22/12/2024 lúc 15:04 (GMT+7)
Breaking News

"Trí tuệ", "Thời gian" và Tầm nhìn tương lai

"Thời gian" và "Trí tuệ" là những định hướng quan trọng được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm trong suốt chuyến thăm tới ba nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm đến ba nước Trung Đông với tinh thần mở đường, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, coi trọng "thời gian" và "trí tuệ". Trong chuyến công tác này, lần đầu tiên Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác toàn diện và ký kết hiệp định thương mại tự do với một nước Trung Đông, góp phần huy động những nguồn lực mới phát triển đất nước.

Đêm ngày 1/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm đến ba nước Trung Đông: Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Vương quốc Saudi Arabia và Nhà nước Qatar. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến khu vực sau 15 năm.

Vùng Vịnh là một trong những khu vực phát triển năng động hàng đầu thế giới, đứng đầu về trữ lượng dầu mỏ, có các trung tâm tài chính hàng đầu, đang đi đầu trong chuyển đổi mô hình phát triển mới theo hướng đa dạng hóa nền kinh tế và đang đón đầu các xu thế mới về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

UAE, Saudi Arabia và Qatar nằm trong những cường quốc năng lượng, có quy mô kinh tế lớn và vai trò quan trọng tại Trung Đông. Ba nước nói riêng và khu vực Trung Đông – Bắc Phi là những đối tác, thị trường, trung tâm tài chính, công nghệ lớn của khu vực, thế giới với tiềm năng, dư địa hợp tác với Việt Nam còn rất lớn.

Việt Nam và các quốc gia khu vực vùng Vịnh, Trung Đông - Bắc Phi từ lâu đã có truyền thống quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các quốc gia Trung Đông đều đặt Việt Nam vào vị trí ưu tiên trong "chính sách hướng Đông" của mình. Các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ngày càng gần gũi với các nước ASEAN về tầm nhìn và định hướng phát triển.

Đây là những nền tảng quan trọng để UAE, Saudi Arabia, Qatar cũng như các nước khác trong khu vực và Việt Nam tăng cường hợp tác, khai thác những tiềm năng, thế mạnh của nhau, kết nối với nhau, bổ trợ cho nhau, đưa quan hệ lên tầm cao mới, toàn diện hơn, sâu sắc hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và ba nước trong thời gian gần đây còn chưa tương xứng với quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp, tiềm năng, nhu cầu và mong muốn của hai bên.

Trong thời gian thăm ba nước, Thủ tướng Chính phủ đã có chương trình làm việc dày đặc, phong phú, thực chất, hiệu quả với gần 60 hoạt động, gồm các cuộc hội đàm, tiếp xúc với Lãnh đạo cấp cao, các bộ trưởng, lãnh đạo các tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu thế giới của ba nước; phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 (FII8) tại Saudi Arabia; phát biểu chính sách tại Học viện Ngoại giao UAE; phát biểu tại Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - UAE; dự lễ khai trương phòng trưng bày của Vinfast tại UAE và lễ khai trương văn phòng khu vực của FPT tại Saudi Arabia; thăm khu liên hợp hóa dầu Ras Laffan tại Qatar, Bảo tàng Tương lai tại Dubai (UAE) và Bảo tàng Quốc gia Qatar; gặp gỡ cán bộ nhân viên đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam tại ba nước…

Các Bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan, địa phương tham gia đoàn công tác cũng có hàng chục cuộc tiếp xúc, làm việc, trao đổi thiết thực, hiệu quả với các đối tác.

Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng, thực chất, là dấu mốc quan trọng của mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với ba nước UAE, Saudi Arabia, Qatar nói riêng và khu vực Trung Đông - Bắc Phi nói chung.

"Trí tuệ", "Thời gian" và Tầm nhìn tương lai

"Thời gian" và "Trí tuệ" là những định hướng quan trọng được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm trong suốt chuyến thăm tới ba nước. Tư duy, tầm nhìn chiến lược, hướng tới tương lai cũng là những ấn tượng đậm nét trong các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ tên gọi các sự kiện, địa điểm như Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai, Bảo tàng Tương lai và con đường phát triển trong tương lai mà ba nước cũng như Việt Nam đã xác định.

