20/04/2024 lúc 09:44 (GMT+7)
Breaking News

Thị trường lao động trong mùa dịch: “Cung – cầu” đều cần linh hoạt

Sự chuyển dịch nhu cầu lao động và tuyển dụng sau dịch COVID-19 lần thứ 4 có nhiều biến đổi mới mẻ đòi hỏi cả người tuyển dụng và lao động cần sớm chuyển đổi để thích ứng. Phương thức cố định làm việc tại văn phòng không còn là ưu thế của nhiều công việc như trước.

Sự chuyển dịch nhu cầu lao động và tuyển dụng sau dịch COVID-19 lần thứ 4 có nhiều biến đổi mới mẻ đòi hỏi cả người tuyển dụng và lao động cần sớm chuyển đổi để thích ứng. Phương thức cố định làm việc tại văn phòng không còn là ưu thế của nhiều công việc như trước.

Ảnh minh họa - Internet

Nghịch lý thiếu lao động

Anh Hồ Quang Tùng, kỹ sư xây dựng tại một dự án đường Tố Hữu (Hà Đông, Hà Nội) cho biết hết năm nay dự án của anh sẽ bàn giao hoàn toàn, việc của anh coi như cũng hết tại dự án. Nếu theo quy định của đơn vị anh làm việc thì những cán bộ như anh có thể lựa chọn phương án làm việc chuyên môn khác tại văn phòng của công ty hoặc đi những dự án ở địa phương khác cùng công ty. Anh Tùng cho biết đã chọn phương án tìm hiểu về những dự án tại Hà Nội đang sắp triển khai để “đầu quân”.

“Đi xa lúc này tôi không thể yên tâm vì gia đình, nhỡ dịch bệnh xảy ra và các biện pháp cách ly được áp dụng thì rất khó khăn. Tôi có kinh nghiệm làm dự án và chỉ khi thực hiện chuyên môn tại hiện trường dự án thì tôi mới phát huy khả năng của mình được nên tôi cũng không chọn phương án về làm văn phòng. Dân làm dự án như chúng tôi tại Hà Nội nắm thông tin nhau cũng nhiều nên thường anh em bạn bè tin tưởng thì gọi nhau về làm cùng cũng khá phổ biến”, anh Tùng cho biết.

Lựa chọn của một người có kinh nghiệm làm việc như anh Tùng khá phổ biến hiện nay. Chính vì vậy, làm nghề nhân sự đã gần chục năm nay nhưng theo chị Vũ Hương Giang ( Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết chưa bao giờ khó khăn trong việc tuyển dụng như hiện nay. “Công ty tôi liên quan đến việc kỹ thuật, điện máy, trong đợt dịch vừa qua nhiều công trình bị chậm lại thì giờ là lúc cần tăng tốc để thực hiện hoàn thiện và đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, để tìm kiếm được các nhân sự cho công việc phù hợp trong giai đoạn này rất khó. Vì yêu cầu công việc không thể tuyển các bạn mới ra trường hay ít kinh nghiệm sẽ rủi ro cho việc hoàn thiện và chạy tiến độ lúc này. Tuy nhiên những nhân sự như vậy thường đã ổn định hoặc không đưa CV ra ngoài mà thường là đã có đồng nghiệp giới thiệu các công việc phù hợp với họ ngay”, chị Giang chia sẻ.

Không phải chỉ riêng doanh nghiệp của chị Giang gặp phải vướng mắc trên, báo cáo về “Thị trường lao động trong làn sóng COVID-19 thứ 4: Thực trạng và hướng đi” vừa được Tập đoàn Navigos - cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự, công bố. Báo cáo được phân tích dựa trên ý kiến của 400 doanh nghiệp và 1.200 người tìm việc tham gia khảo sát chủ yếu tại TP. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy có sự dịch chuyển rất lớn trong thị trường lao động sau đợt COVID-19 thứ tư.

Theo đó, việc kết nối được doanh nghiệp với lao động phù hợp cũng khó có thể diễn ra nhanh chóng như trước đây. Theo đó có khoảng 3% doanh nghiệp đã tạm thời dừng hoạt động; 9,4% doanh nghiệp đã chọn cắt giảm nhân sự và cắt giảm lương, 7,3% đã cắt giảm nhân sự nhưng vẫn giữ nguyên lương, phúc lợi trước khi đại dịch xảy ra và 18,9% chọn cắt giảm lương & phúc lợi nhằm giảm chi phí cho nguồn nhân lực hằng tháng cũng như thu nhỏ lại quy mô doanh nghiệp. Có thể nói, đây cũng là giải pháp duy nhất để doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động.

