25/11/2024 lúc 21:22 (GMT+7)
Breaking News

Tăng cường giám sát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2022, trong đó có nội dung yêu cầu xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2022, trong đó có nội dung yêu cầu xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán.

Tăng cường giám sát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán

Theo đó, Nghị quyết Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động thực hiện hoặc khẩn trương đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp quản lý thị trường chứng khoán, góp phần minh bạch các hoạt động đầu tư trên thị trường, ngăn ngừa các hành vi trục lợi, phát triển thị trường bền vững hơn. Tăng cường giám sát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán.

Khẩn trương hoàn thiện Đề án đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để bảo đảm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02/2022.

Tiến hành tổng kết Kế hoạch số 119/KH-BCĐ389 ngày 02/12/2021 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; trên cơ sở đó, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, các đối tượng, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm để tập trung tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể, tạo chuyển biến căn bản, rõ nét đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2022.

Nghị quyết Chính phủ cung yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình, kịp thời có các giải pháp phù hợp để tiếp tục duy trì ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối. 

Điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Sớm hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc khẩn trương trình Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.