Quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM hơn 220km với tổng mức đầu tư hơn 25 tỉ USD, nhưng đến nay TP.HCM mới triển khai được 2 tuyến. Trong đó, tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dài gần 20km dự kiến hoàn thành cuối năm nay và tuyến Metro số 2 giai đoạn 1 (Bến Thành – Tham Lương) dài 11 km dự kiến hoàn thành năm 2032.
Trong khi đó, Kết luận số 49 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM vào năm 2035, nghĩa là thành phố phải hoàn thành 200km trong 12 năm tới.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đề xuất nhiều chính sách mới tập trung trong 5 lĩnh vực bao gồm: quy hoạch, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; nguồn lực tài chính; thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai dự án; tiêu chuẩn giải pháp công nghệ, tổ chức thi công: mô hình tổ chức.
Đáng chú ý, Ban Quản lý đường sắt đề xuất điều chỉnh quy hoạch chiều dài toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM từ 220 km lên khoảng 400 – 500km, thực hiện trong 2 giai đoạn: đến năm 2035 theo Kết luận của Bộ Chính trị và tầm nhìn sau 2035.
Về nguồn vốn, trong 4-5 năm tới, TP.HCM phải thu xếp nguồn lực tài chính khoảng 25 tỉ USD cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị. Để có nguồn vốn này, TP.HCM phải đa dạng nguồn lực tài chính từ mô hình TOD, huy động vốn trong và ngoài nước, phát hành trái phiếu...
Mới đây, Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM thu hồi các khu đất xung quanh nhà ga metro dọc tuyến để tái quy hoạch theo định hướng TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng). Để tận dụng cơ chế này, khi quy hoạch các tuyến metro phải đồng thời xác định ranh, vị trí, bán kính từ 500 – 1.000m xung quanh các nhà ga để thiết kế đô thị theo TOD.
"Với phương án đấu giá quỹ đất, một nhà ga tính toán theo bán kính nhỏ nhất 500m thì mỗi nhà ga sẽ có khoảng 80ha diện tích TOD. Một tuyến metro sẽ có khoảng hàng ngàn ha đất. Nếu mỗi m2 chúng ta tạo ra được giá trị thặng dư 50 – 100 triệu đồng thì đã có 50.000 – 100.000 tỉ đồng từ đấu giá quỹ đất cho mỗi tuyến metro" – ông Tuân tính toán./.