23/12/2024 lúc 05:05 (GMT+7)
Breaking News

Pháp luật Liên minh châu Âu về xác định luật áp dụng dựa trên nguyên tắc “mối liên hệ gắn bó nhất” và gợi mở cho Việt Nam

Nguyên tắc “mối liên hệ gắn bó nhất” xuất phát từ quan niệm cho rằng, một quan hệ pháp luật tư có thể có mối liên hệ với nhiều quốc gia khác nhau, nhưng người ta có thể xác định được nó gắn bó với một quốc gia này hơn so với các quốc gia còn lại. Vì vậy, luật của nước đó cần được ưu tiên áp dụng.

Pháp luật Việt Nam đã ghi nhận nguyên tắc này nhưng số lượng điều luật quy định về nguyên tắc này chưa nhiều và bản thân các điều luật đó còn chưa đủ rõ ràng nên có thể khiến việc áp dụng trở nên khó khăn. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích các quy định của pháp luật Liên minh châu Âu về xác định luật áp dụng dựa trên nguyên tắc “mối liên hệ gắn bó nhất”, thực thực tiễn áp dụng nguyên tác này và đưa ra các khuyến nghị gợi mở cho Việt Nam.

Ảnh minh họa - Internet
1. Pháp luật Liên minh châu Âu về xác định luật áp dụng dựa trên nguyên tắc “mối liên hệ gắn bó nhất”
Nhiệm vụ của Tư pháp quốc tế (TPQT) là đi tìm cơ quan có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp và luật áp dụng để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ quan hệ tư quốc tế. Nhiều lý thuyết đã được ra đời, nhưng có lẽ quan điểm có ảnh hưởng lớn nhất đến TPQT ngày nay đó chính là quan điểm của Savigny[1]; theo đó, đối với các quan hệ tư quốc tế, luật áp dụng phải là luật của nước có mối liên hệ gắn bó với nước đó. Tuy nhiên, các quan hệ dân sự ngày càng phức tạp nên các hệ thuộc luật truyền thống có thể dẫn tới việc áp dụng luật của một nước mà quan hệ đó có mối quan hệ rất mờ nhạt. Nguyên tắc xác định luật áp dụng dựa trên “mối liên hệ gắn bó nhất” (closest link, most closely connected to) hay “mối liên hệ gần gũi nhất” (proximity) đã ra đời trong TPQT châu Âu để khắc phục các nhược điểm của học thuyết Savigny[2]. Trong quá trình xây dựng các văn kiện về xác định luật áp dụng, Liên minh châu Âu đã sử dụng nguyên tắc nước có mối liên hệ gắn bó nhất như một “kim chỉ nam” cho các quy phạm xung đột để xác định luật áp dụng[3].
Liên quan đến luật áp dụng, có khá nhiều văn kiện giải quyết vấn đề xung đột pháp luật trong các quan hệ dân sự khác nhau. Trong số đó đáng phải nhắc đến: Quy tắc số 864/2007 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu ngày 11/7/2007 về luật áp dụng đối với nghĩa vụ ngoài hợp đồng (Quy tắc Rome II)[4]; Quy tắc số 593/2008 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu ngày 17/7/2008 về luật áp dụng đối với nghĩa vụ hợp đồng (Quy tắc Rome I)[5]; Quy tắc số 4/2009 của Hội đồng châu Âu ngày 18/12/2008 về thẩm quyền, luật áp dụng, công nhận và thi hành quyết định và hợp tác trong lĩnh vực cấp dưỡng[6]; Quy tắc số 1259/2010 của Hội đồng châu Âu ngày 20/12/2010 về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực luật áp dụng đối với ly hôn và ly thân[7]; Quy tắc số 650/2012 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu ngày 4/7/2012 về thẩm quyền, luật áp dụng, công nhận và thi hành quyết định, chấp nhận và thi hành các giấy tờ công trong lĩnh vực thừa kế và cấp chứng nhận thừa kế ở châu Âu[8]. Nội dung các văn kiện này cho thấy, mối liên hệ gắn bó nhất được sử dụng cho các mục đích sau: để xây dựng các quy phạm xung đột; để xác định luật áp dụng trong trường hợp hệ thuộc luật chính không phát huy tác dụng; và để không áp dụng luật dù được chỉ định (một cách mù quáng) bởi quy phạm xung đột.
