06/11/2024 lúc 06:16 (GMT+7)
Breaking News

Quốc tế hóa doanh nghiệp là sao?

VNHN - Mới đây, một số lãnh đạo của doanh nghiệp lớn trong nước hỏi tôi: “Thế nào là quốc tế hóa doanh nghiệp? Muốn quốc tế tập đoàn thì họ phải làm gì ?”. Chắc hẳn họ chờ tôi khuyên, cần khuyến khích nhân viên học ngoại ngữ, rồi chịu khó mướn người nước ngoài vào tăng cường và cuối cùng mở một số công ty con hay chi nhánh tại nước ngoài, bắt đầu từ những nước trong khu vực. Tất nhiên bạn phải học ngoại ngữ rồi vì nếu không có chung một ngôn ngữ với đối tác nước ngoài, việc kinh doanh có thể trở

VNHN - Mới đây, một số lãnh đạo của doanh nghiệp lớn trong nước hỏi tôi: “Thế nào là quốc tế hóa doanh nghiệp? Muốn quốc tế tập đoàn thì họ phải làm gì ?”. Chắc hẳn họ chờ tôi khuyên, cần khuyến khích nhân viên học ngoại ngữ, rồi chịu khó mướn người nước ngoài vào tăng cường và cuối cùng mở một số công ty con hay chi nhánh tại nước ngoài, bắt đầu từ những nước trong khu vực. Tất nhiên bạn phải học ngoại ngữ rồi vì nếu không có chung một ngôn ngữ với đối tác nước ngoài, việc kinh doanh có thể trở thành ác mộng. Nhưng dù sao thì ngoại ngữ cũng chỉ là một góc cạnh nhỏ thôi.

Ảnh minh họa - TL

Quốc tế hóa phải thể hiện trước hết qua phong cách, không bị “khớp” khi được yết kiến Vua Bhumibol của Thái Lan hay Đại sứ Đức, không luộm thuộm khi đọc diễn văn khai mạc tại New York, không dúm dó khi dự sinh nhật Bill Gates… Bạn cần biết rõ phải tới sớm hay muộn tại một bữa tiệc, hay cầm tay những món quà, lẵng hoa, giỏ trái cây gì khi đi tham dự đám cưới con của đối tác tại Venezuela…? Tất cả những dịp đó đều là lúc người ta sẽ xem phong cách của ta như thế nào ?

Nhưng hơn thế nữa, đối tác chuyên nghiệp sẽ đánh giá chúng ta qua rất nhiều tiêu chuẩn. Tôi chỉ nêu lên những cái chính yếu mà người Việt Nam còn coi nhẹ và thường hay mắc phải.

Một là về pháp lý. Ít ở đâu giống như Việt Nam coi pháp luật là dụng cụ phục vụ mỗi cá nhân một cách tùy tiện, theo thói “đường tôi, tôi đi”, không đụng xe thì đâu có vấn đề gì. Khi sang Malaysia bạn sẽ hiểu thế nào là tính nghiêm minh của pháp luật. Người dân tôn trọng luật chung, không bao giờ nghĩ đến chuyện phá luật. Sự tôn trọng pháp luật đã cho phép Malaysia tiến xa hơn nhiều quốc gia. Họ đã đặt ưu tiên vào trật tự và sự tôn trọng luật chung, nhờ thế người dân của họ dù chậm rãi thong thả mà vẫn dẫn nước của họ lên hàng đầu khối ASEAN.

Hai là coi thường rủi ro. Ít dân tộc nào coi thường rủi ro như chúng ta. Câu thường được nghe là “Ngày nào tôi cũng trèo rào mà có làm sao đâu?”. Thế nhưng ngày nào trên báo chí cũng được chứng kiến nhiều trường hợp tử vong khó giải thích. Trên mặt trận kinh tế, mỗi năm có vô số doanh nghiệp giải thể vì đã « lấy » quá nhiều rủi ro vào mình. Liều lĩnh thể hiện qua những cuộc thế chấp tín dụng, những quyết định quá lạc quan nếu không nói là phiêu lưu hay liều lĩnh. Ác nghiệt hơn là hậu quả của những cuộc rủi ro đã gây thiệt hại cho biết bao nhiêu người, kể cả những người xung quanh dù không liên quan trực tiếp.

Ba là suy nghĩ tạm bợ. Tôi không đếm hết những cơ hội được nghe ngoài xã hội nói với nhau như thế này: “Thôi, cứ làm tạm vậy đi cho xong, ngày mai tính lại…”. Và cứ như thế, xã hội theo nhau chôn vùi tính bền vững và quay ra ca tụng tài ba của những con người biến báo, lấp liếm chỉ vì họ rất giỏi đưa ra những giải pháp tạm bợ. Tạm bợ càng phổ biến thì hậu quả là ngày hôm sau chúng ta cũng lại phải giải quyết lại những bài toán ngày hôm qua không được giải quyết ổn thỏa, rốt ráo.

Người Việt chúng ta thường có khuynh hướng tạm bợ, giống như thói quen đóng đinh treo lịch, đóng đinh treo quần áo, đóng đinh treo tranh ảnh…, đóng đinh miệt mài bất kể thứ gì cho đến lúc đinh rơi và bức tường gạch bong tróc vôi vữa với lỗ chỗ các vết đinh dày đặc. Chúng ta không thực sự tôn trọng sự bền vững. Chúng ta không hiểu thế nào là bước đi chắc chắn. Trong làm ăn kinh doanh, không có gì tốn kém bằng óc tạm bợ. 

