23/11/2024 lúc 01:34 (GMT+7)
Breaking News

Người gieo hạt mầm của những niềm vui đến các vùng đất

Phía sau những lễ hội hoành tráng, những show diễn quy mô hàng trăm tỷ đồng mà doanh thu là 0 đồng và cả những công trình được làm để mang tới biểu tượng cho các thành phố lớn, là một thương hiệu Việt Nam.

Những lễ hội… mang sôi động đến các vùng đất

Hè 2022, sự trỗi dậy của du lịch khắp các vùng đất không chỉ được thể hiện bằng những con số đầy khích lệ về lượt khách và doanh thu mà còn ở sức sống mới bừng lên rực rỡ ở nhiều điểm đến.

Đà Nẵng với “Lễ hội tận hưởng mùa hè” cùng tâm điểm là chuỗi các sự kiện Take me to the Sun. Đại nhạc hội Take me to the Sun tối 9/7 đã thu hút hơn 20 vạn khán giả tham gia bữa tiệc của âm thanh, ánh sáng và pháo hoa. Đòn bẩy từ sự sôi động ấy đã trở thành một phần động lực, đem tới cho Đà Nẵng con số gần 2,4 triệu lượt khách trong 8 tháng đầu năm, tăng 125,7% so với cùng kỳ.

Lễ hội Carnival đường phố Sun Fest 2022 tại Đà Nẵng

Sầm Sơn (Thanh Hóa) là điểm đến được “thắp lửa” đầu tiên trong mùa hè năm 2022. Đêm khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn thu hút hàng vạn khán giả với âm nhạc và pháo hoa ngoạn mục, rồi chuỗi chương trình nghệ thuật Sun Fest trải dài từ 30/4 đến giữa tháng 8, lễ hội xe Sam Son Motor Festival 2022, Carnival Sầm Sơn lần thứ 3… Sầm Sơn đã đón hơn 6,4 triệu lượt du khách trong 8 tháng đầu năm 2022, đứng đầu cả nước, điều chưa từng có trong lịch sử.

Hạ Long cũng đã có một mùa hè ngập tràn sôi động, với chuỗi sự kiện diễn ra liên tục như đại nhạc hội Rock & Motor Show Ride 2 Rock- Take me to Ha Long; Đại nhạc hội EDM Take me to the Sun… Rồi Carnival đường phố và sự kiện nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa đến với Hòa Bình và Hà Nam, trong đêm “Thanh âm xứ Mường” thu hút gần 20 vạn khán giả và Carnival đường phố Hà Nam hút chục ngàn người xuống đường, hòa mình với các vũ công.

Lễ hội Carnival Sầm Sơn 2022

Điểm chung lớn nhất của các sự kiện hoành tráng, quy mô và chất lượng này là khán giả đều không phải mất tiền mua vé thưởng thức, và đều do một tập đoàn tư nhân là Sun Group tài trợ, tổ chức.

Những show nghệ thuật “bỏ trăm tỷ, thu 0 đồng”

Năm 2019, lần đầu tiên một show diễn quy mô lớn mang tên Vũ hội Ánh dương được đầu tư trình diễn tại Sun World Ba Na Hills. Sun Group đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho dự án nghệ thuật này và hơn 200 tỷ đồng nữa cho hạ tầng cơ sở phục vụ show diễn. Dưới sự sáng tạo của ekip được dẫn dắt bởi “phù thủy sân khấu” Phạm Hoàng Nam, những màn trình diễn nghệ thuật đỉnh cao với hơn 200 nghệ sĩ quốc tế tham gia… “Vũ hội ánh dương” được khán giả lẫn giới chuyên môn nhìn nhận như một “đại tiệc nghệ thuật 5 sao”.

Sau thành công đó, đạo diễn Phạm Hoàng Nam tiếp tục mang đến khán giả show nghệ thuật “Vũ điệu trên mây” quy mô và độc đáo chưa từng có, lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống Tây Bắc và không gian thiền định trên đỉnh thiêng Fansipan. Nhiều chuyên gia nghiên cứu về văn hóa đã khẳng định: đây là show diễn đã góp phần không chỉ gìn giữ mà còn nâng tầm văn hóa vùng cao Tây Bắc lên một tầm cao mới.

Show diễn Vũ hội Ánh dương tại Sun World Ba Na Hills

Năm 2022, đánh dấu sự trở lại sau 2 năm dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, Sun World Ba Na Hills tiếp tục khiến khán giả ngỡ ngàng với show diễn Trận chiến ở Vương quốc Mặt trăng. Từ quy mô, phục trang, vũ đạo cho đến câu chuyện kể mà show diễn này truyền tải, nói như nhiều khán giả là: “đẳng cấp đến từng chi tiết”.

Khắp các vùng đất nơi Sun Group kiến tạo nên những công trình được thế giới ghi nhận và ngợi ca, tập đoàn này đều mang tới những dấu ấn nghệ thuật. Tất cả hầu hết không bán vé hay thu phí của khán giả, ngoại trừ một số buổi hòa nhạc của dàn nhạc Sun Symphony Orchestra (SSO) mà Sun Group bảo trợ hoạt động. Nhưng ai cũng hiểu, việc vận hành một dàn nhạc giao hưởng quy mô quốc tế, mời các nghệ sỹ lớn của thế giới tham gia biểu diễn… cho dù có bán vé thì cũng chưa ai dám tuyên bố mình có lợi nhuận cả.

