19/01/2025 lúc 07:15 (GMT+7)
Breaking News

"Tín dụng đen"- nóng trong nghị trường và kế hoạch hành động cụ thể

VNHN - Vấn đề "tín dụng đen" đã nóng lên trong chương trình nghị sự của Quốc Hội. Hôm nay, 4/6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là 1 trong 4 vị bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên, một trong các vấn đề nhức nhối mà các đại biểu đặt câu hỏi với ông Tô Lâm chính là "tín dụng đen". Ngay trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa ban hành kế hoạch hành động cụ thể góp phần hạn chế vấn nạn này.

 

VNHN - Vấn đề "tín dụng đen" đã nóng lên trong chương trình nghị sự của Quốc Hội. Hôm nay, 4/6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là 1 trong 4 vị bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên, một trong các vấn đề nhức nhối mà các đại biểu đặt câu hỏi với ông Tô Lâm chính là  "tín dụng đen".  Ngay trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa ban hành kế hoạch hành động cụ thể góp phần hạn chế vấn nạn này.

 

Theo chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, từ ngày 4- 6/6, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn 4 Bộ trưởng gồm: GTVT, Công an, Xây dựng, Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là thành viên Chính phủ nhận được nhiều đề nghị nhất từ đại biểu Quốc hội và sẽ là người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên. Người đứng đầu ngành Công an sẽ trả lời về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó có công tác đấu tranh với  "tín dụng đen" là một nội dung quan trọng.

Cùng trả lời với Bộ trưởng Tô Lâm sẽ có các bộ trưởng Tư pháp, Quốc phòng, GTVT, Y tế, GD&ĐT, Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao… và một Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực.

“Ngân hàng cột điện” vươn vòi bạch tuộc

“Theo thống kê chưa đầy đủ từ Bộ Công an, trong giai đoạn 2014-2017, cả nước đã xảy ra hơn 7.600 vụ phạm tội liên quan “tín dụng đen”. Trong đó có tới 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản… với số tiền chiếm đoạt lên tới hàng nghìn tỷ đồng”.

Những năm trở lại đây dịch vụ cho vay tiền mặt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM diễn ra rất sôi động với quảng cáo tràn lan tại cột điện, bờ tường cùng đủ các chiêu trò và lời mời gọi để thu hút người vay. “Cho vay tiền mặt với lãi suất 3.000-11.000 đồng/ngày”, “vay không cần thế chấp”, "alo là có tiền" được các đầu mối quảng cáo rộng rãi. Dù đã được các cơ quan quản lý, đơn vị chức năng cảnh báo nhưng tình trạng người dân, doanh nghiệp vướng vào “tín dụng đen” vẫn xảy ra thường xuyên.

Theo đánh giá, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp gây hoang mang, lo lắng trong dân. Những kẻ cho vay thường lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng.

"Tín dụng đen" thường là các hình thức cho vay không thế chấp, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao (từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700% /năm).  Hoạt động này đang rất phức tạp, len lỏi vào mọi ngóc ngách, từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược. Hệ lụy của "tín dụng đen"kéo theo nhiều loại tội phạm về trật tự xã hội như giết người, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản hay gây rối trật tự công cộng... Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều khuyến cáo về tình trạng "tín dụng đen", nhưng hoạt động này dường như chưa suy giảm. Đây là thông tin được đưa ra tại một hội thảo liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", vừa được Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp cùng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) tổ chức.

Bẫy tín dụng đen ở khắp nơi!

Các gói vay vô cùng đa dạng, từ vài triệu tới vài chục tỉ; thủ tục nhanh gọn, đơn giản; "vòi bạch tuộc" tín dụng đen đang vươn dài, gây ra nhiều hệ lụy cho người dân, xã hội… Ngành công an cũng chỉ ra những vướng mắc, khó khăn khi xử lý đối với "tín dụng đen". Điển hình là hệ thống lý luận về loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen ; công tác quản lý, đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật của lực lượng còn hạn chế, thiếu sót.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu trong buổi tọa đàm “ Công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/ 2019” còn cảnh báo vấn nạn "tín dụng đen" hiện tại không chỉ len lỏi vào các tầng lớp, mà nó còn đang tấn công cả hệ thống ngân hàng.

