18/01/2025 lúc 15:59 (GMT+7)
Breaking News

Sở hữu trí tuệ với “tương lai xanh”

VNHN - Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường vẫn đang hoành hành khắp nơi trên hành tinh xanh: không khí ô nhiễm, nước ô nhiễm, ô nhiễm tiếng ồn, rác thải bừa bãi, tài nguyên cạn kiệt ..., ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (SHTT) năm 2020 có chủ đề “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh” khẳng định trách nhiệm, vai trò của con người với trí tuệ, sự sáng tạo, khéo léo … trong hành trình chung tay xây dựng và gìn giữ màu xanh cho tương lai.

VNHNN - Môi trường đã và đang là vấn đề được rất nhiều quốc gia cũng như hầu hết mọi người sống trên trái đất của chúng ta quan tâm. Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn đang hoành hành khắp nơi trên hành tinh xanh: không khí ô nhiễm, nước ô nhiễm, ô nhiễm tiếng ồn, rác thải bừa bãi, tài nguyên cạn kiệt ...

Một góc ảnh phèn mặn trên đồng ruộng ở Kiên Giang.

Hậu quả của ô nhiễm để lại rất nặng nề, rất nhiều hệ lụy. Chúng biến đổi hệ sinh thái chúng ta đang sinh sống, làm băng tan chảy, nước biển dâng, đất bị xâm nhập mặn… đó là minh chứng cho sự biến đổi khí hậu (hiệu ứng nhà kính) bắt nguồn từ sự ô nhiễm môi trường mà ra. 

Tất cả đã cho thấy: lộ trình đến tương lai xanh trở thành tất yếu trên hành trình của con người. Bảo vệ môi trường chính là một yêu cầu cấp bách hiện nay.

Trong bối cảnh đó, ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (SHTT) năm 2020 có chủ đề “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh” khẳng định trách nhiệm, vai trò của con người với trí tuệ, sự sáng tạo, khéo léo … trong hành trình chung tay xây dựng và gìn giữ màu xanh cho tương lai.

Trao đổi về vấn đề này, Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định: “Trong nền kinh tế tri thức hiện nay, hầu như cả thế giới đều thừa nhận rằng SHTT là một trong các công cụ điều khiển, thúc đẩy sự phát triển của Khoa học công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia nhằm  đáp ứng mọi nhu cầu vật chất, tinh thần ngày càng cao của con người. Hoạt động Đổi mới sáng tạo nói chung và các tài sản trí tuệ nói riêng tạo nên sức cạnh tranh cho mỗi doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Chính vì vậy, kể từ năm 2000, Tổ chức SHTT thế giới đã lấy ngày 26/4 là ngày Sở hữu trí tuệ thế giới và vào ngày này hằng năm, đều đưa ra 01 chủ đề làm thông điệp để truyền tải đến công chúng trên toàn thế giới về vai trò của SHTT đối với sự phát triển chung của các quốc gia, tôn vinh các thành quả của hoạt động sáng tạo, thúc đẩy phát triển các hoạt động SHTT để phục vụ đời sống của nhân loại.

Năm nay, chủ đề của Ngày SHTT thế giới là “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh” nhằm kêu gọi mọi người cùng nhau khám phá vai trò của SHTT và Đổi mới sáng tạo trong việc mở ra con đường dẫn đến một tương lai xanh cho trái đất. Đồng thời tôn vinh và truyền cảm hứng cho các nhà sáng chế, sáng tạo và công chúng hãy cũng nhau sử dụng trí tuệ của mình, sử dụng các công cụ SHTT, các tài sản trí tuệ để bảo vệ nguồn tài nguyên xanh, xây dựng nền kinh tế xanh vì môi trường xanh và bền vững.

Mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm và có một vai trò quan trọng với tương lai của trái đất, của loài người. Hãy hành động, hãy sáng tạo vì tương lai mai sau của chính chúng ta và con cháu chúng ta!”

Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.

