Tóm tắt
Cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao là thiết chế có tính đặc thù trong hệ thống các cơ quan tư pháp ở Việt Nam. Khác với các cơ quan điều tra chuyên trách thuộc Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng, cơ quan này có phạm vi điều tra hẹp, tập trung vào các hành vi tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp - bao gồm các tội danh do chính cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện. Có thể nói, đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực tư pháp - một nội dung cốt lõi trong chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Từ khóa: cơ quan điều tra, hoạt động điều tra, kiểm soát quyền lực, Viện kiểm sát.
1. Cơ sở chính trị, pháp lý
Tại Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 28/7/2010 về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến 2020”, việc xác định rõ các quan điểm, phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra, có nội dung: Đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo hướng đề xuất mở rộng thẩm quyền điều tra các loại tội phạm mà người phạm tội là cán bộ các cơ quan tư pháp (chứ không chỉ là các tội xâm phạm hoạt động tư pháp thuộc trách nhiệm của cán bộ tư pháp như hiện nay); đổi mới mô hình các cơ sở đào tạo của ngành Kiểm sát, nghiên cứu thành lập Trung tâm nghiên cứu tội phạm học thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao [8], [9].
Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” nhằm đảm bảo tính chuyên sâu và hiệu lực, hiệu quả hoạt động, có nội dung:
“2.2- Về tổ chức cơ quan điều tra
Giữ nguyên hệ thống tổ chức các cơ quan điều tra chuyên trách trong Công an, Quân đội và ngành Kiểm sát như hiện nay và sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo nhiệm vụ; xác định rõ mối quan hệ giữa hoạt động điều tra theo tố tụng hình sự và hoạt động trinh sát. Xác định rõ cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động điều tra của cơ quan điều tra trong Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan điều tra trong Viện Kiểm sát quân sự Trung ương.
Giữ nguyên quyền hạn và quy định rõ hơn nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động điều tra của Bộ đội Biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, kiểm lâm” [10].
Cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao là thiết chế có tính đặc thù trong hệ thống các cơ quan tư pháp ở Việt Nam. Khác với các cơ quan điều tra chuyên trách thuộc Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng, cơ quan này có phạm vi điều tra hẹp, tập trung vào các hành vi tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp - bao gồm các tội danh do chính cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện.
Với vị trí là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân có điều kiện trực tiếp phát hiện những dấu hiệu vi phạm trong quá trình tố tụng, từ đó kịp thời khởi tố, điều tra các tội phạm trong lĩnh vực tư pháp hiệu quả hơn các cơ quan khác. Đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực tư pháp - một nội dung cốt lõi trong chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, có nội dung “hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử” [11].
2. Kinh nghiệm tổ chức và hoạt động điều tra vụ án hình sự của Viện kiểm sát/Viện công tố một số nước trên thế giới
Tổ chức và hoạt động điều tra vụ án hình sự của cơ quan công tố trên thế giới phụ thuộc vào cách thức tổ chức, vị trí của cơ quan này trong hệ thống cơ quan nhà nước và phục thuộc vào việc xác định mô hình tố tụng hình sự ở mỗi quốc gia. Trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình tổ chức hoạt động điều tra của một số nước trên thế giới cho thấy, đa phần các nước không tổ chức hệ thống cơ quan điều tra riêng mà hoạt động điều tra thường được giao cho các cơ quan nhà nước khác nhau thực hiện dưới sự chỉ đạo, điều hành của cơ quan công tố, hoặc do cơ quan công tố trực tiếp đảm nhiệm.
Một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản cũng không thành lập hệ thống cơ quan điều tra Công tố viên/ Kiểm sát viên của Viện Công tố/Viện kiểm sát thực hiện hoạt động điều tra trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ [1], [2].
Đặc biệt ở Trung Quốc, tổ chức hệ thống cơ quan điều tra của Viện kiểm sát từ cấp trung ương đến một số tỉnh để thực hiện thẩm quyền điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Điều này xuất phát từ nguyên lý công tố bám sát, chỉ đạo điều tra, trực tiếp tiến hành điều tra trong trường hợp cần thiết, nhằm mục đích phòng ngừa oan sai, chống vi phạm trong hoạt động tố tụng tư pháp [1].
Ví dụ, ở Đức, cơ quan công tố là chủ thể tiến hành hoạt động điều tra nên họ không thành lập hệ thống Cơ quan điều tra riêng biệt như Luật tố tụng hình sự Việt nam. Vì vậy, luật quy định Cơ quan công tố có trách nhiệm trong toàn bộ hoạt động điều tra [3].
