25/04/2024 lúc 18:25 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hoá: Nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới

Ngay khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thanh Hoá đã linh hoạt, đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành nhằm huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân tham gia phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, giúp cho hàng loạt các địa phương sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới và bắt tay vào xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí trong đoàn công tác của tỉnh, lãnh đạo huyện Yên Định thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao xã Định Hoà.

Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hoá đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các nghị quyết, kế hoạch, tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và lâu dài của tỉnh, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá đã đạt được những thành tựu nổi bật. Ước tính thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt 40,068 triệu đồng (tăng 6,168 triệu đồng so với năm 2020), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,52%. Tổng huy động nguồn lực trong chương trình xây dựng NTM năm 2021 đạt 5.879,019 tỷ đồng.

Thanh Hoá đã nâng cấp cải tạo được 1.767 km đường giao thông nông thôn.

Theo đó, Năm 2021, mặc dù Trung ương và tỉnh không phân bổ vốn đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình, song, tỉnh thanh Hoá tiếp tục cân đối nguồn vốn hỗ trợ cho các địa phương từ nguồn thu đấu giá cấp quyền sử dụng đất (100% nguồn thu từ khai thác quỹ đất ở các xã để lại cho cấp huyện cân đối thực hiện trên địa bàn), bên cạnh đó, cùng với các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, các địa phương đã chủ động vận động các nguồn lực khác, nhất là nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, con em xa quê thành đạt để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM, kết quả đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo được 1.767 km đường giao thông nông thôn, 88 km rãnh thoát nước; 127 công trình thủy lợi, 318 km kênh mương; 1.572 phòng học các cấp; 784 đường dây hạ thế, 232 trạm biến áp; 43 trung tâm văn hóa, thể thao xã, 391 nhà văn hóa thôn; 43 chợ nông thôn; 55 trạm y tế xã; 32 công trình công sở xã; 41 công trình cấp nước sinh hoạt; 16 công trình bãi chứa rác thải tập trung và xử lý ô nhiễm môi trường; 101 nghĩa trang theo quy hoạch; xây dựng mới và chỉnh trang trên 26 nghìn nhà ở dân cư. Như vậy đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 87,5% số xã đạt tiêu chí Giao thông; 95,9% số xã đạt tiêu chí Thủy lợi; 97% số xã đạt tiêu chí Điện; 84,3% số xã đạt tiêu chí Trường học; 86% số xã đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa; 92% số xã đạt tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (các tiêu chí duy trì tỷ lệ số xã đạt, hoặc tăng 1 - 4%).

Trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tốc độ tăng trưởng giá trị đạt 3,58%, vượt 0,58% KH; sản lượng lương thực đạt 1,611 triệu tấn; diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đạt 7.732 ha, vượt 702 ha so với kế hoạch, chuyển đổi 2.174 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn; tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,5%, đạt 100% kế hoạch. Đặc biệt, trong năm đã thu hút được thêm 2 doanh nghiệp lớn thu mua chế biến lúa gạo, 9 doanh nghiệp thu mua chế biến rau quả nâng tổng số doanh nghiệp thu mua chế biến gạo trên địa bàn toàn tỉnh là 7 doanh nghiệp với tổng công suất 180.000 tấn; 25 doanh nghiệp thu mua chế biến rau quả, ngoài ra tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 201.718 tấn, đạt 104% KH, tăng 5% CK. Trong đó, sản lượng khai thác 135.984 tấn; sản lượng nuôi trồng 65.734 tấn.

