23/11/2024 lúc 00:51 (GMT+7)
Breaking News

Thánh địa Mỹ Sơn – Một kiệt tác huyền bí giữa lòng Quảng Nam

Thánh địa Mỹ Sơn nằm ở khu vực thượng lưu sông Thu Bồn , thuộc vùng núi phía tây của huyện Duy Xuyên , tỉnh Quảng Nam. Là một công trình kiến trúc nghệ thuật tinh vi và đặc sắc của vương quốc Chăm Pa trong thời gian dài suốt 9 thế kỷ (từ cuối thế kỉ IV đến thế kỉ VIII). Khu di tích được phát hiện vào năm 1885 và được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1999.

Lối kiến trúc huyền bí, tinh xảo

Thánh địa Mỹ Sơn với hơn 70 ngôi đền được chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ mang nhiều dòng chữ quan trọng bằng tiếng Phạn và tiếng Chăm. Di tích này đã bị quên lãng cho đến năm 1898, một người Pháp cùng đồng nghiệp của ông đã phát hiện ra khu di tích nằm ẩn mình trong rừng, giữa lòng thung lũng xung quanh được 2 ngọn núi hùng vĩ che chở.

Thánh địa Mỹ Sơn – Một kiệt tác huyền bí giữa lòng Quảng Nam - Ảnh: BQL DS VH Mỹ Sơn.

Nghệ thuật kiến trúc đền tháp mang ảnh hưởng lớn của phong cách Ấn Độ. Thánh địa có một tháp chính (Kalan) và nhiều tháp phụ nhỏ bao bọc xung quanh. Các tháp đều có hình chóp, biểu tượng của đỉnh. Những đền tháp ở Mỹ Sơn được xây dựng bằng gạch đỏ, không vôi phủ ngoài, giữa các viên gạch không có mạch hồ. Các đền tháp đều có hình tứ giác. Mái tháp được cấu trúc theo nhiều tầng tháp chồng lên nhau, trên đặc dưới rỗng, càng lên cao càng nhỏ dần tạo dáng cao vút. Mặt ngoài cửa các tháp mang những đường nét và đường cong mô tả hình người, hình động vật, cỏ cây hoa lá với nhiều dáng vẻ khác nhau rất sinh động và uyển chuyển.

Khu di tích Mỹ Sơn được xây dựng với kiến trúc dạng quần thể, được bố trí theo hai hoặc nhiều tháp có đường đi nối liền với nhau. khi khách du lịch đến tham quan , họ sẽ chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc từ vật liệu đến những nét chạm khắc tinh tế đến vô cũng tinh vi dù đã bị bom đạn tàn phá theo thời gian.

Du khách trong và ngoài nước tham quan Thánh địa Mỹ Sơn - Ảnh: BQL DS VH Mỹ Sơn.

Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva-Đấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadravarman, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào thế kỷ IV kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần-vua và tổ tiên hoàng tộc.

Theo Ban Quản Lý (BQL) Di sản Văn hóa Mỹ Sơn cho biết, toàn bộ di tích Mỹ Sơn được chia thành 4 khu vực: A, B, C. Trong đó Khu vực A: Là nơi du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ quần thể đền tháp. Phần lớn các công trình ở khu vực này đang trong quá trình trùng tu; Khu vực B: Là nơi có 1 tháp chính và 3 tháp phụ. Khu vực này tọa lạc tại đồi phía tây; Khu vực C: Nơi đây tập hợp rất nhiều đền, tháp, bia ký, các bức phù điêu, những tác phẩm điêu khắc ấn tượng, độc đáo nhất tại Thánh địa Mỹ Sơn. Khu C nằm ở đồi phía nam và là địa điểm mà khách du lịch chắc chắn không nên bỏ lỡ khi tham quan quần thể di tích này.

