23/12/2024 lúc 10:57 (GMT+7)
Breaking News

Nỗ lực, quyết tâm cao nhất thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2023

Ngày 3/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khoá XV về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ.

Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo Hội nghị với nội dung phát biểu rất tình cảm, nồng ấm, tâm huyết, sâu sắc, tổng thể, toàn diện trên các lĩnh vực.

Hội nghị cũng nghe Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tình hình và kết quả kinh tế-xã hội năm 2022, phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày tóm tắt một số nội dung chính của dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển  kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đã phát biểu 18 ý kiến tham luận tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm, phản ánh khách quan tình hình thực tế, đề xuất nhiều biện pháp thiết thực, góp ý vào các báo cáo và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá năm 2022, thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp; trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; nền kinh tế chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài và bên trong đến cùng một thời điểm. Trong khi đó, nền kinh tế quy mô còn khiêm tốn, có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế nên bị ảnh hưởng nhiều bởi biến động bên ngoài. Khi tình hình có khó khăn thì các vấn đề bất cập, yếu điểm nội tại của nền kinh tế càng được bộc lộ rõ nét hơn. Khối lượng công việc năm 2022 ngày càng nhiều do yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao, nhiều việc cấp bách trong khi nguồn lực chúng ta có hạn, lại chịu ảnh hưởng lớn của hàng loạt yếu tố bất lợi.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp; sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp; xử lý phù hợp những công việc thường xuyên; từng bước khắc phục các vấn đề tồn đọng, kéo dài; phản ứng nhanh, ứng phó kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với các vấn đề phát sinh.

Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Trong đó, chúng ta đã vượt qua được thời điểm rất khó khăn, thách thức trong tháng 10, tháng 11 khi có nhiều vấn đề cộng hưởng tác động cùng thời điểm.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã thể chế hóa được những nội dung quan trọng trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bám sát các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội; có các phương án, kịch bản, chương trình, kế hoạch cụ thể, thực hiện từng bước chắc chắn, bài bản, lớp lang, khoa học, hiệu quả; lựa chọn ưu tiên trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; theo dõi sát, nắm chắc tình hình thực tiễn, bình tĩnh, sáng suốt; không chủ quan khi đạt kết quả, không bi quan khi gặp khó khăn, thách thức; phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh một số kết quả nổi bật như kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm trong bối cảnh nhiều khó khăn, sức ép; tăng trưởng GDP ở mức cao; đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, triển khai toàn diện, sâu rộng, hiệu quả; vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng cao.

Công tác xây dựng pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuyển đổi số được quan tâm. Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, thông qua 39 đề nghị xây dựng luật, dự án luật và 125 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 29 quyết định quy phạm pháp luật. Tinh giản bộ máy bên trong, cắt giảm khâu trung gian; trong đó giảm 17 tổng cục, 8 cục, 145 vụ, 22 đơn vị sự nghiệp thuộc bộ, tổng cục, hàng nghìn phòng thuộc bộ, cơ quan, địa phương và tinh giản biên chế đạt mục tiêu đề ra.

Phát triển văn hóa được tập trung chỉ đạo; tích cực triển khai Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng, đời sống người dân được cải thiện; đến nay đã hỗ trợ trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động và trên 68,43 triệu lượt người lao động với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỷ đồng.

Nhiều vấn đề tích tụ từ lâu và đột xuất phát sinh được xử lý quyết liệt, hiệu quả, có chuyển biến rõ nét. Đã khẩn trương đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém. Đã đưa vào vận hành các nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1; tích cực xử lý, cơ cấu lại các dự án, doanh nghiệp khó khăn, vướng mắc, kéo dài như Nhà máy điện Long Phú I, Lọc dầu Nghi Sơn, Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn, các Bệnh viện Bạch Mai, Việt - Đức cơ sở 2…, các dự án tồn đọng sau thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố; xử lý, tái cơ cấu 8/12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả; đang tiếp tục hoàn thiện phương án xử lý đối với 4 dự án, doanh nghiệp còn lại. Quyết tâm, quyết liệt chấn chỉnh, lành mạnh hoá các thị trường tín dụng, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chưa đạt mục tiêu; giải ngân đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển còn nhiều khó khăn, vướng mắc; các vấn đề liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, một số ngân hàng yếu kém cần tiếp tục giải quyết; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; cơ cấu lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và sắp xếp, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập cần đẩy nhanh hơn; tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế phải được giải quyết dứt điểm; năng lực phản ứng chính sách cần phải được nâng cao hơn nữa; hợp tác công tư còn vướng mắc, cần được đẩy mạnh; công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, đấu tranh phòng chống tội phạm trên một số địa bàn... còn có những khó khăn.