Theo Thủ tướng, con đường phát triển của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với ba nước, trong đó các nhà Lãnh đạo có những điểm chung về tầm nhìn, tư duy đổi mới và phát triển; coi trọng "thời gian", coi trọng "trí tuệ", cùng chung khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và ấn tượng với sự phát triển vượt bậc, những kỳ tích, thành công ngoạn mục trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, "biến những gì không thể thành có thể" của ba quốc gia. Cùng nhìn về tương lai, với khát vọng không ngừng vươn lên, UAE đang nỗ lực hiện thực hóa "Tầm nhìn UAE 2031", "Tầm nhìn UAE 2071", Qatar triển khai chiến lược "Tầm nhìn 2030" và Saudi Arabia thực hiện chiến lược "Tầm nhìn 2030".

Trong khi đó, Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa hai mục tiêu 100 năm: đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước), trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Việt Nam và các nước cần cùng đồng hành, truyền cảm hứng, sát cánh cùng nhau, hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trên hành trình hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển, hướng tới tương lai phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Đặc biệt, qua tiếp xúc với các nhà lãnh đạo ba nước, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần chia sẻ ấn tượng mạnh mẽ về tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, cách thức quản trị và định hướng, giải pháp phát triển đất nước, cũng như phương châm hành động quyết liệt, xác định nhiệm vụ công việc rõ ràng, coi trọng thời gian, trí tuệ của lãnh đạo các nước. Đây cũng là những kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam có thể nghiên cứu, tham khảo.

Đơn cử, thủ tục lập doanh nghiệp chỉ mất 5 phút đã giúp UAE có 1,5 triệu doanh nghiệp niêm yết, tăng gấp 3 lần so với con số 500.000 doanh nghiệp cách đây 3 năm. Bảo tàng Tương lai Dubai (UAE) thể hiện tham vọng phá vỡ giới hạn thông thường về vật lý và tư duy. Bảo tàng Quốc gia Qatar là một trong những công trình trong dự án tổng thể nhằm biến Doha thành một thủ đô văn hóa nổi tiếng thế giới …

"Thời gian không đợi ai cả, còn tư duy, tầm nhìn, trí tuệ phải vượt qua chính mình thì mới làm được việc lớn", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.

Với tâm thế như vậy, chuyến thăm đã khẳng định tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới, quyết tâm cao, cam kết mạnh mẽ, hành động quyết liệt của lãnh đạo Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, góp phần nâng tầm quan hệ với 3 nước nói riêng và vùng Vịnh, Trung Đông – Bắc Phi giàu tiềm năng nói chung.

Việc chính thức nâng cấp quan hệ đã đưa UAE trở thành Đối tác toàn diện đầu tiên của Việt Nam tại Trung Đông, mở ra không gian phát triển mới cho quan hệ hai nước, mở rộng mạng lưới Đối tác Toàn diện của Việt Nam lên 14 nước. Việt Nam với Saudi Arabia và Qatar cũng nhất trí thúc đẩy sớm nâng quan hệ lên tầm cao mới trong thời gian tới, qua đó góp phần thúc đẩy Việt Nam tăng cường quan hệ với các đối tác quan trọng khác ở khu vực.

Chuyến thăm làm sâu sắc hơn sự tin cậy chính trị, củng cố quan hệ tốt đẹp giữa Lãnh đạo cấp cao Việt Nam với các nhà Lãnh đạo cấp cao và Hoàng gia ba nước. Các nước đã dành sự tiếp đón chu đáo, trọng thị với nhiều biệt lệ dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam; theo đó, các nước đối tác hiểu hơn về Việt Nam, không chỉ là một đất nước với nền văn hóa phong phú, đặc sắc, lịch sử hào hùng, quật cường trong bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ mà còn có khát vọng lớn lao và đang trên đà vươn lên mạnh mẽ, đóng góp cho việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Khẳng định không có giới hạn nào trong quan hệ với Việt Nam, Quốc vương Qatar cho biết Qatar luôn mở cửa cho các hoạt động hợp tác với Việt Nam. Tổng thống UAE khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của UAE tại châu Á và hợp tác với Việt Nam là một trong những quan tâm chính của UAE. Trong khi đó, Bộ trưởng Đầu tư Saudi Arabia khẳng định Hoàng thái tử, Thủ tướng Saudi Arabia và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm mang tính "lịch sử".

