23/01/2025 lúc 01:12 (GMT+7)
Breaking News

Pháp luật về Hợp đồng điện tử tại một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam

Thực tiễn ở các nước trên thế giới đã chỉ ra rằng, để thúc đẩy hợp đồng điện tử phát triển, bên cạnh những yếu tố mang tính kỹ thuật như: thiết bị đầu cuối, cơ sở hạ tầng viễn thông... thì cần phải tạo lập một hành lang pháp lý vững chắc.

Việc phân tích có hệ thống các quy định của pháp luật về hợp đồng điện tử ở một số quốc gia sẽ giúp Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi kinh nghiệm để hoàn thiện hơn nữa các quy định về giao dịch điện tử, đặc biệt các quy định liên quan đến hợp đồng điện tử và giao kết hợp đồng điện tử hiện còn nhiều hạn chế. Từ đó thúc đẩy sự phát triển của giao dịch điện tử ở Việt Nam.

Quy định về hợp đồng điện tử ở Mỹ

Có thể khẳng định, Mỹ là nước đi đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử. Mỹ đã ấn định các nguyên tắc cơ bản cho giao dịch điện tử của riêng mình, đồng thời kiến nghị cho nền thương mại điện tử toàn cầu.

Theo đó, quá trình xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý cho giao dịch điện tử của Mỹ dựa trên 4 nguyên tắc cơ bản:

Thứ nhất, các bên được tự do xác lập quan hệ hợp đồng với nhau khi thấy phù hợp;

Thứ hai, các quy định phải có tính chất trung lập về mặt công nghệ và phải có tính mở cho tương lai, có nghĩa là không được quy định về một loại công nghệ cụ thể nào đó và không được hạn chế việc sử dụng hay phát triển của các công nghệ tương lai.

Thứ ba, các quy định hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới trong trường hợp cần thiết để hỗ trợ cho việc sử dụng công nghệ điện tử.

Và cuối cùng là, các quy định phải công bằng cho cả các doanh nghiệp đã áp dụng rộng rãi các công nghệ mới và các doanh nghiệp còn chưa áp dụng.

Trong thời gian qua, chính quyền Liên bang và chính quyền các bang tại Mỹ đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định hiện hành và ban hành một số quy định mới, đáp ứng được yêu cầu của các giao dịch  điện tử, nhất là các quy định về luật hợp đồng, bảo vệ người tiêu dùng, thẩm quyền tài phán, chứng cứ pháp lý…

Theo đó, nhằm tạo lập một khung pháp lý thống nhất cho giao dịch điện tử ở Mỹ, Hội nghị quốc gia của các viên chức về đạo luật thống nhất (NCCUSL) diễn ra năm 1999 đã thông qua Đạo luật thống nhất về Giao dịch điện tử (Uniform Electronic Transactions Act - UETA).

Đạo luật thống nhất về Giao dịch điện tử quy định rằng khi luật yêu cầu bằng văn bản hoặc chữ ký, bản ghi điện tử hoặc chữ ký điện tử có thể đáp ứng yêu cầu đó khi các bên tham gia giao dịch đã đồng ý tiến hành bằng phương thức điện tử.

Năm 2000, Mỹ thông qua Đạo luật Chữ ký điện tử trong thương mại quốc gia và quốc tế (Electronic Signature in Global and National Commerce Act – E-Sign). Đạo luật này cho phép công nhận hợp pháp đối với chữ ký và hồ sơ điện tử, nếu tất cả các bên trong hợp đồng chọn sử dụng tài liệu điện tử và ký điện tử.

Ngoài ra, Mỹ còn cho ra đời nghị định thư về an toàn thương mại điện tử (SET) nhằm bảo vệ các phương thức thanh toán…

Đạo luật thống nhất về Giao dịch điện tử và Đạo luật luật Chữ ký điện tử trong thương mại quốc gia và quốc tế đã củng cố bối cảnh pháp lý cho việc sử dụng hồ sơ điện tử và chữ ký điện tử trong thương mại bằng cách xác nhận rằng hồ sơ điện tử và chữ ký có cùng trọng lượng và có cùng hiệu lực pháp lý như tài liệu giấy truyền thống và chữ ký mực ướt.

