Thành Nhà Hồ nằm trên địa phận xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, là một trong những địa danh được tỉnh Thanh Hóa chú trọng phát triển du lịch. Hiện tại, Thành Nhà Hồ vẫn đang được tiến hành khai quật, trùng tu, tôn tạo, bảo tồn để khám phá thêm nhiều tầng kiến trúc, giá trị văn hóa, lịch sử ở đây.
Di sản Văn hoá Thế giới Thành Nhà Hồ là công trình bằng đá được xem là độc nhất vô nhị tại Việt Nam, một biểu tượng của người Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung. Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam và có giá trị, độc đáo nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới, trải qua hơn 600 năm, những bức tường thành vẫn đứng vững. Ngày 27 tháng 6 năm 2011, Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản Văn hóa thế giới.
Xuất phát từ thực tiễn nhằm thu hút khách du lịch tham quan tại khu di sản Thành Nhà Hồ, cũng như xu thế hướng về cội nguồn dân tộc trong tham quan du lịch hiện nay và để làm nổi bật giá trị của di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tích cực xây dựng tuyến tham quan các di tích, thắng cảnh phụ cận dọc sông mã để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Bởi lẽ đây là khu vực chứa đựng tất cả các yếu tố văn hóa, góp phần tạo nên tính hoàn chỉnh cho một kinh thành, với các công trình tín ngưỡng, đình miếu, các ngôi làng truyền thống, những con đường cổ, khu chợ, bến sông, các thắng tích gắn liền với những câu chuyện lịch sử, dã sử, các thắng cảnh thiên nhiên nước lạc non bồng... Thành Nhà Hồ còn được bao quanh bởi các ngôi Chùa có niên đại từ rất lâu đời, ví như: Chùa Linh Giang thuộc thôn Phú Lĩnh, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc. Đây là một vùng đất cổ có vị trí thiên nhiên đẹp trên núi, nằm bên bờ sông Mã, phong cảnh hữu tình, có cư dân tụ cư lâu đời. Vì thế, ngôi chùa không chỉ mang vẻ đẹp của non nước mà còn là chốn tâm linh mang ý niệm cầu mong sự che chở, tưới mát cuộc sống yên lành cho con người của vị thần sông nơi đây.
Hiện nay chưa có một tài liệu cụ thể xác định niên đại dựng chùa, tất cả sự ghi chép về lịch sử chùa Linh Giang chỉ dừng lại ở tư liệu dân gian. Vào thế kỷ XV khi xây dựng thành Tây Đô nhà Hồ đã chọn sông Mã là tuyến giao thông vận chuyển đá xây thành. Trước vẻ đẹp hữu tình của sông núi nơi đây nhà Hồ đã chọn một bến sông làm Bến Ngự là nơi lên xuống của vua mỗi khi đi bằng đường thuỷ lên yết giá thành Tây Đô. Đồng thời để thuận tiện cho việc thăm thú thưởng ngoạn cảnh quan, tĩnh tâm, trút bỏ những ưu phiền chốn cung đình của vua chúa. Đây là vị trí thuận lợi để xây dựng một ngôi chùa, có lẽ vì thế mà chùa Linh Giang đã được dựng lên ở chốn này. Bước vào sân chùa du khách sẽ cảm nhận được không gian kiến trúc nghệ thuật với nét đẹp của hệ thống kiến trúc đá khá vững chắc và cảnh quan riêng biệt của sông núi như còn bảo lưu cái chất nguyên sơ của thiên nhiên. Du khách không chỉ tìm thấy sự tĩnh tâm, thanh bình, siêu thoát của chốn từ bi mà còn được thả hồn vào cảnh sắc nơi đây với những bãi cát dài và ngắm nhìn dòng chảy lúc hiền hoà, lúc mãnh liệt của con sông Mã, nơi mà trước đây các vua quan phong kiến đã chọn là điểm thưởng ngoạn cảnh đẹp của quốc đô. Với những giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc riêng biệt chùa Linh Giang đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá - kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2000 và nơi đây đã, đang và sẽ là điểm hẹn của du lịch văn hoá tâm linh mỗi khi du khách về thăm di sản văn hoá Thành Nhà Hồ.