Nhiều văn kiện quan trọng đã được thông qua nhân chuyến công tác, trong đó có Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - UAE lên Đối tác toàn diện, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam-UAE, Thông cáo chung giữa Việt Nam và Qatar, 33 văn bản hợp tác trong các lĩnh vực thương mại - đầu tư, tài chính, năng lượng, đổi mới sáng tạo, tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng, giáo dục - đào tạo, thể thao, hợp tác giữa các doanh nghiệp…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan nhất trí 06 trọng tâm ưu tiên hợp tác, chỉ đạo khẩn trương xây dựng các chương trình hành động triển khai ngay khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Hoàng Thái tử, Thủ tướng Saudi Arabia thống nhất đưa hợp tác kinh tế thành trụ cột chính trong quan hệ song phương, đưa Saudi Arabia trở thành một trong các nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam và nhất trí xác định trụ cột "hợp tác tương lai" của hai nước là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Qatar cùng thống nhất đánh giá quan hệ Việt Nam - Qatar đã bước vào một giai đoạn mới, sâu sắc và toàn diện hơn, xác định hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một trụ cột quan trọng. Hai bên nhất trí thúc đẩy thương mại, ưu tiên các mặt hàng thế mạnh của nhau như nông sản, thủy sản, giày dép, dệt may... của Việt Nam và các sản phẩm dầu khí, năng lượng, hóa chất của Qatar.

Trên cơ sở củng cố nền tảng tin cậy chính trị - ngoại giao, cùng với thúc đẩy trọng tâm hợp tác về kinh tế - thương mại - đầu tư, Thủ tướng Chính phủ và các Nhà lãnh đạo các nước cũng nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền của mỗi nước và duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở hai khu vực và thế giới.

Những thông điệp truyền cảm hứng

Điểm nhấn đặc biệt quan trọng của chuyến thăm là thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với cả ba nước nói riêng và khu vực vùng Vịnh, Trung Đông nói chung. Thủ tướng đã phát biểu, chuyển tải nhiều thông điệp quan trọng tại các cuộc hội đàm, cuộc gặp với các nhà lãnh đạo, các hội nghị, sự kiện và có hàng loạt cuộc gặp gỡ với các Bộ trưởng, Quốc vụ khanh các bộ phụ trách kinh tế, đầu tư, công nghiệp, năng lượng, ngoại thương... của UAE, Saudi Arabia và Qatar.

Thủ tướng Chính phủ đã tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 (Hội nghị FII8) do Saudi Arabia tổ chức với chủ đề "Chân trời vô tận: đầu tư hôm nay, định hướng tương lai". Trong bài phát biểu quan trọng, Thủ tướng gửi thông điệp về Việt Nam đổi mới, năng động và sẵn sàng cùng các nước trao đổi, chia sẻ, đưa ra các sáng kiến thúc đẩy đầu tư vì một tương lai phát triển bền vững và thịnh vượng.

Thủ tướng nhấn mạnh, là một trong những nước chịu nhiều đau thương, mất mát nhất kể từ sau Đại chiến Thế giới thứ II, liên tục bị tác động bởi chiến tranh, bao vây, cấm vận trong nhiều thập kỷ, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã gác lại quá khứ, biến thù thành bạn, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, sau gần 40 năm đổi mới, hội nhập và phát triển, từ một nước bị bao vây, cấm vận, nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, quy mô GDP của Việt Nam đã tăng lên 430 tỷ USD năm 2023, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD. Trong những năm gần đây, mặc dù tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, bất ổn, tăng trưởng nhiều nền kinh tế và đầu tư toàn cầu suy giảm, nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt mức gần gấp đôi mức tăng trưởng bình quân toàn cầu, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam mong muốn các đối tác, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư ba nước, vùng Vịnh và thế giới tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và với các đối tác Việt Nam, nhất là làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Thủ tướng khẳng định: "Việt Nam luôn kiên định chính sách tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ bên trong và bên ngoài, nhất là hợp tác công tư, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư", với "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh".

