19/12/2024 lúc 21:51 (GMT+7)
Breaking News

Thương hiệu thời trang ngoại dồn dập vào Việt Nam

VNHNO - Trong thời gian gần đây, Việt Nam đón nhận làn sóng đổ bộ của các thương hiệu thời trang bán lẻ đình đám trên thế giới điển hình như H&M, Zara, Uniqlo...

VNHNO - Trong thời gian gần đây, Việt Nam đón nhận làn sóng đổ bộ của các thương hiệu thời trang bán lẻ đình đám trên thế giới điển hình như H&M, Zara, Uniqlo...

H&M, Zara, Uniqlo... đều là những thương hiệu thời trang nổi tiếng khắp thế giới với quy mô hơn 1 nghìn cửa hàng và có mặt ở nhiều quốc gia để phục vụ cho nhu cầu đa dạng của các tín đồ thời trang.

Tại Việt Nam, Zara được phân phối bởi tập đoàn Mitra Adiperkasa ở Indonesia. Nhiều chuyên gia đánh giá về Zara như là đại diện hoàn hảo cho Fast Fashion (Thời Trang Nhanh) bởi lẽ tốc độ thiết kế và cho ra đời sản phẩm nhanh chóng của Zara chính là lợi thế nổi bật nhất của thương hiệu này. 

Cửa hàng Zara tại Việt Nam

Zara có lợi thế là trực thuộc bởi công ty dệt may có quy mô lớn chính là Inditex. Vì vậy, tất cả sản phẩm của thương hiệu này đều được sản xuất chủ yếu tại TP. La Coruna của Tây Ban Nha và số ít còn lại đến từ việc tận dụng nguồn nhân công giá rẻ tại các quốc gia Châu Á và Châu Phi, điển hình như Trung Quốc.

Theo báo cáo tài chính trong 6 tháng đầu năm nay của Mitra Adiperkasa ghi nhận, doanh thu đạt khoảng 592,8 tỷ Rupiad, tương đương gần 930 tỷ đồng từ mảng kinh doanh tại Việt Nam, trong số này chủ yếu là doanh thu từ Zara.

Vào năm ngoái, đơn vị này còn đưa vào thị trường Việt Nam thêm 3 thương hiệu thời trang khác điển hình như Massimo Dutti, Pull & Bear, Stradivarius.

Đối với thương hiệu H&M, tại Việt Nam, hiện đã có 4 cửa hàng và vừa khai trương thêm 2 cửa hàng ở cả Hà Nội và TP HCM. Theo báo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 của H&M, thị trường Việt Nam đem về cho hãng thời trang này doanh thu 127 triệu SEK, tương đương hơn 325 tỷ đồng. 

H&M đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Vincom TPHCM

Ông Fredrik Famm - Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á cho biết: “Năm vừa qua đối với H&M là một năm thật tuyệt vời với, đặc biệt tại Việt Nam. Đây là một thị trường trẻ trung và phát triển không ngừng, mang đến những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng chung của chúng tôi tại khu vực Đông Nam Á”.

Cũng theo ông Fredrik cho hay, mỗi ngày cửa hàng H&M sẽ đều có mẫu mới, mỗi tuần là có một bộ sưu tập với những sản phẩm phù hợp cho mọi lứa tuổi và đa dạng mẫu mã, phong cách.

Uniqlo được mệnh danh là thương hiệu thời trang hàng đầu của Nhật Bản và đứng thứ 4 thế giới. Thương hiệu này khởi đầu từ một bộ phận của công ty Fast Retailing, sau đó Uniqlo mới thành lập một công ty con từ tháng 11/2005.

Thương hiệu thời trang Uniqlo của Nhật Bản

Chiến lược kinh doanh của Uniqlo chính là tập trung phát triển dòng sản phẩm thời trang cơ bản với mô hình kinh doanh dựa trên Gap - thương hiệu thời trang bình dân của Mỹ, chuyên cung cấp các sản phẩm cơ bản như áo phông, legging, quần jeans hay áo len với giá cả vừa phải.

Ông Tadashi Yanai - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty mẹ của Uniqlo nhận định: "Khu vực Đông Nam Á là một động lực tăng trưởng quan trọng đối với chúng tôi. Uniqlo rất lạc quan về cơ hội trở thành một phần của nền kinh tế và thị trường bán lẻ hấp dẫn này".

Theo một khảo sát từ Niesel vào năm ngoái cho thấy, người Việt đứng thứ 3 thế giới về mê hàng hiệu, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó, nghiên cứu của Statistics Portal – một công ty nghiên cứu thị trường của Đức dự báo, tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) của thời trang Việt Nam giai đoạn từ năm 2017 - 2022 là 22,5%. Nhờ  mức tăng trưởng này, thị trường có thể đạt doanh thu 988 triệu USD vào năm 2022.

Ngoài ra, theo báo cáo mới của hãng nghiên cứu Wealth-X, Việt Nam cũng nằm trong top 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới trong giai đoạn từ năm 2012 - 2017, với 12,7% mỗi năm. Tốc độ này chỉ đứng sau Bangladesh với 17,3% và Trung Quốc là 13,4%./.