22/11/2024 lúc 17:39 (GMT+7)
Breaking News

Thanh tra Chính phủ: '3 doanh nghiệp xi măng ở Ninh Bình thiếu 32,5 tỷ đồng thuế tài nguyên'

Thanh tra Chính phủ vừa vừa có thông báo kết luận xác định 3 công ty sản xuất xi măng gồm Công ty CP xi măng Hướng Dương; Công ty TNHH Duyên hà và Công ty CP Xi măng Hệ Dưỡng còn thiếu hơn 32,5 tỷ đồng thuế tài nguyên, thời kỳ thanh tra từ 2011-2018.

Thanh tra Chính phủ vừa vừa có thông báo kết luận xác định 3 công ty sản xuất xi măng gồm Công ty CP xi măng Hướng Dương; Công ty TNHH Duyên hà và Công ty CP Xi măng Hệ Dưỡng còn thiếu hơn 32,5 tỷ đồng thuế tài nguyên, thời kỳ thanh tra từ 2011-2018.

UBND tỉnh Ninh Bình nhầm lẫn khái niệm

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án cải tạo phục hồi môi trường đối với một số dự án chưa chặt chẽ.

Trong đó, dự án cải tạo phục hồi môi trường của dự án khai thác khoáng sản tại mỏ đá Hang nước II do Công ty Cổ phần xi măng Hướng Dương làm chủ đầu tư chưa được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt nhưng giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình đã ký xác nhận vào hồ sơ dự án và doanh nghiệp vẫn khai thác trong nhiều năm liền. Việc này vi phạm Nghị định số 19/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Bảo vệ môi trường.

Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 4/2017, UBND tỉnh Ninh Bình không ban hành văn bản quy định hệ số quy đổi từ khoáng sản thành phẩm sang khoáng sản nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường, do đó các doanh nghiệp vẫn nộp phí bảo vệ môi trường theo khối lượng khoáng sản thành phẩm. Điều này vi phạm quy định tại Nghị định số 74/2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường và Thông tư số 158/2011 của Bộ Tài chính về phí bảo vệ môi trường.

Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm thuộc UBND tỉnh Ninh Bình và các cơ quan tham mưu có liên quan như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình, giai đoạn năm 2012-2016.

Trong văn bản kết luận nêu rõ, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 226 ngày 5/4/2012, quy định hệ số quy đổi từ “tấn” ra “m3”, tuy nhiên tại quyết định này có nhầm lẫn về khái niệm đá nguyên khai, dẫn đến một số doanh nghiệp khai thác đá sản xuất xi măng đã áp dụng hệ số quy đổi 2,74 tấn/m3 (giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 4 năm 2017) để tính thuế tài nguyên.

Ngày 10/11/2016, UBND tỉnh Ninh đã có văn bản số 432 hướng dẫn các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện việc quy đổi theo hệ số 1,6 tấn/m3 (quy định tại điều 2 của Quyết định số 226 nêu trên) và chỉ đạo cơ quan Thuế kiểm tra và truy thu đối với các doanh nghiệp đã quy đổi theo hệ số 2,74 tấn/m3, nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn còn 3/5 doanh nghiệp khai thác đá sản xuất xi măng chưa thực hiện đầy đủ việc nộp phí bảo vệ môi trường bổ sung đối với khối lượng khoáng sản khai thác trước khi Quyết định số 09/2017 ngày 4/4/2017 của UBND tỉnh có hiệu lực, gồm: Công ty Cổ phần xi măng Hệ Dưỡng, Công ty Cổ phần xi măng Hướng Dương và Công ty TNHH Duyên Hà.

“Trách nhiệm chính thuộc 3 doanh nghiệp nêu trên. Trách nhiệm liên quan thuộc Cục Thuế tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 2012-2016) vì chưa quyêt liệt trong việc đôn đốc các doanh nghiệp nêu trên thực hiện”, Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Tại kết luận này, cơ quan thanh tra đánh giá công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra của cơ quan Thuế đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản còn hạn chế, dẫn đến nhiều doanh nghiệp đã kê khai, quy đổi khối lượng để tính phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên không đúng quy định của pháp luật và quy định của UBND tỉnh Ninh Bình (quy đổi không đúng hệ số, không nhân với hệ số khai thác lộ thiên), gây thất thu ngân sách nhà nước. Đặc biệt, đến thời điểm thanh tra, Công ty Cổ phần xi măng Hướng Dương vẫn kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường theo hệ số 1,8 (UBND tỉnh quy định là 1,6 tấn/m3).

Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm thuộc Cục Thuế Tỉnh và các Chi Cục Thuế các huyện/thành phố có liên quan, giai đoạn 2012-2018.

3 doanh nghiệp sản xuất xi măng còn thiếu 32,5 tỷ đồng tiền thuế tài nguyên

Đối với các chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết qua kiểm tra 20 dự án khai thác khoáng sản, có 12 dự án của 10 chủ đầu tư chưa được cấp giấy chứng nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành.