Trong đó, cả hai Đạo luật đều quy định: Không một hợp đồng, chữ ký hoặc hồ sơ nào bị từ chối có hiệu lực pháp lý chỉ vì nó ở dạng điện tử; Một hợp đồng liên quan đến một giao dịch không thể bị từ chối có hiệu lực pháp lý chỉ vì chữ ký điện tử hoặc bản ghi đã được sử dụng để hình thành nó.

Liên quan đến hợp đồng điện tử, ở Mỹ không có một đạo luật riêng để điều chỉnh hợp đồng ký kết trên mạng máy tính (hợp đồng điện tử) và nhìn chung luật hợp đồng là do pháp luật của từng bang quy định. Các quy tắc áp dụng đối với các hợp đồng ký kết trên mạng vẫn có thể rất khác nhau giữa các bang mặc dù chính quyền Liên bang đã có nhiều nỗ lực để thống nhất các luật liên quan đến hoạt động thương mại bằng việc ban hành Bộ luật thương mại thống nhất (Uniform Commercial Code – UCC)

Điều 2 Bộ luật Thương mại thống nhất (UCC) điều chỉnh các giao dịch thương mại nói chung, gồm cả hai loại giao dịch hàng hoá hữu hình và giao dịch hàng hoá vô hình. Hiện nay, chính quyền Liên bang đã soạn thảo một điều khoản mới để bổ sung vào Đạo luật thương mại thống nhất (UCC) điều 2b để điều chỉnh riêng cho các giao dịch điện tử mà không liên quan đến việc chuyển giao hàng hoá hữu hình.

Cùng với sự nỗ lực của chính quyền Liên bang trong việc sửa đổi, bổ sung Đạo luật Thương mại thống nhất (UCC), các chính quyền các bang cũng đang tích cực xây dựng các luật và các quy định điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử như: Luật về thương mại điện tử của bang Illinois (Illinois Electronic Commercial Act), Luật về chữ ký và bản ghi điện tử của bang Massachusetts (Massachusetts Electronic Records and Signature Act)… Một số bang đã ban hành các đạo luật quy định về ký kết hợp đồng trên mạng, còn một số bang khác lại chưa tiếp xúc giải quyết vấn đề này…

Luật chữ ký điện tử tại Trung Quốc

Tại Trung quốc, lần đầu tiên luật pháp Trung Quốc quy định thông điệp dữ liệu có thể được sử dụng dưới dạng văn bản để ký kết hợp đồng tại Điều 11 của Luật Hợp đồng, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 1999.

Theo đó, Điều 11 Luật Hợp đồng của Trung Quốc quy định rằng "Hình thức văn bản là hình thức mà nội dung trong hợp đồng, thư từ và thông điệp dữ liệu (bao gồm điện tín, telex, fax, trao đổi dữ liệu điện tử và e-mail) có thể được thể hiện một cách hữu hình".

Tiếp đó, Trung Quốc ban hành “Luật Chữ ký điện tử” (năm 2004) chính thức đặt cơ sở pháp lý cho sự phát triển toàn diện của thương mại điện tử ở nước này.

Ngoài ra, theo Điều 469 Bộ luật Dân sự Trung Quốc cũng có quy định, các bên có thể giao kết hợp đồng bằng văn bản, bằng miệng hoặc các hình thức khác. Hình thức văn bản là hình thức thể hiện một cách hữu hình nội dung trong hợp đồng , thư từ, điện tín, telex, fax, ... Các thông điệp dữ liệu có thể thể hiện một cách hữu hình nội dung chứa trong trao đổi dữ liệu điện tử, e-mail, v.v., và có thể được điều chỉnh và sử dụng bất cứ lúc nào, được coi là dạng văn bản.