Thống kê cũng cho thấy rằng có những doanh nghiệp vẫn duy trì ổn định, thích ứng với bối cảnh toàn cầu. Dựa trên thống kê, có nhiều doanh nghiệp vẫn cam kết đảm bảo số lượng người lao động, mức lương và các chế độ phúc lợi trong đợt dịch kéo dài lần này.

Những khuyến cáo cho “cung – cầu”

Sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, các doanh nghiệp đã gấp rút quyết định đưa ra các biện pháp khác nhau để công việc trở nên thuận tiện hơn.

Đầu tiên là việc thích ứng chống dịch. Có nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ thêm cho toàn bộ nhân viên nhằm nâng cao sức khỏe trong mùa dịch cũng như giúp họ trang trải cuộc sống. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng nỗ lực tiếp nhận thông tin từ nguồn báo chính thống. Theo Navigos Group nghiên cứu, để tránh sai lệch thông tin, khoảng 32,9% doanh nghiệp đã luôn cập nhật thông tin gửi đến nhân viên.

Theo sau đó, doanh nghiệp chấp nhận thay đổi giờ làm việc, quy trình làm việc để hỗ trợ nhân viên hoàn thành công việc thuận lợi chiếm 21,1%. Doanh nghiệp tổ chức thêm các hoạt động online, sẻ chia và trao quà tặng cho nhân viên (e-vouchers, gói quà,...) nhằm giúp nhân viên của mình có thêm động lực làm việc. Tỷ lệ ở phần hỗ trợ này chiếm 10,2%.

Dựa vào khảo sát về “Thị trường lao động trong làn sóng COVID-19 thứ 4: Thực trạng và hướng đi” cho thấy nhiều doanh nghiệp đã có một chiến lược mới để phát triển nguồn nhân lực dù ở trong hoặc sau thời gian giãn. Sau khi nền kinh tế hồi phục, nhiều ngành sẽ bắt đầu tiến vào giai đoạn hồi phục, đây cũng là lúc doanh nghiệp săn đón nhân tài với chính sách phúc lợi và mức lương khác nhau. Tuy nhiên, xã hội và nền kinh tế đang dần bước vào trạng thái bình thường mới, nên có lẽ người lao động cũng sẽ có những yêu cầu và nhận định mới trong quá trình tìm việc. Có thể, họ không chỉ đơn thuần tìm kiếm công việc có mức lương hay chế độ đãi ngộ hấp dẫn mà ứng viên sẽ còn cân nhắc về chế độ làm việc và mô hình vận hành của một doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp nên tận dụng điểm này để đưa ra những chiến lược mới để thu hút nhân tài khi thị trường lao động bắt đầu khôi phục

Trong báo cáo này VietnamWorks cũng đưa ra khuyến cáo, dù ở trong giai đoạn chống dịch hay ở hậu COVID-19, các doanh nghiệp nên duy trì vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và làm chậm sự lây lan của dịch bệnh tại nơi làm việc. Sau cơn bão này, doanh nghiệp nên lên kế hoạch chuẩn bị, ứng phó và kiểm soát dịch bệnh dành cho người lao động. Khi đóng vai trò chủ trương, doanh nghiệp sẽ có thể tính được mức độ khả thi của các dự án hiện tại theo nhiều giải pháp khác nhau, bao gồm cách làm việc từ xa, đưa ra chính sách hỗ trợ nhân viên kịp thời, ưu tiên cho sự linh hoạt giờ giấc,..

Còn đối với người lao động, cần thích ứng nhanh phương thức làm việc mới: Chế độ làm việc từ xa sẽ vẫn còn tiếp diễn đến khi chấm dứt được đại dịch, cuộc sống quay trở lại bình thường. Chính vì thế, người lao động hãy xem đây là chế độ làm việc chính thức và lâu dài chứ không phải là phương án ngắn hạn nhất thời của các công ty. Người lao động hãy thích nghi và cố gắng đảm bảo chất lượng công việc bằng những công cụ hỗ trợ làm việc từ xa hiệu quả.

Người lao động cũng cần nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường tuyển dụng. Cụ thể, thị trường việc làm và tuyển dụng trong thời gian tới được dự báo sẽ là cuộc cạnh tranh mạnh mẽ của các ứng viên trên đường đua tìm kiếm việc làm. Sau đại dịch, nhà tuyển dụng có xu hướng tìm kiếm những ứng viên trình độ cao, chuyên môn tốt để có thể thích ứng linh hoạt với những thay đổi liên tục, nhất là trong giai đoạn này. Để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ngay từ bây giờ, hãy tích lũy cho mình những kiến thức, kỹ năng để nâng cao kinh nghiêm bản thân, tự tin đáp ứng được những yêu cầu cao của nhà tuyển dụng, linh hoạt trong quá trình tìm kiếm việc làm mới.