Ở Pháp cũng không thành lập cơ quan điều tra riêng mà chỉ có các cơ quan nhà nước được gao tiến hành hoạt động điều tra, như cơ quan cảnh sát, cơ quan hải quan, thuế vụ ... Cơ quan công tố được giao trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, quản lý điều tra, thậm chí có thể thực tiếp tiến hành điều tra và chịu trách nhiệm về kết quả điều tra. Việc điều tra ở Pháp được coi là một phần của quyền công tố nên cơ quan công tố có thẩm quyền và có trách nhiệm đối với hoạt động này [4].
Ở Hoa Kỳ, cơ quan công tố và hoạt động điều tra được phân chia theo cấp bang và liên bang. Cấp bang, do pháp luật mỗi bang khác nhau nên việc tổ chức hoạt động điều tra cũng khác nhau. Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động ở các bang có điểm chung là không hình thành cơ quan điều tra chuyên trách mà nhiệm vụ này được giao cho cơ quan cảnh sát và các cơ quan thực thi pháp luật khác. Trong các cơ quan Công tố có Chưởng lý và các Công tố viên. Trong quá trình điều ta, dù ở cấp bang hay liên bang thì Cơ quan công tố và Công tố viên Hoa Kỳ vẫn có thẩm quyền quyết định các hoạt động điều tra [5].
Từ kinh nghiệm tổ chức hoạt động điều tra của cơ quan công tố một số nước trên thế giới và trên cơ sở thực tiễn của Viện, việc duy trì cơ quan điều tra của Viện kiểm sát là cần thiết và phù hợp với lý luận về chức năng tố tụng của Viện kiểm sát.
3. Đánh giá thực tiễn hoạt động Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2024 của ngành Kiểm sát nhân dân [6], Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã điều tra thành công 92,4% vụ án thuộc thẩm quyền - vượt xa chỉ tiêu của Quốc hội (70%). Tỷ lệ điều tra, khám phá các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt gần 90%.
Đặc biệt, nhiều vụ án lớn liên quan đến cán bộ trong chính các ngành Kiểm sát, Tòa án, Công an đã được khởi tố và điều tra minh bạch, thể hiện quyết tâm “không có vùng cấm”. Có thể kể đến các vụ án gần đây như: Vụ cán bộ Công an huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh Quảng Trị bị khởi tố về các tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ việc”, “Giả mạo trong công tác”; vụ cán bộ Công an và Dân phòng xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai bị khởi tố về tội “Dùng nhục hình”; vụ cán bộ Công an xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai bị khởi tố về tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”; vụ Kế toán Cục Thi hành án dân sự thành phố Huế bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản”; vụ Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”; vụ nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”; vụ Phó Trưởng phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao bị khởi tố về tội “Môi giới hối lộ”....
Theo quy định của pháp luật, hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu sự giám sát của các cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử (Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội...) và giám sát của xã hội như hoạt động công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong những năm qua, hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao được thực hiện theo quy định pháp luật, bảo đảm khách quan, nghiêm minh. không bỏ lọt tội phạm, “không có vùng cấm”, không làm oan người vô tội, không có trường hợp nào Tòa án tuyên không phạm tội và luôn làm tốt công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong hoạt động tư pháp.
Với truyền thống 63 năm kể từ khi ngành Kiểm sát thực hiện nhiệm vụ điều tra cho đến nay, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao không ngừng phát triển qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ luôn khẳng định được vai trò và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho.
4. Kết luận
Để phát huy được quyền công tố, trước hết cơ quan có thẩm quyền truy tố phải thu thập đầy đủ chứng cứ buộc tội thông qua các hoạt động điều tra. Hoạt động điều tra không phải là hoạt động thực hành quyền công tố mà nó bắt nguồn từ quyền công tố. Có công tố mới có điều tra và ngược lại có điều tra thì quyền công tố mới được thực thi trên thực tế. Do đó, thẩm quyền điều tra là quyền phái sinh, “bắt nguồn” từ quyền công tố. Phạm vi trách nhiệm của cơ quan thực hành quyền công tố bắt đầu từ khi có tội phạm xảy ra cho đến khi kết thúc việc buộc tội. Các hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sư chỉ là những hoạt động “phục vụ” cho hoạt động công tố. Bởi, muốn thực hiện được một chức năng nào đó thì chủ thể phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau để hoàn thành chức năng đó. Xét về mặt lô gích thì cơ quan nào có quyền công tố thì cơ quan đó có quyền và trách nhiệm điều tra tội phạm. Tuy nhiên, xét về bình diện phân công lao động thì xã hội càng phát triển, lao động càng được phân công cụ thể hơn, chi tiết hơn nhằm bảo đảm chuyên môn hóa một cách sâu sắc. Xét về góc độ tổ chức thì Cơ quan công tố phải là cơ quan có đội ngũ “tinh nhuệ”, được đào tạo pháp luật ở trình độ cao. Trong khi đó, hoạt động điều tra tội phạm đòi hỏi phải có một lực lượng đông đảo, có trình độ từ thấp tới cao, hiểu biết nhiều chuyên ngành khác nhau, có khả năng thực hiện nhiều công việc khác nhau. Do đó, Cơ quan công tố không đủ để tiến hành điều tra hết tất cả các vụ án mà phải giao cho một cơ quan chuyên trách - Cơ quan điều tra thực hiện nhưng không vì thế mà Cơ quan công tố mất đi thẩm quyền điều tra, mất đi vai trò trong hoạt động điều tra. Chính vì lẽ đó mà Luật Tố tụng hình sự của nhiều nước trên thế giới quy định, Viện công tố có quyền chỉ đạo hoạt động điều tra, mọi mệnh lệnh, chỉ thị của Viện công tố về hoạt động điều tra, cơ quan điều tra phải có trách nhiệm thực hiện. Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam cũng quy định, khi tiến hành điều tra, Cơ quan điều tra phải thực hiện các yêu cầu và quyết định của Viện kiểm sát.