1.1. Mối liên hệ gắn bó nhất như một nguyên tắc để xây dựng quy phạm xung đột luật
Mối liên hệ gắn bó nhất không phải là một hệ thuộc luật như chúng ta vẫn biết trong TPQT truyền thống, như quốc tịch, nơi có vật, nơi xảy ra hành vi, mà là một nguyên tắc chung của TPQT trong việc xác định luật áp dụng. Nguyên tắc này như một kim chỉ nam đối với việc sử dụng hệ thuộc luật phù hợp cho từng quy phạm xung đột. Nguyên tắc bao trùm này đã nhiều lần được khẳng định trong hai Quy tắc Rome I và Rome II. Cụ thể, phần căn cứ của Quy tắc Rome I quy định: “…các quy phạm xung đột luật phải có mức độ khả đoán cao, tuy nhiên, phải tạo cho tòa án khả năng diễn giải rộng để xác định luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với tranh chấp [mà tòa án đang phải giải quyết]” (đoạn 16), và “khi hợp đồng có các mối liên hệ rõ ràng gắn bó hơn với một nước khác được quy định tại Điều 4 (khoản 1 hoặc khoản 2), thì luật của nước có mối liên hệ gắn bó hơn này được áp dụng. Trong trường hợp này, để xác định được nước có mối liên hệ gắn bó hơn, cần phải tính đến đặc biệt sự tồn tại các mối liên hệ chặt chẽ của hợp đồng với một hoặc nhiều hợp đồng khác” (đoạn 20). Ngoài ra, trường hợp các bên không lựa chọn luật áp dụng, khi luật áp dụng không thể được xác định vì không thể xếp hợp đồng vào một trong các nhóm [mà Quy tắc này quy định] hoặc không thể xác định được nơi thường trú của bên phải thực hiện nghĩa vụ đặc trưng của hợp đồng, thì hợp đồng phải được điều chỉnh bởi luật của nước mà hợp đồng có mối liên hệ gắn bó nhất. Trong trường hợp này, để xác định nước có mối liên hệ gắn bó nhất, cần phải tính đến đặc biệt sự tồn tại của các mối liên hệ chặt chẽ với một hoặc nhiều hợp đồng khác (đoạn 21).
Mối liên hệ gắn bó nhất cũng là nguyên tắc bao trùm trong việc xây dựng Quy tắc Rome II. Quy tắc này quy định rằng, các hệ thuộc luật phù hợp nhất cho phép đạt được các mục đích này. Vì vậy, Quy tắc quy định một nguyên tắc chung và các nguyên tắc cụ thể cũng như một số “ngoại lệ” trong một số trường hợp đặc biệt cho phép loại bỏ các nguyên tắc này nếu như tổng hợp các tình tiết cho thấy sự kiện gây thiệt hại có các mối liên hệ rõ ràng chặt chẽ hơn với một nước khác”.
Mối liên hệ gắn bó nhất sau đó được cụ thể hóa trong các điều khoản của hai Quy tắc này. Liên quan đến luật áp dụng đối với nghĩa vụ hợp đồng khi các bên trong hợp đồng không chọn luật, khoản 1 Điều 4 Quy tắc Rome I đã xây dựng các căn cứ xác định luật dựa trên nguyên tắc về mối liên hệ gắn bó nhất. Cụ thể, luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất: đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, là luật của nước người bán cư trú (điểm a); đối với hợp đồng cung ứng dịch vụ, là luật của người cung ứng dịch vụ (điểm b); đối với hợp đồng có đối tượng là quyền tài sản đối với bất động sản hoặc thuê bất động sản, là luật của nước nơi có bất động sản (điểm c); đối với hợp đồng cho thuê nhằm mục đích sử dụng tạm thời có thời hạn tối đa sáu tháng liên tiếp, là luật của nước người cho thuê thường trú, nhưng với điều kiện người thuê là thể nhân và cũng có nơi thường trú cũng tại nước người cho thuê thường trú (điểm d); đối với hợp đồng nhượng quyền thương mại, là luật của nước bên nhận quyền thường trú (điểm e); đối với hợp đồng phân phối, là luật của nước bên nhận phân phối thường trú (điểm f); đối với hợp đồng bán đấu giá tài sản, là luật của nước nơi thực hiện bán đấu giá nếu xác định được nơi đấu giá (điểm g); đối với hợp đồng được ký trong khuôn khổ một hệ thống đa phương đảm bảo hoặc tạo thuận lợi cho việc gặp gỡ các lợi ích khác nhau giữa người mua và người bán được thể hiện bởi người thứ ba cho các công cụ tài chính, theo quy định của điểm 17 khoản 1 Điều 4 Chỉ thị 2004/39/CE, theo các nguyên tắc không phân biệt đối xử và được điều chỉnh bởi luật của một nước duy nhất, là luật của chính nước này (điểm h).
