VNHN - Câu chuyện hồi tố liên quan đến khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 cho thấy khả năng lắng nghe và xử lý các vấn đề thuế của Bộ Tài Chính dường như đang có vấn đề.
Đi một vòng hỏi ý kiến, Bộ Tài chính vẫn "dậm chân tại chỗ" ?
Với mục tiêu thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh gắn với hỗ trợ phát triển thị trường, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành một loạt các Nghị quyết: Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014; Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015; Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2015 và một số Nghị quyết chuyên đề.
Trong đó, nhiều giải pháp về thuế, hải quan được giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành hoặc xử lý theo thẩm quyền.
Trên cơ sở thực hiện nghị quyết của Chính phủ và lấy ý kiến của các bộ, ngành, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đưa ra phương án sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, điểm mong chờ nhất của các doanh nghiệp trong 3 năm qua lại bị Bộ Tài chính “gạt” đi khỏi lần sửa đổi này. Đó là thay vì hồi tố cho phép doanh nghiệp được áp dụng điều khoản sửa đổi từ kỳ tính thuế 2017 đến nay, thời điểm Nghị định 20 có hiệu lực, thì dự thảo chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2019 trở đi.
Trong ý kiến thẩm định đối với dự thảo, Bộ Tư pháp đã đề nghị xem xét nội dung cho áp dụng hồi tố đối với việc xác định khống chế chi phí lãi vay năm 2017 và 2018 phải đảm bảo lợi ích chung của xã hội, lợi ích của tổ chức, cá nhân; có cơ chế thống nhất chung trong việc thực hiện khoản 3 Điều 8 mà không phân biệt những trường hợp đã thanh tra, kiểm tra hay chưa thanh tra, kiểm tra.
Mặc dù ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp không phản đối hồi tố nhưng trong tờ trình gửi Chính phủ ngày 20/2, Bộ Tài chính đã quyết định bỏ quy định hồi tố. Lý do được trình bày dựa trên tư vấn của Bộ Tư pháp, các quy định luật nên việc hồi tố “không phải lợi ích chung của xã hội", “các khoản thu năm 2017, 2018 đã đưa vào quyết toán NSNN, nếu tính lại thì phải sử dụng NSNN để hoàn thuế”, thậm chí Bộ Tài chính cho rằng “trường hợp hồi tố lên đến hàng trăm doanh nghiệp, do đó có thể tạo cơ chế xin cho phức tạp”. Nhiều chuyên gia đã nhận định rằng, những lý do của Bộ Tài chính đưa ra là “không thể chấp nhận được”, “không thuyết phục”.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ Tư pháp đã có văn bản Số 891/BTP-PLDSKT ngày 13/3/2020 trả lời Công văn số 2801/BTC-TCT ngày 12/3/2020 của Bộ Tài chính về đề nghị góp ý dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
Tại văn bản trả lời, Bộ Tư pháp cho hay, ngày 11/3/2020, Thường trực Chính phủ đã họp xem xét nội dung của dự thảo Nghị định do Bộ Tài chính trình. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp đánh giá tác động đối với việc cho hồi tố áp dụng tại Điều 3 của dự thảo Nghị định trong các năm 2017 và 2018 đối với các doanh nghiệp.
"Như vậy, Bộ Tư pháp chỉ có ý kiến về mặt pháp lý về nội dung liên quan đến quy định hồi tố tại mục 2.5. “Về việc quy định cho phép hồi tố” ở trang 4 dự thảo Báo cáo giải trình một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi khoản 3 Điều 8 nghị định 20/2017/NĐ-CP", Bộ Tư pháp kết luận.
Bộ Tư pháp nhận thấy, trong dự thảo Báo cáo giải trình một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi khoản 3 Điều 8 nghị định 20/2017/NĐ-CP (từ trang 4 đến trang 5), Bộ Tài chính đã có các số liệu về kinh phí phải hoàn trả (nếu cho hồi tố), những khó khăn về quy trình quản lý của ngành thuế nếu cho hồi tố. Nội dung này thuộc chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu nêu trong báo cáo…
Câu hỏi giới phân tích, công đồng doanh nghiệp đặt ra là tại sao một Nghị định khiến Nhà nước, doanh nghiệp đều thiệt hại có thể tồn tại lâu đến thế và sao có thể “để từ từ” xem xét được? Thậm chí, sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành và bằng rất nhiều kênh, từ công văn hỏi đến đơn kiến nghị, doanh nghiệp cũng đã trình bày những bất hợp lý của các quy định pháp luật gây ra với hoạt động sản xuất kinh doanh của mình nhưng câu trả lời của Bộ Tài chính luôn là ghi nhận, tổng hợp, báo cáo, trình xem xét...
