26/04/2024 lúc 10:08 (GMT+7)
Breaking News

Trí thức Việt kiều hướng về đất nước

VNHN - Theo thống kê gần đây, có khoảng 10% trong số 4,5 triệu người Việt Nam đang sống và làm việc tại nước ngoài là trí thức được đào tạo về khoa học, công nghệ kinh tế, văn hóa, nghệ thuật phân bố ở hơn 100 Quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Đây là một nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào và hết sức giá trị cần được tận dụng để phát triển nền kinh tế đất nước.

VNHN - Theo thống kê gần đây, có khoảng 10% trong số 4,5 triệu người Việt Nam đang sống và làm việc tại nước ngoài là trí thức được đào tạo về khoa học, công nghệ kinh tế, văn hóa, nghệ thuật phân bố ở hơn 100 Quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Đây là một nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào và hết sức giá trị cần được tận dụng để phát triển nền kinh tế đất nước.

Đội ngũ trí thức người Việt tại nước ngoài tập trung đông nhất ở các nước: Mỹ, Pháp, Australia, Canada, Đức, Nhật Bản, Nga…, nghĩa là đều ở những nước có trình độ khoa học công nghệ cao. Đội ngũ trí thức Việt kiều tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó một tỷ lệ rất lớn đang trực tiếp tham gia vào nghiên cứu khoa học cùng các ngành kinh tế mũi nhọn của nước sở tại như: công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng, y học, quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán…, đều là những lĩnh vực mà nước ta đang rất cần nâng cao.

Trong số các trí thức người Việt đó có không ít người đã đạt được thành công, có vị trí và uy tín ở các lĩnh vực mình tham gia. Nhiều nhà khoa học trẻ gốc Việt đã rất thành công trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, được thế giới biết tới và trao tặng nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý, chẳng hạn như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Đặng Vũ Thiên Thanh,... Nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hóa cũng thu được nhiều thành công đáng kể trong lĩnh vực của mình. Cũng có người đi theo con đường hoạt động chính trị, xã hộị, có được uy tín và vị thế đối với chính quyền sở tại và qua đó cũng đóng góp tích cực trong việc xây dựng mối quan hệ ngoại giao cho đất nước.

Mặc dù cách trở về mặt địa lý và nhiều yếu tố khác (như khác biệt ngôn ngữ, văn hóa đối với người sống nhiều năm hay với người gốc Việt ra đời tại nước ngoài, thậm chí có người đã mang hẳn quốc tịch của quốc gia đó), nhưng thực tế nhiều năm gần đây cho thấy trí thức Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn dành rất nhiều tình cảm cho quê hương, và dù dưới hình thức nào vẫn luôn mong mỏi được cống hiến tài năng, tâm huyết và công sức của mình cho sự phát triển của đất nước. Niềm tự hào dân tộc, tình yêu với cội nguồn như truyền thống bao đời nay của dân tộc vẫn luôn cháy rực trong mỗi con người Việt Nam xa quê, và đó chính là nhân tố quan trọng nhất để mỗi trí thức người Việt sinh sống ở bất cứ nơi đâu trên thế giới đều luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới sự phát triển mọi mặt của quê hương.

Như vậy, với lực lượng đông đảo cộng với trình độ chuyên môn cao và nhiệt huyết của mình, trí thức người Việt ở ngoài nước là một nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế cho đất nước. Những năm gần đây, khi Đảng và Nhà nước có chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, số lượng các tập đoàn và công ty nước ngoài đặt cơ sở và làm việc tại Việt Nam ngày càng nhiều, đồng thời cũng tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có thêm nhiều điều kiện mang tri thức và sản phẩm của mình về nước dưới nhiều hình thức: nghiên cứu, giáo dục, phát triển công nghệ, kinh tế, hoạt động xã hội. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các chuyên gia, trí thức và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu, nhân dịp về dự Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài trên thế giới

Chúng ta có thể điểm qua một số thống kê và ví dụ để thấy được sự quan tâm và đóng góp của trí thức Việt kiều cho sự phát triển khoa học công nghệ và kinh tế trong nước những năm gần đây. Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trong những năm gần đây, hàng năm có hàng trăm lượt trí thức là Việt kiều về nước làm việc, tham gia vào các chương trình hợp tác nghiên cứu và triển khai khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, phần lớn theo hình thức công tác ngắn ngày như hội nghị, hội thảo, giảng dạy, triển khai các dự án hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Những năm gần đây, số lượng này ngày một tăng với nguồn chính là từ Mỹ, Pháp, Australia, Canada, Đức, Nhật Bản... Lực lượng trí thức này thường tập trung trong các lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng như khoa học cơ bản, công nghệ thông tin, năng lượng, nông nghiệp, y tế, giáo dục.