Có nhiều dự án đã khai thác khoáng sản trong thời gian dài nhưng chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, như: hệ thống tưới nước, phun sương tại khu vực khai thác, chế biến chưa đảm bảo được việc ngăn ngừa, giảm thiểu bụi; xây dựng hồ lắng thu gom nước mưa chảy tràn chưa đúng về thể tích, quy cách; rãnh thoát nước và hố ga chưa được nạo vét thường xuyên; xe vận chuyển khoáng sản trước khi ra khỏi khu vực mỏ không được che phủ bạt theo quy định; không làm máng rửa gầm xe, bánh xe vận chuyến khoáng sản trước khi ra khỏi khu vực mỏ; việc quản lý và báo cáo quản lý chất thải nguy hại của nguồn chủ thải định kỳ hàng năm chưa thực hiện đầy đủ,…

Cũng tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một số dự án khai thác khoáng sản vượt công suất với khối lượng lớn trong nhiều năm, dẫn đến các biện pháp, phương án bảo vệ môi trường đã thực hiện không đáp ứng được nhưng chủ đầu tư không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc không xin phép cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

“Có 18/20 dự án chưa có trạm cân tại khu vực khai thác, dẫn đến không quản lý được khối lượng khoáng sản khai thác thực tế, không quản lý được trọng tải của xe vận chuyển khoáng sản khi ra khỏi khu vực mỏ như yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt”, nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Liên quan tới việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, cụ thể là về phí bảo vệ môi trường, kết luận cho biết qua thanh tra 20 dự án cho thấy có một số chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản thực hiện việc quy đổi, kê khai khối lượng để tính phí bảo vệ môi trường không đúng quy định, như: không quy đổi từ “tấn” ra “m3” hoặc có quy đổi nhưng hệ số thấp hơn hệ số do UBND tỉnh quy định, không nhân với hệ số khai thác lộ thiên (K), gây thât thu ngân sách nhà nước.

Thanh tra Chính phủ tạm tính số tiền phí bảo vệ môi trường phải nộp bố sung của 5 doanh nghiệp là gần 1,5 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần xi măng Hướng Dương chưa thực hiện việc quy đổi theo hệ số 1,6 tấn/m3 theo yêu cầu của UBND tỉnh Ninh Bình

Về thuế tài nguyên, Thanh tra Chính phủ xác định còn 3/5 chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản để sản xuất xi măng, gồm: Công ty Cổ phần xi măng Hướng Dương, Công ty TNHH Duyên Hà, Công ty Cổ phần xi măng Hệ Dưỡng đã nộp thuế tài nguyên theo hệ số quy đổi 2,74 tấn/m3, chưa thực hiện việc quy đổi theo hệ số 1,6 tấn/m3 theo yêu cầu của UBND tỉnh Ninh Bình để nộp thuế tài nguyên bổ sung đối với khối lượng khoáng sản khai thác từ tháng 4/2017 trở về trước.

Đặc biệt, sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 09/2017/QĐ-UBND ngày 4/4/2017 quy định hệ số quy đổi 1,6 tấn/m3 nhưng Công ty Cổ phần xi măng Hướng Dương vẫn quy đổi theo hệ số 1,8 tấn/m3 để nộp thuế tài nguyên (đến thời điểm thanh tra vẫn không thực hiện theo quy định của ƯBND tỉnh); việc làm trên của công ty đã được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu, cơ quan Thuế đôn đốc nộp nhưng doanh nghiệp không thực hiện.

Thanh tra Chính phủ đã áp dụng hệ số quy đổi 1,6 tấn/m3 để tạm tính số tiền thuế tài nguyên đối với 3 công ty nêu trên còn thiếu là hơn 32,5 tỷ đồng.

Từ kết qủa thanh tra nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện việc chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư khai thác khoáng sản có vi phạm về Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và các quy định về an toàn lao động theo đúng quy định.

Cùng với đó, chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan đến các tồn tại để có hình thức xử lý theo đúng quy định.

Giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan Thuế tiến hành kiểm tra, rà soát lại việc áp dụng hệ số quy đổi khối lượng của tất cả các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đê truy thu phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên đối với các doanh nghiệp thực hiện quy đôi chưa đúng quy định, chưa nhân với hệ số khai thác lộ thiên (trong đó có một sô doanh nghiệp đã được Thanh tra Chính phủ tạm tính còn thiếu hơn 34 tỷ đồng).

Đặc biệt, yêu cầu Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương lập, trình dự án cải tạo phục hồi môi trường để thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định. Đồng thời, yêu cầu công ty này thực hiện việc quy đổi khối lượng tính phí bảo vệ môi trường theo hệ số do UBND tỉnh quy định.