Chương trình hòa nhạc Viva SSO 2022 của dàn nhạc Sun Symphony Orchestra (SSO)

Triết lý của… “người thắp sáng những cây cầu”

“Thành phố biển không… bãi tắm” là biệt danh mà nhiều người đã đặt cho Hạ Long, khi suốt 2 thập kỷ, không ai dám xuống Bãi Cháy tắm biển, bởi cứ xuống nước là ngứa vì nước thải. Năm 2014, khi đặt chân đến Quảng Ninh, việc đầu tiên mà Sun Group thực hiện tại thành phố di sản Hạ Long không phải là bắt tay ngay vào những dự án như cáp treo hay công viên, mà là cải tạo bãi tắm Bãi Cháy và thắp sáng cầu Bãi Cháy.

Tháng 07/2014, dự án cải tạo bãi tắm bắt đầu. Anh Phạm Hùng- Chủ tịch Sun Group Vùng Đông Bắc chia sẻ: “Nền đất yếu, gần như toàn bộ hệ thống nước thải nằm trên túi bùn nên việc xử lý vô cùng phức tạp. Bùn dày, lớp trên loãng nên cứ xử lý xong bùn chỗ này, chỗ khác lại trồi lên. Cứ mỗi khối cát đổ xuống, sóng nuốt sạch. 1.000 công nhân trên công trường Bãi Cháy lúc đó giống như 1.000 con dã tràng, mất công xe cát, để rồi nhìn biển mênh mông nuốt chửng công sức mình”.

“Đúng dịp 30/4/2015, bãi tắm mới được khánh thành. Cát trắng phau phau, nước trong veo. Du khách và người dân hồ hởi lắm. Chúng tôi đứng trên bờ nhìn ra mà nước mắt cứ chảy dài”, anh Phạm Hùng bồi hồi nhớ lại.

Bãi tắm Bãi Cháy, Hạ Long

Và cùng với bãi tắm Bãi Cháy, cây cầu Bãi Cháy đã được Sun Group đầu tư thắp sáng với 8.888 đèn led 16 triệu gam màu, để giờ đây, khi đến với Hạ Long, một trong những thú vui của du khách là ngắm cây cầu bừng sáng lung linh trong đêm.

Một cây cầu khác cũng đã trở thành “biểu tượng mới của thủ đô Hà Nội” khi được Sun Group thắp sáng với 16 triệu gam màu hiện đại, đó là cầu Nhật Tân. Với hệ thống ánh sáng tối tân nhất hiện có, hiệu ứng ánh sáng có thể thay đổi linh hoạt, đổi màu theo từng ngày hoặc cảm ứng với mùa, thể hiện vẻ đẹp của cây cầu dưới nhiều gam màu và sắc thái khác nhau.

Những công trình như bãi tắm Bãi Cháy, như cầu Nhật Tân hay cầu Bãi Cháy không mang doanh thu về cho đơn vị tài trợ. Những lễ hội khắp các điểm đến cũng chẳng mang lại cho nhà đầu tư tổ chức thêm lợi nhuận. Thậm chí ở những nơi mà Sun Group mới chỉ đang đầu tư dự án chứ chưa hề có công trình nào đi vào hoạt động như tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), các hoạt động lễ hội vẫn được Sun Group đồng hành tổ chức suốt nhiều tháng trời.

Câu trả lời cho những băn khoăn vì sao doanh nghiệp thấy lỗ vẫn làm ấy là: “Mỗi sự kiện được tổ chức sẽ góp phần gia tăng trải nghiệm cho điểm đến, tăng cường sức hút cho địa phương làm thay đổi tư duy trong cách tiếp cận của khách du lịch, thu hút thêm đông đảo du khách đến với điểm đến đó và cộng đồng được hưởng lợi. Song hành mỗi công trình khi được chung tay kiến tạo sẽ tạo nên biểu tượng cho điểm đến làm thay đổi diện mạo xã hội và làm đẹp vùng đất, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Lợi nhuận sẽ đến, đầu tiên là cho địa phương cùng người dân và sau đó là bản thân doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quang Huy- Chủ tịch Sun Group Vùng Thủ đô nói.

Và mượn lời đạo diễn Phạm Hoàng Nam để trả lời cho câu hỏi: “Vì sao Sun Group đầu tư làm các show trình diễn lớn hay bảo trợ cho các chương trình nghệ thuật ở khắp các điểm đến?”: “Suy cho cùng, ngoài thiên nhiên thì văn hóa mới là gốc rễ của sức hấp dẫn mà mỗi điểm đến có. Nếu chỉ chăm chăm vào tính thương mại thì không những không ra tiền mà còn lỗ. Quan trọng là hoài bão, ước mơ, tầm nhìn cao hơn về văn hóa – nghệ thuật để làm được những điều lớn lao”./.

Thu Thủy