Bên cạnh đó, trong điều kiện nền kinh tế nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mấy năm gần đây đã xuất hiện nhiều trí thức Việt kiều đóng góp vào sự phát triển của đất nước thông qua hình thức doanh nghiệp. Đây là hình thức phù hợp, vừa phát triển hoạt động trí thức vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế. Điển hình về mô hình này thời gian qua có thể kể tới Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thu hút nhiều nhà khoa học như Tiến sỹ Nguyễn Đình Uyên - kiều bào Mỹ (ngành viễn thông), Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Tới - kiều bào Mỹ (ngành hàng không)…; Viện Khoa học và Công nghệ tính toán thành phố Hồ Chí Minh do Giáo sư Trương Nguyện Thành - kiều bào Mỹ làm Viện trưởng; Trung tâm Hội nghị quốc tế Quy Nhơn của Giáo sư Trần Thanh Vân; Viện nghiên cứu cao cấp về toán do Giáo sư Ngô Bảo Châu làm Viện trưởng. 

Có thể thấy rằng lực lượng trí thức người Việt ở nước ngoài là một tiềm năng vô cùng quí giá cần được khai thác nhiều hơn để tham gia vào công cuộc phát triển đất nước. Tuy nhiên, công bằng mà nói, ở nước ta hiện nay trí thức Việt kiều cũng chưa có được đầy đủ điều kiện tốt nhất để có thể đem tài năng, trí tuệ của mình đóng góp cho sự phát triển của quê hương đất nước một cách hiệu quả. Thực tế, vấn đề lớn nhất của ta là cơ sở vật chất. Tuy cơ sở vật chất của đất nước ngày nay đã có nhiều bước tiến đáng kể nhờ tốc độ tăng trưởng đáng mừng của cả kinh tế cũng như khoa học công nghệ, nhưng không thể phủ nhận rằng chúng ta vẫn còn lạc hậu và thiếu nhiều điều kiện so với các quốc gia phát triển trên thế giới. Không khó khăn để có thể nhìn thấy hai mặt trở ngại của sự thiếu thốn này đối với việc đầu tư chất xám của trí thức Việt kiều vào trong nước.

Thứ nhất, trí thức có trình độ chuyên môn cao và được đào tạo tại các trường, viện nghiên cứu có uy tín trên thế giới có đủ khả năng để có được một công việc tốt với thu nhập cao hơn tại nước sở tại hoặc các quốc gia phát triển khác. Như vậy, chúng ta gặp khó khăn khi thu hút lực lượng trí thức này. Thứ hai, quan trọng hơn, đó là ngay cả khi chúng ta đáp ứng được nhu cầu thu nhập phù hợp cho các trí thức Việt kiều về phục vụ tại quê hương mình thì có một thực tế là các trí thức này vẫn không có đủ điều kiện hạ tầng và các hỗ trợ kĩ thuật khác để làm tốt công tác nghiên cứu của mình.

Việc đầu tư một cơ sở vật chất tốt cho nghiên cứu không chỉ đòi hỏi chi phí lớn hơn rất nhiều lần chi phí trả lương cho chính nhà nghiên cứu mà còn đòi hỏi cả trình độ khoa học kĩ thuật - điều mà chúng ta vẫn còn khoảng cách không nhỏ so với các nước phát triển. Như vậy, khó khăn lớn nhất của chúng ta để thu hút trí thức người Việt ở nước ngoài đầu tư chất xám vào thị trường trong nước chính là cơ sở vật chất. Việc giải quyết vấn đề này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học có uy tín thì yếu tố quan trọng nhất chính là chính sách của nhà nước.

Giáo sư - NGND Nguyễn Lân Dũng nêu rõ quan điểm: “Để huy động được chất xám, tài năng trí tuệ của trí thức Việt kiều sống xa Tổ quốc, cùng với việc tranh thủ tối đa lực lượng này, thì cũng phải tạo điều kiện về cơ sở vật chất để họ có thể làm công tác nghiên cứu cũng như bảo đảm cuộc sống cho họ để họ chỉ tập trung vào chuyên môn”. Giáo sư Ngô Bảo Châu - nhà toán học cũng đang thường xuyên làm việc cả trong và ngoài nước, cho biết: “Rào cản lớn nhất đối với trí thức người Việt ở nước ngoài có lẽ là chính sách đãi ngộ và môi trường nghiên cứu cống hiến chưa thỏa đáng.

Chúng ta đã bỏ phí một thời gian khá dài để có những thành quả đáng ra chúng ta đã có với một lực lượng nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài không phải nhỏ”… Mong rằng trong tương lai không xa, với sự quan tâm và tạo điều kiện nhiều hơn nữa của nhà nước thông qua những chính sách và giải pháp hết sức cụ thể, thiết thực cùng sự phát triển của khoa học, công nghệ, kinh tế, trí thức người Việt ở nước ngoài sẽ có một môi trường ngày càng tốt hơn ở trong nước để mang kiến thức và nhiệt tâm của mình đóng góp được nhiều hơn trong tiến trình xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp, văn minh, tiến bộ.