Đối với những hợp đồng không nằm trong số các loại hợp đồng được quy định tại khoản 1 nêu trên hoặc hợp đồng có các tính chất đặc trưng của nhiều loại hợp đồng nêu trên, luật áp dụng là luật của nước mà bên phải thực hiện nghĩa vụ đặc trưng thường trú.
Có thể nói, các căn cứ xác định luật nêu trên đều bắt nguồn từ nguyên tắc cơ bản về mối liên hệ gắn bó nhất. Sở dĩ luật của nước người bán được áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa là do hợp đồng mua bán hàng hóa gắn bó chặt chẽ nhất với nước người bán; lập luận tương tự cũng được sử dụng đối với các căn cứ xác định luật áp dụng đối với các loại hợp đồng khác.
1.2. Mối liên hệ gắn bó nhất như một nguyên tắc để bổ khuyết cho hệ thuộc luật chính
Khi hệ thuộc luật chính trong một quy phạm xung đột không cho phép xác định được luật áp dụng để điều chỉnh một quan hệ nêu trong phần phạm vi của quy phạm xung đột đó thì, hoặc là cần có một hệ thuộc luật bổ sung[9], hoặc là cần xác định luật áp dụng dựa vào nguyên tắc chung về mối liên hệ gắn bó nhất. Cụ thể, liên quan đến luật áp dụng đối với hợp đồng, trường hợp luật áp dụng không thể được xác định dựa trên các quy định của khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Quy tắc Rome I, thì hợp đồng được điều chỉnh bởi luật của nước mà hợp đồng có mốt liên hệ gắn bó nhất (khoản 4 Điều 4). Chúng ta thấy, đây là một loại quy định mang tính chất dự phòng cho trường hợp không thể xác định được luật áp dụng dựa vào các căn cứ cố định. Nó cũng cho phép tòa án bổ khuyết cho luật khi phải giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được quy định bởi luật.
1.3. Mối liên hệ gắn bó nhất như một nguyên tắc để khắc phục nhược điểm của quy phạm xung đột
Bên cạnh tính chất là một nguyên tắc bao trùm trong việc xây dựng các quy phạm xung đột hoặc dùng làm căn cứ bổ khuyết cho quy phạm xung đột, mối liên hệ gắn bó nhất còn được sử dụng để khắc phục nhược điểm của quy phạm xung đột. Cụ thể, các quy phạm xung đột luật hai chiều nêu lên nguyên tắc xác định luật (luật của nước A hoặc nước B) dựa vào các hệ thuộc luật mà quy phạm đó sử dụng. Đôi khi các hệ thuộc luật này dẫn đến việc áp dụng luật của nước có ít mối liên hệ gắn bó với quan hệ đang tranh chấp hoặc quan hệ đang tranh chấp đó gắn bó hơn với nước mà quy phạm xung đột chỉ định. Vì vậy, cần phải quay trở lại nguyên tắc cơ bản về luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất. Quy tắc Rome I và Quy tắc Rome II bao hàm nhiều quy định điều chỉnh vấn đề này. Cụ thể, khoản 3 Điều 4 Quy tắc Rome I quy định: “Trường hợp tổng hợp các tình tiết của vụ tranh chấp cho thấy hợp đồng có các mối liên hệ gắn bó chặt chẽ hơn với một nước khác được quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều này, thì luật của nước có mối liên hệ gắn bó hơn này được áp dụng”. Ở đây chúng ta thấy, khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Quy tắc Rome I đã cho phép xác định luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng, nhưng vẫn có thể xảy ra trường hợp hợp đồng đó lại gắn bó hơn với một nước khác (Quy tắc không dự báo được). Vì vậy, luật của nước có mối liên hệ gắn bó hơn nhất đó phải được áp dụng.