Công tác phát triển văn hoá, giáo dục, Y tế tiếp tục được các ngành, các địa phương quan tâm, chú trọng, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, đồng thời đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nâng cấp, mua sắm trang thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Cùng với đó, triển khai sâu rộng chỉ đạo của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 06- CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới và Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa giai đoạn 2021 - 2025 và tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM, tích cực tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 88% số xã (tăng 14,1% so với năm 2020), 94% số thôn, bản (tăng 15,9%) có nhà văn hóa, trung tâm thể thao chuẩn; có 435 xã đạt chuẩn tiêu chí Văn hóa, đạt 93,5% (duy trì so với năm 2020). Có 452 xã đạt chuẩn tiêu chí Giáo dục và Đào tạo, đạt 97,2% (tăng 0,8% so với năm 2020). Có 447 xã đạt chuẩn tiêu chí Y tế, đạt 96,1% (duy trì so với năm 2020); có khoảng 91,86% dân số tham gia BHYT, vượt 0,76% so với kế hoạch của tỉnh.

Thôn Mậu Đông, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Năm 2021, Toàn tỉnh có thêm 03 đơn vị cấp huyện (100% KH), 24 xã (126,3% KH), 146 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM (208% KH); 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (100% KH); 04 xã (57,14% KH), 131 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (485% KH). Có thêm 89 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh (66 sản phẩm 3 sao, 23 sản phẩm 4 sao), 01 sản phẩm 4 sao được Trung ương nâng hạng 5 sao (đạt 111% KH). Lũy kế đến nay đã có 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt 40,7%); có 341/465 xã (đạt 73,3%), 817 thôn bản miền núi đạt chuẩn NTM; trong đó, có 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 05 xã, 194 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí/xã. Có 158 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 01 sản phẩm OCOP cấp Quốc gia.

Có thể nói, quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua đã đạt được thành tựu khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội cơ bản bảo đảm, tạo sự thuận lợi trong giao lưu buôn bán và phát triển sản xuất; Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới. Đó chính là “cốt vật chất” của xây dựng NTM. Trên nền tảng đó, “hồn tinh thần” cũng được chú trọng, tập trung nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân; củng cố và tăng cường hệ thống chính trị ở nông thôn; phát huy dân chủ cơ sở; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… 

Bên cạnh đó, các địa phương đã quan tâm hơn và tập trung chỉ đạo thực hiện những nội dung trọng điểm, bức xúc trên địa bàn và có nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt để huy động nguồn lực thực hiện chương trình. Nhờ đó, tốc độ đạt tiêu chí của các xã tăng lên rõ rệt. Kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân được các địa phương quan tâm xây dựng, nâng cấp; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, thu nhập của người dân nông thôn tăng nhanh hơn. Cùng với đó, công tác phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo được triển khai mạnh mẽ. Nhiều địa phương thực hiện dồn điền, đổi thửa, thiết kế lại kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời, đổi mới tổ chức sản xuất thông qua tăng cường hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức liên kết sản xuất với mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao…

Cam Thành Nguyên của HTX DV và trồng cây ăn quả Xuân Thành, xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Bước vào năm 2022, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Thanh Hoá đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ trong năm có thêm 02 đơn vị cấp huyện (huyện Hậu Lộc và Thành phố Sầm Sơn chuyển tiếp nhiệm vụ năm 2021), 18 xã đạt chuẩn NTM; 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 55 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM, 60 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 120 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng từ 3 - 4 sao, trong đó, có 01 sản phẩm 5 sao. Bình quân toàn tỉnh đạt 17,9 tiêu chí/xã.

Trong thời gian tới, yêu cầu xây dựng NTM sẽ khó hơn nhiều giai đoạn “khởi động”, các ngành, các địa phương cần phát huy những kết quả đã đạt được và tập trung giải quyết linh hoạt, sáng tạo các “điểm nghẽn” đang còn tồn đọng tại địa phương. Vì vậy duy trì và nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn, xây dựng NTM là một yêu cầu cấp thiết đặt ra trong giai đoạn mới này. Tin tưởng rằng, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh sẽ gặt hái được nhiều thành công mới, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá Đất nước, xây dựng quê hương xứ Thanh ngày càng khang trang, văn minh, giàu đẹp, hội nhập và phát triển./.

Hải Nam