Hầu hết nhiều du khách chỉ biết đến phía Đông của tỉnh Hà Giang với phần lãnh thổ cao nguyên đá nổi tiếng nhưng còn khá ít người biết đến tiềm năng du lịch các huyện phía Tây của tỉnh như Vị Xuyên, Quang Bình, Bắc Quang hay Hoàng Su Phì.
Xã Cao Bồ thuộc huyện Vị Xuyên nằm cách TP Hà Giang 35km, cách trung tâm huyện lỵ 25km. Từ Hà Nội di chuyển theo quốc lộ 2 đến địa phận Km17 thị trấn Vị Xuyên từ đây bắt đầu hành trình rẽ vào trung tâm xã và những bản làng cao xa ẩn mình dưới chân núi, vượt qua 25km đường rừng quanh co chúng tôi đã có mặt tại làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lùng Tao, một vùng đất hoang sơ với cảnh quan thiên nhiên trù phú, tươi đẹp, khí hậu mát mẻ. Cảnh sắc nơi đây thay đổi theo mùa tạo nên sự đa dạng của vùng đất nằm dưới chân dãy núi Tây Côn Lĩnh. Ngôi làng này cũng là điềm sáng trong công tác xây dựng mô hình du lịch cộng đồng Homstay.
Dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ như bản tình ca của đại ngàn ôm trọn địa phận xã Cao Bồ, suốt dọc hành trình vào đến trung tâm xã chúng tôi di chuyển trên những khoảng địa hình đan xen khác nhau. Những thửa ruộng bậc thang chín vàng chập trùng lên cao xuống thấp, men theo con đường độc đạo dẫn vào Cao Bồ, càng vào sâu dãy Tây Côn Lĩnh khí hậu càng mát mẻ, những báu vật của người Dao áo dài nơi đây là những cây Trà Shan tuyết cổ thụ mọc ở khắp nơi, tận mắt nhìn ngắm và hái được những búp Trà Shan quý buổi sáng sớm cùng dân bản là điều mà nhiều người đến Cao Bồ lần đầu tiên rất thích thú, một vùng đất độc đáo, riêng biệt. Hệ sinh thái rừng già đã sản sinh ra nhiều những đặc sản quý khác của núi rừng như Thảo quả, Thuốc nam, Sâm quý, Tam thất hoang, Gỗ ngọc am…
Thiên nhiên ban tặng vùng đất Cao Bồ những thác nước hùng vĩ có độ cao từ 60 m đến 100 m với dòng thác chảy quanh năm.
Cao Bồ có tiềm năng du lịch rất lớn với cảnh quan thiên nhiên yên bình, núi cao bao quanh rừng già nguyên sinh khí hậu trong lành mát mẻ, ẩn dưới đại ngàn núi rừng Tây Côn Lĩnh là không khí thu hoạch những thửa ruộng bậc thang đang độ chín vàng. Càng lên cao quần thể ruộng bậc thang càng hùng vĩ, rộng lớn bao quanh khắp bản làng.
Người Dao áo dài sinh sống và lao động giữa lưng chừng núi. Tháng 10 đầu thu là mùa gặt duy nhất trong năm theo tập quán canh tác của đồng bào, đó là lúc bận rộn nhưng vui nhất bởi họ vừa thu lúa lại vừa hái trà.
Những cây trà Shan cổ hàng trăm năm tuổi bén rễ cắm sâu xuống lòng đất mọc trên những con đường dân sinh, ven dòng suối lớn rồi trải dài lên những đỉnh cao chót vót của dãy núi Tây Côn Lĩnh chập chờn trong mây khói.
Đặc thù của ruộng bậc thang chỉ sản xuất một năm một vụ nên mùa gặt là mùa hạnh phúc nhất trong năm của người dân xã Cao Bồ. Địa hình của xã lọt giữa dãy núi cao chỉ cần di chuyển lên đỉnh núi phía đối diện là có thể nhìn ngắm trọn vẹn bản làng yên bình. Hình ảnh con người khỏe khoắn, lao động hăng say như đang chế ngự thiên nhiên để phục vụ sự sinh tồn, làm trù phú thêm những bản làng phía dưới. Người Dao áo dài nơi đây đã sống bao đời như vậy.
