Về dự lễ khai mạc có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Nguyễn Thị Thanh, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Lâm Thị Phương Thanh, UV BCH TW Đảng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL; đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh: Bạc Liêu, Nam Định, Thanh Hóa; các tướng lĩnh LLVT là con em quê hương Ninh Bình; lãnh đạo các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao, Du lịch các tỉnh bạn.
Đại biểu tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh, MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, Đảng ủy trực thuộc; lãnh đạo các huyện, thành phố; đại biểu chức sắc các tôn giáo; các doanh nghiệp, doanh nhân; đại biểu Ban liên lạc Hội đồng hương Ninh Bình tại các tỉnh, cùng đông đảo người dân đã tới tham dự.
Nhắc đến Ninh Bình người ta không chỉ nghĩ ngay đến những cảnh đẹp non nước hữu tình mà còn là những đặc trưng về văn hóa, lễ hội. Lễ hội Hoa Lư Ninh Bình (lễ hội Trường Yên) là một trong những lễ hội độc đáo và được mong đợi trong năm. Trải qua lịch sử dài hơn 1000 năm, lễ hội Hoa Lư đến nay vẫn mang những giá trị nổi bật về văn hóa, lịch sử. Với quy mô cấp tỉnh để xứng tầm vị thế là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, lễ hội được tổ chức trong 03 ngày tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư), từ ngày 09/4/2022 đến ngày 11/4/2022 (tức ngày 09 đến ngày 11/3 năm Nhâm Dần).
Đây là lễ hội truyền thống diễn ra hàng năm; một trong những hoạt động văn hóa cộng đồng nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân công lao to lớn của Vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành và các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Người dân cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) bao đời nay đều vang vọng câu ca: “Ai là con cháu Rồng Tiên/Tháng ba mở hội Trường Yên thì về”. Cũng vì thế, cứ đến tháng 3 âm lịch hàng năm, khi lễ hội Trường Yên (nay là lễ hội Hoa Lư) được tổ chức, người dân dù ở khắp nơi trên mọi miền Tổ Quốc đều đổ về Hoa Lư trảy hội, về với cội nguồn dân tộc.
Phát biểu khai mạc Lễ hội, đồng chí Tống Quang Thìn, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: “Trải qua thời gian Lễ hội đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân Cố đô Hoa Lư và nhân dân cả nước; nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc với các bậc tiên đế, tiền nhân đã có công khai thiên lập quốc, thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong cội nguồn văn hóa Việt Nam và làm cho giá trị của Nhà nước Đại Cồ Việt luôn sống mãi với thời gian và lịch sử. Với những giá trị tiêu biểu và trường tồn ấy, Lễ hội Hoa Lư đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cố đô Hoa Lư là một điểm sáng trong Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.”
Trong không khí tưng bừng và phấn khởi, đồng chí Phạm Quang Ngọc Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh hồi trống khai hội Hoa Lư năm 2022. Sau Lễ khai mạc trang trọng và thành kính là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề: “Huyền thoại từ lòng đất”.
Lễ hội Hoa Lư năm 2022 được tổ chức theo đúng các nghi lễ truyền thống như: Lễ mở cửa đền, lễ dâng hương, lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ tiến phẩm, lễ rước kiệu, tế Cửu khúc, tế lễ cổ truyền… Phần hội cũng được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian đặc sắc nhằm tạo không khí tưng bừng và phấn chấn.
Thông qua các hoạt động lễ hội tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thi đua lao động, sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và hưởng ứng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình.
Bên cạnh đó, các hoạt động của lễ hội còn góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc; quảng bá tiềm năng thế mạnh về kinh tế - xã hội, những nét văn hóa đặc sắc, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, về đất và người Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình.
Các hoạt động lễ hội được tổ chức thiết thực, hiệu quả, ấn tượng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, đảm bảo phù hợp công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tin rằng, với những tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, đặc biệt về văn hóa lịch sử và cảnh quan thiên nhiên, Ninh Bình sẽ trở thành trung tâm du lịch trong nước và khu vực, phát triển nhanh, bền vững, xứng danh với bề dày lịch sử vùng đất kinh kỳ.