Cùng với nỗ lực đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, có tính cạnh tranh cao trong khu vực, toàn cầu, không ngừng cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, ưu tiên các ngành, lĩnh vực mới nổi, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Việt Nam đang tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, logistics để tiết giảm chi phí, thời gian, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm và hạ tầng y tế, giáo dục để bảo đảm phúc lợi cho nhà đầu tư" và "Việt Nam luôn hết sức quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả đầu tư".

Đồng thời, "Việt Nam đầu tư củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, tạo nền tảng vững chắc để bảo đảm an ninh, an toàn và gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định lâu dài, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư". Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã tận dụng tối đa thời gian và cơ hội để giới thiệu, quảng bá về những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam - một trong những nền kinh tế năng động, sáng tạo, tăng trưởng nhanh của khu vực và thế giới. Thủ tướng đã chỉ rõ và đề nghị thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong nhiều lĩnh vực, các mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam và của ba nước với các nhà lãnh đạo và các tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu thế giới.

Đơn cử như Quỹ Đầu tư quốc gia Abu Dhabi (ADIA) đang quản lý tài sản khoảng 830 tỷ USD, là quỹ đầu tư lớn thứ tư trên thế giới; Quỹ Mubadala thuộc sở hữu của Chính phủ Abu Dhabi với tổng tài sản khoảng 300 tỷ USD; Quỹ Đầu tư quốc gia của Qatar (QIA) với tài sản ước tính khoảng 475 tỷ USD,…

Cùng với đó là Tập đoàn Dầu khí Saudi Aramco của Saudi Arabia với doanh thu năm 2023 đạt gần 500 tỷ USD và tổng tài sản đạt trên 660 tỷ USD; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) là một trong những tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới; Qatar Energy là công ty chịu trách nhiệm quản lý tất cả các hoạt động dầu khí của Qatar - quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị và nhận được sự nhất trí cao của các nhà Lãnh đạo ba nước và các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn về tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực, dự án chiến lược, đột phá, mang tính biểu tượng tại Việt Nam. Trong lĩnh vực dầu khí, Thủ tướng đề nghị Qatar Energy tăng cường hợp tác với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam để thực hiện các dự án lớn tăng cường khả năng tự chủ của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất điện khí; thúc đẩy ADNOC xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ dầu thô và sản phẩm lọc hóa dầu tại Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường tại khu vực.

Về nông nghiệp, Thủ tướng cho biết Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu nông sản khoảng 60 tỷ USD trong năm 2024, đang tập trung chuyển đổi, cơ cấu lại theo hướng chất lượng cao, "ăn ngon, ăn sạch"; việc hợp tác trong lĩnh vực này sẽ vừa góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho ba nước, vừa mở ra cơ hội hợp tác với Việt Nam để khai thác thị trường Halal đầy tiềm năng.

Sự thiện chí, chân thành, mong muốn thúc đẩy hợp tác với các đối tác của Thủ tướng thể hiện qua từng chi tiết nhỏ, như khi tiếp đoàn doanh nghiệp Qatar, Thủ tướng đã đề nghị phiên dịch viên nói to hơn để các thành viên trong đoàn đều được nghe thấy, hay khi lắng nghe đối tác UAE về phát triển doanh nghiệp và chính sách nhập cảnh, Thủ tướng đề nghị chia sẻ sâu hơn nữa, làm bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp, nhà đầu tư ba nước đánh giá cao những thông tin, thông điệp mà Thủ tướng chia sẻ về môi trường đầu tư kinh doanh, chiến lược, cơ chế, chính sách ưu tiên thu hút đầu tư của Việt Nam; đồng thời nêu rõ sẵn sàng thúc đẩy hợp tác, mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới. Như đánh giá của Bộ trưởng Công nghiệp và Khoáng sản của Saudi Arabia: "Những thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền cảm hứng mạnh mẽ".

Cùng với những yếu tố quan trọng, mang tính nền tảng về tốc độ tăng trưởng, môi trường đầu tư, nguồn nhân lực trẻ, chất lượng ngày càng cao, vị trí địa lý thuận lợi, các đối tác, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư ba nước còn đặc biệt ấn tượng với chủ trương, đường lối, chiến lược, chính sách phát triển của Việt Nam và truyền thống văn hóa, lịch sử của đất nước, những giá trị quý giá của con người Việt Nam như tinh thần hòa hiếu, yêu hòa bình, phản đối chiến tranh, đặc biệt trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, xung đột ở nhiều nơi.

