19/12/2024 lúc 15:54 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hoá: Hỗ trợ gạo cho hộ nghèo trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng huyện Mường Lát

Ngày 28/2/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá tổ chức để cho ý kiến về chính sách hỗ trợ gạo cho các hộ tham gia bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Mường Lát giai đoạn 2023 - 2026 và một số nội dung quan trọng khác.
Toàn cảnh hội nghị.

Chính sách hỗ trợ gạo cho các hộ tham gia bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Mường Lát giai đoạn 2023 - 2026 được Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chuẩn bị, đề ra mục tiêu chung là hỗ trợ gạo cho các hộ gia đình dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh thuộc hộ nghèo đang sinh sống ổn định trên địa bàn huyện Mường Lát nhằm tạo động lực, khuyến khích, khôi phục, bảo vệ và đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao; quốc phòng - an ninh được giữ vững và phấn đấu đến năm 2030, Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo.

Mức hỗ trợ cho hộ gia đình người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ người Kinh thuộc hộ nghèo là 15 kg/khẩu/tháng (áp dụng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ). Hộ gia đình người dân tộc thiểu số không thuộc hộ nghèo là 10kg/khẩu/tháng; nhưng một năm không quá 700 kg/ha đối với hộ tham gia trồng rừng hoặc chăm sóc rừng trồng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 52/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 14/4/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT- Bộ Tài chính.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã cho ý kiến cụ thể về đối tượng hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ và việc tổ chức thực hiện khi chính sách này được HĐND tỉnh thông qua. Đồng thời lưu ý: việc tổ chức cấp phát gạo phải được tiến hành hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế; tránh tình trạng: khi cần thì không có, lúc thì dư thừa gạo, không bảo quản được. Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp phải được tiến hành nghiêm túc, gạo cấp cho bà con phải đảm bảo chất lượng.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, đây là một chính sách ưu việt, thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với đồng bào huyện Mường Lát, vì vậy giao cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung lãnh đạo các sở, ngành, huyện Mường Lát thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng; tuyệt đối không được dựa vào chính sách để tiêu cực. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp thu hoàn chỉnh văn bản để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp sắp tới.

Về mức hỗ trợ, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị cần đưa ra 2 mức là hộ nghèo người dân tộc thiểu số và hộ nghèo người Kinh được hỗ trợ là 15kg; còn hộ gia đình người dân tộc thiểu số không nghèo và hộ cận nghèo người Kinh được hỗ trợ 10kg.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá đồng tình với thời gian thực hiện chính sách đến hết năm 2026, tuy nhiên yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan làm rõ hơn về khung thời gian của từng cấp; tổ chức đấu thầu hợp đồng cấp gạo và hàng tháng tổ chức cấp gạo cho dân, đồng thời yêu cầu đơn vị trúng thầu phải đóng bao gạo làm 2 loại: 15kg và 10kg, mẫu mã đẹp, chắc chắn, có những ghi chú hướng dẫn cụ thể để người dân sử dụng.

Được biết, Mường Lát là huyện miền núi cao biên giới, địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh của tỉnh và khu vực Tây Bắc của Tổ quốc; nơi sinh sống của đa số đồng bào các dân tộc thiểu số, có vai trò rất quan trọng về phòng hộ, điều tiết nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái cho vùng hạ lưu của tỉnh. Tuy nhiên, Mường Lát vẫn là huyện khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hoá, có số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cao nhất của tỉnh./.

Đỗ Thanh