19/12/2024 lúc 11:13 (GMT+7)
Breaking News

Như Xuân (Thanh Hoá): Nỗ lực từng bước xây dựng Nông thôn mới

Như Xuân là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá, những năm qua Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Như Xuân đã phát huy nội lực, đoàn kết, quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp, lồng ghép chương trình xây dựng NTM với các chương trình mục tiêu quốc gia, nỗ lực từng bước xây dựng NTM thu được nhiều kết quả khả quan.
Nông thôn mới Như Xuân góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân.

Bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, huyện Như Xuân mới chỉ đạt bình quân 5-6 tiêu chí/xã. Tuy nhiên, với những hướng đi phù hợp huyện đã tranh thủ các nguồn vốn của Nhà nước, huy động nội lực của Nhân dân tham gia góp công, góp sức xây dựng NTM, thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án trên địa bàn để tập trung nguồn lực hoàn thành các tiêu chí. Đến nay, chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả được triển khai thực hiện, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Huyện Như Xuân xây dựng NTM với quan điểm "Xây dựng NTM là phải thực chất bền vững, không chạy theo thành tích, xây dựng NTM là quá trình lâu dài của cả hệ thống chính trị các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, chú trọng phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, quan tâm cao về văn hóa, môi trường, việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, tạo sự chuyển biến rõ nét từ hộ gia đình đến từng thôn, xã". Từng bước phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng được các mô hình sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân.

Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp huyện Như Xuân cho biết, Hiện nay, tính đến tháng 6/2023, toàn huyện đã có 05 xã đạt chuẩn NTM, đạt 62,5% mục tiêu Nghị quyết, có 54 thôn đạt chuẩn NTM, đạt 81,8% Nghị quyết, có 02 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 100% NQ; Có 12 sản phẩm OCOP được chứng nhận; sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP các sản phẩm đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh, quy mô sản xuất được mở rộng, từng bước áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm, doanh thu tăng bình quân trên 10-15%/năm.

Ngoài những thuận lợi, nhiệm vụ xây dựng NTM ở Như Xuân cũng gặp không ít khó khăn, các xã miền núi đều có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, tỷ lệ hộ nghèo cao, mặt bằng dân trí cũng như nhận thức của người dân về chương trình NTM còn hạn chế. Huyện Như Xuân đang từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu đến cuối năm 2023 có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 75% Nghị quyết, có 01 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 100% NQ; có 60 thôn đạt chuẩn NTM, đạt 90,9% NQ; có 03 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 150% NQ; có thêm 7 sản phẩm OCOP (trong đó có 1 sản phẩm 4 sao).

Chuyển đổi các giống cây trồng phù hợp đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Bên cạnh đó, xác định mục tiêu xây dựng NTM gắn với công tác giảm nghèo, những năm qua, huyện Như Xuân đã ưu tiên chuyển đổi các giống cây trồng từ giá trị kinh tế thấp sang cây có giá trị kinh tế cao như, trong hơn 02 năm toàn huyện đã chuyển đổi được 540,6 ha cây trồng kém hiệu quả (sắn, mía, cao su, keo) sang trồng các loại cây khác như: chè nguyên liệu 25 ha, cây ăn quả 192,5, gai xanh 13 ha, dổi lấy hạt 12 ha, keo nuôi cấy mô 300 ha. Phát triển mô hình trồng cây hương bài tại xã Tân Bình và thị trấn Yên Cát mang lại giá trị kinh tế cao. Đồng thời, Xây dựng quy hoạch, định hướng vùng sản xuất tập trung cây ăn quả, chè, gai xanh trên địa bàn với tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện đến nay đạt 1.323,5 ha, trong đó có 05 vùng trồng cây ăn quả tập trung (quy mô liền vùng trên 10 ha) với tổng diện tích 105 ha; toàn huyện hiện có 05 sản phẩm cây ăn quả được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh; có 125 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng Vietgap, 300 ha ứng dụng công nghệ tưới hiện đại. Đến nay toàn huyện đã phát triển được 08 vùng sản xuất rau an toàn tập trung với tổng diện tích 13 ha; đã xây dựng 06 công trình nhà màng, nhà lưới với tổng diện tích gần 20.000 m2; xây dựng xưởng sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp tại xã Xuân Hòa với tổng vốn đầu tư 3,2 tỷ đồng.

Đại diện của phòng Nông nghiệp huyện Như Xuân cho biết thêm: “Do đặc thù là một huyện miền núi, nên việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại các xã của huyện Như Xuân gặp không ít khó khăn… Nhưng ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước (Trung ương, tỉnh), huyện sẽ có cơ chế hỗ trợ thôn, bản xây dựng Nông thôn mới, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP đạt chuẩn được tỉnh công nhận; cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất để động viên, thúc đẩy, khuyến khích cho các tổ chức, địa phương trong thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng mô hình sinh kế gắn với việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân”.

Cùng với đó, huyện đã tập trung tuyên truyền vận động người dân nâng cao đời sống thông qua các mô hình sản xuất gắn với phát triển du lịch cộng đồng, đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất… Người dân cũng đã có ý thức bảo vệ môi trường đường làng ngõ xóm, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, góp phần chung tay xây dựng NTM./.

Hải Nam