19/12/2024 lúc 12:20 (GMT+7)
Breaking News

TP Sầm Sơn: Nửa nhiệm kỳ nỗ lực, sáng tạo và phát triển

Sầm Sơn là vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử, nằm ở vị trí chiến lược trọng yếu của tỉnh Thanh Hóa, giàu tiềm năng và có nhiều lợi thế phát triển kinh tế dịch vụ và du lịch của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ.
Những năm gần đây, kinh tế thành phố phát triển mạnh mẽ, năng lực sản xuất, quy mô kinh tế tăng nhanh; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Sầm Sơn là thương hiệu du lịch nổi tiếng trong nước và ở một số thị trường quốc tế; là đô thị du lịch, kết nối thuận lợi với nhiều tỉnh, thành phố trong nước, nhất là Thủ đô Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc. Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Sầm Sơn đã phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để xây dựng thành phố ngày càng phát triển; kinh tế - xã hội của thành phố, nhất là dịch vụ và du lịch có bước phát triển mạnh mẽ, du lịch Sầm Sơn được nâng tầm trên bản đồ du lịch Việt Nam, được công nhận là một trong 5 khu du lịch hàng đầu Việt Nam.

Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong điều kiện tình hình kinh tế - xã hội của cả nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh covid-19 gây ra, nhưng tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 03 năm (2021 - 2023) của thành phố ước đạt 12,9%, tuy chưa đạt Nghị quyết Đại hội nhưng là tốc độ tăng trưởng cao, đứng thứ hai toàn tỉnh, giá trị sản xuất 03 năm (theo giá so sánh) đứng thứ năm toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021 - 2023 tiếp tục chuyển dịch đúng hướng (theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp từ 13,44% xuống 10,81%, tăng tỷ trọng dịch vụ - thương mại từ 38,25% lên 40,4% và công nghiệp - xây dựng từ 48,31% lên 49,14%). Tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh) giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 32.981 tỷ đồng, vượt 6% so với kế hoạch cả giai đoạn 2021 - 2025, gấp 2 lần so với cả giai đoạn 2016 - 2020; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 64,3 triệu đồng, ước năm 2023 đạt 69,86 triệu đồng gấp 1,2 lần giai đoạn 2016 - 2020 và đứng thứ ba toàn tỉnh. Sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng trưởng khá, giá trị sản xuất (theo giá so sánh) giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 3.257 tỷ đồng, gấp 1,3 lần cả giai đoạn 2016 - 2020.

Sầm Sơn có đủ tiềm năng để phát triển thành khu du lịch quốc gia và đô thị du lịch.

Trong lĩnh vực dịch vụ du lịch của thành phố có nhiều đổi mới, đã từng bước khắc phục được những hạn chế, yếu kém làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Sầm Sơn. Đã tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế tài nguyên thiên nhiên, phát huy tốt các giá trị văn hóa, lịch sử. Nhiều sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác, tạo ấn tượng lớn trong lòng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần quảng bá và kích cầu du lịch. Điển hình như, tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, lễ hội, thể dục, thể thao trên địa bàn, nhất là Lễ hội du lịch biển, các lễ hội gắn với các danh thắng, di tích. Định kỳ tổ chức Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái trở thành lễ hội đặc sắc, riêng có của Sầm Sơn. Theo đó, tổng lượt khách du lịch 3 năm ước đạt 15.811 triệu lượt khách, bằng 77% cả giai đoạn 2016 - 2020; trong đó năm 2021 thành phố đón được 1,56 triệu lượt khách, năm 2022 đón được 7,05 triệu lượt khách, năm 2023 ước đón được 7,2 triệu lượt khách. Lượt khách du lịch của thành phố ngày càng tăng qua các năm, luôn chiếm từ 65 - 70% tổng số lượt khách trên toàn địa bàn tỉnh.

