21/12/2024 lúc 20:28 (GMT+7)
Breaking News

Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử

Chiều nay (23/9), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử" nhằm phân tích, luận bàn, đánh giá, thảo luận về những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực này.

Tham dự Tọa đàm có: Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) Nguyễn Thị Lan Anh; Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Minh Tuấn; Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh; Giám đốc Khối Doanh nghiệp của VNPAY Trần Mạnh Nam và PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế. Đây là các đại biểu uy tín và giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực liên quan đến thương mại điện tử (TMĐT) và quản lý thuế.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Thời gian qua, doanh thu thuế từ TMĐT tăng đều qua các năm. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã chủ động triển khai nhiều biện pháp như xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế, phối hợp với các bộ, ngành trong việc chia sẻ dữ liệu và kết nối với UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt, cơ sở dữ liệu từ các ngành như ngân hàng và viễn thông đã được đồng bộ, giúp công tác quản lý và thu thuế đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, TMĐT với tính linh hoạt và giao dịch xuyên biên giới đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi cần sự tối ưu hóa giải pháp quản lý thuế và thúc đẩy sự phát triển bền vững của TMĐT.

Tại Tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số Trần Minh Tuấn khẳng định, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhanh chóng triển khai xây dựng kế hoạch với 7 nhóm và 25 nhiệm vụ cụ thể; giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong Bộ để triển khai, hỗ trợ Tổng cục Thuế trong quá trình triển khai công tác thu thuế trên hoạt động TMĐT.

Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, bà Nguyễn Thị Lan Anh, thời gian qua Tổng cục Thuế đã và đang thực hiện các giải pháp đồng bộ, thống nhất để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, trong đó đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật; phối hợp với các sàn trong nước, các nền tảng TMĐT nước ngoài tuyên truyền về nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng. Đồng thời, ngành Thuế tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử để hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0, bảo đảm người nộp thuế có thể thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, cung cấp thông tin hoàn toàn theo hình thức điện tử…

“Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số, Tổng cục Thuế đã và đang không ngừng mở rộng triển khai các dịch vụ thuế điện tử bao gồm: khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử đảm bảo cấp độ 4.0, hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế nói chung, người nộp thuế kinh doanh TMĐT nói riêng trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế”, bà Nguyễn Thị Lan Anh nhấn mạnh.

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lại Việt Anh cho biết, TMĐT Việt Nam phát triển rất nhanh trong vòng 10-15 năm qua, đặc biệt 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng duy trì từ 20-25% một năm, cách đây khoảng 10 năm, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam đạt khoảng 2,2 tỷ USD, nhưng đến năm 2023, theo thống kê, đánh giá của Bộ Công Thương thì quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc. Tỷ lệ này đang được dự đoán đạt 10% vào năm 2025.

TMĐT phát triển nhanh và mạnh đã đóng góp rất tích cực cho việc phát triển mô hình thương mại khá hiện đại trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19 khi giãn cách xã hội và giảm sự tiếp xúc giữa các đối tượng. Đây là phương thức rất hiệu quả để có thể phân phối hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng cuối. Đồng thời, đây cũng là kênh để các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ có thể tham gia kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cũng như tăng sức cạnh tranh của mình trên thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nhanh như thế, đặt ra bài toán phải phát triển bền vững. Đó là bảo đảm được sự cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của chủ thể tham gia thị trường, đó là việc tuân thủ nghĩa vụ về thuế.

“Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, một trong những mấu chốt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý một cách toàn diện và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Hoạt động quản lý của chúng ta phải tận dụng tối ưu những công cụ trên môi trường trực tuyến, điện tử”, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lại Việt Anh nêu quan điểm.

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, TMĐT là hình thức kinh doanh mới trên thế giới, là hình thức thay đổi rất nhanh chóng, trong khoảng thời gian rất ngắn đã có những hình thức kinh doanh mới ra đời. Chính vì lẽ đó, việc quản lý TMĐT cũng gặp rất nhiều khó khăn. Việc làm sao thu đúng thu đủ, thu chính xác đối với hoạt động TMĐT trở thành khó khăn chung với hầu hết cơ quan thuế trên thế giới, kể cả những cơ quan thuế rất phát triển như Mỹ hay Liên minh châu Âu…

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan chức năng trong phối hợp quản lý hoạt động TMĐT. Đặc biệt trong thời gian gần đây, khi chúng ta có VneID của Bộ Công an, việc tích hợp các dữ liệu của rất nhiều cơ quan đang tạo điều kiện thuận lợi cho không chỉ Tổng Cục thuế quản lý TMĐT mà còn là điều kiện để quản lý tốt hơn các lĩnh vực khác liên quan đến cả kinh tế và xã hội. Đây là những nỗ lực chung của các cơ quan, ban ngành trong hoạt động kinh tế số, góp phần thực hiện quyết tâm xây dựng toàn diện nền kinh tế số.

