01/11/2024 lúc 00:01 (GMT+7)
Breaking News

Thành phố Thanh Hoá: Điểm sáng trong phục hồi, tăng trưởng kinh tế

Với ưu thế về vị trí địa lý cùng tiềm năng về đất đai, tài nguyên và con người, trong những năm đổi mới, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Thanh Hoá đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, nỗ lực phấn đấu vươn lên, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển toàn diện, làm cho bộ mặt đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.
Thành phố Thanh Hoá nỗ lực phấn đấu vươn lên, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ làm cho bộ mặt đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.

Những tháng đầu năm 2022, thành phố Thanh Hoá thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, triển khai thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; với sự chỉ đạo chủ động, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực cố gắng của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; tình hình kinh tế - xã hội, Quốc phòng - An ninh của thành phố tiếp tục giữ vững ổn định, các hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố đã phát triển mạnh mẽ, trong 38 chỉ tiêu của năm, đã có 02 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 05 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch và 06 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch, 05 chỉ tiêu tăng cao so với cùng kỳ.

Khu công nghiệp Lễ Môn - Thành phố Thanh Hoá.

Theo đó, Tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) ước đạt 64.430,8 tỷ đồng, đạt 41,9% kế hoạch; tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 15,8%, cao hơn 5,6 % so với tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021, cụ thể: Ngành công nghiệp - xây dựng tăng 14,4%; ngành thương mại - dịch vụ tăng 19,6%; ngành nông, lâm, thủy sản tăng 2,0%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Trong đó, ngành dịch vụ được phục hồi nhanh chóng và trở thành động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, thương mại điện tử, bán lẻ hàng hóa và xuất khẩu tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu một số ngành dịch vụ ước đạt 43.420,4 tỷ đồng, đạt 48,2% kế hoạch, tăng 36,8% so với cùng kỳ; các hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động, thị trường hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân. Các lực lượng chức năng, địa phương làm tốt việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, tích trữ hàng hóa, tăng giá. Qua đó, 6 tháng đầu năm 2022, các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra chuyên ngành của thành phố đã kiểm tra 117 vụ, xử lý 110 vụ vi phạm, phạt tiền và giá trị hàng hóa tiêu hủy 243,6 triệu đồng.

Trong lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, trên địa bàn thành phố có 130 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các loại hàng hóa tại các nước EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada; Trung quốc, Anh, Úc, Nga… Tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 804,6 triệu USD, đạt 40,2% kế hoạch, tăng 28,7% so cùng kỳ; khu vực có có vốn đầu tư nước ngoài duy trì mức tăng cao nhất so với cùng kỳ (29,1%), một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn như: Giầy các loại đạt 35.015 nghìn đôi, tăng 28,5% so với cùng kỳ (Cty giầy Aleron VN; Cty giầy Roll Sport); Quần áo các loại đạt 76.800 nghìn sản phẩm, tăng 30,2% so với cùng kỳ (Cty Top. Apparel; Cty Byeok jin Vina; Cty Sakurai Việt Nam; Cty TNHH Nomura Thanh Hóa; Cty TNHH South Asia Garments…).

Về dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu sản xuất và đi lại của Nhân dân. Doanh thu ngành vận tải ước đạt 1.157,4 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ; trong đó, vận chuyển hàng hóa ước đạt 21,24 triệu tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách ước đạt 13,5 triệu lượt, tăng 18,6% so với cùng kỳ.

Khu du tích lịch sử - văn hoá Hàm Rồng, 1 địa điểm tham quan độc đáo khi đến thành phố Thanh Hoá.

Bên cạnh đó, hoạt động du lịch được mở cửa trở lại và có nhiều khởi sắc, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh, thành phố đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân và du khách đến tham quan. Tổng lượt khách du lịch ước đạt 1.100 nghìn lượt, đạt 45% kế hoạch, bằng 16% toàn tỉnh và tăng 49,25% so với cùng kỳ; tổng thu du lịch ước đạt 1.630 tỷ đồng, tăng 65,99% so với cùng kỳ. Công suất sử dụng phòng của khách sạn 3 đến 5 sao đạt 65% - 65%, một số khách sạn có công suất sử dụng phòng cao như: Khách sạn Mường Thanh, Vinpearl, Central, Phượng Hoàng, Kingsales, Đại Việt,... Ngoài ra, dịch vụ bưu chính, viễn thông hoạt động có hiệu quả, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành và đáp ứng nhu cầu của Nhân dân; đường truyền ổn định, cơ bản đáp ứng cho việc tổ chức sự kiện, hoạt động. Đồng thời, hoạt động của các ngân hàng, quỹ tín dụng trên địa bàn ổn định, đáp ứng nhu cầu nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh của Nhân dân, doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ lãi suất được triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả; hoạt động tín dụng đen được kiềm chế. Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố triển khai có hiệu quả 17 chương trình cho vay vốn cho 590 khách hàng với số tiền cho vay là 52,280 tỷ đồng.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2020-2025; đồng thời là năm đầu thực hiện Nghị quyết 05- NQ/TU ngày 25/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thời gian tới, thành phố Thanh Hoá sẽ tăng cường công tác quy hoạch, quản lý đô thị và xây dựng cơ bản; tập trung lực lượng ra quân chấn chỉnh trật tự đô thị, đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp công trình xây dựng vi phạm về trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường... Bên cạnh đó, khuyến khích các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư mới, mở rộng phát triển trung tâm thương mại, siêu thị, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại lý mua bán tư nhân, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn phát triển, lưu thông hàng hóa, dịch vụ thương mại; khuyến khích du lịch nội địa với nhiều gói giảm giá, chương trình khuyến mãi để thúc đẩy nhu cầu của người dân trong, ngoài tỉnh. Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ thi công, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp. Cùng với đó, địa phương cũng sẽ động viên người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó hạn hán, tưới tiết kiệm nước, hạn chế bỏ hoang đồng ruộng, nâng cao chất lượng cây trồng; triển khai phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022 theo kế hoạch đề ra; phát triển nuôi trồng thủy sản, trọng tâm là nuôi các đối tượng có giá trị cao; thực hiện có hiệu quả các biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác thu ngân sách năm 2022; tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, thông tin và truyền thông; chỉ đạo cơ sở giáo dục chủ động tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục đảm bảo chất lượng dạy học. Những kết quả nêu trên là tiền đề quan trọng cho việc phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của thành phố Thanh Hoá, là động lực quan trọng góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ Quốc./.

Hải Nam