Nguyên tắc về mối liên hệ gắn bó hơn cả nhất sau đó còn được áp dụng cho các loại hợp đồng chuyên biệt như hợp đồng vận chuyển, hợp đồng lao động cá nhân. Cụ thể, liên quan đến hợp đồng vận chuyển, khoản 3 Điều 5 Quy tắc Rome I quy định: “Nếu tổng hợp các tình tiết của tranh chấp cho thấy hợp đồng có mối liên hệ rõ ràng chặt chẽ hơn với một nước khác được quy định tại khoản 1 hoặc 2 Điều này, thì luật của nước khác đó được áp dụng”. Tương tự, liên quan đến hợp đồng lao động cá nhân, khoản 4 Điều 8 Quy tắc Rome II quy định: “Nếu tổng hợp các tình tiết của tranh chấp cho thấy hợp đồng có các mối liên hệ rõ ràng chặt chẽ hơn với một nước khác quy định tại khoản 2 hoặc 3 Điều này, thì luật của nước khác này được áp dụng”.
Đối với nghĩa vụ ngoài hợp đồng, khoản 3 Điều 4 Quy tắc Rome II quy định: “Nếu tổng hợp các tình tiết cho thấy sự kiện gây thiệt hại có các mối liên hệ rõ ràng chặt chẽ hơn với một nước khác quy định tại các khoản 1[10] hoặc khoản 2[11] Điều này, thì luật của nước khác đó được áp dụng”.
Nguyên tắc chung này sau đó được cụ thể hóa tại các quy định chuyên biệt. Ví dụ, khoản 2 Điều 5 Quy tắc Rome II về trách nhiệm đối với sản phẩm khuyết tật quy định: “Nếu tổng hợp các tình tiết cho thấy sự kiện gây thiệt hại có các mối liên hệ rõ ràng chặt chẽ hơn với một nước khác quy định tại khoản 1 Điều này, thì luật của nước khác đó được áp dụng”. Tương tự, khoản 4 Điều 10 Quy tắc Rome II về hưởng lợi không có căn cứ pháp luật quy định: “Nếu tổng hợp các tình tiết cho thấy nghĩa vụ ngoài hợp đồng bắt nguồn từ hưởng lợi không có pháp luật có các mối liên hệ rõ ràng chặt chẽ hơn với một nước khác quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, thì luật của nước khác đó được áp dụng”...
Như vậy, mối liên hệ gắn bó nhất được sử dụng khá thường xuyên để khắc phục nhược điểm của quy phạm xung đột hai chiều khi chúng dẫn đến việc áp dụng pháp luật của một nước mà quan hệ đang gây tranh chấp có mối liên hệ không chặt chẽ bằng so với một nước khác.
2. Thực tiễn áp dụng nguyên tắc áp dụng luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất ở Liên minh châu Âu
Để hiểu rõ hơn nguyên tắc áp dụng luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất ở châu Âu, chúng ta có thể xem xét một quyết định của Tòa án Công lý châu Âu về xác định luật áp dụng đối với hợp đồng lao động - Quyết định  CJUE, Arrêt de la Cour (troisième chambre), 12 septembre 2013, Belgische Petroleum Unie VZW and Others v Belgische Staat, Affaire C-64/12[12]:
Xuất phát từ một hợp đồng lao động giữa một người lao động tên là Boedeker, quốc tịch Đức với một công ty có trụ sở tại Đức. Hợp đồng lao động ban đầu được ký kết tại Đức và thực hiện tại Đức, trong khoảng thời gian từ 1979 - 1994. Sau đó, hai bên tiếp tục ký một hợp đồng thứ hai, nhưng công việc được thực hiện thường xuyên tại Hà Lan (người lao động được giao quản lý hơn 300 chi nhánh và hơn 1200 nhân viên tại Hà Lan). Do tái cơ cấu công ty nên vị trí việc làm tại Hà Lan bị xóa bỏ và người lao động được yêu cầu quay trở về làm việc tại Đức. Người lao động không đồng ý với quyết định đơn phương nên đã khởi kiện ra Tòa án Kantonrechter te Tiel của Hà Lan yêu cầu hủy bỏ hợp đồng và bồi thường thiệt hại. Các bên trong hợp đồng đã không có thỏa thuận chọn luật áp dụng và vì vậy có ít nhất hai hệ thống pháp luật được áp dụng, đó là pháp luật Đức và pháp luật Hà Lan.
