Lãnh đạo huyện Văn Yên tham gia thu hoạch Quế cùng người dân
Từ lời căn dặn của Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái về đẩy mạnh tăng gia sản xuất khi Người lên thăm Yên Bái vào ngày 25/9/1958, huyện Văn Yên đã thực hiện lời dạy của Bác bằng việc trồng cây gây rừng, khai hoang ruộng nước. Với tiềm năng, lợi thế của sẵn có, huyện Văn Yên đã tập trung vào việc trồng cây quế, hình thành nên những "Đồi Quế Bác Hồ" để bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với Bác; cũng từ đó mà phong trào trồng Quế ở huyện Văn Yên đã được duy trì từ năm này qua năm khác và lan rộng từ xã này sang xã khác… đã giúp cho huyện hình thành được vùng trồng Quế tập trung ở 8 xã trọng điểm với diện tích gần 25.000 ha và dần dần được trồng mở rộng ra ở tất cả 25 xã, thị trấn với diện tích Quế toàn huyện hơn 50.000ha, trong đó đã có 25.000 ha quế được canh tác theo hướng hữu cơ.
Niềm vui của người dân khi vào mùa thu hoạch quế
Ông Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Cây Quế Văn Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Quế Văn Yên vào tháng 1 năm 2010 với vùng quế lớn thứ nhất trong cả nước, giống quế được coi là tốt nhất và là sản phẩm thứ 16 trên toàn quốc được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Theo thống kê, đến nay huyện Văn Yên hiện có trên 52.000 ha quế phân bố ở khắp 25 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong đó, có 25.357 ha quế được xác lập Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại 8 xã gồm: Phong Dụ Thượng 1.998 ha, Phong Dụ Hạ 2.112 ha, Xuân Tầm 3.371 ha, Châu Quế Hạ 4.789 ha, Tân Hợp 2.624 ha, Đại Sơn 3.168 ha, Viễn Sơn 2.600 ha và Mỏ Vàng 4.695 ha. Cùng đó, huyện còn có trên 4.000 ha quế hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu, Mỹ gồm: Công ty Hương gia vị Sơn Hà 2.500 ha, Công ty Olam Việt Nam 1.071 ha, Công ty Vicimex 500 ha. Sản lượng vỏ quế hàng năm khai thác đạt trên 5.000 tấn, tận thu trên 65.000 tấn cành lá quế và hơn 50.800 m3 gỗ quế, chưng cất tinh dầu quế đạt 300 tấn... mang lại doanh thu lớn và riêng năm 2021, thu nhập từ quế đạt trên 943 tỷ đồng.”
Công nhân công ty Hương gia vị Sơn Hà sản xuất sản phẩm Quế sáo
Cây quế ở vùng đất Văn Yên đã trở thành một thương hiệu rất nổi tiếng. Các sản phẩm được sản xuất từ cây quế Viễn Sơn, Xuân Tầm, Đại Sơn ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Các sản phẩm từ quế của huyện không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, trong nước mà xuất khẩu đi 18 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Băng - la - đét, Ai cập, Dubai, Singapore, Mỹ, Anh, Hà Lan, Nga... và đã có 16 sản phẩm từ quế được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đang tiếp tục xây dựng sản phẩm quế hữu cơ đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Năm 2021 huyện đã xây dựng 1 dự án liên kết theo chuỗi giá trị quế hữu cơ trên địa bàn huyện, quy mô 1000 ha tại xã Đại Sơn.
Xưởng chế biến quế sáo của HTX Bình An
Ông Hà Đức Anh – Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết thêm : “ Ngày nay, quế không những dùng để làm thuốc hay thực phẩm mà từ cây quế, người dân còn tạo ra những sản phẩm rất tiện ích cho cuộc sống con người và cả những tác phẩm nghệ thuật cao cấp.Tất cả các phần của cây quế từ cành, vỏ cho đến thân cây qua công đoạn sơ chế và bàn tay khéo léo,tỷ mỉ của người thợthủ công đã chế tạo ra các sản phẩm tinh xảo và mang tính nghệ thuật cao dùng để trưng bày, trang tríđẹp mắt, hấp dẫn và độc đáo với những đường nét hoa văn mang đậm bản sắc vùng cao Tây Bắc cùng với mùi thơm nồng ấm, đặc trưng của cây Quế Văn Yên. Đã có rất nhiều sản phẩm được chế tác tinh xảo và có tính nghệ thuật cao như: đồng hồ, đèn ngủ, lô-gô, khung ảnh, mô phỏng ngôi nhà, lọ tăm, lọ hoa, hộp đựng trà, bộ ấm chén hoặc các sản phẩm mô hình khác, tất cả đều làm từ vỏ quế.So với các vật dụng khác, các sản phẩm này có mùi hương đặc trưng nên mọi người rất ưa chuộng. Đặc biệt, đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế đã tạo nên sức hút và nét độc đáo rất riêng biệt với hàm lượng tinh dầu cao, thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Từ chỗ duy nhất chỉ là mặt hàng vỏ thô trước đây, thì đến nay, các sản phẩm từ quế ở Văn Yên đã được chế biến đa dạng và phong phú hơn với hàng chục mặt hàng. Thị trường tiêu thụ cũng vì thế mà không còn giới hạn ở trong tỉnh, trong nước, mà các sản phẩm của cây quế Văn Yên đã xuất khẩu ra thị trường thế giới: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Băng La Đét, Ai Cập, Sing Ga Po, Mỹ, Anh, Hà Lan được các khách hàng quốc tế ưa chuộng.”
Sản phẩm OCOP quế sáo và quế bột của HTX Bình An, xã Đại Sơn
Hiện toàn huyện có trên 80% số hộ trồng và có nguồn thu nhập từ quế. Riêng đối với việc sản xuất, chế biến Quế, hiện nay toàn huyện 86 doanh nghiệp, 29 hợp tác xã và trên 200 hộ gia đinh sản xuất kinh doanh các ngành nghề, sản phẩm hàng hóa liên quan tới quế với trên 50 sản phẩm các loại, đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, có thu nhập ổn định. Quan trọng hơn là cây quế đã góp phần đắc lực trong công cuộc vào xây dựng nông thôn mới ở các đị phương, giảm tỷ lệ hộ nghèo huyện đến hết năm 2021 xuống còn 18% và số hộ cận nghèo là 10,68 % theo tiêu chí mới.
Vận dụng sáng tạo lời căn dặn của Bác khi người lên thăm Yên Bái, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Yên lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng vẫn xác định cây Quế là cây chủ lực trong phát triển kinh tế lâm nghiệp và xoá đói giảm nghèo. Chính vì vậy, cùng với tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Văn Yên đã chú trọng phát triển vùng trọng điểm Quế với một loạt chủ trương, chính sách, kế hoạch, lộ trình một cách đồng bộ, hiệu quả và quyết liệt để đưa vùng đất quế ngày càng phát triển và hội nhập, phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc, xây dựng Văn Yên thành huyện NTM vào năm 2025, đồng thời là điểm đến an toàn, thân thiện, lý thú và hấp dẫn của du khách thập phương./.