08/01/2025 lúc 12:02 (GMT+7)
Breaking News

Nhiều chính sách, quy định mới có hiệu lực từ tháng 9/2018

VNHNO - Nhiều chính sách, quy định mới về kinh tế - xã hội sẽ có hiệu lực từ tháng 9/2018, bao gồm: Chính sách hỗ trợ người có công đang định cư ở nước ngoài, hiệu trưởng trường phổ thông phải đủ 5 tiêu chuẩn, siết quản lý hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng…

VNHNO - Nhiều chính sách, quy định mới về kinh tế - xã hội sẽ có hiệu lực từ tháng 9/2018, bao gồm: Chính sách hỗ trợ người có công đang định cư ở nước ngoài, hiệu trưởng trường phổ thông phải đủ 5 tiêu chuẩn, siết quản lý hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng…

Ảnh minh họa

Hỗ trợ người có công ở nước ngoài

Nghị định 102/2018/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 20/7/2018 quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài có hiệu lực từ ngày 5/9/2018.

Với các đối tượng là người có công với cách mạng đang định cư tại nước ngoài, được quy định cụ thể tại nghị định nêu trên sẽ được trợ cấp 4 triệu đồng đối với người đủ 2 năm công tác trở xuống. Với người từ trên 2 năm thì năm thứ 3 trở đi mỗi năm được cộng thêm 1,5 triệu đồng.

Ngoài ra, trường hợp đã mất trước ngày nghị định có hiệu lực thì thân nhân được nhận trợ cấp một lần 6 triệu đồng.

Sửa đổi điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng

Theo quy định tại Nghị định 100/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16/07/2018, điều kiện chung cấp chứng chỉ hành nghề về xây dựng đã được thay đổi so với trước đây, Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/9/2018. Cụ thể:

Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng hạng II phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có 04 năm kinh nghiệm trở lên, trước đây là 05 năm;

Cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng hạng III phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có 02 năm kinh nghiệm trở lên với người có trình độ đại học (trước đây là 03 năm); từ 03 năm trở lên với người có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp (trước đây là 05 năm).

Hiệu trưởng trường phổ thông phải đáp ứng đủ 5 tiêu chuẩn

Theo Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT ngày 20/7/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông có hiệu lực thi hành từ 4/9/2018, hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn gồm:  Phẩm chất nghề nghiệp; Quản trị nhà trường; Xây dựng môi trường giáo dục; Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội; Sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Về quy trình đánh giá, thông tư nêu rõ: Hiệu trưởng tự đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng; Nhà trường tổ chức lấy ý kiến giáo viên, nhân viên trong trường đối với hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng.

Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện đánh giá và thông báo kết quả đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng trên cơ sở kết quả tự đánh giá của hiệu trưởng, ý kiến của giáo viên, nhân viên và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng thông qua các minh chứng xác thực, phù hợp.

Hiệu trưởng tự đánh giá theo chu kỳ một năm một lần vào cuối năm học.

Cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp đánh giá hiệu trưởng theo chu kỳ hai năm một lần vào cuối năm học. Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan quản lý cấp trên quyết định rút ngắn chu kỳ đánh giá.

Siết quản lý hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng

Theo Thông tư 37/2016/TT-NHNN về quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9, việc thanh toán nợ giữa các thành viên không phải là đơn vị Ngân hàng Nhà nước phải có hợp đồng ủy quyền trước.

Nợ giữa các thành viên trong hợp đồng ủy quyền trước hoặc văn bản thỏa thuận về việc thanh toán phải bao gồm tối thiểu các yếu tố sau: Hạn mức tối đa trong ngày được thanh toán nợ giữa các thành viên; Hạn mức tối đa của một lệnh thanh toán nợ không cần xác nhận nợ; Thời hạn hiệu lực của hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận.

Văn bản điện tử phải được gửi ngay trong ngày ký ban hành

Theo Quyết định 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/07/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước có hiệu lực thi hành từ 6/9/2018, văn bản điện tử phải được gửi ngay trong ngày văn bản đó ký ban hành, chậm nhất là trong buổi sáng của ngày làm việc tiếp theo. Văn bản điện tử đến sau khi được tiếp nhận, nếu bảo đảm giá trị pháp lý phải được xử lý kịp thời, không phải chờ văn bản giấy (nếu có).

Trường hợp văn bản điện tử thuộc loại khẩn phải được đặt ở chế độ ưu tiên, ghi rõ mức độ khẩn, gửi ngay sau khi đã ký số và phải được trình, chuyển giao xử lý ngay sau khi tiếp nhận.

Quyền khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công

Thông tư 67/2018/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, vận hành, trao đổi và khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công có hiệu lực từ ngày 1/9.

Theo đó, Bộ Tài chính được khai thác thông tin về tài sản công của cả nước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia. Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền khai thác thông tin tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong Cơ sở dữ liệu quốc gia.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản kê khai trong Cơ sở dữ liệu quốc gia có quyền khai thác thông tin tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đơn vị trực thuộc.

Nội dung chuẩn các thông tin quy định trên Cơ sở dữ liệu quốc gia được quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 67/2018/TT-BTC./.