Người lao động đã viện dẫn pháp luật Hà Lan và được Tòa sơ thẩm chấp nhận. Tòa sơ thẩm đã áp dụng pháp luật Hà Lan theo điểm a khoản 2 Điều 6 Công ước Rome năm 1980. Cụ thể, điểm a khoản 2 Điều 6 Công ước Rome năm 1980 quy định như sau:
[…] Hợp đồng lao động được điều chỉnh bởi pháp luật của nước nơi thực hiện công việc thường xuyên theo hợp đồng, ngay cả khi người lao động được cử đi làm việc tạm thời tại một nước khác”.
Tuy nhiên, để điểm a được áp dụng thì còn phải thỏa mãn tiêu chí: “Trừ trường hợp tổng thể các tình tiết cho thấy hợp đồng lao động có các mối liên hệ gắn bó hơn với một nước khác, khi đó pháp luật của nước khác đó sẽ được áp dụng[13]
Trên cơ sở áp dụng pháp luật Hà Lan, Tòa sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của người lao động tuyên hủy hợp đồng lao động thứ hai và buộc người sử dụng lao động bồi thường cho người lao động số tiền 557.651,52 euros. Bản án sau đó được giữ nguyên bởi Tòa phúc thẩm Gerechtshof te Arnhem.
Không đồng tình với việc các cấp tòa đã áp dụng pháp luật Hà Lan, người sử dụng lao động đã kháng cáo lên Tòa tối cao Hoge Raad der Nederlanden Hà Lan để yêu cầu hủy các bản án của các cấp Tòa sơ thẩm và Tòa phúc thẩm, yêu cầu xét xử lại và áp dụng pháp luật của Đức vì tổng hợp các tình tiết của vụ việc cho thấy quan hệ hợp đồng này gắn bó với Đức hơn là với Hà Lan (người sử dụng lao động có trụ sở tại Đức, lương được trả bằng nội tệ Đức, người lao động vẫn tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… của Đức).
Trong bối cảnh đó, Tòa tối cao Hà Lan đã thỉnh thị Tòa Công lý châu Âu yêu cầu trả lời hai câu hỏi.
Câu hỏi thứ nhất: Các quy định của khoản 2 Điều 6 Công ước Rome năm 1980 liệu có phải được diễn giải theo hướng: nếu một người lao động thực hiện công việc là đối tượng của hợp đồng không chỉ thường xuyên, mà còn liên tục trong một khoảng thời gian dài ở một nước thì luật của nước này phải được áp dụng, ngay cả khi tất cả các tình tiết khác cho thấy quan hệ lao động có mối liên hệ chặt chẽ với một nước khác?
Câu hỏi thứ hai: Để trả lời khẳng định cho câu hỏi thứ nhất thì liệu có cần phải thỏa mãn điều kiện người sử dụng lao động và người lao động, vào thời điểm ký kết hợp đồng, hoặc ít nhất vào thời điểm người lao động bắt đầu thực hiện công việc, có chủ ý rằng lao động được thực hiện ở một nước duy nhất trong một khoảng thời gian dài và liên tục hoặc ít nhất là họ nghĩ sẽ là như vậy?
Tòa án Công lý châu Âu phải diễn giải hệ thuộc luật nước thực hiện công việc thường xuyên được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Công ước Rome 1980. Về điểm này, Ủy ban châu Âu cho rằng, để xác định luật áp dụng, Tòa phải đánh giá tổng hợp các tình tiết của vụ việc, và nhận định rằng khoảng thời gian mà người lao động thực hiện công việc thực hiện công việc thường xuyên trong thực tế là yếu tố quyết định trong việc đánh giá này. Vì vậy, khi đã xác định được rằng công việc được thực hiện chủ yếu tại một nước (Hà Lan) trong một khoảng thời gian dài thì yếu tố này sẽ mang tính quyết định đối với việc xác định luật áp dụng. Như vậy, phải áp dụng pháp luật Hà Lan. Ngược lại, Chính phủ Hà Lan cho rằng, trong trường hợp hợp đồng có mối liên hệ chặt chẽ với một nước khác với nước nơi công việc được thực hiện, thì phải áp dụng pháp luật của nước khác đó, theo đúng quy định của điểm a khoản 2 Điều 6 Công ước Rome 1980. Các tình tiết của vụ việc cho thấy, hợp đồng này gắn bó với Đức, và vì vậy cần phải áp dụng pháp luật Đức.