Đúng như vậy, hệ thống SHTT với vai trò thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo là trung tâm của những nỗ lực tạo ra một tương lai xanh. Tại Việt Nam, thời gian qua đã có nhiều sáng chế, nghiên cứu khoa học tạo ra các công nghệ vì sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, cho phép chúng ta giải quyết khủng hoảng khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên …

Có thể kể đến: “Quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt” của tác giả Trần Kim Qui ở TP. Hồ Chí Minh đã biến rác thải trở thành tài nguyên để tạo phân bón dinh dưỡng cho cây trồng. Giải pháp của nhà sáng chế Trần Kim Qui đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng Bảo hộ độc quyền Giải pháp hữu ích số 1426, năm 2016 và đã đoạt giải nhất Cuộc thi Sáng chế toàn quốc năm 2018; Hay sáng chế “Chậu trồng cây tiết kiệm nước” của tác giả Nguyễn Quang Ngọc ở TP. Hồ Chí Minh đã giúp việc trồng cây của nông dân, cây cảnh, cây xanh đô thị tiết kiệm hơn 80% nước, hơn 60% công lao động, hơn 60% năng lượng và tăng năng suất hơn 30%; Hoặc là “máy biến nước mặn thành nước ngọt” của anh Huỳnh Công Thành, 30 tuổi ở Cai Lậy, Tiền Giang đã giúp nông dân các tỉnh miền Tây thoát được một phần hạn hán, thiếu nước ngọt, nước biển ngập mặn; “lò sấy lúa” của tác giả Dương Xuân Quả ở An Giang vừa tiết kiệm nhiên liệu, sấy lúa ít hao hụt, lại sử dụng năng lượng mặt trời để tránh ô nhiễm môi trường …

Nhà sáng chế Nguyễn Quang Ngọc giới thiệu “Chậu trồng cây tiết kiệm nước”.

Ngoài ra, các nhãn hiệu, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn thương mại khác ... được các doanh nghiệp sử dụng để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ xanh, hữu cơ, thân thiện với môi trường, như: Nhãn hiệu chứng nhận khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang, tem năng lượng xanh, nhãn xanh Việt Nam, … cũng góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh hướng tới việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững hơn, bớt ô nhiễm môi trường sống.Bên cạnh đó, việc tạo ra, bảo hộ và khuyến khích sử dụng các sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp thân thiện với môi trường (hình địa cầu xanh, bao bì thiết kế với sắc màu xanh, trắng tươi sáng ...), tránh dùng nhựa (ống hút từ thân cây sậy) hoặc tái chế từ các sản phẩm đã qua sử dụng, thậm chí là dùng máy in 3D để in ra các sản phẩm khác từ rác thải nhựa, … cũng đã góp phần tái tạo tương lai xanh cho môi trường.Đặc biệt, quyền SHTT với hệ thống bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan đã thúc đẩy các nhạc sỹ, nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ, tổ chức biểu diễn … tạo ra nhiều hơn nữa các tác phẩm, các chương trình biểu diễn hướng tới kêu gọi công chúng chung tay vì tương lai xanh của loài người. Những bài hát như “Earth song” của ca sỹ Michael Jackson hay “Việt Nam tái chế” của ca sỹ Trọng Hiếu … luôn truyền cảm hứng, thổi bùng ngọn lửa cho công chúng, người hâm mộ ở Việt Nam và toàn thế giới cùng chung tay gìn giữ ngôi nhà chung: trái đất.

Để thúc đẩy hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo phục vụ tương lai xanh, ông Phan Ngân Sơn – Phó Cục trưởng Cục SHTT, lưu ý: “Trước hết, về phía cơ quan nhà nước cần: tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của công chúng, xây dựng các cơ chế,  chính sách nhằm hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho hoạt động đổi mới sáng tạo và thương mại hóa các sáng chế vì môi trường; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, xâm phạm các sáng chế này; có nhiều hình thức tôn vinh, khen thưởng các nhà sáng chế, sáng tạo trong lĩnh vực môi trường; hỗ trợ, thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp xã hội hoạt động vì môi trường xanh. Về phía cộng đồng, công chúng cần tích cực tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo vì môi trường, nên sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, tích cực đấu tranh chống lại những hành vi tàn phá tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường …”

Đổi mới sáng tạo và các quyền SHTT hỗ trợ đổi mới sáng tạo chính là trung tâm của những nỗ lực tạo ra một tương lai xanh cho trái đất – ngôi nhà thân yêu của tất cả mọi người. Những lựa chọn chúng ta đưa ra hôm nay sẽ định hình tương lai của chúng ta mai sau.

Chúng ta đang sống trong những ngày đại dịch tàn phá ghê gớm. Nhưng đây cũng chính là cơ hội để nhìn lại những gì mà nhân loại đã làm, và những thách thức của tương lai. Con người có thể tạo ra một tương lai xanh bằng chính những hành động trí tuệ của chúng ta, bắt đầu từ hôm nay./.

VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. HCM