19/12/2024 lúc 09:51 (GMT+7)
Breaking News

TP Thanh Hóa: Kinh tế tiếp đà tăng trưởng tích cực

Nằm hai bên bờ sông Mã, với diện tích tự nhiên 146 km² cùng dân số trên 400 nghìn người, thành phố Thanh Hóa là một trong những đô thị có quy mô dân số và diện tích lớn nhất của khu vực phía Bắc. Tọa lạc tại vị trí địa lý thuận lợi, mang trong mình nhiều tầng văn hoá, được công nhận là đô thị loại I, thành phố đã và đang vươn mình mạnh mẽ, thể hiện được vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thanh Hoá.
Một góc thành phố Thanh Hóa nhìn từ trên cao.

Năm 2024 được xác định là năm “tăng tốc, bứt phá và về đích” để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra; là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Với tinh thần “quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt”, cấp ủy, chính quyền thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững.

Thành phố Thanh Hóa bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong điều kiện có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc chủ động, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, sự đồng tình, ủng hộ, sẻ chia của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, trong 9 tháng năm 2024 thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt trong phát triển Kinh tế của thành phố tiếp tục đà tăng trưởng phát triển mạnh mẽ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện đạt kết quả tích cực; nhiều chỉ tiêu chủ yếu như thu ngân sách, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ du lịch... tăng so với cùng kỳ và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của cả tỉnh.

Các đại biểu và nhà đầu tư thực hiện nghi thức khởi công Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN phía Đông Bắc TP Thanh Hóa.

Nổi bật như, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn duy trì ổn định và tăng trưởng; một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng so với cùng kỳ, như: Quần áo may sẵn tăng 10,1%; giầy da xuất khẩu tăng 9,7%; tôm đông lạnh tăng 9,6 %; xuất khẩu ước đạt 1.642 triệu USD, tăng 14,3%, chiếm 36% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 22.155 nghìn tấn, tăng 6,5%; khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 12 triệu lượt người, tăng 9,2%. Du lịch ước đón 3,5 triệu lượt khách, tăng 10,6%; doanh thu du lịch ước đạt 5.192 tỉ đồng, tăng 9,6%. Công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thương mại, sản xuất, kinh doanh, vệ sinh môi trường được tăng cường; cơ quan chức năng đã kiểm tra 142 trường hợp, xử lý 92 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 1,64 tỉ đồng. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 3.163 tỉ đồng, vượt 8% dự toán tỉnh giao; thành lập mới 1.090 doanh nghiệp, bằng 74,1% kế hoạch, tăng 6,4% so với cùng kỳ; cấp giấy phép kinh doanh mới cho 05 hợp tác xã, vượt 150% kế hoạch…

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng ước đạt 8.920,59ha, vượt 6,5% kế hoạch, tăng 1,4% so với cùng kỳ; sản lượng lương thực có hạt ước đạt 40.025,2 tấn, vượt 2% kế hoạch, tăng 5% so với cùng kỳ. Tích tụ, tập trung đất đai được 140ha, vượt 75% kế hoạch; có thêm 06 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, bằng 66,6% kế hoạch.

Để có được kết quả trên, thành phố Thanh Hóa đã đổi mới phương pháp quản lý, điều hành, vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách của Nhà nước vào tình hình thực tế của địa phương bảo đảm xây dựng và quản lý đô thị có hiệu quả. Trong công tác quản lý, thành phố quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, có trình độ năng lực chuyên môn phù hợp với tình hình mới; xây dựng chính quyền đô thị có đủ năng lực, khả năng quản lý toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội. Thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; các lĩnh vực ghi nhận có bước phát triển về quy mô và chất lượng. Các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng tổ phố, đơn vị, cơ quan, gia đình văn hóa, xây dựng “Đô thị văn minh, công dân thân thiện”, trọng tâm là cuộc vận động “Người dân TP Thanh Hóa nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện”.

Để hoàn thành và vượt chỉ tiêu, mục tiêu, đề ra, từ nay đến cuối năm 2024, thành phố sẽ có những giải pháp, định hướng chiến lược thực hiện, trong đó: Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, trong đó phát triển công nghiệp - xây dựng là then chốt, dịch vụ - thương mại là mũi nhọn. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ GPMB theo kế hoạch UBND tỉnh giao; đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư công theo Nghị quyết 303 của HĐND thành phố. Tăng cường kiểm tra xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý trật tự đô thị, quản lý đất đai. Nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp; củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua là tiền đề quan trọng để thành phố Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Từ đó, tạo đà vững chắc để thành phố vươn tầm trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh trong sự nghiệp CNH, HĐH; một trong những trung tâm lớn về thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa, khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao của vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ; có kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao./.

Hải Nam