Cao Bồ vẫn còn nguyên sơ về cảnh quan thiên nhiên như viên ngọc thô lặng lẽ toả sáng giữa trùng điệp của núi rừng, vùng đất ấy hội tụ đầy đủ vẻ đẹp của con người trong hành trình lập làng, giữ bản. Từ bàn tay khối óc của đồng bào vùng cao, cuộc sống mưu sinh trong cần cù gian khó đã kiến tạo nên giá trị văn hoá bản địa, những tinh hoa để đưa dấu ấn du lịch cộng đồng vươn xa.
Những năm qua huyện Vị Xuyên đã tổ chức nhiều các chương trình liên kết, hội thảo du lịch. Trong đó nội dung nhấn mạnh việc xây dựng bản sắc, tạo nên sự độc đáo, riêng biệt trong sản phẩm du lịch của mỗi địa phương, sự kết nối giữa các địa điểm du lịch mang tính chặt chẽ hơn để khắc phục những khó khăn của giao thông, duy trì sự thường xuyên và đổi mới trong các hoạt động tham quan, trải nghiệm, xây dựng những cộng đồng du lịch bền vững nhằm phát huy tối đa thế mạnh của vùng đất và con người Vị Xuyên.
Từ đầu năm 2022 lượng khách du lịch đến Cao Bồ tăng mạnh. Hệ thống dịch vụ homestay phục vụ du khách cũng được nhiều gia đình người Dao bản địa hoàn thiện và đưa vào hoạt động. Homestay Thung lũng Trà Shan Tuyết của anh Đặng Tùng nằm bên con suối Lùng Tao chảy ra từ núi rừng Tây Côn Lĩnh với cảnh quan nên thơ là điểm dừng chân của nhiều du khách, được lấy cảm hứng từ cây Trà Shan Tuyết cổ quê mình. Hầu hết vật liệu sử dụng để trang trí homestay đều là những đồ vật gắn với sinh hoạt đời sống thường ngày mọc nhiều tại núi rừng Cao Bồ, nhằm tạo sự thân thiện và để lại ấn tượng cho du khách.
Ngoài Homestay Thung lũng Trà Shan Tuyết, khi đến Cao Bồ, du khách có thể ghé thăm những Homestay nhà sàn truyền thống của người Dao áo dài nằm trên những đỉnh núi cao như Homestay Đặng Quang hay 1983 Homestay. Họ đều là những người Dao bản địa làm du lịch, chân chất thật thà và mến khách, sẵn sàng đưa du khách đi trải nghiệm những địa điểm đẹp nhất của vùng đất này.
Ông Cháng Văn Dùi, Nguyên Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên giai đoạn 1980 – 1990 là một người dân thôn Thăm Vè, xã Cao Bồ, chia sẻ: “người dân Cao Bồ luôn chịu khó, cần cù trong mưu sinh, lập làng giữ bản. Bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu được hun đúc từ lớp người đi trước”.
Bên cạnh cuộc sống lao động xản xuất thường ngày, đời sống văn hóa của người Dao áo dài nơi đây cũng hết sức phong phú được bảo tồn và phát huy đặc biệt là nghi lễ Cấp sắc hay những làn điệu hát giao duyên cổ được truyền lại từ đời này qua đời khác là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng.
Đồng chí Lý Xuân Lù, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Vị Xuyên chia sẻ về tiềm năng thế mạnh du lịch cộng đồng các xã trên địa bàn huyện, đặc biệt là xã Cao Bồ. “ Là xã có quần thể chè Shan Tuyết cổ thụ đã được công nhận là di sản và hệ thống ruộng bậc thang rộng lớn do đồng bào canh tác từ xa xưa, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đời sống văn hóa được lưu giữ nguyên vẹn. Đó là nền tảng để xã phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển văn hóa bản địa. Chúng tôi luôn ủng hộ và tạo điều kiện hết sức để xây dựng thế mạnh địa phương, góp phần đưa cuộc sống của bà con phát triển theo hướng bền vững”.
Vũ Đạo