Giới chuyên gia cũng cho rằng, số tiền thuế thu thêm từ Nghị định 20 không lớn nếu so với tổng thu ngân sách lên hơn 1 triệu tỷ đồng hằng năm hiện nay. Nhưng với mỗi doanh nghiệp đó lại là số vốn rất lớn có liên quan đến các dự án, kế hoạch hoạt động sản xuất trong năm nên Nhà nước cần “dũng cảm” trả lại thay vì “khất” đổ cho việc "đã vào Ngân sách không thể lấy lại". Câu chuyện ở đây là “không cần lấy ra mà hãy trừ vào khoản thuế những năm tiếp theo cho doanh nghiệp”. Việc trừ dần từng khoản nhỏ là cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều.
Doanh nghiệp nóng lòng vì hồi tố là vắc-xin cứu chữa
Hai tháng đầu năm 2020, cả nước đã có 28.400 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn hoặc ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp đang hoạt động cho biết dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất - kinh doanh cả năm 2020. Nhiều đề xuất, kiến nghị đã được cộng đồng doanh nghiệp gửi đến Chính phủ, Bộ Tài chính để xem xét việc sửa đổi Nghị định 20, trong đó cho phép hồi tố.
Giới phân tích cho rằng, nếu được hồi tố khoản thuế đã nộp, đây có thể coi như một liều vắc-xin giúp doanh nghiệp trụ vững qua khó khăn hiện tại. Và nó cũng sẽ đi đúng theo tinh thần của chỉ thị 11/CT-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Hơn nữa, việc sửa đổi Nghị định 20 sẽ làm lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng lên qua đó làm giá trị gia tăng và GDP của đất nước tăng lên và Nhà nước có thể thu được nhiều thuế hơn ở những chu kỳ sản xuất kinh doanh sau. Vậy cớ sao chỉ vì khoản “kinh phí phải hoàn lại là 4.875 tỷ đồng” thấp hơn nhiều so với tổng các khoản khác như nợ thuế, phí thuế nộp chậm, phạt sai phạm mà Bộ Tài chính lại... chần chừ mãi không quyết định trả?
Mặt khác, phải hiểu rằng, mọi hoạt động của doanh nghiệp đều chịu sự chi phối, điều tiết và quản lý chặt chẽ của cơ quan Nhà nước. Lẽ ra, sau 1 năm áp dụng Nghị định 20, khi doanh nghiệp kiến nghị, Bộ Tài chính lắng nghe, xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương để hướng dẫn kịp thời sửa đổi thì mọi chuyện sẽ khác. Nhưng đã 3 năm trôi qua, doanh nghiệp mòn mỏi đợi chờ, Bộ Tài Chính mới bắt đầu xem xét.
Hơn nữa, điều chỉnh hồi tố, hiểu đơn giản là khoản mục nào cần điều chỉnh, ở năm nào thì điều chỉnh vào năm đó. Nếu làm đúng, làm đủ và cẩn trọng từ những năm trước thì giờ có phải mất công hồi tố hay không? Vì vậy, trong vụ việc này, ai, cơ quan hay tổ chức nào phải chịu trách nhiệm cho việc “tận thu” đẩy doanh nghiệp vào đường cùng? Rõ ràng Bộ Tài chính nên tập trung vào việc vì sao để xảy ra việc tồn đọng nợ thuế cao không truy thu được thay vì dồn ép doanh nghiệp.
Một đại diện của WorldBank cho rằng, nếu sửa quy định tại Nghị định 20 thì thời điểm áp dụng cần hồi tố về thời điểm 2017 khi ban hành Nghị định, vì riêng tiền thuế 2017 và 2018 cũng có thể lên tới hàng trăm, hoặc hàng ngàn tỷ đồng. Phương pháp khuyến nghị có thể cho khấu trừ dần vào tiền thuế phải nộp hằng năm. Bởi đây là giải pháp công bằng với những trường hợp bị thiệt hại trong hai năm nghị định này áp dụng.
Trình bày tại Hội nghị đối thoại về chính sách thuế và hải quan do Bộ Tài chính và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức cuối năm 2019, đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Phước (Bigimexco) cho biết, Nghị định 20 về giao dịch liên kết ban hành năm 2017 đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Do vậy, Bigimexco kiến nghị Chính phủ xem xét lại để điều chỉnh nội dung của khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 cho hợp lý, hợp pháp, hợp tình và có quy định hồi tố, hoàn trả lại số tiền thuế truy thu do cách tính áp đặt này gây ra.
Các doanh nghiệp hy vọng rằng với việc ngành Thuế đang lấy ý kiến doanh nghiệp để sửa đổi, Nghị định 20 sẽ không còn là một “nút thắt” hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp. Bộ Tài chính phải cho “hồi tố” việc đánh thuế dựa trên phần chi phí lãi vay thuần để đảm bảo không bị thuế chồng thuế và chuẩn theo thông lệ quốc tế.
Có thể thấy, trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh đình trệ vì dịch COVID-19, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì ngành thuế cũng cần có những biện pháp xử lý thấu đáo đối với những khoán thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và yên tâm sản xuất.