05/01/2025 lúc 19:28 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hoá: Nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế biển

Với 102km bờ biển, được thiên nhiên ưu đãi nhiều tiềm năng, Thanh Hóa đã vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách của Trung ương, tạo động lực phát triển cho kinh tế - xã hội vùng biển. Cơ cấu ngành nghề đang có sự thay đổi lớn, ngoài các ngành nghề truyền thống, đã xuất hiện nhiều ngành kinh tế biển gắn với công nghệ - kỹ thuật hiện đại như khai thác dầu khí, đánh bắt xa bờ, vận tải biển, du lịch biển - đảo.
Cảng biển Nghi Sơn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống hạ tầng kinh tế biển của Thanh Hóa.

Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Đến nay kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã, thành phố ven biển từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại; mạng lưới giao thông kết nối liên vùng từng bước hoàn thiện. Không chỉ định hình rõ nét về kinh tế mà còn tạo thêm sức hút cho vùng, hình thành được các cụm công nghiệp, khu công nghiệp hiện đại, hàm lượng công nghệ cao, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo đó, hoạt động đầu tư nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ tiếp tục phát triển ổn định; diện tích nuôi tôm chân trắng đạt 700 ha (tăng 400 ha so với 2018); diện tích nuôi theo hình thức thâm canh, ứng dụng công nghệ cao đạt 150 ha, năng suất nuôi từ 30-50 tấn/ha/vụ, sản lượng đạt 12.000 tấn; toàn tỉnh hiện có 3.654 ô lồng nuôi cá biển tập trung tại các xã ven biển thị xã Nghi Sơn và xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, sản lượng đạt trên 1.500 tấn/năm...

Về công tác phát triển thủy sản bền vững, bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ được quan tâm, tạo sinh kế cho cộng đồng ngư dân đang hoạt động khai thác ở vùng biển ven bờ; số lao động tham gia trực tiếp trên biển là 24.800 lao động; tổng sản lượng thủy sản năm 2024 ước đạt 216.500 tấn, đạt 101,17% KH, bằng 100,3% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản 74.500 tấn, đạt 100% KH; sản lượng khai thác đạt 142.000 tấn, đạt 102,5% KH.

Trong khi đó, phát triển du lịch biển được quan tâm; từ năm 2019 đến nay, có 17 dự án cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư, với kinh phí trên 10.500 tỉ đồng. Giai đoạn 2019 - 2023, tổng lượt khách đến các khu du lịch biển đạt trên 31 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng đạt 6,5%/năm, tổng thu du lịch tại các khu du lịch biển khoảng 56.352 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 16,6%/năm. Trong 10 tháng năm 2024, toàn tỉnh đã đón gần 14,7 triệu lượt khách du lịch, với tổng thu du lịch đạt hơn 32.440 tỉ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ; nhiều sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao, lễ hội, nghệ thuật độc đáo, ấn tượng được tổ chức thành công tại các khu du lịch biển. Hoạt động thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch được đẩy mạnh; đã thu hút được 58 dự án với tổng vốn đăng ký gần 120.000 tỉ đồng, nhiều dự án có hệ thống dịch vụ đồng bộ, chất lượng cao, như: Khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân; Flamingo Linh Trường Khu B; Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương... Đáng chú ý, với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch cùng với sự đầu tư quy mô, đồng bộ các dự án hạ tầng tại Khu Du lịch biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)... đã kích cầu, tạo đột phá về thu hút nguồn vốn các dự án lớn, từng bước đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của du lịch biển xứ Thanh.

Diện mạo đô thị biển Sầm Sơn ngày càng khang trang, hiện đại.

Bên cạnh đó, công tác đầu tư phát triển kinh tế hàng hải được chú trọng; đến nay, có 35 cầu cảng, bến phao, khu neo đậu chuyển tải được đầu tư với tổng chiều dài 5.343m. Trong đó, Cảng Nghi Sơn có 25 bến cảng đã đi vào hoạt động, có thể tiếp nhận và cung cấp dịch vụ cho các tàu trọng tải lên đến 70.000 DWT, hiện đã thu hút được 02 hãng tàu CMA, CGM (Pháp) và Công ty vận tải biển VIMC (Việt Nam). Trong 9 tháng năm 2024, đã thu hút được 02 hãng tàu đầu tư mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua cảng Nghi Sơn với số chuyến là 47 chuyến. Tổng số container qua Cảng Nghi Sơn từ năm 2020 đến nay là 7.209 cont.

Về Hạ tầng cụm công nghiệp tại các huyện ven biển được quan tâm phát triển; khu vực ven biển hiện có 12 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 363,8 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 2.823,72 tỉ đồng, luỹ kế vốn đầu tư 1.075,9 tỉ đồng; một số doanh nghiệp đã đầu tư các cơ sở chế biến hải sản tập trung, quy mô lớn (công suất hơn 20.000 tấn nguyên liệu/năm), thu hút nhiều lao động.

Đơn cử như tại phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn), là địa phương ven biển, những năm qua Đảng bộ, chính quyền phường Quảng Tiến xác định phát triển kinh tế biển là ngành mũi nhọn, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đảng ủy và UBND phường luôn quan tâm đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, tổ chức lại sản xuất và năng lực khai thác xa bờ, điều chỉnh cơ cấu phương tiện tăng cường phát triển tàu thuyền đánh bắt xa bờ với công suất lớn có trang thiết bị hiện đại cho phù hợp với nguồn lợi thủy sản và ngư trường khai thác, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận vay vốn từ ngân hàng để đầu tư mua sắm phương tiện hiện đại, khuyến khích ngư dân sử dụng các ngư lưới cụ phù hợp để khai thác đánh bắt hải sản đạt hiệu quả cao hơn. UBND phường đã tổ chức nhiều hội nghị thảo luận, tuyên truyền, vận động Nhân dân rà soát lại tàu cá, lực lượng lao động nghề cá, cải cách mô hình quản lý. Đến nay, toàn phường có 166 phương tiện đánh bắt hải sản các loại với trên 1.000 lao động trực tiếp và gián tiếp theo nghề biển. Song song với hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá cũng từng bước được chú trọng. Toàn phường có 6 nhà máy cấp đông với sức chứa trên 3.000 tấn, 1 công ty chế biến bột cá; hàng chục cơ sở thu mua hấp sấy cá, chế biến nước mắm... Góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cũng tại xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hoá), Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã Hoằng Trường nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phát triển kinh tế biển là mũi nhọn, nhằm tạo bước đột phá mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hoằng Trường đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trên các lĩnh vực khai thác hải sản, nuôi trồng và phát triển du lịch biển. Nhờ những hướng đi đúng đắn, sáng tạo, việc phát triển kinh tế biển trên địa bàn xã đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản của xã Hoằng Trường đạt trên 12 ha. Công tác chăm sóc và nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái được chú trọng quan tâm.

Có thể thấy, những năm qua, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, kinh tế biển đã góp phần mang lại nhiều đổi thay cho các địa phương vùng ven biển xứ Thanh. Để phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương ven biển quan tâm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực ven biển; khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh vùng ven biển, bảo vệ môi trường biển. Cùng với đó xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương./.

Hải Nam