22/11/2024 lúc 20:45 (GMT+7)
Breaking News

Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột

Với 470 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 94,38%. Như vậy Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã chính thức được Quốc hội thông qua.

Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch; ưu đãi thu hút đầu tư; ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt.

Quang cảnh Quốc hội - Ảnh: CTTĐTCP.

Trong vòng 5 năm kể từ thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành, vào ngày 1/1/2023, dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 09 năm tiếp theo.

Dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố thuộc các lĩnh vực sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; y tế, giáo dục và đào tạo; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; đầu tư kinh doanh trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo…

Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

470 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 94,38%.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc ban hành Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù đối với thành phố Buôn Ma Thuột là để thực hiện chủ trương, định hướng phát triển thành phố Buôn Ma Thuột theo đúng Kết luận số 67 của Bộ Chính trị, phù hợp với điều kiện, thế mạnh của Thành phố và chủ trương của Bộ Chính trị, đồng thời cũng góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 23. Tại các Nghị quyết Quốc hội về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, Quốc hội đều giao Chính phủ có trách nhiệm tổ chức sơ kết 3 năm và tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội.

Liên quan tới ý kiến đề nghị cân nhắc quy định rõ quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị và việc lập, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch nếu liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh thì cần tính toán kỹ và cần có ý kiến của các Bộ liên quan, trong đó có Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định phân cấp thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ cho UBND tỉnh Đắk Lắk nhưng phải theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, quá trình thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung này sẽ bảo đảm tuân thủ đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trong đó có tổ chức lấy ý kiến của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, các cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư có liên quan đến các nội dung đề xuất điều chỉnh cục bộ.

Đối với ý kiến đề nghị bổ sung chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, môi trường, giáo dục, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong quá trình soạn thảo, trên cơ sở định hướng tại Kết luận số 67, những ngành, lĩnh vực phù hợp đã được lựa chọn phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố Buôn Ma Thuột. Ngoài ra, theo Chương trình hành động tại Nghị quyết số 103/NQ-CP, Chính phủ đã đề ra 32 nhiệm vụ cụ thể để thực hiện Kết luận số 67, trong đó có 23 nhiệm vụ về phát triển các ngành, lĩnh vực, qua đó sẽ tạo hỗ trợ ưu đãi đầu tư trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Thế Hùng