22/01/2025 lúc 12:11 (GMT+7)
Breaking News

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Nên mạnh dạn mở cửa du lịch, không sợ số ca nhiễm

Theo PGS. TS. Trần Đắc Phu, Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, sau ngày 15/3, Việt Nam nên mạnh dạn mở cửa du lịch và không cần lo ngại số ca nhiễm từ khách quốc tế, tuy nhiên cần chú ý “nới lỏng chứ không buông lỏng”.

Theo PGS. TS. Trần Đắc Phu, Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, sau ngày 15/3, Việt Nam nên mạnh dạn mở cửa du lịch và không cần lo ngại số ca nhiễm từ khách quốc tế, tuy nhiên cần chú ý “nới lỏng chứ không buông lỏng”.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu: Nên mạnh dạn mở cửa du lịch, không sợ số ca nhiễm

Mạnh dạn mở cửa, không lo số ca nhiễm

Sáng nay ngày 11/3, đã diễn ra Diễn đàn “Luồng xanh cho du lịch cất cánh”, Chuyên đề I: ““Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành, Hiệp hội Khách sạn; Sở Du lịch Hà Nội, Hải Dương, Kiên Giang, Lào Cai, Đà Nẵng, Khánh Hoà; và hàng chục doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nghỉ dưỡng...

Tham gia diễn đàn, PGS. TS. Trần Đắc Phu, Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã có bài phát biểu góp ý về chính sách chương trình mở cửa du lịch Việt Nam hoàn toàn từ ngày 15/3 tới đây. Theo ông Phu, Việt Nam nên mạnh dạn mở cửa du lịch và không cần lo ngại số ca nhiễm từ khách quốc tế.

Theo thống kê của Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, Việt Nam có hơn 5 triệu ca mắc Covid-19, trong đó 99,7% là ca nhiễm trong nước, còn 0,3% là của người nhập cảnh. “Số ca nhiễm từ địa phương này tới địa phương khác lớn hơn rất nhiều, thì không cần lo số ca nhiễm từ quốc tế vào Việt Nam nữa mà hãy mạnh dạn mở cửa”, ông nói.

Mặt khác, Việt Nam đã bước sang giai đoạn khác của phòng chống dịch, khi Hà Nội và 62 tỉnh, thành có độ phủ vắc-xin cao, số ca mắc cao nhưng không nhiều triệu chứng nặng. “Với kinh nghiệm, năng lực đã có, hệ thống y tế sẽ không quá tải, tỷ lệ tử vong không cao. Đây là lý do chúng ta có thể mở cửa và cần thay đổi quan điểm, chấp nhận có người nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro”, ông Phu nêu quan điểm.

Ngoài ra, PGS. TS. Trần Đắc Phu cho rằng cần căn cứ vào tình hình dịch tại các tỉnh để áp dụng các chương trình mở cửa phù hợp, chứ không nên “sợ’, không dám mở cửa. Bởi, phòng bệnh trong du lịch phức tạp vì di chuyển nhiều nơi, nhiều môi trường tiếp xúc khác nhau, có cả nguy cơ cao và nguy cơ thấp. Vì vậy du lịch khép kín, nhóm nhỏ được khuyến khích. Đặc biệt mỗi địa phương có diễn biến dịch khác nhau cần theo dõi. Những địa phương miền núi với mật độ dân số thấp có thể mạnh dạn mở cửa du lịch khép kín.

Nới lỏng chứ không buông lỏng

Về giải pháp giữ an toàn trong du lịch, tác giả của thông điệp 5K – ông Trần Đắc Phu cho rằng, hiện nay có thể áp dụng linh hoạt, phù hợp, các “K” bổ trợ cho nhau. Về khoảng cách, nên chia theo nhóm, theo đoàn và tránh tụ tập giữa các đoàn. “Điều quan trọng nhất, ngành du lịch cần xây dựng phương án theo từng đặc thù của các loại hình du lịch. Và đã mở cửa là đồng bộ, tránh mỗi nơi một kiểu, gây bối rối cho du khách”, ông nói.

Ông Phu cũng nhấn mạnh, về quan điểm, chúng ta cần chấp nhận sẽ có người nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, không thể nào khác được. Tuy nhiên, cũng theo ông Phu, chúng ta “nới lỏng”, nhưng không “buông trôi thả lỏng”.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch, kỳ vọng với những điều kiện như tiến sĩ Trần Đắc Phu đề cập, Bộ Y tế sẽ sớm có hướng dẫn để ngành du lịch áp dụng mở cửa lại đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả, thay thế góp ý trước đây, quy định về khách nhập cảnh.

“Chúng tôi mong rằng với hiệu quả tiêm chủng, khách quốc tế và khách nội địa được đối xử như nhau. Mốc 15/3 mở cửa rất cần sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan trung ương, cộng đồng người làm du lịch. Chúng tôi kỳ vọng các bộ, ngành chuyên môn sớm có góp ý để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm ban hành hướng dẫn”, ông nói.

Bà Phan Thị Minh Giang, Trợ lý Cục trưởng Trưởng phòng Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh trong bối cảnh mở cửa lại du lịch, cùng với việc điều chỉnh chính sách thị thực thì cần hài hòa về phòng chống dịch. “Phòng, chống dịch Covid-19 của chúng ta có thể đánh giá hoàn toàn trong tầm kiểm soát, tất cả thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo nghị quyết 128 của Chính phủ”, bà nói.

Bộ Ngoại giao nhận được công hàm của Đại sứ quán Mỹ, từ ngày 28/2 Mỹ nâng cấp độ dịch của Việt Nam lên cấp độ 4, rất cao và cảnh báo không đi lại. Về góc độ của Bộ Ngoại giao thì đây chỉ là đánh giá chung, ngoài Việt Nam còn 160 quốc gia khác như vậy. Tuy nhiên trong bối cảnh mở cửa lại du lịch thì đây cũng là vấn đề cần nghiên cứu kỹ.

“Bộ Ngoại giao, cùng các Bộ, ngành đã đồng hành cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong mở cửa du lịch từ rất sớm. Ngày 1/3 đã có ba đề xuất, trong đó khôi phục chính sách miễn thị thực song phương, ngoài ra là đơn phương với 13 nước. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để thực sự mở cửa, tăng cường khách tới Việt Nam” bà nói.

Phương án cụ thể mở cửa lại hoạt động du lịch đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ để sớm ban hành trước ngày 15/3.