20/04/2024 lúc 01:46 (GMT+7)
Breaking News

Ninh Phước - Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng đồng bào Chăm

Ninh Phước là huyện có đông đảo đồng bào Chăm sinh sống, với 10.997 hộ/ 49.729 khẩu, chiếm gần 32,97% dân số huyện và trên 60% dân số đồng bào Chăm toàn tỉnh. Do đó, việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho vùng đồng bào Chăm được chính quyền đặc biệt quan tâm.

Đồng bào Chăm nơi đây có nguồn thu nhập chính từ trồng lúa và các loại cây trồng chủ lực như lúa, nho, táo, măng tây xanh, kết hợp chăn nuôi gia súc và một số ngành nghề thủ công… nên đời sống còn nhiều khó khăn. Ngoài áp dụng các chính sách chung cho đồng bào dân tộc thiểu số như chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, vùng đồng bào đặc biệt khó khăn…; huyện đã thực hiện tốt Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg; cũng như chủ động ban hành nhiều chương trình hành động, kế hoạch triển khai, thực hiện trong vùng đồng bào Chăm như mô hình cánh đồng lớn, mô hình 1 phải 5 giảm, mô hình tưới nước tiết kiệm, mô hình VietGap; mô hình phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, mô hình nuôi heo không thả rông, mô hình dòng tộc hiếu học...

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Trần Quốc Nam (áo xanh) thăm mô hình Măng tây xanh tại huyện Ninh Phước.

Đồng thời xây dựng Đề án phát triển làng nghề đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng sản phẩm các làng nghề truyền thống gốm mỹ nghệ Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ. Tiếp tục phối hợp triển khai Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản văn hóa phi vật thể tại làng nghề Bàu Trúc”. Thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại các xã Phước Thuận, An Hải và thị trấn Phước Dân.

Nhờ vào sự quan tâm, nắm bắt được mong muốn, nguyện vọng của nhân dân, mà huyện Ninh Phước ngày càng được lòng dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Luôn bám sát vào quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng khai thác tối đa tiềm năng lợi thế, lấy nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo là động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Để từng bước đưa diện mạo quê hương Ninh Phước ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày một ấm no, hạnh phúc, trên quan điểm mỗi người dân Ninh Phước đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đồng bào Chăm nơi đây có nguồn thu nhập chính từ trồng lúa và các loại cây trồng chủ lực như lúa, nho, táo, măng tây xanh...ảnh: VNHN

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Huyện Ninh Phước là địa phương với diện tích đất làm nông nghiệp là chủ yếu, vì thế huyện cũng đã đang tập trung phát triển nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn, các loại cây như nho, táo, đặc biệt là những cánh đồng măng tây xanh tại xã An Hải, Phước Hải... Sau đại dịch Covid-19 thì huyện cũng đang tập trung xây dựng, khôi phục phát triển kinh tế, áp dụng các chính sách hỗ trợ cho người dân, tiếp tục vận động nhân dân trở lại các thành phố lớn làm việc, có thu nhập ổn định. Khôi phục phát triển nông nghiệp, phát triển các mô hình măng tây xanh, duy trì cánh đồng lớn sản xuất lúa, bắp, măng tây kết hợp phát triển du lịch tại các làng nghề của người Chăm.

Hiện nay trên địa bàn huyện, nhiều mô hình phát triển kinh tế, xây dựng các làng nghề, thậm chí 100% là người dân tộc Chăm. Bên cạnh gìn giữ và phát huy truyền thống của người Chăm, còn là nguồn kinh tế từ các điểm tham quan như làng Gốm Bầu Trúc, làng dệt Mỹ Nghiệp. Ngành nông nghiệp trên địa bàn luôn được đổi mới, áp dụng công nghệ cao. Bên cạnh những sản phẩm nông nghiệp đặc thù của Ninh Phước như táo, nho thì hiện nay cây măng tây xanh đang được phát triển mạnh mẽ, được trồng có quy mô và bài bản, xây dựng thương hiệu cây măng tây xanh tại Ninh Phước.

Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (đứng giữa) chia sẻ với PV về mô hình Măng tây xanh- ảnh: VNHN.

