23/12/2024 lúc 08:29 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Bước đột phá chiến lược linh hoạt, hiệu quả ở Thái Bình

Thể chế, nguồn nhân lực – nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, và kết cấu hạ tầng đã được Đại hội XIII của Đảng xác định là 3 đột phá chiến lược để đạt mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thái Bình trên hành trình ấy đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong bước đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng linh hoạt, hiệu quả và bền vững yêu cầu của thị trường lao động.

KỲ I: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TỪ CÁC ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT

Với dân số gần 1,9 triệu người, trong đó khu vực thành thị 219.609 người, khu vực nông thôn 1.650.632 người, Thái Bình có số người lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc tại tỉnh là 1.137.200 người. Trong đó: lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật 194.425 người, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật 42.385 người, chiếm 21,8%; công nhân kỹ thuật không có bằng nghề, chứng chỉ nghề 70.479 người (36,25%); có chứng chỉ, chứng nhận học nghề dưới 3 tháng 25.314 người (13,02%); có chứng chỉ nghề, chứng chỉ học nghề ngắn hạn 14.232 người (7,32%); có bằng nghề dài hạn, trung cấp nghề, trung cấp 13.279 người (6,83%); có bằng cao đẳng nghề, bằng cao đẳng 14.057 người (7,23%); có bằng đại học trở lên 14.679 người (7,55%).

Phần lớn lao động trong ngành dệt may là lao động phổ thông, thực hiện các công đoạn gia công sản phẩm.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (có 04 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp và 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp), trong đó 8/8 huyện, thành phố có Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trực thuộc. Trong tổng số các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có 19 cơ sở công lập và 08 cơ sở tư thục. Theo cấp quản lý có 01 trường Cao đẳng nghề số 19 - Bộ Quốc phòng (hiện nay Bộ Quốc phòng đang thực hiện giải thể) do Trung ương quản lý, còn lại 26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp do địa phương quản lý. Ngoài các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên còn có các cơ sở khác tham gia đào tạo nghề nghiệp và các doanh nghiệp cũng tổ chức đào tạo nghề cho người lao động.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo được quan tâm thực hiện góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Đội ngũ nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh cơ bản đáp ứng được với những nghề hiện tại đang được tổ chức đào tạo. Tổng số nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh là 358 người, trong đó các trường cao đẳng 161 người (nhà giáo có trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao - 96,27%; đạt chuẩn dạy trình độ cao đẳng chiếm 100%; nghiệp vụ sư phạm chuẩn đạt 100%; trình độ tiếng Anh bậc 1,2, bậc 3 trở lên chiếm 100%; trình độ tin học cơ bản, nâng cao chiếm 100%), các trường trung cấp 87 người (nhà giáo có trình độ đại học đạt tỷ lệ 89,65%; đạt chuẩn dạy trình độ trung cấp, sơ cấp đạt 100%; nghiệp vụ sư phạm chuẩn đạt 100%; trình độ tiếng Anh bậc 1,2, bậc 3 trở lên chiếm 100%; trình độ tin học cơ bản, nâng cao chiếm 100%), các trung tâm giáo dục nghề nghiệp 110 người (nhà giáo có trình độ đại học trở lên đạt 69,09%; đạt chuẩn dạy trình độ sơ cấp chiếm 71,81%; nghiệp vụ sư phạm đạt chuẩn chiếm 71,81%; trình độ tiếng Anh bậc 1,2 chiếm 79,09%; trình độ tin học cơ bản chiếm 79,09%). Tổng số cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 142 người, trong đó cán bộ quản lý tại các trường cao đăng là 57 người; trường trung cấp là 48 người; trung tâm giáo dục nghề nghiệp là 31 người; cơ sở khác 6 người. Về trình độ đào tạo của cán bộ quản lý, số cán bộ quản lý có trình độ trên đại học là 57 người; trình độ đại học là 82 người; trình độ khác là 03 người. Với đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp này đủ để thực hiện công tác giảng dạy các nghề đã được đầu tư thiết bị và đang tổ chức đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Dây chuyền sản xuất trà thảo dược của Công ty Cổ phần đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng tại Cụm công nghiệp Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp ngày càng càng tăng. Cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề được đầu tư từng bước đáp ứng được việc tăng quy mô và chất lượng đào tạo. Đa số các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đảm bảo về phòng học lý thuyết và xưởng thực hành để tổ chức đào tạo đối với những nghề đang đào tạo, đặc biệt có một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện được đầu tư về cơ sở vật chất, phòng học lý thuyết và xưởng thực hành bảo đảm khang trang, hiện đại. Tổng số xưởng thực hành là 200 xưởng với tổng diện tích là 27.445 m2. Tổng số phòng học lý thuyết là 361 phòng với tổng diện tích là 19.642 m2.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tích cực thực hiện và có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo nghề với công tác tư vấn nghề nghiệp, tuyển sinh học sinh, sinh viên, số lượng người tham gia học nghề ngày càng tăng; năng lực, quy mô đào tạo và chất lượng đào tạo nghề từng bước được nâng lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề không ngừng tăng qua các năm, học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp bình quân đạt 75% góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh đào tạo 85.135 người. Trong đó, trình độ cao đẳng 4.843 người, trình độ trung cấp 22.973 người; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 57.319 người. Tỷ lệ học sinh, sinh viên học trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng là 32,66%, trình độ cao đẳng là 5,68%, trình độ trung cấp là 26,98%, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 67,34%. Đến năm 2021, tỷ lệ qua đào tạo nghề toàn tỉnh đạt 57,1%.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo, trong đó chú trọng đổi mới về mục tiêu đào tạo, lấy người học làm trung tâm. Nội dung dạy học được cải tiến, phù hợp theo hướng tăng thời lượng thực hành; quan tâm nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới hình thức đào tạo nghề nghiệp theo hướng tích hợp, kỹ năng thực hành; triển khai mô hình đào tạo nghề nghiệp gắn với các doanh nghiệp. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo ngắn hạn, đào tạo nghề gắn với truyền nghề cho người lao động. Chương trình dạy nghề được phát triển dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề, bằng sự phân tích nghề, phân tích công việc theo vị trí việc làm tương ứng với các nhiệm vụ và công việc của ngành, nghề, với sự tham gia của doanh nghiệp. Cấu trúc chương trình được xây dựng theo mô đun tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và thái độ nghề nghiệp..., đảm bảo sự liên thông giữa các cấp trình độ đào tạo. Nhìn chung các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện việc xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo bảo đảm theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Việc tổ chức thực hiện liên kết, liên thông giữa các trình độ đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh, phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo cũng như giải quyết việc làm sau đào tạo được chú trọng. Giáo dục nghề nghiệp đã từng bước chuyển đổi theo hướng cầu của thị trường lao động, gắn kết với các chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động và các mục tiêu xã hội khác....(còn nữa)

Hồng Quang