26/12/2024 lúc 16:54 (GMT+7)
Breaking News

Ô nhiễm nguồn nước tại khu công nghiệp và các giải pháp

Ngày 12/5/2022, Đại sứ quán Hà Lan, Tổng lãnh sự quán Hà Lan và Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) phối hợp cùng Trường Đại học Văn Lang tổ chức Tọa đàm Khoa học, chủ đề “Ô nhiễm nguồn nước tại khu công nghiệp: nghiên cứu khoa học và các giải pháp”, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng Zoom meeting.

Tham dự tọa đàm có TS. Laurent Umans - Bí thư thứ Nhất phụ trách mảng nước và Biến đổi Khí hậu, ĐSQ Vương quốc Hà Lan; GS. TS. Huub Rijnaarts và TS. Katarzyna Kujawa, Đại học Nghiên cứu Wageningen (Hà Lan), NCS Lê Minh Trường, học viên Đại học Văn Lang, hiện đang nghiên cứu tại Đại học Wageningen; Ông Roger Pung, Giám đốc kinh doanh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Royal Haskoning DHV; PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang; PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh - Trưởng khoa Môi trường Đại học Văn Lang,… cùng các khách mời là các chuyên gia, diễn giả và phóng viên - nhà báo chuyên trách về môi trường và biến đổi khí hậu.

PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang phát biểu khai mạc chương trình và chia sẻ dự án ENTIRE

Trong những năm gần đây, vấn đề ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người đã trở thành một vấn nạn thế giới phải đương đầu; trong đó cấp bách nhất phải kể đến ô nhiễm môi trường nước. Việc công nghiệp hóa, lạm dụng tài nguyên nước và quản lý nguồn nước thiếu hiệu quả đang là nguyên nhân chính khiến thực trạng ô nhiễm môi trường nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng rơi vào tình trạng đáng báo động và sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng nếu con người không sớm tìm ra giải pháp khắc phục.

Các nội dung của Tọa đàm được xây dựng từ kết quả Dự án nghiên cứu ENTIRE - ENabling susTainable Industrial development in Vietnamese delta’s: REducing, Recycling and multi-sourcing industrial water (Phát triển công nghiệp bền vững tại các đồng bằng của Việt Nam: Tái sử dụng, tái chế và đa dạng hóa nguồn nước công nghiệp), do Đại học Wageningen (Hà Lan) và Trường Đại học Văn Lang đồng chủ trì thực hiện.

Tiến sĩ Laurent Umans chia sẻ thực trạng Nước tại Việt Nam và trao đổi thông tin cùng các diễn giả, khách mời. 

Tham dự Tọa đàm, GS. TS. Rijnaarts, Huub, TS. Katarzyna Kujawa của Đại học Nghiên cứu Wageningen và NCS Lê Minh Trường, học viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Văn Lang, hiện đang thực hiện chương trình nghiên cứu tại ĐH Wageningen trình bày kết quả chính từ dự án ENTIRE, đề xuất quy trình tái sử dụng nguồn nước thải bằng công nghệ đất ngập nước và trao đổi ion nhằm nâng cao chất lượng nước tái sử dụng trong các hoạt động của Khu công nghiệp. Công nghệ tái sử dụng nước thải đã qua xử lý nhằm loại bỏ các chất ô nhiễm còn lại bao gồm chất hữu cơ (biểu thị thông qua chỉ số COD), các chất dinh dưỡng (biểu thị thông qua chỉ số ammonia, nitrate và sulfate), và một số kim loại nặng. Giáo sư Rijnaarts chia sẻ về các hợp phần của dự án AquaConnect: Mô hình phân bổ nước kỹ thuật số; Đánh giá rủi ro của các hệ thống tái xử lý nước; Công nghệ xử lý nước; Quản trị, nhận thức và sự đồng thuận xã hội; Mạng lưới nước thông minh - kết nối cung và cầu, với sự tham gia của hơn 40 trường đại học, đơn vị tài trợ và ứng dụng với tổng kinh phí 6 triệu Euro từ 2021 - 2026.

Sau gần 25 năm hợp tác với Đại học Wageningen trong lĩnh vực đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành Môi trường, đồng thời nhận chuyển giao chương trình đào tạo ngành Công nghệ Môi trường về Văn Lang từ dự án REFINE (Research and Education for Industry and Environment); tính đến nay, Trường Đại học Văn Lang duy trì hợp tác với chính phủ Hà Lan và Đại học Wageningen qua các dự án về công nghệ xử lý và quản lý nguồn nước, chất thải rắn và Biến đổi khí hậu,...

Ông Roger Pung, đại diện vùng của Công ty Royal Haskoning DHV giới thiệu công nghệ xử lý nước thải sinh học Nereda

Cũng tại buổi Tọa đàm, ông Roger Pung, đại diện vùng của công ty Royal Haskoning DHV đã chia sẻ và giới thiệu công nghệ xử lý nước thải sinh học Nereda, với phương pháp sử dụng bùn có đặc tính lắng cao để xử lý nước thải một cách tự nhiên và không sử dụng hóa chất. Nereda là công nghệ có chi phí thấp, dễ vận hành, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường, biến nước thải trở thành một trong những nguồn cung cấp nước trong bối cảnh đang có nhiều nguy cơ đe dọa tài nguyên nước. Công nghệ Nereda hiện được ứng dụng để xử lý nước thải tại nhiều thành phố lớn trên thế giới, là một minh chứng cho sự phối hợp hiệu quả giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong công nghiệp.

Bá Cường