Biên giới Việt Nam những ngày cận kề kết thúc năm học... Học sinh các cấp náo nức chào đón một kỳ nghỉ hè sôi động giữa núi rừng khoáng đạt. Trong số đó, có những em nhỏ tưởng như đã mất đi tương lai, mất đi người thân khi không may trở thành nạn nhân của những kẻ bắt cóc, mua bán trẻ em qua biên giới. Các em đã được giải cứu thành công nhờ sự cam kết mạnh mẽ và phối hợp hiệu quả của lực lượng chức năng các nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar với sáng kiến phòng, chống mua bán người khu vực Tiểu vùng Mê Kông, còn được gọi là Commit.
Chi đội Công an Biên phòng Cảng Phòng Thành, Quảng Tây (Trung Quốc) bàn giao nạn nhân bị mua bán được giải cứu cho Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, BĐBP Quảng Ninh (Việt Nam). Ảnh: BĐBP tỉnh cung cấp
Là một thành viên của Ban công tác Liên ngành Việt Nam phòng chống mua bán người, những năm qua, lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) đã phát huy tinh thần trách nhiệm, phối hợp với lực lượng chức năng trong và ngoài nước xác lập các chuyên án đấu tranh phòng, chống mua bán người và giải cứu nạn nhân, góp phần thúc đẩy tiến trình Commit trở thành một thực tiễn thành công trên toàn thế giới trong phòng, chống mua bán người. Nhất là kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định lấy ngày 30-7 hằng năm, trùng với ngày Liên hợp quốc chọn làm Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người, thì hoạt động này của BĐBP càng trở nên hiệu quả khi đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người tại biên giới.
Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó Tư lệnh BĐBP cho biết, trong năm 2019, BĐBP đã xác định 27 tuyến trọng điểm về mua bán người, phá 32 chuyên án, giải cứu 37 nạn nhân; truy cứu, khởi tố trước pháp luật nhiều đối tượng mua bán người qua biên giới. Sáu tháng đầu năm 2020, các đơn vị BĐBP đã triển khai 32 kế hoạch nghiệp vụ xác minh tin, tài liệu liên quan đến hoạt động của các đối tượng, đường dây mua bán người; phối hợp, bắt giữ, xử lý 16 vụ/3 đối tượng/18 nạn nhân, giảm 06% số vụ, 67% số đối tượng, 64% số nạn nhân so với cùng kỳ năm ngoái.
Mới đây, ngày 16-4-2020, BĐBP tỉnh Hà Giang đấu tranh thành công Chuyên án HG420 triệt phá đường dây mua bán người từ huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, qua huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang để bán sang Trung Quốc ép kết hôn trái pháp luật, bắt hai đối tượng, giải cứu thành công hai nạn nhân, đồng thời tiến hành khởi tố vụ án và bàn giao cho Công an huyện Mèo Vạc theo quy định. Điều đó cho thấy, từ đầu năm đến nay, lực lượng BĐBP vừa tăng cường tuần tra, kiểm soát, lập chốt chặn để phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời quyết liệt triển khai công tác đấu tranh với các loại tội phạm.
Ngoài ra, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố triển khai hiệu quả một số quy định tại Thông tư 78/2013/TT-BQP như: BĐBP khi giải cứu hoặc chủ trì tiếp nhận nạn nhân mua bán người do nước ngoài trao trả có trách nhiệm hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân, bố trí chỗ ở tạm thời, chăm sóc sức khỏe ban đầu, hỗ trợ tâm lý xóa bỏ mặc cảm, hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường, hướng dẫn làm thủ tục nhận chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật đối với nạn nhân có nguyện vọng về nơi cư trú... Các đơn vị cũng chủ động phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho quần chúng nhân dân khu vực biên giới nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người thông qua hàng vạn buổi họp dân ở khu dân cư, các buổi sinh hoạt, hội họp.
Hai đối tượng chủ yếu của nạn mua bán người là phụ nữ và trẻ em, các đối tượng chủ yếu tiếp cận nạn nhân qua các phiên chợ vùng cao, các trường dân tộc nội trú. Nhưng với sự phổ biến của điện thoại di động, sự phát triển của mạng xã hội Zalo, Facebook... như hiện nay, thì phương thức lừa đảo, tán tỉnh qua kênh này trở nên hết sức phổ biến. Các đối tượng xây dựng hình ảnh phong độ, giàu có và thậm chí giả danh cán bộ công an, BĐBP, chủ doanh nghiệp để làm quen, tạo lòng tin, gây dựng tình cảm với các phụ nữ, thiếu nữ mới lớn, hứa hẹn cưới xin, đưa về ra mắt gia đình rồi lừa bán sang Trung Quốc. Bọn chúng đưa nạn nhân qua cửa khẩu bằng hộ chiếu, giấy thông hành hoặc hướng dẫn nạn nhân tự đi qua cửa khẩu phụ, lối mở dưới các hình thức thăm thân, làm thuê hoặc xuất cảnh trái phép. Khi chúng đón được nạn nhân ở bên kia biên giới, sẽ ngay lập tức thu giấy tờ, tiền, điện thoại và bán nạn nhân cho các nhà chứa làm gái mại dâm, làm vợ...
