Vì thế khi nói đến giá trị của cây cà phê không phải chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn có giá trị về mặt sinh thái, nhân văn, môi trường…. Trong những ngày cuối tháng 2 khi mà toàn thành phố Buôn Ma Thuột đang bận rộn, gấp rút chuẩn bị cho “Lễ hội cà Phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023”. Phóng viên có dịp ghé thăm gia đình anh Đặng Văn Huy, 35 tuổi, trú tại thôn 3, xã Cư Suê, huyện CưMgar, nghe về câu chuyện gắn với từng hạt cà phê hữu cơ và đã hoàn thành ước mơ xây dựng “Nông trại hữu cơ” cho riêng mình.
Phóng viên: Thưa anh, xin anh hãy chia sẻ về câu chuyện làm nông nghiệp sạch, cụ thể là cà phê hữu cơ và nguyên do gì để anh gắn bó với nền nông nghiệp sạch này và xây dựng cho mình một “Nông trại hữu cơ”?
Anh Đặng Văn Huy – Chủ Nông trại hữu cơ Đặng Farm: Là người dân tộc Dao, sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, gia đình đã có 4 đời gắn bó với cây cà phê. Nhìn thấy đất đai ngày càng khô cằn, kém màu mỡ, năng suất ngày càng thấp và đi cùng với đó là giá cà phê cũng rất bấp bênh. Bên cạnh đó những biến đổi thất thường từ khí hậu tới môi trường sống, có thể nhìn thấy rõ ngay con suối Ea Neh sau rẫy cà phê nhà Huy (trước đây Huy thường ra tắm) càng ngày mực nước càng cạn kiệt, xói mòn đất. Huy cảm nhận được môi trường sống xung quanh mình đang dần thay đổi, thời tiết cực đoan hơn, nắng nóng, hạn hán gay gắt hơn. Từ đó, Huy nung nấu ý định sản xuất nông nghiệp sạch, hạn chế tối đa các tác động đến môi trường.
Thời gian đầu, vào năm 2005 Huy lang thang khắp nơi, tìm tòi và học hỏi về cách làm nông nghiệp sạch. Được bố chia sẻ về cách khởi nghiệp với cây cà phê và tìm đọc lại những tài liệu cũ, Huy nhận thấy đối với cà phê Robusta thì trồng, chăm sóc theo kiểu tự nhiên của người Êđê xưa sẽ cho chất lượng cao nhất. Thế là Huy quyết định thử nghiệm với 1 ha cà phê của gia đình. 1 ha cà phê ấy Huy gần như bỏ mặc, chỉ tưới nước, làm cành, không sử dụng các loại phân hóa học mà để cỏ mọc tự nhiên rồi phát cỏ gục xuống gốc. Cành, chồi, lá cà phê không được thu dọn sạch sẽ mà rải đều xung quanh. Sau một năm, năng suất 1 ha cà phê này chỉ còn khoảng 1 tấn, giảm 3-4 lần so với trước kia. Anh Huy nhớ lại: “Lúc ấy trong mắt mọi người, tôi như một thằng điên, khùng, làm những chuyện trời ơi. Không ai đồng ý với cách làm của tôi…”.
Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, từ năm 2008 đến nay, Huy tập trung phát triển mạnh cà phê hữu cơ, nhân rộng ra toàn bộ diện tích hơn 8 ha. Nhằm nâng cao giá trị hạt cà phê hữu cơ, Huy chú trọng thu hái quả chín gần 100%, thời gian thu kéo dài từ 3-4 tháng. Cà phê sau thu hoạch được sơ chế, rửa sạch, phơi trong nhà lưới để lên men tự nhiên rồi rang, xay. Mỗi ký cà phê được trồng, chế biến kỳ công như thế có giá bán từ 150.000 – 300.000 đồng. Mặc dù năng suất chỉ từ 800 kg đến 1,2 tấn nhân/ha nhưng cộng với các loại cây trồng xen thì trừ chi phí cũng thu lãi khoảng 100 triệu đồng/ha và tạo thêm công ăn việc làm thường xuyên cho người dân trên địa bàn hơn 20 người.