Ảnh: BQL DS VH Mỹ Sơn

Sau 6 năm triển khai (2016-2022), di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã được gia cố, trùng tu, tôn tạo hoàn chỉnh các nhóm tháp K, H, A, trả lại dáng vẻ ban đầu như khi người Pháp phát hiện. Trong quá trình phát lộ trùng tu đã phát hiện hàng trăm hiện vật có giá trị, nhiều hiện vật lần đầu mới phát hiện tại Mỹ Sơn. Trong đó có tượng thần bằng đá phát hiện ở khu tháp A, bức phù điêu trong lòng tháp A13 tương đối khác lạ so với các công trình kiến trúc được điêu khắc trong lòng tháp của kiến trúc Champa. Đối với Khu tháp K, các chuyên gia đã phát lộ, khai quật với diện tích hơn 400 m2. Trong quá trình bóc tách, di chuyển lớp đất sâu 60-80 cm đã phát hiện tháp K có hai cửa ở 2 hướng Đông - Tây và 2 bức tường thấp chạy song song, kéo dài về hướng khu E, F…. BQL Di Sản Văn hóa Mỹ Sơn cho biết thêm.

Ảnh: BQL DS VH Mỹ Sơn

Trải nghiệm con đường cổ độc đáo

Trong quá trình trùng tu và phục chế các đền tháp, một chuyên gia người Ấn Độ đã phát hiện ra con đường này. Đây là con đường cổ dẫn thẳng tới trung tâm khu Thánh địa Mỹ Sơn với chiều rộng 8m, hai bên là hai bờ tường song song được chạm khắc tinh tế và chôn trong lòng đất ở độ sâu 1m.

Theo các tài liệu lịch sử ghi chép lại, đây là con đường dẫn thẳng tới vùng trung tâm di sản, nơi có tòa tháp cổng lớn dùng để cúng tế mà chỉ có vua chúa và các thành viên hoàng tộc, các chức sắc cao quý của Chăm Pa cổ mới được phép đi vào. Hệ thống tường bao 2 bên con đường được chạm khắc tinh tế và khéo léo. Sự phát hiện quan trọng này đã góp phần tăng thêm các giá trị lịch sử lâu đời mà di sản thánh địa Mỹ Sơn đem lại.

Thưởng thức điệu múa Apsara đầy mê hoặc

Ngoài việc tham quan các công trình lịch sử, du khách còn được chiêm ngưỡng điệu múa Apsara được lấy cảm hứng từ tượng đá sa thạch điêu khắc Apsara. Điều thú vị nhất khi đến Mỹ Sơn là khi những tia nắng mặt trời nhạt dần trên những tháp cổ du khách mới thấy hết được vẻ đẹp huyền bí của di tích này. Dưới ánh chiều đỏ rực, những ngôi tháp cổ trở nên lung linh, huyền ảo với những điệu múa của nàng vũ nữ Apsara làm say đắm lòng người.

Điệu múa Apsara đầy mê hoặc - Ảnh: BQL DS VH Mỹ Sơn.

Điệu múa Apsara được dùng để biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật quan trọng của tỉnh Quảng Nam cũng như phục vụ cho các đoàn khách du lịch tới tham quan thánh địa Mỹ Sơn. Du khách sẽ như lạc vào vùng đất Chăm Pa cổ xưa với hình ảnh các cô gái với ngón tay búp măng thuôn dài, khuôn ngực căng tròn cùng đường cong quyến rũ trong các trang phục lấp lánh, rực rỡ hòa quyện cùng tiếng trống Paranưng và tiếng khèn Saranai càng khiến du khách say đắm muôn phần.

Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ đã tổ chức Lễ tổng kết và bàn giao Dự án Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu di tích Mỹ Sơn trong 6 năm tôn tạo (2017-2022) - Ảnh: BQL DS VH Mỹ Sơn.

Thánh địa Mỹ Sơn không chỉ mang đậm nét kiến trúc riêng biệt mà nơi đây còn mang đậm nét văn hóa của người Chăm với những vũ điệu Chăm nhẹ nhàng, uyển chuyển. Độc đáo với những vũ điệu dâng lễ chính là điệu múa thiêng hướng vọng thần linh ở các ngôi đền tháp./.

Võ Lân - Võ Hà