27/12/2024 lúc 00:54 (GMT+7)
Breaking News

"Tạo đột phá trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở"

Lễ phát động triển khai chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” năm 2022 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch là hoạt động rất kịp thời...

Sáng 14/3, tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ phát động chủ đề công tác năm 2022 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ."

Dự Lễ phát động có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế cùng đại diện các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Văn hóa là cốt lõi của bản sắc dân tộc

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Lễ phát động triển khai chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” năm 2022 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch là hoạt động rất kịp thời, thể hiện sự quyết tâm cao đối với việc tiếp tục triển khai, cụ thể hóa các nội dung về văn hóa đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 76/KL/TW của Bộ Chính trị, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng môi trường văn hóa chính là nơi các hệ giá trị - yếu tố cốt lõi của bản sắc dân tộc được hình thành, gìn giữ và phát huy. Môi trường văn hóa không chỉ là nơi nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc mà còn là nơi để khơi nguồn cảm hứng, sáng tạo những giá trị mới; nơi tiếp nhận các giá trị ngoại sinh, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Bên cạnh đó, việc kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, khát vọng cống hiến là một trong các yếu tố quan trọng góp phần xây dựng, gìn giữ môi trường văn hóa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.

 Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhấn nút triển khai lễ phát động. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Phát biểu một số ý kiến có tính chất gợi mở để các cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội, ngành văn hóa, thể thao và du lịch nghiên cứu, triển khai thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư đề nghị tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của văn hóa, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng bộ, phù hợp với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam phát triển toàn diện. Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống, gắn kết xây dựng môi trường văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh phải coi trọng xây dựng, phát triển gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách, nếp sống, lối sống cho mỗi người. Mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm giáo dục, rèn luyện, phát triển về lý tưởng, năng lực, phẩm chất, nhân cách, lối sống và giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ; xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh...; nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"...

Thường trực Ban Bí thư lưu ý cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa thành hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch của các cấp, ngành. Trước mắt, để tạo đột phá trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở, ngành phải chủ động nghiên cứu, xây dựng mô hình mới về việc cưới, tang, lễ hội theo hướng văn minh, tiết kiệm, kế thừa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, coi trọng giá trị văn hóa tinh thần, đề cao tính giáo dục, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của mọi người trước các sự kiện ở cộng đồng.

Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tại cơ quan, đơn vị, gia đình; coi trọng tuyên truyền giáo dục để mọi người hiểu và làm theo.

Theo Thường trực Ban Bí thư, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, vận động, cần duy trì nghiêm kỷ cương xã hội với chế tài phù hợp để bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống, nếp sống tốt đẹp, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trở thành ý thức tự giác chấp hành của mỗi người. Trong quá trình xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, bên cạnh vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, phải chú trọng phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Đặc biệt cần kịp thời biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, nhất là ở cấp cơ sở.

Nhấn mạnh cán bộ là cái gốc của mọi công việc, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu cần tập trung xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa ở cả Trung ương và địa phương...

 Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.
(Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Với chủ đề năm 2022 đã xác định, Thường trực Ban Bí thư đề nghị, toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch tập trung thực hiện tốt Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, các chủ trương của Đảng về công tác cán bộ, tạo sự thống nhất ý chí, hành động trong tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch. Ngành cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị của cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ được giao.

Các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình văn hóa, khu vui chơi giải trí, nhà văn hóa cộng đồng, sân vận động, khu liên hiệp thể thao, thư viện, câu lạc bộ nghệ thuật, công viên… trong quy hoạch tổng thể để người dân thực hành, sáng tạo và thụ hưởng sản phẩm văn hóa. Từ đó nâng cao năng lực, trình độ nhận thức, tạo đời sống văn hóa tinh thần phong phú, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, đẹp giàu.

Văn hóa thúc đẩy du lịch và thể thao phát triển

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thời gian qua, đại dịch COVID-19 khiến nhiều chương trình văn hóa, thể thao phải hoãn, hủy, hoạt động du lịch “gần như đóng băng," đời sống của nhiều viên chức, người lao động toàn ngành gặp khó khăn.

Bước sang năm 2022, gắn với việc tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ở lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức triển khai hiệu quả Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, toàn ngành cần nhận diện rõ khó khăn, thách thức, tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra.

Trên tinh thần ấy, Bộ lựa chọn chủ đề công tác năm là “Năm xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ;" trong đó môi trường văn hóa là trọng tâm, là trung tâm để thúc đẩy du lịch và thể thao phát triển. Xây dựng môi trường văn hóa phải tạo ra được sản phẩm là hoạt động văn hóa, thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hóa, ứng xử văn hóa, nếp sống văn hóa… cùng với xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.

 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát động triển khai chương trình.
(Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Để đạt mục tiêu đã đề ra, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị các sở, đơn vị và tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, liên hệ cụ thể hơn với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị mình để nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nội dung của chủ đề năm 2022. Các sở phát động thi đua với nội dung, mục tiêu, cách làm, thời gian cụ thể, thiết thực, tránh phô trương, hình thức; kịp thời biểu dương, tuyên truyền, nhân rộng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác tổ chức thực hiện chủ đề năm; kết quả thực hiện chủ đề phải là một tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên, công chức, viên chức cuối năm.

Hưởng ứng chủ đề công tác năm 2022 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với phát triển văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo mọi điều kiện để duy trì và phát triển văn hóa, thể thao nhằm nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Tỉnh tiếp tục đầu tư nguồn lực cùng với đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có chất lượng, chiều sâu, bền vững, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc gắn với thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Địa phương quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, rà soát, sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ công chức làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo số lượng và chất lượng, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Cũng trong sáng 14/3, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng đoàn đại biểu đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên; tham quan mô hình Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại xóm 6, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn./.