Tòa án Công lý châu Âu khẳng định rằng, hệ thuộc luật nước nơi thực hiện công việc thường xuyên, như được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Công ước Rome 1980, phải được diễn giải theo hướng rộng, và hệ thuộc luật nước nơi người sử dụng lao động có trụ sở, như được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 nêu trên, chỉ được áp dụng nếu Tòa án không thể xác định được nước nơi thực hiện công việc thường xuyên. Tòa cho rằng, trong việc xác định mối liên hệ gắn bó của hợp đồng lao động với nước nơi người thực hiện công việc thường xuyên phải được ưu tiên so với hệ thuộc luật nước nơi người sử dụng lao động cư trú. Tòa án Công lý châu Âu cho rằng, theo tinh thần của Điều 6 Công ước Rome 1980, trước hết, các Tòa án quốc gia phải xác định luật áp dụng dựa trên các tiêu chí quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Công ước Rome 1980, như vậy mới đảm bảo được tính khả đoán của quy phạm xung đột. Để không áp dụng luật của nước nơi thực hiện công việc thường xuyên mà áp dụng luật của một nước khác mà hợp đồng lao động có mối quan hệ chặt chẽ hơn, thì các Tòa án quốc gia phải dựa vào tổng hợp các tình tiết và chỉ rõ đâu là các tình tiết quan trọng nhất thể hiện mối liên hệ chặt chẽ hơn đó. Tòa án quốc gia không thể chỉ liệt kê, mà không chỉ rõ mức độ quan trọng của các yếu tố thể hiện mối liên hệ gắn bó với một nước khác để không áp dụng pháp luật của nước nơi thực hiện công việc thường xuyên. Trong số các yếu tố quan trọng nhất, cần phải tính đến trước hết nước nơi người lao động đóng thuế và các khoản phí từ thu nhập do công việc mang lại, cũng như các loại phí bảo hiểm. Ngoài ra, các Tòa án quốc gia cũng phải tính đến các yếu tố như bảng lương và các điều kiện lao động.
Trên cơ sở các nhận định trên, Tòa án Công lý Liên minh châu Âu kết luận:
1) Khoản 2 Điều 6 Công ước Rome năm 1980 phải được diễn giải theo hướng, ngay cả khi người lao động thực hiện công việc là đối tượng của hợp đồng một cách thường xuyên trong một khoảng thời gian dài và liên tục tại chỉ một nước, tòa án quốc gia vẫn có thể không áp dụng pháp luật của nước đó, khi tổng hợp các tình tiết cho thấy hợp đồng có những mối liên hệ gắn bó hơn với một nước khác.
2) Để áp dụng pháp luật của nước nơi thực hiện công việc thường xuyên, thì cần phải tính đến các yếu tố cụ thể chứng tỏ rằng người sử dụng lao động và người lao động, vào thời điểm ký kết hợp đồng, hoặc chí ít vào thời điểm người lao động bắt đầu thực hiện công việc, đã có ý định rằng công việc được thực hiện tại một nước trong một khoảng thời gian dài và liên tục, hoặc chí ít họ đã có ý thức rằng hoàn cảnh sẽ như vậy.
Như vậy, theo quan điểm của Tòa án Công lý châu Âu, việc xác định luật áp dụng đối với hợp đồng lao động phải dựa trên mối liên hệ gắn bó nhất của hợp đồng đó với một quốc gia cụ thể, chứ không nhất thiết phải là luật của nước nơi thực hiện công việc thường xuyên. 