Là một người được xem là tiên phong trong chuyển đổi giống cây trồng, tiến tới trồng măng tây xanh tại địa phương, ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (dân tộc Chăm) cho biết: Có thể nói, tại Ninh Thuận nói chung và Ninh Phước nói riêng có một khí hậu rất khô nóng, đất cát, tuy nhiên thì sau khi tìm hiểu, cây măng tây xanh rất phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Bên cạnh đó, áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi giống cây Măng Tây, người dân nơi đây rất phấn khởi. Thời gian vừa qua, trong lúc đại dịch thì giá cả và nguồn hàng bán ra đối với cây măng tây vẫn bình ổn, đó là một điều đáng mừng”

Với những mô hình phát triển kinh tế, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Huyện Uỷ, UBND huyện, của các cấp các ngành, nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực. Về nông nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết “4 nhà” và các mô hình có hiệu quả, nhất là mô hình sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm” 4.000 ha, cánh đồng lớn lúa, bắp và măng tây xanh 2.348 ha, tưới nước tiết kiệm trên 500 ha, san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser 35 ha; duy trì và mở rộng diện tích sản xuất nho, táo sạch, rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP; đặc biệt là kêu gọi 01 doanh nghiệp đầu tư 20 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại xã An Hải. Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn có hiệu quả, tiết kiệm nước hàng năm trên 250 ha. Đến cuối năm 2020, trên 91% diện tích sản xuất chủ động nước tưới tiêu, hệ số sử dụng đất đạt trên 2,8 lần, cơ giới hóa trong các khâu sản xuất lúa đạt 100%. Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi là ngành sản xuất chính trong nông nghiệp của Huyện nói chung và đồng bào DTTS nói riêng bà con đã chuyển dần từ quản canh truyền thống sang chăn nuôi thâm canh và bán thâm canh tại các hộ gia đình và trang trại. Qua đó, dần thay đổi tập quán canh tác, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Huyện cũng đã đang tập trung phát triển nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn - ảnh: VNHN

Trong những năm gần đây, nhiều dự án năng lượng tái tạo đã và đang triển khai trên địa bàn các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi (Phước Hữu, Phước Thái và Phước Vinh). Các làng nghề truyền thống (Gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ) từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng sản phẩm gắn với phát triển du lịch đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh thăm quan, mua sắm. Qua đó, vừa góp phần phát triển kinh tế và bảo tồn làng nghề, vừa chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động địa phương.

Thông qua các chương trình, dự án, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình phát triển kinh tế-xã hội được đầu tư. Đến nay, vùng đồng bào DTTS trong huyện đã kiên cố hóa 100% tuyến giao thông trục xã, 77% đường trục thôn, đường ngõ xóm, 82% đường nội đồng, 100% kênh cấp 1, 80% kênh cấp 2 và 85% kênh cấp III được kiên cố hóa, đảm bảo việc đi lại và tưới tiêu. Hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp và mở rộng mạng lưới điện, nước sinh hoạt đến các thôn-khu phố, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. 100% xã-thị trấn và thôn-khu phố vùng đồng bào DTTS đã có Trung tâm Văn hóa-Thể thao cấp xã và Nhà Văn hóa-Thể thao cấp thôn. Cơ sở trường, lớp, trạm y tế, sân vận động, nhà văn hóa, các đền, tháp, chùa, chợ nông thôn,... đều được xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa thường xuyên. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước - ảnh: VNHN

Thông qua chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chương trình, chính sách trong vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS từ 11,38% (năm 2016) giảm xuống còn 4,03% (năm 2021); hộ cận nghèo từ 21,33% giảm xuống còn 10,19% (năm 2021). Thu nhập bình quân đầu người ước thực hiện năm 2021 đạt 53,61 triệu đồng, tăng 24,61 triệu đồng so với năm 2016. Công tác định canh, định cư hoàn thành, tình trạng di cư tự do chấm dứt. Đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, không còn hộ đói, nhà tạm; trên 99,5% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, trên 95,5% hộ có công trình hợp vệ sinh, 100% hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia…

Thế Hùng - Tuấn Khôi