UBND quận Hoàn Kiếm đang lấy ý kiến về "Dự án quy hoạch không gian công cộng và thử nghiệm quản lý không gian xanh theo hướng sinh thái tại quận Hoàn Kiếm". Dự án nhằm cải thiện chất lượng không gian công cộng bằng cách chú trọng đưa thiên nhiên hòa quyện vào không gian đô thị, khôi phục không gian dành cho người đi bộ...
Mở rộng không gian dành cho người đi bộ.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: "Dự án quy hoạch không gian công cộng và thử nghiệm quản lý không gian xanh theo hướng sinh thái tại quận Hoàn Kiếm" là một hợp phần trong chương trình hợp tác giữa UBND thành phố Hà Nội - Vùng Ile-de-France (Cộng hòa Pháp) giai đoạn 2018- 2021 và là một trong những nội dung cụ thể hóa Chương trình số 03-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025".
Đây là dự án hợp tác quốc tế quan trọng mà quận vinh dự được UBND thành phố Hà Nội giao thực hiện. Mục tiêu của dự án nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản đô thị gắn với mở rộng không gian đi bộ, bảo tồn không gian xanh và phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ của quận Hoàn Kiếm.
Nghiên cứu mở rộng không gian công cộng tại quận Hoàn Kiếm.
Thời gian qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với đơn vị tư vấn là Công ty Tư vấn Defrain Souquet Deso Associes (Công ty Deso) nghiên cứu phạm vi dự án; xây dựng ý tưởng phát triển các không gian xanh trên địa bàn quận, kết hợp mở rộng các không gian cho người đi bộ; đồng thời, tôn vinh các công trình kiến trúc có giá trị trong phạm vi dự án gắn với việc tu bổ công trình và chiếu sáng cảnh quan.
Trong đó, Công ty Deso đã đưa ra phương án cải tạo cảnh quan 3 trục chính, tác động phát triển thương mại, du lịch tại quận Hoàn Kiếm gồm: Tượng đài vua Lý Thái Tổ - quảng trường Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; vườn hoa Diên Hồng - công trình Nhà khách Chính phủ; quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội - tuyến phố Tràng Tiền, Hàng Khay, hồ Hoàn Kiếm. Nghiên cứu này đã được hoàn thành cuối tháng 3-2021 sau các đóng góp của các chuyên gia.
Tăng cường không gian xanh
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ thực tế hiện trạng đô thị tại khu vực nghiên cứu còn nhiều hạn chế về cảnh quan cho thấy sự cần thiết phải thực hiện việc quy hoạch, cải tạo đồng bộ để tạo ra không gian công cộng có điểm nhấn hấp dẫn, thu hút du khách cùng người dân đến với trung tâm thành phố.
Chia sẻ ý tưởng quy hoạch dự án, Kiến trúc sư Olivier Souquet, đại diện Công ty Deso cho biết: "Dự án nghiên cứu dựa trên hai nguyên tắc cơ bản: Khôi phục lại những không gian dành cho người đi bộ trong khu di sản này trước tình trạng khai thác điểm đỗ xe chưa được tổ chức bài bản khiến cho nhiều diện tích dành cho người đi bộ đang bị chiếm dụng. Đồng thời, củng cố và tăng cường sự hiện diện của không gian xanh, phát huy giá trị các tầm nhìn bao quát hướng về các công trình di sản; kết hợp với chiếu sáng nghệ thuật để làm nổi bật các công trình trọng điểm.
Theo đó, đơn vị đề xuất mở rộng không gian xung quanh Nhà hát Lớn Hà Nội để người đi bộ có thể tiếp cận, thấy hết vẻ đẹp của công trình từ 4 phía; chỉnh trang nâng cấp tuyến phố Hàng Khay - Tràng Tiền, tạo tuyến đường đi dạo kết nối với không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm tới Nhà hát Lớn cũng như một số phố nhỏ, ngõ nhỏ tại khu vực: Nguyễn Xí, Đinh Lễ và quy hoạch hình thành trục không gian hướng tới các công trình chủ đạo: Nhà hát Lớn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nhà khách Chính phủ.
Các nội dung nghiên cứu cũng tập trung vào việc đánh giá lại ngôn ngữ kiến trúc, sắp đặt và chỉnh trang lại vỉa hè, làm tăng giá trị các mặt tiền, cũng như có quy định cụ thể về quản lý các công trình trên phố, về ánh sáng, về phủ xanh trên tuyến phố...
Kiến trúc sư Emmanuel Cerise, Viện trưởng Viện PRX (Vùng Thủ đô Paris tại Hà Nội) đánh giá, Hoàn Kiếm có vai trò, vị trí là trung tâm của Thủ đô, tập trung nhiều không gian xanh, tạo nên nét bản sắc riêng cho Hà Nội. Vì vậy, Viện rất mong muốn được hỗ trợ UBND quận Hoàn Kiếm nói riêng, UBND thành phố Hà Nội nói chung trong việc nâng cao chất lượng không gian công cộng, góp phần mang đến chất lượng, môi trường sống tốt hơn cho người dân.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được lập và trình UBND thành phố phê duyệt trong quý III-2021 và được triển khai trong quý IV-2021.