Về huyện Như Thanh hôm nay, chúng ta có thể nhận thấy những đổi thay rõ nét, bộ mặt nông thôn đang khởi sắc từng ngày. Những tuyến đường liên thôn, liên xã lầy lội trước kia được bê tông, thảm nhựa kiên cố rộng rãi, sạch đẹp... Có được kết quả trên, những năm qua thông qua các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước, tỉnh về chính sách dân tộc, ngân sách huyện, vốn doanh nghiệp hỗ trợ, xây dựng nông thôn mới cùng sự đồng lòng, chung sức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đến nay hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, hệ thống điện, nước sạch đều đã được đầu tư xây dựng khang trang, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Theo đó, tổng số công trình, dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn do UBND huyện làm chủ đầu tư và quyết định đầu tư trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết tháng 9 năm 2024 là 302 công trình với tổng vốn đầu tư trên 1.391 tỷ đồng. Các tuyến đường giao thông được đầu tư, nâng cấp, cải tạo theo quy hoạch, đảm bảo các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu về giao thông. Theo đó, đã thực hiện đầu tư được 74,9 km đường giao thông (không tính quốc lộ và tỉnh lộ) nâng tỷ lệ cứng hóa từ 86,3% lên 96,3%; ước thực hiện hết năm 2025 số km được cứng hóa là 732,1km, đạt tỷ lệ 97,6%; vượt 106,1% so với mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện (mục tiêu đến năm 2025 đạt 92%).
Bên cạnh đó, các dự án lớn, trọng điểm được tỉnh và các Nhà đầu tư thực hiện trên địa bàn huyện Như Thanh bao gồm: Dự án Đường nối thành phố Thanh Hóa với Cảng hàng không Thọ Xuân, đoạn từ cầu Nỏ Hẻn đến đường tỉnh 514 với tổng mức đầu tư 971,987 tỷ đồng (qua huyện Như Thanh khoảng 2km), dự án Đường Vạn Thiện đi Bến En có tổng mức đầu tư là 1.181 tỷ đồng (qua huyện Như Thanh khoảng 6,6km), dự án Cụm công nghiệp Vạn Thắng - Yên Thọ, huyện Nông Cống và huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng (trên địa bàn huyện Như Thanh khoảng 21,16ha).
Đặc biệt, nhiều công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị có vai trò quan trọng, có sức lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn và của huyện đã và đang triển khai thực hiện một số dự án lớn như: Tuyến đường từ nút giao Vạn Thiện đi Bến En; Đường Bến En đi trung tâm thị trấn Bến Sung, Sửa chữa, khắc phục một số đoạn hư hỏng nghiêm trọng tại Km18+500 đến Km21+000 và Km23+300 đến Km24+800 đường tỉnh lộ 520 trên địa bàn huyện Như Thanh (đoạn qua thị trấn Bến Sung), tuyến đường giao thông từ khu phố 1 đến khu phố Cầu Máng, thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh…
Cùng với đó, UBND huyện đã cập nhật quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động tỉnh Thanh Hóa vào quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung các xã, thị trấn và các quy hoạch có liên quan; đồng thời phối hợp, giám sát thực hiện đầu tư theo quy hoạch. Tích cực phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan để tổ chức triển khai dự án “Tăng cường cơ sở vật chất công nghệ thông tin cho các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.
Tập trung giải phóng mặt bằng, bố trí diện tích để Viễn thông Thanh Hóa đầu tư xây dựng 18 cột ăng ten BTS; Viettel Thanh Hóa đầu tư 24 cột ăng ten BTS, Mobi phone Thanh Hóa đầu tư 09 cột ăng ten BTS. Cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin trên địa bàn huyện từng bước phát triển, đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, đơn vị, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ kịp thời người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, huyện thực hiện di chuyển đường điện phục vụ công tác GPMB một số dự án trọng điểm, tái định cư trên địa bàn huyện. Các đơn vị Điện lực đã thực hiện đầu tư mới 46 trạm biến áp trên địa bàn 10 xã và 01 thị trấn huyện Như Thanh với tổng mức đầu tư trên 23,8 tỷ đồng; nâng cấp và cải tạo hàng chục km đường dây điện hạ thế và trung thế với 14 dự án có tổng mức đầu tư trên 59,1 tỷ đồng. Góp phần cải thiện đời sống sinh hoạt của người dân, đảm bảo 100% người dân trên địa bàn có điện.
Đối với phát triển hạ tầng thương mại, UBND huyện đã nghiên cứu, bố trí các khu vực đất dịch vụ thương mại trong các đồ án quy hoạch làm cơ sở để phát triển hạ tầng thương mại đảm bảo theo quy định hiện hành. Ưu tiên phát triển hệ thống nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại phục vụ cho du lịch. Bố trí vốn thực hiện công tác chuyển đổi đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh khai thác chợ đối với chợ Bến Sung; tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp 11 chợ nông thôn, đến nay 100% chợ trên địa bàn đảm bảo các tiêu chí của chợ an toàn thực phẩm. Hệ thống cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn đã được hình thành và duy trì sắp xếp cửa hàng sạch sẽ, gọn gàng, đảm bảo cân đối cung cầu đáp ứng nhu cầu mua hàng của người dân. Phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện, đưa vào sử dụng dự án Trung tâm thương mại và công viên văn hóa Bến Sung, thị trấn Bến Sung theo quy định. Đẩy mạnh kêu gọi thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn. Đặc biệt là kêu gọi đầu tư xây dựng trung tâm đầu mối giao dịch nông lâm sản, thực phẩm quy mô diện tích khoảng 17 ha phía Đông Bắc thị trấn, nhằm kết nối chuỗi cung ứng nông sản, các loại hàng hóa khác từ trong huyện và ngoài huyện phục vụ khách du lịch và cung cấp cho khu du lịch Bến En.
Trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống các quy hoạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý quy hoạch. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xúc tiến, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Bố trí vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước theo hướng tập trung. Đồng thời, tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, về đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cũng như nâng cao khả năng xúc tiến, thu hút đầu tư vào huyện.
Những kết quả nổi bật đạt được trong thời gian qua đã khẳng định sức vươn mạnh mẽ của huyện miền núi Như Thanh trên nhiều lĩnh vực, trong đó những đột phá về phát triển hạ tầng. Điều đó đã và đang tạo nên một khí thế mới, động lực mới để người dân thi đua phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng đổi thay diện mạo bộ mặt nông nghiệp nông thôn, nhất là nông thôn miền núi./.