Theo đó, năm 2023 tỉnh Ninh Bình sẽ xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Về cải cách thể chế: Tỉnh Ninh Bình sẽ xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp đảm bảo đúng tiến độ, thời hạn và quy trình, thủ tục theo quy định; tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp ban hành đảm bảo đúng quy định; tổ chức thực hiện tốt công tác theo dõi, thi hành pháp luật và cập nhật các văn bản lên cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia theo quy định.
Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC): Tỉnh sẽ rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá theo thẩm quyền của tỉnh hoặc đề nghị bộ, ngành cắt giảm, đơn giản hoá các thủ tục rườm rà, chồng chéo, các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý; tích hợp, cắt giảm các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ không cần thiết hoặc có nội dung thông tin trùng lặp trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số và các cơ sở dữ liệu sẵn có.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát cắt giảm các bước thực hiện, thời gian thực hiện và chuẩn hoá quy trình nội bộ giải quyết TTHC, quy trình điện tử giải quyết TTHC; thực hiện công bố, công khai kịp thời, đầy đủ các TTHC theo đúng quy định trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, tích hợp, đồng bộ với Cổng dịch vụ công của tỉnh để đảm bảo thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng; kiểm soát và công khai kết quả giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đúng tiến độ các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ tại Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 23/12/2020 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện số hoá kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 27/8/2021 của UBND tỉnh về triển khai Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, gắn với chuyển đổi số trong hoạt động cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính: Tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quản lý và sử dụng hiệu quả biên chế công chức trong các cơ quan hành chính, số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo ngành và lĩnh vực theo quy định; phấn đấu nâng mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cao hơn năm 2022.
Về cải cách chế độ công vụ: tổ chức sắp xếp, bố trí công chức theo vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức đúng quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức. Tiếp tục rà soát, phê duyệt đề án vị trí việc làm và thực hiện bố trí viên chức theo vị trí việc làm theo quy định tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ và gắn với vị trí việc làm; tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.
Cải cách tài chính công: Các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính; thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, công khai tài chính theo quy định; Kiểm soát chặt chẽ ngân sách nhà nước chi thường xuyên và đầu tư công, quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản công, kinh phí từ ngân sách nhà nước; đẩy mạnh thực hiện tự chủ hoàn toàn về kinh phí đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số: Triển khai thực hiện các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ đã đề ra tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 27/8/2021 của UBND tỉnh về triển khai Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, gắn với chuyển đổi số trong hoạt động cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Để thực triển khai có hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu Kế hoạch đề ra phải trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC được giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ, Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 24/8/2021 của UBND tỉnh, phù hợp với điều kiện thực tiễn, định hướng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các nhiệm vụ CCHC phải cụ thể theo từng lĩnh vực CCHC, xác định rõ kết quả cần đạt được, thời gian hoàn thành, phân công rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp thực hiện; bố trí đủ nguồn lực và có các giải pháp triển khai cụ thể để đảm bảo tính thực tiễn, khả thi của Kế hoạch.