Bốn là quản lý thời gian kém cũng là điểm yếu của chúng ta. Ngày giờ họp thay đổi liên miên và không có kế hoạch, kiểu suy nghĩ « giờ của tôi kệ tôi » là một thái độ thiếu văn hóa cộng đồng. Những chuyến bay bị hủy vào phút chót, rồi đăng ký lại khiến cho bao nhiêu người “đằng sau” phải bố trí lại lịch trình, phí phạm thời gian và tiền bạc rất nhiều, nhưng nhân vật chính vẫn không thực sự ý thức được rõ ràng.  

Năm là chúng ta không thích thảo luận và nói chung không bỏ đủ thời giờ để tìm hiểu, làm quen những phong cách chuẩn mực của thế giới. Người Âu, nhất là người Pháp rất thích thảo luận, trong những dịp gặp gỡ với những người không quen, người Pháp thích nghe những ý kiến khác, những cách lý luận khác, những cách nhìn vấn đề khác. Họ cho thế là một sự hiếu kỳ cần phải có. Người Việt chúng ta ít khi ở lâu trong đám đông, ít khi mạnh dạn xấn tới người chưa quen để tự giới thiệu và chia sẻ những ý nghĩ của mình với những người này. 

Sáu là không thích làm việc nhóm. Làm việc nhóm là chìa khóa của sức sáng tạo, của sự thành công. Ngày nay, không một dự án hay công trình nghiên cứu nào có thể làm một mình từ A đến Z. Chiếc iPhone là kết quả của sự cộng tác chặt chẽ của bao nhiêu sự đóng góp từ trí sáng tạo đến công nghệ sản xuất của rất nhiều cá nhân cùng làm việc với nhau. Chìa khóa làm việc nhóm đem tới kết quả là khả năng kiểm soát tự ái và khả năng phóng thích được óc hiếu kỳ.

Sang Mỹ hay một số nước châu Âu, bạn sẽ hiểu được thực sự làm việc nhóm như thế nào. Hàng chục người ngồi hàng chục giờ làm việc với nhau, mở to mắt và căng tai nghe các đối tác khác phát biểu, sẵn sàng phản biện tích cực, tự ái chôn vùi thật sâu trong túi và chỉ làm việc với lý trí và lòng cương quyết cùng đi tìm chân lý. Bảo rằng họ nhẫn nại thì không đúng, vì nhẫn nại đã có nghĩa sẵn là chẳng lý thú gì. Không! Họ thực sự thích thú những giây phút ngồi làm việc miệt mài với nhau. Giá mà chúng ta cũng thích làm việc nhóm cũng như khi chúng ta ngồi nhậu giữa bạn thân thì khả năng tập thể của chúng ta sẽ nhân lên biết bao. 

Bảy là “chí phí của bạn không phải là của tôi”. Đây là một thái độ chúng ta thường có, nhưng ở Nhật Bản hay các nước Tây Âu họ không như thế. Ví dụ, bạn tưới cây vườn nhà nhưng để nước chảy quá lâu, hàng xóm bên châu Âu sẽ chủ động sang nhà bạn tắt nước và sẽ nhắc nhở bạn lần sau nhớ đừng để quên nước chảy. Nếu bạn phá một ngôi nhà cổ (như nhà xây thời Pháp ở quận 3, TP HCM) để biến nó trở thành một quán nước bình dân, hàng xóm và thậm chí cả cộng đồng chung quanh nhà sẽ ngăn cản bạn làm chuyện đó nếu như bạn ở các xứ văn minh hơn. Lý do là cho dù bạn sở hữu những thứ bạn phá đi, bạn cũng vẫn phá đi một di sản công cộng được tạm giao vào bàn tay của mình. Khi bạn để nước chảy cho dù bạn trả tiền nước, bạn vẫn phí phạm một tài nguyên của tập thể. Tinh thần tập thể là một cái gì chúng ta còn phải học nhiều.

Trở lại đề tài quốc tế hóa doanh nghiệp, theo tôi không phải chỉ là đi làm dự án hay mua công ty ở nước ngoài, không phải chỉ là một việc biết xì xồ tiếng Anh hay tiếng nào khác. Quốc tế hóa là san bằng văn hóa của doanh nghiệp của bạn khi so sánh với các công ty toàn cầu, là làm cho nhân viên của mình có đủ kiến thức và văn hóa để có thể hoạt động khắp năm châu với một ít nhiều thoải mái. Quốc tế hóa là biến công ty của chính mình trở thành nơi mà các chuyên viên nước ngoài vào làm việc mà cảm thấy không lạc lõng, biến nhân viên của mình trở thành một loại công dân toàn cầu, làm việc với một phong cách toàn cầu trong thế giới phẳng ngày hôm nay. Nói nôm na là không còn luộm thuộm co ro nữa. Khi nào cộng đồng nước ngoài nhìn nhân viên của chúng ta không còn thấy người Việt Nam mà chỉ thấy một doanh nhân toàn cầu thì đúng vào lúc đó chúng ta có thể nói chúng ta đã quốc tế hóa rồi.

Tóm lại, quốc tế hóa mà không cần thấy bóng của người nước ngoài cũng như đầu tư ra khu vực, thế mới là một việc đáng ngạc nhiên.