Về điều kiện để hợp đồng điện tử có hiệu lực pháp luật, Điều 3 Luật Hợp đồng của Trung Quốc quy định rõ: “Địa vị pháp lý của các bên trong hợp đồng là bình đẳng, một bên không được áp đặt ý chí của mình cho bên kia”.

Điều 16 của Luật Hợp đồng của Trung Quốc cũng quy định rằng "khi hợp đồng được ký kết dưới dạng thông điệp dữ liệu", "các hệ thống cụ thể được chỉ định" có thể được sử dụng.

Quy định kỹ thuật về thủ tục ký kết hợp đồng điện tử trực tuyến do Bộ Thương mại Trung Quốc ban hành quy định rằng tính công bằng của quá trình và hiệu lực của kết quả chỉ có thể được đảm bảo thông qua việc giao kết hợp đồng điện tử trong hệ thống giao kết hợp đồng điện tử của một bên thứ ba (nhà cung cấp dịch vụ hợp đồng điện tử).

Bên cạnh đó, đối với hiệu lực pháp lý của chữ ký hợp đồng điện tử thì ngoài các quy định pháp luật cho quá trình giao kết hợp đồng điện tử, các phương tiện kỹ thuật được áp dụng để giao kết hợp đồng điện tử cũng có các quy định pháp luật rõ ràng và chặt chẽ. Theo Điều 14 của Luật Chữ ký điện tử của Trung Quốc: “Chữ ký điện tử đáng tin cậy có hiệu lực pháp lý tương tự như chữ ký viết tay hoặc con dấu.” Điều 13 của "Luật Chữ ký điện tử của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" quy định rằng chữ ký điện tử đồng thời đáp ứng các điều kiện sau đây được coi là chữ ký điện tử đáng tin cậy:

Khi dữ liệu tạo chữ ký điện tử được sử dụng cho chữ ký điện tử là dữ liệu dành riêng cho người ký điện tử; Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chỉ do người ký điện tử kiểm soát tại thời điểm ký; Có thể phát hiện bất kỳ thay đổi nào đối với chữ ký điện tử sau khi ký; Mọi thay đổi về nội dung và hình thức của thông điệp dữ liệu sau khi ký đều có thể bị phát hiện.

Ngoài ra, Điều 491 Bộ luật Dân sự Trung Quốc cũng quy định, nếu các bên ký kết hợp đồng bằng thư từ, thông điệp dữ liệu, ... và yêu cầu ký thư xác nhận thì hợp đồng được xác lập khi thư xác nhận được ký.

Nếu thông tin hàng hóa, dịch vụ do một bên cung cấp thông qua Internet và các mạng thông tin khác đáp ứng các điều kiện của chào hàng thì hợp đồng được xác lập khi bên kia lựa chọn hàng hóa hoặc dịch vụ và gửi đơn đặt hàng thành công, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Hiệu lực của hợp đồng điện tử ở Singapore

Năm 1998, Singapore cho ban hành Luật Giao dịch điện tử (Electronic Transaction Act 1998) nhằm mục đích giải quyết vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý khi các chủ thể tham gia vào các giao dịch trong một môi trường phi giấy tờ và không tiếp xúc trực tiếp với nhau.

Nguyên tắc cơ bản để xây dựng Luật Giao dịch điện tử là nhằm: Tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế và mô hình quốc tế để có thể hoà nhập với khung pháp luật thương mại điện tử toàn cầu; tránh các quy định quá chặt chẽ; linh hoạt và trung lập về mặt công nghệ để theo kịp môi trường luôn thay đổi; quy định rõ ràng, minh bạch và có khả năng tiên liệu trước.

Mục tiêu của đạo luật là thiết lập một quy tắc thực hành (Code of Conduct) chung để hỗ trợ cho các giao dịch thương mại điện tử; xây dựng cơ sở hạ tầng về công chứng; cho phép nộp đơn, hồ sơ và cấp phép điện tử ở các cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ mạng đối với nội dung thông tin của bên thứ ba.