Bên cạnh đó, trên vùng đất di sản còn có nhiều ngôi chùa nổi tiếng khác, cho thấy đây là vùng đất thấm đẫm văn hóa tâm linh. Dưới chân núi Đốn Sơn thuộc địa phận Làng Giáng, thị trấn Vĩnh Lộc có chùa Tường Vân (còn gọi là chùa Giáng). Đây là ngôi chùa có cảnh quan đẹp. Tên chùa gắn liền với sự tích vua Trần đi đánh giặc Chiêm Thành khi qua đây nghỉ lại, mộng thấy có đám mây vàng, cho là điềm lành nên lập đàn tế tạ trời đất, sau đó đánh thắng giặc trở về, lệnh cho xây chùa đặt tên là Tường Vân Tự, để nhớ ơn trời Phật đã báo cho điềm lành, mang sức mạnh tâm linh giúp đánh tan quân giặc. Đến thời Hồ Quý Ly, chùa Tường Vân trở thành ngôi Quốc tự của hoàng gia. Điều đó được khẳng định ở dấu tích con đường Hoa Nhai mà Nhà Hồ đã cho xây dựng nối từ cổng Thành đá tới tận cổng chùa. Chùa Tường Vân đã tô điểm cho Vĩnh Lộc, vùng địa linh nhân kiệt trải qua nhiều thăng trầm lịch sử này một vẻ đẹp linh thiêng, nơi “tụ linh khí cho bền long mạch”, thu hút du khách gần xa đến tham quan, lễ Phật. Cùng với đó là chùa Báo Ân, thuộc xã Vĩnh Hùng. Đền thờ Trần Khát Chân ở thị trấn Vĩnh Lộc, vị tướng tài gắn liền với nhiều giai thoại thời Trần - Hồ vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay.
Thành Nhà Hồ còn được bao quanh bởi một vùng thắng cảnh đẹp, ví như động Kim Sơn (xã Vĩnh An) nằm trong dãy núi Kim Sơn chạy dọc sông Mã, có tất thảy 29. Cũng thuộc hệ danh thắng ấy là động Hồ Công (xã Ninh Khang), nằm trong lòng dãy núi Xuân Đài vốn được mệnh danh là “Nam thiên tam thập lục động, Hồ Công đệ nhất” (36 động của nước Nam, động Hồ Công là nhất)...
Được biết. Năm 2022, Trung tâm đã có nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa, cho thấy năng lực, sức sáng tạo, tính chủ động đảm bảo đúng tiến độ thực hiện những nhiệm vụ mang tính chất chiến lược trong công tác quản lý khu Di sản Thành Nhà Hồ như: Thực hiện khai quật khảo cổ học tổng thể khu di sản Thành Nhà Hồ và tiếp tục duy trì các hoạt động bảo tồn di tích; xây dựng hệ thống bảng giới thiệu về di sản và các di tích phụ cận; đưa dịch vụ xe điện phục vụ khách tham quan; đưa vào khai thác tuyến tham quan làng cổ. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện trưng bày “Không gian văn hóa Nông nghiệp vùng Tây Đô”. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới với hoạt động trưng bày triển lãm ảnh tại Thành Nhà Hồ với chủ đề “Di sản văn hóa xứ Thanh - Di sản chung của chúng ta”; Tổ chức thành công Hội nghị tổng kết các Câu lạc bộ di sản thế giới tại Việt Nam để lại ấn tượng trong lòng du khách... Đặc biệt, năm 2022, Trung tâm đã đón tiếp và giới thiệu về di sản Thành Nhà Hồ cho 200.0000/135.000 lượt khách tham quan, đạt 148% kế hoạch nhà nước giao và tăng gấp 5 lần, so với cùng kỳ năm 2021.
Với việc định hướng triển khai tuyến tham quan “Văn hoá tâm linh dọc sông Mã” Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã và đang chuẩn bị tốt các điều kiện, làm mới dịch vụ để sẵn sàng đón và phục vụ du khách tham quan. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng có ý nghĩa thiết thực trong việc góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với di sản Thành Nhà Hồ nhân dịp năm mới 2023, để vùng đất ven sông Mã này ngày càng hấp dẫn du khách muôn phương. Góp phần phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của huyện Vĩnh Lộc nói riêng tỉnh Thanh Hóa nói chung./.