"Nghe tín dụng đen chúng ta nghĩ ngay đến nguồn vốn tín dụng đổ ập xuống những người thiếu hiểu biết, thu nhập thấp, nhưng chính tôi cũng ngạc nhiên vì hiện tượng "tín dụng đen" đang tấn công hệ thống ngân hàng” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu vấn đề. Ông Hiếu cho rằng chưa thể xác định được nguồn vốn "tín dụng đen" hiện tại xuất phát từ trong nước hay từ nước ngoài. Dẫu vậy, nó đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam.

“Họ không chỉ dùng những dòng vốn đó để cho vay, thu về gấp 4-7 lần số vốn bỏ ra mà họ cũng đang dùng chúng để tấn công hệ thống ngân hàng. Cả hệ thống cũng cần phải cảnh giác với những dòng vốn đang len lỏi vào nền kinh tế Việt Nam, nguy cơ gây ra khủng hoảng”, ông Hiếu cảnh báo.

Những dòng vốn của tín dụng đen đang len lỏi vào nền kinh tế Việt Nam và nguy cơ gây ra khủng hoảng, theo TS Hiếu.

Kế hoạch hành động cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần hạn chế "tín dụng đen". Theo nội dung Quyết định này, Thống đốc giao nhiệm vụ do các đơn vị trực thuộc NHNN chủ trì, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội để góp phần hạn chế "tín dụng đen".

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, khoản cho vay ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân;

Thứ hai, nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; Phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng, miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn "tín dụng đen";

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, phát huy tiềm năng, nội lực của nền kinh tế;

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn theo hướng thuận lợi để mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay hợp pháp khi có nhu cầu;

Thứ năm, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về cơ chế, quy định pháp luật để quản lý hoạt động vay ngang hàng, vay trực tuyến;

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các TCTD, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý trước pháp luật, nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa chung. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng quản lý cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”;

Thứ bảy, chấp hành nghiêm quy định của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn liên quan; đẩy nhanh tiến độ trả lời các yêu cầu của cơ quan điều tra về giám định tài chính, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án liên quan đến “tín dụng đen”.

Về nhiệm vụ phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, Thống đốc yêu cầu các Vụ, cục, các đơn vị liên quan phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật về công tác giám định tài chính nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đối với các vụ án hình sự liên quan đến “tín dụng đen”.

Cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường quản lý, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với học sinh, sinh viên về chính sách, quy định của pháp luật trong hoạt động vay và cho vay; Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông tin rộng rãi, kịp thời về hoạt động vay vốn ưu đãi, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương để nhân dân biết, tiếp cận nguồn vốn vay.

Đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội tuyên truyền các chính sách tài chính, hỗ trợ thành viên vay vốn từ ngân hàng, tổ chức tài chính hợp pháp.

Thống đốc NHNN cũng yêu cầu phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội hướng dẫn các Quỹ xã hội, các chương trình tài chính vi mô đăng ký hoạt động với NHNN theo Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg ngày 12/6/2017; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án tài chính vi mô; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động tín dụng nhằm đảm bảo cho người dân, đặc biệt là những đối tượng khó khăn được tiếp cận dịch vụ tài chính toàn diện.

Theo chỉ đạo của Thống đốc, các đơn vị được giao nhiệm vụ tại Kế hoạch, định kỳ 06 tháng và 01 năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đầu mối tổng hợp kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao của Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị 12/CT-TTg gửi Bộ Công an tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thời hạn gửi báo cáo trước ngày 15/6 đối với báo cáo 6 tháng, trước ngày 15/12 đối với báo cáo năm.