Luật Giao dịch điện tử của Singapore cũng chứa đựng nhiều điều khoản cụ thể để điều chỉnh việc ký kết hợp đồng qua các phương tiện điện tử như việc quy định về thời gian, địa điểm gửi và nhận thông tin điện tử.

Luật Giao dịch điện tử của Singapore đã đưa ra những quy tắc thương mại nhằm làm rõ quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia trong một giao dịch thương mại điện tử. Những quy tắc nằm trong đạo luật này mang các tính chất đặc trưng của những quy định mẫu quốc tế, đặc biệt là các quy định của Luật mẫu UNCITRAL về thương mại điện tử.

Quy tắc thực hành chung trong Luật Giao dịch điện tử của Singapore cũng chứa đựng các điều khoản điều chỉnh việc ký kết hợp đồng qua các phương tiện điện tử thông qua việc quy định về thời gian, địa điểm gửi và nhận thông tin điện tử.

Theo quy định của Đạo luật giao dịch điện tử, địa điểm từ nơi giao tiếp điện tử đã được gửi đi hoặc nơi nó đã được nhận được coi là địa điểm kinh doanh của người gửi và người nhận.

Thời điểm gửi thông tin liên lạc điện tử là thời điểm thông tin được gửi đi, còn thời điểm nhận là thời điểm mà thông tin liên lạc điện tử có khả năng được người nhận truy xuất tại địa chỉ điện tử được chỉ định của mình. Nếu địa chỉ email không được chỉ định bởi người nhận, thời điểm nhận là thời điểm mà thông tin có thể được truy xuất và người nhận biết rằng thư đã được gửi đến địa chỉ của họ.

Ngoài ra, đạo luật này còn quy định về giá trị pháp lý của các bản ghi và chữ ký điện tử, cùng với độ an toàn của chúng.

Mặt khác, để hỗ trợ cho việc sử dụng chữ ký điện tử, một cơ sở hạ tầng về công chứng đã được xây dựng. Theo đó, cơ quan công chứng sẽ xác nhận một mã khoá chứng thực có mối liên hệ với một cá nhân nhất định. Một cơ quan công chứng có thể xác minh về một cá nhân nào đó trước khi cấp một chứng thực dưới dạng giấy chứng nhận kỹ thuật số. Giấy chứng nhận này có thể dùng để xác minh chữ ký của cá nhân đó.

Luật Giao dịch điện tử của Singapore đã tạo một môi trường pháp lý khá phù hợp cho các giao dịch điện tử và thương mại điện tử nói chung, trong đó có hướng dẫn giao kết hợp đồng điện tử nói riêng. Đạo luật này đã xoá bỏ được những trở ngại trong các quy định pháp luật hiện hành và tạo được lòng tin cho các doanh nghiệp, cá nhân khi tham gia vào thương mại điện tử cũng như giao kết hợp đồng điện tử…

Cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử tại Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, ngay từ năm 1999, Chính phủ đã xây dựng “Đạo luật cơ bản về thương mại điện tử” và chuẩn bị một loạt các đạo luật liên quan đến thương mại điện tử, liên tục nâng cao khuôn khổ pháp lý thương mại điện tử bằng cách chỉnh sửa luật hiện hành, ban hành luật mới.

Các đạo luật chính đã được ban hành bao gồm: Luật khung về thương mại điện tử được ban hành năm 1999, sửa đổi năm 2002, 2005 đã tạo khung pháp lý trụ cột vững chắc cho các bộ luật khác về thương mại điện tử ở Hàn Quốc. Luật Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử được ban hành năm 2002 và sửa đổi năm 2005.

Luật Chữ ký điện tử được ban hành năm 1998, sửa đổi năm 2001, 2005. Luật Phát triển ngành đào tạo điện tử được ban hành năm 2004. Luật Phát triển ứng dụng mạng công nghệ thông tin và truyền thông và bảo vệ thông tin được ban hành năm 1999, sửa đổi năm 2002, 2004 và 2005. Bên cạnh đó là một số đạo luật khác như: Luật Kinh doanh tài chính về tín dụng; Luật Khuyến khích ngành nội dung số trực tuyến; Luật Sản phẩm trò chơi, sản phẩm hình ảnh và âm thanh; Luật về các nguồn địa chỉ Internet; Luật Bản quyền; Luật Chính phủ điện tử; Luật Bảo vệ chương trình máy tính; Luật Hóa đơn điện tử cũng đƣợc ban hành nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thương mại điện tử.