3. Những gợi mở cho Việt Nam
Khảo cứu các văn bản pháp luật Việt Nam có chứa đựng các quy phạm xung đột, chúng tôi thấy rằng, nguyên tắc áp dụng luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất mới chỉ được sử dụng để xác định pháp luật áp dụng, chứ chưa được sử dụng cho việc xác định thẩm quyền xét xử. Cụ thể, pháp luật Việt Nam đã ghi nhận xác định luật áp dụng dựa trên mối liên hệ gắn bó nhất từ năm 2005, nhưng mới dừng lại ở một quy định chuyên biệt để xác định luật áp dụng đối với người có nhiều quốc tịch. Thực vậy, khoản 2 Điều 760 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 quy định: “Trong trường hợp Bộ luật này hoặc các văn bản pháp luật khác của Việt Nam dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật của nước mà người nước ngoài là công dân thì pháp luật áp dụng đối với người nước ngoài có hai hay nhiều quốc tịch nước ngoài là pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự; nếu người đó không cư trú tại một trong các nước mà người đó có quốc tịch thì áp dụng pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và có quan hệ gắn bó nhất về quyền và nghĩa vụ công dân”. Như vậy, mối liên hệ gắn bó nhất chỉ được sử dụng để bổ khuyết cho hệ thuộc luật quốc tịch và chỉ trong một trường hợp cụ thể. Nói cách khác, BLDS năm 2005 chưa ghi nhận xác định luật áp dụng dựa trên “mối liên hệ gắn bó nhất” như một nguyên tắc chung, bao trùm.
Khắc phục nhược điểm này, BLDS năm 2015 đã ghi nhận nguyên tắc này rõ hơn. Cụ thể, khoản 3 Điều 664 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó”. Nguyên tắc chung này được cụ thể hóa trong các quy định về xác định luật áp dụng đối với người không có quốc tịch và người có nhiều quốc tịch (Điều 672 BLDS năm 2015) và hợp đồng (Điều 683 BLDS năm 2015). Tuy nhiên, phải thấy rằng khoản 3 Điều 664 tuy là nguyên tắc chung nhưng chỉ là bổ khuyết cho các nguyên tắc xác định luật áp dụng dựa trên điều ước quốc tế (khoản 1) hoặc theo quy phạm xung đột của Việt Nam và theo sự lựa chọn của các bên (khoản 2). Trong khi đó, các Điều 672 và 683 chỉ là các quy định chuyên biệt trong một lĩnh vực chuyên biệt. Nói cách khác, nguyên tắc xác định luật áp dụng dựa trên mối liên hệ gắn bó nhất chưa được ghi nhận rộng rãi.  
Ngoài ra, do BLDS năm 2015 không quy định thế nào là “mối liên hệ gắn bó nhất”, vì vậy, trên thực tiễn, khi cần áp dụng khoản 3 Điều 664 và Điều 672 BLDS năm 2015, Tòa án sẽ toàn quyền quyết định.
Liên quan đến hợp đồng, khoản 2 Điều 683 BLDS năm 2015 mới liệt kê tiêu chí để xác định mối liên hệ gắn bó nhất đối với một số hợp đồng cụ thể, như: hợp đồng mua bán hàng hóa (điểm a), hợp đồng cung ứng dịch vụ (điểm b), đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ (điểm c), hợp đồng lao động (điểm d), hợp đồng tiêu dùng (điểm đ). Tuy nhiên, trên thực tế còn có nhiều loại hợp đồng khác với các loại hợp đồng được liệt kê như hợp đồng nhượng quyền thương mại. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ phải tự mình xác định thế nào là mối liên hệ gắn bó nhất.
Bên cạnh đó, so với pháp luật của Liên minh châu Âu, pháp luật của Việt Nam về nguyên tắc áp dụng luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhấtcòn sơ sài và thiếu các chỉ dẫn cụ thể. Để khắc phục hạn chế này, khi Việt Nam xây dựng một văn bản luật về TPQT[14], nguyên tắc áp dụng luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhấtcần được xác định là một nguyên tắc bao trùm, không chỉ được sử dụng là cơ sở để xây dựng quy phạm xung đột, mà còn để bổ khuyết cho hệ thuộc luật chính và để khắc phục nhược điểm của quy phạm xung đột.
Ngoài ra, cũng phải thấy rằng, “mối liên hệ gắn bó nhất” có một nhược điểm là khó xác định và tính khả đoán không cao. Vì vậy, để thuận lợi cho việc áp dụng, pháp luật Việt Nam cần quy định bổ sung các chỉ dẫn cụ thể để xác định “mối liên hệ gắn bó nhất” trong phần chung, cũng như trong từng quy định cụ thể./.