Thủ tướng nhấn mạnh các bài học kinh nghiệm về đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh của cả hệ thống chính trị; giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh; không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Nỗ lực, quyết tâm cao nhất thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2023

Thủ tướng đánh giá năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình có những thuận lợi, cơ hội nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Những nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao, nhân dân chờ mong, đòi hỏi ngày càng lớn khi quy mô kinh tế ngày càng lớn, dân số đất nước ngày càng đông. Những khó khăn, thách thức, yếu tố bất lợi kép từ bên ngoài và bên trong cùng những vấn đề mới phát sinh khó lường, chưa dự báo được tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân, an ninh, quốc phòng của đất nước ta.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 với chủ đề: "Đoàn kết, kỷ cương - Bản lĩnh, linh hoạt - Đổi mới, sáng tạo - Kịp thời, hiệu quả"; nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và trước nhân dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, phấn đấu với nỗ lực, quyết tâm cao nhất thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2023, tạo nền tảng vững chắc cho đất nước tiến lên, giành nhiều thắng lợi mới, năm 2023 nhất định phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2022 theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thủ tướng nêu rõ 6 quan điểm, định hướng chỉ đạo chung.

Thứ nhất, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết 01 của Chính phủ và cụ thể hóa ra kế hoạch thực hiện của từng cấp, từng ngành và cơ quan; nâng cao năng lực dự báo và nắm chắc tình hình, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, không chuyển trạng thái đột ngột và luôn cầu thị, lắng nghe và phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả.

Thứ hai, phải phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, lấy khó khăn, thách thức làm động lực phấn đấu vươn lên - không hoang mang, dao động, bi quan nhưng cũng không chủ quan, lơ là mất cảnh giác. Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào nội lực là chính, ngoại lực là cần thiết, quan trọng.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Cái gì thuộc thẩm quyền thì phải chủ động làm, không trông chờ ỷ lại; kịp thời đề xuất, kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thứ ba, đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, các vấn đề tồn đọng kéo dài, vừa kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách, bất ngờ phát sinh, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn. Tập trung tháo gỡ khó khăn, có các giải pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho sản xuất kinh doanh; bảo đảm đồng bộ các mục tiêu trước mắt và lâu dài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Thứ tư, tiếp tục ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực đi đôi với phát huy tính sáng tạo, chủ động, linh hoạt của các cấp.

Thứ năm, bảo đảm an sinh xã hội, an dân; khôi phục và ổn định thị trường lao động, cơ cấu lại lực lượng lao động và nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

Thứ sáu, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2023 đã được trình bày tại dự thảo Nghị quyết 01, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội nghị Trung ương, các kỳ họp Quốc hội để xử lý các vấn đề đặt ra, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn. Trong đó, quyết liệt triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng kinh tế - xã hội và quy hoạch 6 vùng.

Cùng với đó, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả theo phương châm quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược và mở ra cơ hội, không gian phát triển mới.

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, tiếp tục nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt và các hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa; phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; với sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo việc làm, phục hồi thị trường lao động. Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Tập trung thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường.

Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân. Xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương chuẩn bị cho người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, mọi người đều có Tết, không có ai bị bỏ lại phía sau.

Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Đẩy mạnh thông tin truyền thông, nhất là chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước.

Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua vừa được phát động: Phong trào thi đua "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí"; Phong trào thi đua Xuân Quý Mão trên các công trường xây dựng công trình giao thông; Tháng thi đua cao điểm giải ngân đầu tư công.

Thủ tướng đánh giá các đề xuất, kiến nghị của các địa phương cơ bản xác đáng, xuất phát từ thực tiễn, giao các cơ quan tiếp tục tập hợp, phân loại, thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó giải quyết khẩn trương, kịp thời, hiệu quả, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.

Phạm Thủy