Liên quan đến việc giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử, theo quy định pháp luật của Hàn Quốc, các tranh chấp phát sinh trong các giao dịch điện tử có thể được giải quyết theo phương thức hòa giải thông qua việc các bên tranh chấp nộp đơn xin hòa giải tranh chấp cho Ủy ban hòa giải tranh chấp.

Để đảm bảo cho việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong giao dịch điện tử, Luật của Hàn Quốc có quy định cụ thể về Ủy ban hòa giải tranh chấp như: Thành viên của Ủy ban do Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ thông tin và Truyền thông quyết định; số lượng thành viên từ 15 đến 50 thành viên; thành viên của Ủy ban gồm phó giáo sư hoặc người có vị trí tương đương hoặc cao hơn trong trường đại học, tổ chức nghiên cứu, có chuyên ngành liên quan đến giao dịch điện tử, công chức hạng IV có kinh nghiệm về giao dịch điện tử, thẩm phán hoặc công tố viên hoặc luật sư...

Ngoài ra, để bảo đảm yếu tố khách quan, Luật của Hàn Quốc cũng có quy định, thành viên của Ủy ban phải từ chối tham gia vụ hòa giải nếu có liên quan đến vụ tranh chấp. Kết quả hòa giải của Ủy ban có giá trị pháp lý tương tự như trong tố tụng dân sự.

Một số kinh nghiệm cho Việt Nam

Có thể thấy, trên thế giới hợp đồng điện tử đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ, đặc biệt trong thời đại kinh tế số hiện nay. Việc sử dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng truyền thống không chỉ giúp cho các doanh nghiệp và khách hàng của doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn giúp giảm bớt sự ảnh hưởng của dịch bệnh, khoảng cách trong các giao dịch thương mại.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy nhiên, tại Việt Nam các quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng điện tử và giao kết hợp đồng điện tử hiện còn nhiều hạn chế, thiếu các quy định cụ thể… khiến các doanh nghiệp còn e dè chưa tiếp cận đối với hợp đồng điện tử. Chính vì vậy việc hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam về hợp đồng điện tử là một đòi hỏi cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến Dự thảo Luật giao dịch điện tử sửa đổi, trong đó có nhiều quy định điều chỉnh hợp đồng điện tử và giao kết hợp đồng điện tử.

Nghiên cứu các quy định của Dự thảo chúng tôi thấy rằng, dù Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn còn khuyết thiếu một số quy định quan trọng. Đặc biệt, cần bổ sung nhiều quy định cụ thể liên quan đến Hợp đồng điện tử và giao kết hợp đồng điện tử.

Do đó, việc tìm hiểu pháp luật về hợp đồng điện tử của các quốc gia trên thế giới là rất cần thiết để có thể rút ra bài học kinh nghiệm đáng quý trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về giao dịch điện tử, đặc biệt các quy định liên quan đến hợp đồng điện tử và giao kết hợp đồng điện tử.

Theo đó, chúng tôi cho rằng, các nhà làm luật cần phải học tập kinh nghiệm một số quốc gia trong việc nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử, các trường hợp của hợp đồng điện tử bị vô hiệu và cách xử lý hợp đồng điện tử bị vô hiệu hoặc quy định dẫn chiếu đến các luật chuyên ngành liên quan…

Bên cạnh đó, cần học hỏi các nước về cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử; nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể liên quan đến việc giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử như các quy định về thời hiệu khởi kiện, quy định về xác định thẩm quyền, thành lập cơ quan chuyên biệt đê giải quyết tranh chấp…