tiêu, chủ trương lớn trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Theo báo cáo, Việt Nam đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ triển khai: Thu gom, vận chuyển và xử lý 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề; 85% chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân;
Thay thế túi nilon khó phân hủy được sử dụng tại các trung tâm thương mại, siêu thị bằng các túi nilon thân thiện với môi trường; thu gom và xử lý 80% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn…
Trước đó, Hội thảo quốc tế tham vấn xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương nhằm hiện thực hóa sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada vào tháng 6/2018 - Ông Trần Hồng Hà thông tin và đề xuất sáng kiến Việt Nam có thể đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN với chủ đề “Hướng tới cộng đồng ASEAN không rác thải nhựa” vào năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN./.