Vì vậy, việc tăng cường Cơ quan điều của Viện kiểm sát để thực hiện thẩm quyền điều tra là quyền phái sinh, “bắt nguồn” từ quyền công tố là phù hợp với chức năng của Cơ quan công tố, đồng thời thể hiện được tinh thần gắn công tố với hoạt động điều tra như Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Đồng thời, Nghị quyết 49-NQ/TW cũng đưa ra định hướng xây dựng hệ thống cơ quan Viện kiểm sát có sức mạnh, có vị trí quan trọng trong quá trình điều tra, phục vụ thiết thực và hiệu quả cuộc đấu tranh phòng ngừa tội phạm, xử lý kịp thời những trường hợp sai phạm của những người tiến hành tố tụng khi thi hành nhiệm vụ, bảo đảm tốt hơn các quyền con người trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án hình sự nói chung và trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự nói riêng.
Từ những cơ sở chính trị, pháp lý, lý luận nêu trên, tham khảo kinh nghiệm tổ chức và hoạt động điều tra vụ án hình sự của Viện kiểm sát/Viện công tố một số nước trên thế giới và đánh giá khái quát kết quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, theo đó, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo Hiến định “bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất” [7]; thực hiện cải cách tư pháp, bảo đảm sự phân quyền hợp lý, kiểm soát lẫn nhau và không bị lũng đoạn bởi quyền lực đơn nhất, việc giữ nguyên Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao chính là một biểu hiện cụ thể của nguyên tắc này.
Việc từ bỏ một thiết chế đang thực hiện chức năng kiểm soát quyền lực cần có sự nghiên cứu thấu đáo từ kinh nghiệm các nước trên thế giới, xu hướng pháp luật đương đại và tính hiệu quả của hoạt động này trên thực tế trong thời gian qua. Đồng thời, việc bỏ một thiết chế đang vận hành hiệu quả có thể tạo ra khoảng trống pháp lý và làm suy giảm khả năng phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tư pháp.
Hoạt động điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân là công tác “nối dài” của chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp, tuân thủ pháp luật, góp phần hiệu quả trong đấu tranh, phòng chống tội phạm tham nhũng, chức vụ nói chung và tham nhũng, chức vụ và xâm phạm hoạt động tư pháp nói riêng, góp phần xây dựng nền tư pháp liêm chính, trong sạch.
Trong bối cảnh cải cách tư pháp đang được đẩy mạnh, việc duy trì và tăng cường năng lực cho cơ quan này sẽ là bước đi phù hợp với định hướng của Đảng, đồng thời đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của Nhân dân về một nền tư pháp công minh, khách quan và không có vùng cấm.
NCS, Ths. Trần Thị Mùi
Giám đốc Trung tâm Bảo đảm chất lượng đào tạo
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật tố tụng hình sự Trung Quốc, theo bản dịch của Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2012.
2. Bộ luật tố tụng hình sự Nhật Bản, theo bản dịch của Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2012.
3. Bộ luật tố tụng hình sự Cộng hòa Liên bang Đức.
4. Bộ luật tố tụng hình sự Cộng hòa Pháp, theo bản dịch của Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2012.
5. Bộ luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ, theo bản dịch của Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2012.
6. Báo cáo tổng kết công tác năm 2024 của ngành Kiểm sát nhân dân.
7. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa năm 2013.
8. Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 28/7/2010 về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến 2020”.
9. Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.
10. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.
11. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.