Bộ trưởng Đầu tư Saudi Arabia khẳng định: "Cá nhân ông, Hoàng gia và tất cả người dân Saudi Arabia đều rất cảm phục về những gì mà Việt Nam làm được, tạo nên một phép màu sau chiến tranh khốc liệt". Theo Bộ trưởng: "Những quốc gia khác nếu phải chịu thảm họa như vậy sẽ phải mất nhiều thế hệ để khắc phục, nhưng Việt Nam đã sớm phục hồi và phát triển vào hàng nhanh nhất thế giới, tạo cơ hội to lớn cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư, đặc biệt gần đây Việt Nam đã đưa ra các giải pháp thay thế để bảo đảm chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có chuỗi cung ứng công nghệ cao không bị đứt gãy".

“Dấu ấn lịch sử" CEPA và những thỏa thuận cụ thể, thực chất

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ba nước và Việt Nam đã thống nhất được nhiều định hướng lớn, đạt nhiều thỏa thuận quan trọng về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư.

Việt Nam – UAE đặt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỷ USD trong thời gian tới... Với Saudi Arabia, hai bên thống nhất mục tiêu kim ngạch thương mại 10 tỷ USD. Với Qatar, hai bên nghiên cứu thành lập Tổ công tác chung về thương mại; xem xét khả năng xây dựng Trung tâm trưng bày sản phẩm của Việt Nam tại Qatar…

Tại UAE, Bộ trưởng Bộ Kinh tế nước này cho biết rất quan tâm tìm hiểu về các chính sách kinh tế của Việt Nam và UAE mong muốn tổ chức Hội nghị thu hút đầu tư Việt Nam-UAE, dự kiến tổ chức trong quý 1 năm 2025 trong khuôn khổ sáng kiến Investopia do UAE khởi xướng. Bộ trưởng Bộ Đầu tư UAE cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng các trung tâm tài chính tại TPHCM và thành phố Đà Nẵng theo đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tại Saudi Arabia, Bộ Đầu tư của nước này mong muốn thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tiến tới đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa hai nước.

Tại Qatar, Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ thông tin của nước này đề nghị Việt Nam mở Trung tâm Doanh nghiệp công nghệ tại Qatar để sản xuất các sản phẩm, cung cấp dịch vụ cho không chỉ Qatar mà cho cả khu vực vùng Vịnh. Bộ trưởng Lao động của Qatar cam kết đẩy nhanh tiến độ đàm phán, để sớm ký Hiệp định Lao động giữa hai nước, tạo cơ sở pháp lý tiếp nhận nhiều hơn lao động từ Việt Nam - đất nước có 100 triệu dân với nguồn lao động trẻ, dồi dào, có tay nghề cao.

Lãnh đạo các quỹ đầu tư, các tập đoàn lớn của ba nước đều khẳng định, sau chuyến thăm của Thủ tướng sẽ cử ngay đoàn vào Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh với tinh thần "không bỏ lỡ cơ hội" đang mở ra và sớm hiện thực hóa thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao.

Đơn cử, lãnh đạo tập đoàn năng lượng ACWA Power của Saudi Arabia nhấn mạnh muốn hợp tác lâu dài với Việt Nam, kể cả đào tạo nhân lực và sẵn sàng đầu tư 5 tỷ USD với việc tạo thuận lợi từ phía Việt Nam. Giám đốc Quỹ Quốc gia Abu Dhabi (ADIA) muốn triển khai các dự án tại Việt Nam "nhanh nhất có thể".

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao các Bộ trưởng, lãnh đạo bộ, cơ quan, địa phương tham gia Đoàn công tác thúc đẩy trao đổi ngay với các đối tác để cụ thể hóa các kết quả trao đổi, thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao. Thủ tướng yêu cầu sau chuyến thăm cần thường xuyên trao đổi cụ thể với các đầu mối hai bên đã thống nhất trên tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện".

Một điểm nhấn hết sức được mong chờ và đã trở thành hiện thực trong chuyến thăm, đó là việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA) - Hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam với một nước Trung Đông. Được đàm phán và ký kết trong thời gian ngắn kỷ lục, CEPA là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới thứ 17 của Việt Nam được ký kết.