Đại tá Bùi Văn Lua, Phó Cục trưởng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP chia sẻ: "Giai đoạn 2015 - 2020, lực lượng BĐBP đã giải cứu 669 nạn nhân. Qua điều tra cho thấy, đã có sự dịch chuyển địa bàn hoạt động từ khu vực biên giới vào sâu nội địa của tội phạm mua bán người tại các tỉnh biên giới. Vì vậy, địa phương nào làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân thì số vụ mua bán người ở nơi đó sẽ giảm. Do đó, giải pháp quan trọng nhất để giảm tình trạng mua bán người là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, không chỉ ở khu vực biên giới mà cả trong nội địa, nhất là địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa".
Bên cạnh đó, có một thực trạng là có quá nhiều cô gái trẻ chỉ vì hiểu biết nông cạn mà bị kẻ xấu lừa bán qua biên giới làm gái mại dâm. Nhưng, sau khi tìm cách trốn thoát hoặc được giải cứu về Việt Nam, không ít trong số họ lại trở thành thủ phạm lừa bán các nạn nhân khác, khiến cho công tác điều tra, phá án gặp nhiều khó khăn. Câu chuyện của Đinh Thị Ngoan, sinh năm 1992 đang thụ án chín năm tại Trại giam Hoàng Tiến, đã phản ánh một thực tế đau lòng này. Bị lừa bán sang Trung Quốc từ khi còn rất trẻ, Ngoan may mắn được các lực lượng chức năng giải cứu. Trong lúc không công ăn việc làm, không thu nhập ổn định, Ngoan đã đẩy chính cô em họ của mình vào "động quỷ" phía bên kia biên giới để lấy tiền.
Đối với trẻ em sơ sinh hoặc phụ nữ có thai, các đơn vị BĐBP bám nắm địa bàn, nắm được những trường hợp phụ nữ nghèo, đơn thân đang mang thai nằm trong "tầm ngắm" của các đối tượng mua bán người; nắm chắc di biến động của các đối tượng nghiệp vụ cũng như sự xuất hiện của các đối tượng khả nghi tại địa bàn đơn vị quản lý; tiến hành lập hồ sơ quản lý với một số đối tượng được cho là tham gia vào các đường dây lo "trọn gói" từ việc đưa người sang bên kia biên giới.
Thời điểm học sinh nghỉ hè, các em theo bố mẹ lên nương rẫy làm việc, theo bạn bè đi chơi thì nguy cơ trở thành nạn nhân của hoạt động bắt cóc, buôn bán người lại càng gia tăng. Tại huyện biên giới Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, năm 2018, hai cháu H.T.C. và G.T.S., học sinh lớp 8 bất ngờ bị hai nam thanh niên dùng dao khống chế. Chúng đe dọa "Hai đứa lên xe không tao đâm chết" và đưa hai em sang bán cho các đối tượng đã chờ sẵn ở bên kia biên giới. Dù sau đó các em may mắn trốn thoát được về Việt Nam và hai kẻ thủ ác gồm Giàng A Tếnh và Thào A Chư (trú tại thôn Sả Xéng, xã Sa Pả, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã phải trả giá về các tội mua bán trẻ em, hiếp dâm và trộm cắp tài sản, song những ngày kinh hoàng đó vẫn luôn ám ảnh cho đến tận hôm nay.
Tại cơ quan chức năng, bọn chúng khai là thường đến các khu vực đường liên thôn vắng vẻ với mục đích tìm các bé gái là học sinh trên đường đi học về để bắt sang Trung Quốc bán. Do đó, các đơn vị BĐBP đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động tại địa bàn, từ đó tạo chuyển biến cơ bản, giúp mỗi người dân tự bảo vệ bản thân và gia đình trước tội phạm mua bán người. Nhất là đề cao tinh thần cảnh giác để các gia đình chú trọng việc quản lý con cái, khi tổ chức các hoạt động xã hội, đoàn thể cần tổ chức đông người, công tác bảo đảm an ninh cần được tăng cường chặt chẽ hơn nữa. Đặc biệt trẻ em gái cần biết tự bảo vệ bản thân trước sự manh động của các đối tượng hay sự lừa phỉnh bằng tiền bạc và quà tặng để rồi tự biến mình thành "món hàng" cho chúng.
Trong thời gian tới, toàn lực lượng BĐBP tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ. Tích cực triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng chống mua bán người 30-7", "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30-7" và mở đợt cao điểm tiến công, trấn áp tội phạm mua bán người khu vực biên giới, biển và hải đảo năm 2020.
Phạm Vân Anh