PGS.TS. NGÔ QUỐC CHIẾN

Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương.


[1] Tên đầy đủ là Friedrich Carl von Savigny (1779-1861), một luật gia nổi tiếng người Phổ (nay là Đức).
[2] Vì có thể dẫn tới việc áp dụng luật của nước có mối liên hệ rất mờ nhạt với nước đó. Chẳng hạn, khi sử dụng hệ thuộc luật quốc tịch để xác định luật áp dụng đối với thừa kế thì có thể dẫn tới việc áp dụng pháp luật của một quốc gia có rất ít mối liên hệ với quan hệ thừa kế đó khi mà đương sự không sống tại quốc gia mà mình có quốc tịch. Ví dụ anh A có quốc tịch nước X, nhưng đã chuyển sang sinh sống từ bé tại nước Y, lập gia đình, lập nghiệp ở nước Y, và hoàn toàn không có mối liên hệ nào về tài sản hay nghĩa vụ với các chủ thể của nước X. Khi anh A mất đi, nếu quy phạm xung đột của nước Y quy định rằng thừa kế được xác định theo luật của nước mà người để lại di sản có quốc tịch (Việt Nam theo giải pháp này) thì sẽ dẫn tới việc áp dụng luật của nước X, trong khi nước X gần như không có mối liên hệ với quan hệ thừa kế này.
[3] Và trong cả việc xác định thẩm quyền xét xử tranh chấp dân sự quốc tế và thẩm quyền xét đơn yêu cầu công nhận và thi hành quyết định dân sự nước ngoài. Tuy nhiên, do khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi chỉ trình bày nguyên tắc mối liên hệ gắn bó nhất trong việc xác định pháp luật áp dụng.
[4] Regulation (EC) no 864/2007 of the European Parliament and the Council of 11 July 2007 on the law applicable to non-contractual obligations (Rome II)
[5] Regulation (EC) no 593/2008 of the European Parliament and of the Council of 17 June 2008 on the law applicable to contractual obligations (Rome I). Tiền thân của Quy tắc này là Công ước châu Âu năm 1980 về luật áp dụng đối với nghĩa vụ hợp đồng (thường được gọi tắt là Công ước Rome).
[6] Council Regulation (EC) no 4/2009 of 18 December 2008 on jurisdiction, applicable law, recognition and enforcement of decisions and cooperation in matters relating to maintenance obligations.
[7] Council Regulation (EU) no 1259/2010 of 20 December 2010 implementing enhanced cooperation in the area of the law applicable to divorce and legal separation.
[8] Regulation (EU) no 650/2012 of the European Parliament and of the Council of 4 July 2012 on jurisdiction, applicable law, recognition and enforcement of decisions and acceptance and enforcement of authentic instruments in matters of succession and on the creation of a European Certificate of Succession.
[9] Ví dụ, ở Việt Nam, trường hợp luật áp dụng là luật của nước mà đương sự có quốc tịch nhưng đương sự lại có nhiều quốc tịch hoặc không có quốc tịch thì sẽ cần sử dụng hệ thuộc luật bổ sung là luật nơi đương sự cư trú (Điều 672 BLDS năm 2015).
[10] Luật của nước mà các bên chọn.
[11] Các bên cùng cư trú tại một nước thì luật nước đó được áp dụng.
[12] https://eur-lex.europa.eu/legal-content/FR/TXT/HTML/?uri=CELEX:62012CC0064&from=EN, truy cập ngày 23/1/2022.
[13] Công ước này sau đó được thay thế bằng Quy tắc Rome I năm 2008. Khoản 4 Điều 8 Quy tắc này quy định tương tự, theo đó: “Nếu tổng thể các tình tiết cho thấy hợp đồng có các mối liên hệ gắn bó hơn với một nước khác nước được quy định tại khoản 2 hoặc 3 Điều này, thì luật của nước khác đó được áp dụng”.
[14] Về sự cần thiết xây dựng một đạo luật tư pháp quốc tế, xem: Ngô Quốc Chiến (2016), “Việt Nam cần xây dựng Luật Tư pháp quốc tế”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 2 và 3 năm 2016.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 07 (455), tháng 04/2022.)