Đây là kết quả từ quyết tâm cao của lãnh đạo hai nước, trong đó có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Chỉ trong một năm qua, Thủ tướng đã có 3 cuộc gặp với Quốc vụ khanh Thương mại quốc tế, phụ trách vấn đề này của phía UAE.

Với Hiệp định này, UAE sẽ mở cửa cho gần như toàn bộ các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu, được đánh giá là dấu mốc lịch sử mở ra con đường lớn cho Việt Nam tiến sâu vào thị trường UAE, các nước khu vực vùng Vịnh, Trung Đông – Bắc Phi. Nhân dịp hai nước ký CEPA trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Quốc vụ khanh phụ trách thương mại quốc tế của UAE đã có bài viết riêng về CEPA được Hãng thông tấn xã UEA đưa tin rộng rãi.

Với sự khởi đầu của Hiệp định CEPA từ UAE, tới thăm Saudi Arabia và Qatar, Thủ tướng đã đề nghị và nhận được sự phản hồi tích cực, đầy hào hứng từ các nhà Lãnh đạo hai nước về việc thúc đẩy đàm phán, ký kết hiệp định thương mại tự do song phương trong thời gian ngắn nhất, trên cơ sở tham khảo nội dung, cách làm của Việt Nam và UAE trong đàm phán và ký kết Hiệp định CEPA.

Tại Diễn đàn Sáng kiến đầu tư tương lai mà Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự tại Saudi Arabia, các nhà Lãnh đạo nhiều nước đều chúc mừng sự kiện Việt Nam và UAE ký CEPA - sự kiện tạo nên tiếng vang lớn tại vùng Vịnh, đồng thời mong muốn sớm đàm phán và ký kết với Việt Nam hiệp định tương tự.

Trong các cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng các nước Pakistan, Ai Cập và Hoàng Thái tử Jordan đều bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh và dành tình cảm đặc biệt đối với đất nước, Nhân dân Việt Nam. Các Nhà lãnh đạo đã trao đổi sâu sắc, toàn diện về quan hệ giữa Việt Nam và các nước cũng như các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển trên các lĩnh vực cho tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của Việt Nam và các nước đối tác.

Hoàng Thái tử Jordan hoan nghênh hướng đi mới của Việt Nam trong đầu tư phát triển ngành Halal, khẳng định khu vực các nước Arab là thị trường rất tiềm năng và sẵn sàng phối hợp, nhập khẩu các sản phẩm lương thực Halal của Việt Nam nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước cũng như mở rộng, tái xuất khẩu vào các thị trường khu vực.

Cũng trong chuyến thăm, Thủ tướng đã đề nghị các nhà Lãnh đạo ba nước tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng người Việt Nam ổn định cuộc sống, an ninh, an toàn, yên tâm làm việc lâu dài, hiệu quả, góp phần làm cầu nối vững chắc cho quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các nước.

Với những định hướng, thỏa thuận đã đạt được, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt cơ sở quan trọng để chuyển hóa những cơ hội, tiềm năng thành những dự án hợp tác cụ thể, thực chất, hiệu quả thời gian tới với ba nước và khu vực trên các lĩnh vực; trong đó tạo đột phá về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, đặc biệt là trong những trụ cột hợp tác về năng lượng, dầu khí, lương thực, lĩnh vực Halal, các lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật…; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác về đưa an ninh, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân... để trở thành nền tảng vững chắc cho quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu dài với các nước.

Chuyến thăm đã thúc đẩy mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận những nguồn lực mới, những bài học kinh nghiệm quý, tạo động lực mới cho những lĩnh vực hợp tác truyền thống, thúc đẩy khai phá những lĩnh vực tiềm năng, tạo dựng vững chắc sự tin cậy chính trị, đối ngoại để mở đường cho một giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam và ba nước cũng như toàn khu vực.

Đây là bước triển khai thiết thực, sinh động, hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, là sự cụ thể hoá quan điểm chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, nhất là đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, đa dạng hóa đối tác, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, góp phần tiếp tục củng cố môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, thu hút tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.

Thanh Khê