Là đại diện đơn vị trung gian thanh toán và cung cấp các nền tảng thanh toán số khá đa dạng cho người dùng, đáp ứng hầu hết các nhu cầu của người dùng bao gồm, thanh toán trực tuyến trên các website điện tử, thanh toán qua thiết bị POS, thanh toán QR, Giám đốc Khối Doanh nghiệp VNPAY Trần Mạnh Nam cho rằng, việc phát triển của thanh toán điện tử luôn đi song hành với phát triển TMĐT. Trong 5 năm gần đây, thanh toán điện tử phát triển vượt bậc với rất nhiều các phương thức thanh toán. Người dân hiện nay có thể sử dụng thanh toán điện tử trong hầu hết các nhu cầu thanh toán của họ. Vậy, đơn vị thụ hưởng quá trình thanh toán điện tử là ai? Trong TMĐT thì đó chính là những người bán hàng, từ đó có thể xác minh được doanh thu của người bán hàng, cơ quan thuế có thể từ doanh thu đó hình thành nên nghĩa vụ thuế của người bán hàng.

“Chúng ta nên bóc tách đâu là dòng tiền thương mại và dòng tiền phi thương mại của các chủ sở hữu để từ đó cơ quan thuế có thể xác định được đâu là trách nhiệm thuế, đâu là nghĩa vụ thuế của các đơn vị tham gia bán hàng”, Giám đốc Khối Doanh nghiệp VNPAY Trần Mạnh Nam lập luận.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong quản quản lý thuế, việc triển khai hóa đơn điện tử là cải cách rất lớn của ngành thuế, đây là động lực thức đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp tối ưu được về nguồn lực và nhân sự cho vấn đề liên quan đến kê khai thuế và nộp thuế.

Để tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử, tại Tọa đàm, các đại biểu đã nêu hàng loạt giải pháp, kiến nghị, trong đó nhấn mạnh: Cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế đầy đủ, cụ thể, áp dụng đối với từng chủ thể, nhằm đảm bảo phù hợp với các thông lệ quốc tế, phù hợp với các các đặc thù của Việt Nam.

Cần bổ sung quy định pháp luật theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, yêu cầu sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khấu trừ khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT. 

Tăng cường phối hợp với giữa các bộ ngành chia sẻ, kết nối dữ liệu phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các chủ thể kinh doanh, phổ biến cho doanh nghiệp nắm rõ quy định pháp luật, những nghĩa vụ liên quan và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ về thuế trong quá trình thực hiện kinh doanh trên môi trường trực tuyến.

Khi đã tuyên truyền đúng, đủ mà các doanh nghiệp vẫn tiếp tục có những hành vi vi phạm pháp luật về thương mại điện tử, pháp luật về thuế thì buộc phải có những biện pháp mạnh tay trong vấn đề thu hồi website, thu hồi giấy phép đã cung cấp, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nâng cao trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho người bán tại nguồn của các sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến, đồng thời tăng cường trách nhiệm cung cấp thông tin của các sàn TMĐT và các đơn vị cung cấp dịch vụ.

Đẩy mạnh hơn triển khai thực hiện hoá đơn điện tử, đây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, vừa bảo đảm tính công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể tham gia, kể cả trên hoạt động thương mại điện tử lẫn trong hoạt động truyền thống, đồng thời cũng bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng khi có hoá đơn để có thể khiếu tố, phản hồi, từ đó bảo đảm cho hoạt động thương mại điện tử tốt nhất.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh, quản lý thương mại điện tử là quản lý số. Vì vậy, phải số hoá ở mức hiện đại nhất để quản lý hoạt động thương mại điện tử, nhằm mang lại hiệu quả quản lý tốt nhất, góp phần xây dựng một xã hội số minh bạch hơn, thuận tiện và giảm thời gian, chi phí tuân thủ cũng như những rủi ro cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người nộp thuế kinh doanh TMĐT./.

Xuân Nam