Phóng viên: Xin anh hãy cho biết rõ hơn về công đoạn chăm bón cà phê hữu cơ cũng như quy trình sản xuất? Đối với chất lượng sản phẩm và cung cấp đầu ra anh gặp những khó khăn, thách thức gì và thành quả bước đầu đạt được?
Anh Đặng Văn Huy: Đối với 1 cây cà phê tự nhiên, tự ra trái, không chăm bón gì nhiều thì 1 cây cà phê chỉ cho từ 1-1,5kg cà phê thu về. Đối với việc chăm bón cà phê, Huy tập trung vào quy trình Đa tầng, lớp lá, lớp tán cây, lớp thảm thực vật khi rụng xuống đất, và khi mưa đầu mùa xuống sẽ tự động tái tạo thành lớp hữu cơ và cây cà phê sẽ hấp thụ dưỡng chất dinh dưỡng đó để nuôi cây và chỉ tiếp sức cho cây cà phê bằng phân bón lá, như vậy là cây cà phê có đủ dinh dưỡng để phát triển. Ngoài ra với đa tầng có ưu điểm, sẽ tránh được tia cực tím quá mạnh làm cho hạt cà phê thơm ngon hơn.
“Mình không thể lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, bòn rút môi trường, không thay đổi cách làm, cứ bóc lột thiên nhiên, phá hoại thiên nhiên, sử dụng những chất có hại cho môi trường thì mai này con cháu mình trả giá. Chính vì những suy nghĩ đó đã thôi thúc tôi phải tìm ra cách làm mới, hướng đi cho mình và hạnh phúc với lựa chọn của mình”. Anh Đặng Văn Huy cho biết thêm”.
Sau nhiều năm kiên trì, thể hiện sự nỗ lực cũng như tâm huyết của mình, Huy cũng chia sẻ hết kinh nghiệm vốn có của mình với người dân trên địa bàn để họ cùng làm giàu. Đến nay Huy và người dân cũng được đền đáp xứng đáng. Vườn cà phê xanh tốt hơn trước đây. Nhân cà phê thu hoạch có giá bán cao hơn 40% so với cách canh tác thông thường. Theo tính toán của Huy, nếu như hiện nay 1ha cà phê tái canh đến thời kỳ kinh doanh năng suất cho đạt 4 tấn nhân thì 1ha cà phê canh tác theo hướng hữu cơ chỉ cho năng suất khoảng 1,5 tấn nhân. Tuy nhiên, giá cả của cà phê hữu cơ cao gấp nhiều lần so với cà phê thị trường.
Để tìm đầu ra, “Anh chủ nông trại hữu cơ Đặng Farm – Đặng Văn Huy” tham gia nhiều sự kiện, triển lãm nông sản organic, quảng bá sản phẩm trên các kênh trực tuyến, bên cạnh mở rộng phân phối qua các đại lý, công ty rang xay, các quán cà phê sạch. Anh Huy cho biết sản phẩm của Nông trại anh hiện tiêu thụ nhiều trên địa bàn tỉnh nhưng số lượng còn nhỏ giọt. Ngoài ra anh cũng tập trung kênh bán hàng online, mở rộng thị trường… Do đó, anh Huy mong muốn có nhiều đơn vị cùng hợp tác phát triển cà phê hữu cơ, trước mắt được nhiều người biết tới và sau đó để xuất khẩu nhằm khẳng định giá trị nông sản của hạt cà phê Việt Nam.
“Được biết Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, diễn ra từ ngày 10-14/3. Với sự chuẩn bị rất chu đáo và công phu cùng với nhiều chương trình rất đặc sắc, hấp dẫn và có chiều sâu, tôi kỳ vọng Lễ hội năm nay thành công tốt đẹp, thu hút được nhiều nhà đầu tư, các khách hàng từ trong nước đến quốc tế biết đến giá trị cà phê của tỉnh nhà, thúc đẩy ngành cà phê sạch nói riêng và cà phê toàn thị trường nói chung ngày càng phát triển chuyên nghiệp, cà phê được giá hơn để bà con nông dân phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó đưa ngành du lịch tỉnh nhà lên một tầm cao mới…”. Anh Đặng Văn Huy chia sẻ thêm.
Phóng viên: Chúc anh sức khỏe và chân thành cảm ơn anh!
Thực hiện: Võ Hà - Mai Trinh