Một điểm nhấn quan trọng, làm thay đổi toàn diện bộ mặt của thành phố sau nửa nhiệm kỳ là công tác huy động nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, gắn với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đã triển khai nhiều dự án lớn trọng điểm của tỉnh, của thành phố, như: Dự án đường giao thông Đại lộ Nam Sông Mã giai đoạn 1, Đường Trần Nhân Tông đoạn từ cuối Đại lộ Nam Sông Mã giai đoạn 1 đến đường Nguyễn Du, thành phố Sầm Sơn; Đường bộ ven biển tỉnh Thanh Hóa (đoạn thành phố Sầm Sơn - Quảng Xương) và các dự án của các nhà đầu tư lớn, như: dự án khu đô thị sinh thái biển của Tập đoàn Đông Á; khu đô thị, dịch vụ thương mại phía Nam Sầm Sơn của Tập đoàn Văn phú Invest, Toàn Tích Thiện và đặc biệt là các dự án: Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn (đã đưa vào khai thác trong năm 2023); Khu đô thị Quảng trường biển thành phố Sầm Sơn, khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí Nam Sông Mã, khu đô thị  sinh thái nghỉ dưỡng Sông Đơ do Công ty cổ phần Tập đoàn SUNGROUP đầu tư. Những dự án trên hứa hẹn sẽ mang lại diện mạo đô thị mới cho thành phố. Cùng với các dự án lớn; kết cấu hạ tầng đô thị, các khu dân cư được đầu tư nâng cấp, ngày càng được hoàn thiện. Tỷ lệ đô thị hóa của thành phố ngày càng tăng, năm 2021 đạt 85%, 2023 đạt 92,1%, ước năm 2023 đạt 92,3%.

Nhiều dự án lớn, công trình trọng điểm đã và đang được đầu tư và đưa vào sử dụng, trở thành những điểm nhấn về kiến trúc và cảnh quan đô thị, tạo ra diện mạo mới cho thành phố theo hướng văn minh, hiện đại.

Để tạo sự đột phá về tăng trưởng kinh tế và góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, thành phố đã tập trung nhiều giải pháp hiêu quả để đẩy mạnh phát triển công nghiêp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Nhiều sản phẩm, mặt hàng có thế mạnh của thành phố tiếp tục duy trì phát triển, như: đóng mới, sửa chữa, nâng cấp tàu thuyền; chế biến hải sản, đồ mộc dân dụng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ... Hiện nay cụm công nghiệp làng nghề phường Quảng Châu đang được thành phố tổ chức thực hiện theo tiến độ để đưa vào khai thác ngay trong nhiệm kỳ. Công tác phát triển doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả; doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân phát triển số lượng, quy mô và cơ cấu ngành nghề, góp phần giải quyết việc làm mới cho hàng nghìn lao động. Ước giai đoạn 2021 - 2023, thành phố thành lập mới được 425 doanh nghiệp, vượt kế hoạch tỉnh giao. Thành phố luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân trong sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực du lịch, xây dựng, thủy sản; triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Với những nỗ lực của Đảng bộ và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thành phố, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 636/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 về công nhận thành phố Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, thành phố đã có 03 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.

Một trong những dấu ấn quan trọng trong ba năm 2021 - 2023, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực được thực hiện theo hướng công khai, minh bạch, cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính (khoảng 30%); đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện lịch tiếp doanh nghiệp và công dân định kỳ theo kế hoạch; thực hiện nghiêm việc tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; phát huy hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thành phố, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư. Trên cơ sở thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ đó, năm 2022 thành phố đã được UBND tỉnh công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) với điểm số đạt 77,44 điểm, đứng thứ ba toàn tỉnh và đứng thứ nhất về chỉ số tính năng động và vai trò của người đứng đầu với điểm số đạt 9,88 điểm.

Đặc biệt, để tạo bước đột phá trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 – 2025, thành phố đã phối hợp với các Sở, ngành xây dựng đề án và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26/11/2021 về xây dựng và phát triển thành phố Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 298/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Sầm Sơn. Có thể nói những chương trình, khâu đột phá đã ban hành và nhất là Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của HĐND tỉnh đã tạo điều kiện tiền đề để thành phố thực hiện các mục tiêu của Đại hội.

Phát huy những kết quả đạt được, đồng thời, để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra, góp phần xây dựng thành phố Sầm Sơn thực sự trở thành phố thành đô thị du lịch thông minh, hấp dẫn, thân thiện - “Đô thị du lịch biển trọng điểm của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước”, trung tâm dịch vụ - du lịch đẳng cấp quốc tế. Thành phố đã và đang tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tiếp tục thực hiện 3 chương trình trọng tâm và 3 khâu đột phá, gồm: Chương trình phát triển du lịch, trọng tâm là nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của dịch vụ du lịch; xây dựng hình ảnh con người Sầm Sơn văn minh, thân thiện; Chương trình phát triển hạ tầng kỹ thuật hiện đại và xây dựng thành phố thông minh; Chương trình phát triển ngành thủy sản. Đột phá về công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn; đột phá về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; đột phá về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ thành phố đến cơ sở có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Tin tưởng rằng, với tiềm năng, thế mạnh và những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, cùng với truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Sầm Sơn sẽ là những yếu tố thuận lợi để Sầm Sơn tiếp tục phát triển nhanh hơn trong thời gian tới./.

Hải Nam